Top 10 Bài hát hay và ý nghĩa nhất về ngày thương binh liệt sĩ 27/7

Thai Ha Nguyen 29685 1 Báo lỗi

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2023), cùng nghe lại những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng được các nhạc sỹ nổi tiếng viết về ... xem thêm...

  1. "Cỏ non thành cổ" là một ca khúc được nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác vào những ngày đầu xuân năm 1990, khi tác giả đi thâm nhập thực tế để viết về đề tài chiến tranh cùng Huy Thục, Thuận Yến, Vũ Thanh. Nhóm nhạc sĩ này đã đến Quảng Trị, nơi từng diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất tại các tỉnh khu 4 cũ. Khi đứng trên mảnh đất mà nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc, nhạc sĩ Tân Huyền ngước lên nhìn bầu trời vào xuân và có cảm giác như muốn thu hết vào tầm mắt mình khoảng trời trong xanh vời vợi ấy.


    Khi nghe nhà văn Nguyễn Quang Lập nói rằng "Anh Huyền ơi, dưới thảm cỏ này là máu xương của chiến sĩ ta đã đổ xuống trong 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ. Anh nên viết một bài hát về quá khứ chiến tranh hào hùng và khốc liệt", trong đầu của nhạc sĩ Tân Huyền bỗng bất ngờ vang lên những giai điệu đầu tiên cho ca khúc “Cỏ non thành cổ”. Ca khúc này chính là bản trường ca tái hiện lại thời kỳ chiến đấu đầy hào hùng và bi tráng của cha ông ta trong công cuộc giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Ca khúc được nhạc sĩ Tân Huyền hoàn thành trong vòng 1 tuần, và khi ông hát bài hát này, những người có mặt tại đó đều rưng rưng nước mắt.

    Bài hát Cỏ non thành cổ
    Bài hát Cỏ non thành cổ
    Bài hát Cỏ non thành cổ
    Thanh Oeny 2022-07-23 12:12:51
    Tuyệt vời ạ

  2. Cứ mỗi độ đến tháng 7, người ta lại nhắc nhiều đến một “Màu hoa đỏ”. Màu hoa ấy được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhạc sĩ Thuận Yến vẽ nên bằng những ca từ và giai điệu hết sức sâu lắng và xúc cảm. Đó là hình ảnh của người chiến sĩ từ giã mái tranh nghèo ra đi theo tiếng gọi của non sông và mãi mãi hóa thân thành “đá núi”, “mây ngàn” “bóng cây tre”… Màu hoa ấy còn là màu của chiều biên cương trắng trời sương núi, nơi có người mẹ già tóc bạc mỏi mắt chờ con…

    Bao năm qua, chiến tranh đã lùi xa, bom đạn đã nằm yên trong quá khứ… nhưng người ta vẫn không thôi ca bài ca “Màu hoa đỏ” mỗi độ tháng 7 về. Bài ca ấy như góp vào tháng 7 linh thiêng tiếng đồng vọng của những ngày đã qua. Và “màu hoa đỏ” ấy từ lâu đã không còn là màu của những người ra đi nữa mà đã hóa thành màu của cả những người ở lại.

    "Màu hoa đỏ" là bài hát được cố nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. “Màu hoa đỏ” chính là sự quật cường của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam cùng chung tay để chiến đấu lại với kẻ thù xâm lược. Bài hát vừa mang một điệu trữ tình vừa lẫn sự bi tráng, tạo cảm xúc mạnh với người nghe. Mỗi khi nghe lời bài hát “Màu hoa đỏ” cất lên, người con đất Việt lại cảm thấy trào dâng niềm tự hào dân tộc trong từng hơi thở.


    Mặc dù ca khúc ra đời trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến đế quốc Mỹ, nhưng bài hát đã mang lại một niềm tin tất thắng của cả dân tộc. “Màu hoa đỏ” chính là vầng hào quang chiến thắng mà tác giả đã mường tượng ra. Và điều đó đã thành sự thật, vào ngày 30/4/1975, miền Nam đã được giải phóng, non sông gấm vóc 3 miền nối liền một dải.

    Bài hát Màu hoa đỏ
    Bài hát Màu hoa đỏ
    Bài hát Màu hoa đỏ
  3. "Bài ca không quên" là một bài hát do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - một người lính sáng tác. Ông đã phải trải qua 15 năm nơi chiến trường khắc nghiệt, tận mắt mình chứng kiến biết bao gian khổ cùng với những người lính Việt Nam, tận mắt nhìn thấy và đào huyệt chôn những đồng đội đã anh dũng ngã xuống vì đất nước. Và đau đớn hơn, chính ông đã phải tự chôn đứa con 4 tháng tuổi của chính mình vì chiến tranh. Bởi trong 1 lần hành quân, gia đình của nhạc sĩ cùng đoàn bộ đội của quân ta đã lọt vào ổ phục kích của giặc, trong thời khắc sinh tử ấy, vì sợ tiếng khóc của đứa bé 4 tháng tuổi sẽ khiến cho giặc phát hiện ra chỗ quân ta ẩn náu, nên vợ nhạc sĩ Minh Tuấn đã ôm chặt con vào lòng. “Và khi trận càn qua đi, cả đoàn đã an toàn thì con tôi đã ngừng thở”, nhạc sĩ Minh Tuấn nghẹn ngào nhớ lại giây phút ấy. Chính vì vậy, “Bài ca không quên” ngoài giai điệu hào hùng, còn khiến cho người nghe có cảm giác bi thương – đó chính là nỗi đau của những người chứng kiến người thân của mình mất đi vì chiến tranh tàn khốc.


    Mặc dù có rất nhiều nghệ sĩ thể hiện bài hát “Bài ca không quên” nhưng có lẽ, nữ ca sĩ Cẩm Vân là người hát thành công ca khúc này nhất. Nữ danh ca kể lại rằng khi mình cất tiêng hát, đã có rất nhiều người khóc khi nghe và bản thân cô cũng rất nhiều lần không cầm được nước mắt. Bài hát thật sự đã chạm đến trái tim của người nghe về tình cảm gia đình, tình mẫu tử, đồng đội, đôi lứa và cao hơn cả là tình yêu quê hương, đất nước.

    Lời bài hát Bài ca không quên
    Lời bài hát Bài ca không quên
    Bài hát Bài ca không quên
  4. "Vết chân tròn trên cát" là một bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác vào khoảng năm 1981. Đây là một trong những bài hát viết về đề tài những người thương binh rất nổi tiếng và được nhiều người nghe yêu thích.


    Nội dung bài hát là câu chuyện về một người thương binh vừa trở về từ chiến trường. Tuy cơ thể không còn được lành lặn nhưng anh vẫn cùng đôi nạng gỗ hàng ngày đến trường làng để dạy cho các em thơ về những bài hát của quê hương...


    Năm 1981, trong một lần dạo quanh bờ biển Tiền Hải thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nhạc sĩ Trần Tiến đã bắt gặp những dấu nạng in hằn lên trên cát biển. Sau đó, ông đã dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát đó, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát khi trên đường đi bộ từ bãi biển về nhà trọ, đặt tên là "Vết chân tròn trên cát".


    "Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi

    Anh thương binh vẫn đến trường làng

    Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương

    Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời

    Bài hát có đồng lúa miên man câu hò

    Bài hát có người lính đã hy sinh rất âm thầm

    Cho hôm nay những gót chân son

    Vui quanh vết chân tròn..."

    Lời bài hát Vết chân tròn trên cát
    Lời bài hát Vết chân tròn trên cát
    Bài hát Vết chân tròn trên cát
  5. "Huyền thoại mẹ" là ca khúc kinh điển do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác. Bài hát viết về những người mẹ Việt Nam anh hùng giàu tình yêu thương và đức hi sinh. Ca khúc "Huyền thoại mẹ" được cố nhạc sĩ sáng tác khi ông đi thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình vào đầu năm 1984. Khi nhìn thấy bức ảnh chụp mẹ Suốt – người mẹ kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới làn mưa bom bão đạn, gồng mình đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã không kìm được sự xúc động. Chính điều đó đã thúc đẩy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc “Huyền thoại mẹ” với tất cả tấm lòng thành kính về những hi sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam trong thời chiến.


    Bài ca “Huyền thoại mẹ” nghe gần gũi quen thuộc mà thấm thía sâu xa. Mai sau, khi năm tháng qua đi, đời người thay đổi, những thế hệ đi sau chúng ta chỉ còn biết chiến tranh qua môn học lịch sử, khi nghe ca khúc này họ trân trọng và tôn vinh người mẹ Việt Nam với những đức tính cao đẹp, luôn chịu thương chịu khó. Bài ca là một đóa hoa thơm mà nhạc sĩ đã dâng tặng cho những người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

    Lời bài hát Huyền thoại mẹ
    Lời bài hát Huyền thoại mẹ
    Bài hát Huyền thoại mẹ
  6. "Chuyện tình thảo nguyên" cũng là một sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến viết về những người lính trong thời bình. Ca khúc “Chuyện tình thảo nguyên” ngay sau khi ra mắt đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả. Ca khúc mang đến cho người nghe một màu sắc nhẹ nhàng, tươi vui và phóng khoáng, có cảm giác như mở ra cho người nghe một chân trời mới với những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chuyện tình như thơ giữa cô gái thảo nguyên và anh chàng thương binh trở về làng quê cũ với cây đàn T'rông xưa thật sự tạo được ấn tượng đẹp trong lòng công chúng yêu nhạc khi nghe bài hát này.


    “Chuyện tình thảo nguyên” được nhạc sỹ Trần Tiến sáng tác dựa trên nguyễn câu chuyện tình cảm động giữa thương binh hạng 1/4, Trịnh Quốc Đông và vợ là bà Nguyễn Thị Lộc, nguyên là bác sĩ Viện quân y 103.


    Bài hát Chuyện tình thảo nguyên
    Bài hát Chuyện tình thảo nguyên
    Bài hát Chuyện tình thảo nguyên
  7. Ra đời từ năm 1958, cách đây đã 56 năm nhưng ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vẫn được đánh giá là một ca khúc hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người về hình ảnh nguời nữ anh hùng của lực lượng Công an nhân dân - chị Võ Thị Sáu. Không giáo huấn về sự hy sinh, không hô hào cứng nhắc, cũng không bi lụy trước cái chết, chị Võ Thị Sáu hiện lên qua những giai điệu sâu lắng và gần gũi.


    Bằng một loạt nốt luyến, tác giả đã sáng tạo nên những giai điệu thiết tha, sâu lắng, thể hiện nỗi xót thương, nghẹn ngào trước sự ra đi đầy kiêu hùng của người con gái đất đỏ: “Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng…”. Biết ơn chị Võ Thị Sáu được ví như ca khúc mặc niệm người nữ anh hùng bất khuất, can trường. Nhiều người có dịp ra viếng mộ chị Sáu, dưới bầu trời xanh Côn Đảo, trong vi vút gió hàng dương và lắng nghe giai điệu của ca khúc này, trong lòng ai cũng dâng lên một nỗi niềm xúc động rưng rưng.

    Bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu
    Bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu
    Bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu
  8. Tình ca là một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác năm 1957, theo điệu Blues. Bài hát được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu mến, nhà thơ Bảo Định Giang đã viết: "Sau hơn 40 năm, Tình ca vẫn ngân vang khắp nước".

    Năm 1954, Hoàng Việt tập kết ra Bắc còn vợ vẫn ở miền Nam. Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, gia đình ly tán, năm 1957 ông đã sáng tác Tình ca khi đang học Trường Âm nhạc Việt nam. Ngay sau khi ra đời, bài hát là "một tác phẩm thanh nhạc được dư luận đánh giá là bản tình ca hay nhất thời bấy giờ". Tuy nhiên Tình ca có số phận khá long đong. Khi ca sỹ Quốc Hương thể hiện Tình ca lần đầu tiên ở Hà Nội, một số nhạc sĩ cho rằng ca từ bài hát bi lụy, yếu đuối. Tình ca vì vậy không được tiếp tục phổ biến nữa, khi Hoàng Việt vào chiến trường miền Nam rồi hy sinh ngày 31 tháng 12 năm 1967, bài hát mới dần dần được trình diễn. Bài hát là những nỗi lòng và tâm sự của chính tác giả gửi tới người vợ thân yêu khi đất nước đang bị chia cắt, cuộc sống chiến đấu đầy gian lao vất vả.

    Bài hát Tình ca
    Bài hát Tình ca
    Bài hát Tình Ca
  9. Trong rất nhiều bài hát thành công Giai điệu tổ quốc của nhạc sỹ Trần Tiến lại khai thác ở khía cạnh khác. Tác giả không đi sâu vào tả thực những bờ tre, ruộng lúa, bãi dâu, không có một "đàn cò chở nắng lên sườn núi". Có thể nói Giai điệu tổ quốc là bài hát ca ngợi lòng yêu nước, đặc tính rất riêng của dân tộc Việt, một dân tộc suốt mấy ngàn năm lịch sử luôn phải "đứng nơi đầu sóng", chống chọi với giặc ngoại xâm. Một đất nước mà "Bốn ngàn năm đất nước gian nan, giai điệu cháy, trong tình thương nước vô vàn".


    Giai điệu tổ quốc đã nói lên cái hồn cốt của con người Việt Nam. Đau thương là vậy nhưng vượt lên trên tất cả là giai điệu rất "dịu dàng" thể hiện "trong tiếng ru hời", trong "những câu Kiều" của mẹ. Đó chính là chiều sâu văn hóa trong tâm hồn người Việt. Có lẽ suốt mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đều phải chống chọi với giặc ngoại xâm, đều là những cuộc lên đường, những cuộc chia tay. Nhưng kỳ lạ trong những cuộc tiễn đưa ấy, người mẹ, người vợ "chia tay không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ giành cho ngày gặp mặt" (Dương Hương Ly).

    Giai điệu Tổ quốc
    nổi bật là "Tôi nghe trong lời yêu nhau, tôi nghe trong lời tha thiết, phút hành quân mẹ tiễn đưa con, giai điệu nhớ giai điệu thương theo suốt con đường". Trần Tiến sáng tác bài Giai điệu tổ quốc vào những ngày đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt đằng đẵng hơn hơn 30. Khó có nơi nào trên trái đất lại có một cuộc chiến tranh dai dẵng và khốc liệt như vậy. Nhưng cuộc chiến tranh này chưa qua thì cuộc chiến tranh khác lại bắt đầu: chiến tranh Biên giới. Có lẽ hơn lúc nào hết giai điệu tổ quốc lại vang lên tha thiết và hùng tráng như những ngày này. Đó chính là "Tổ quốc mà tôi yêu mà tôi hát, lời yêu thương lời bổng cháy thàng ngày này đất nước ơi".

    Bài hát Giai điệu Tổ quốc.
    Bài hát Giai điệu Tổ quốc.
    Bài hát Giai điệu Tổ quốc.
  10. Hình tượng người chiến sĩ được nhạc sĩ Hoàng Vân xây dựng trong ca khúc Người chiến sĩ ấy - sáng tác năm 1969, khi mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã tròn một phần tư thế kỷ xây dụng, chiến đấu và trưởng thành, từ Nà Ngần, Phay Khắt đến Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là những người con của nhân dân, mang dòng máu yêu nước và khí phách hào hùng bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam, qua bao nhiêu thế hệ, lớp cha trước, lớp con sau cầm súng chiến đấu với quân thù xâm lược, giành lại Tổ quốc giang sơn.


    Người chiến sĩ ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân không viết về một người chiến sĩ cụ thể nào, nhưng chúng ta cảm thấy như đã gặp gỡ, gần gũi, thân thuộc với anh trên khắp các chiến trường và trong suôt cả quá trình đấu tranh cách mạng. Qua bài hát, chúng ta thấy được niềm lạc quan cách mạng, lòng kiêu hãnh biết bao khi được làm người chiến sĩ Quân đội nhân dân cầm súng đánh giặc, giữ nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và sự thương yêu đùm bọc của nhân dân.

    Bài hát Người chiến sỹ ấy
    Bài hát Người chiến sỹ ấy
    Bài hát Người chiến sỹ ấy




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy