Top 10 Cung đèo tuyệt đẹp nhưng hiểm trở nhất Việt Nam

Nhuận Hạnh 209 1 Báo lỗi

Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với phần lớn diện tích là địa hình đồi núi (chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ), phần lớn diện tích chủ yếu là đồi núi thấp, đồng ... xem thêm...

  1. Đèo Ô Quy Hồ hay Đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh. Do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, tuy nhiên du khách đến Tây Bắc Việt Nam thường biết đến đèo dưới tên Ô Quy Hồ. Tương truyền ở vùng núi này, trước hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao hơn 2073m này.


    Vẻ đẹp của đèo Ô Quý Hồ luôn luôn biến ảo, bên phía Lào Cai thì mù sương, bên phía Lai Châu thì nắng ấm, mùa đông thì có băng tuyết, mùa hạ thường có mây bao phủ bồng bềnh, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách du lịch Sapa trong và ngoài nước. Từ đỉnh đèo ngày đẹp trời du khách có cơ hội ngắm toàn cảnh con đường ô tô vượt đèo chạy qua rừng núi hùng vĩ để sang Bình Lư hay về Du Lịch SaPa. Gặp hôm trời nắng đẹp còn được ngắm nhìn vẻ kiêu hùng của đỉnh núi Fansipan từ hướng Lai Châu. Còn mùa đông giá lạnh, có những ngày dưới 0°C, phong cảnh đèo Ô Quý Hồ đẹp lạ lùng, ít nơi nào có được bởi tuyết bay trắng rừng.


    Đèo Ô Quý Hồ chạy men sườn dãy Hoàng Liên, nơi được coi là con đường cao nhất Việt Nam dài hun hút, lẩn khuất trong những vách núi, thoắt ẩn thoắt hiện, phong cảnh núi rừng hùng vĩ và ấn tượng. Vào những ngày trời trong, ít mây, bạn ngắm được những chiếc ô tô từ từ lên dốc nhỏ xíu, được ngắm nhìn những bản làng xa xa từ phía Lai Châu, những dãy núi nhấp nhô trập trùng trông như những bức tranh thủy mặc và tất nhiên, có thể có cả đỉnh Fansipan cao ngạo giữa trời mây... Hãy chinh phục để có những trải nghiệm bất ngờ về một cung đèo hiểm trở và hùng vĩ số 1 Việt Nam.


    Đèo Ô Quý Hồ
    Đèo Ô Quý Hồ
    Đèo Ô Quý Hồ
    Đèo Ô Quý Hồ

  2. Đèo Pha Đin nằm trên đường từ Hà Nội lên Điện Biên, ở ranh giới giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên. Với độ cao trên 1000m, khi lên dốc, lúc xuống dốc, con đường ngoằn ngoèo chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, lại nhiều cua tay áo hiểm trở. Vượt đèo Pha Đin là một hành trình thú vị cho du khách trên vùng núi non hùng vĩ. Từ lưng chừng lên đến đỉnh đèo, những áng mây bồng bềnh, trắng xóa ôm lấy Pha Đin tạo cảm giác như chốn bồng lai tiên cảnh. Dài 32 km, đèo Pha Đin hay dốc Pha Đin là nơi nối liền biên giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Nằm trên quốc lộ 6, một phần đèo thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.


    Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Có những đoạn đường trên đèo kín sương mù. Trên đỉnh Pha Đin, du khách sẽ có cảm giác người và xe đứng trên mây bồng bềnh, phiêu lãng. Nhưng chỉ khoảng 8h30 - 9h là sương sẽ tan hết. Pha Đin được mệnh danh là một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Mã Pí Lèng. Bản làng dưới thung lũng bình yên, thơ mộng. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một. Đèo có điểm cao nhất là 1.648 m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đèo ngoằn ngoèo với những cung đường cua hết sức nguy hiểm, cùng vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z... Bên cạnh đó là khung cảnh thanh bình của những cánh đồng ngô lá xanh rì, lúa cũng ngả dần sang màu vàng óng.

    Đèo Pha Đin
    Đèo Pha Đin
    Đèo Pha Đin
    Đèo Pha Đin
  3. Được đánh giá là một trong 'tứ đại đỉnh đèo' ở vùng núi phía bắc Việt Nam, đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài chừng 20 km. Từ đỉnh đèo, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cao nguyên đá Đồng văn. Đây là cung đèo nối giữa hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc - Hà Giang, được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Đỉnh Mã Pí Lèng nằm ở độ cao 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối TP Hà Giang với các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, con đường được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước.


    Từ trên đỉnh Mã Pí Lèng, khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích, phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp, khiến nhiều du khách phải quay lại nơi này để được ngắm nhìn thêm ít nhất một lần nữa trong đời. Để đến được đỉnh đèo Mã Pí Lèng, du khách phải vượt qua cung đường hiểm trở bậc nhất trong "tứ đại đỉnh đèo" thuộc các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam. Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam.


    Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Mã Pí Lèng được xem là cung đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Trong kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ đó, hẻm vực Tu Sản là cao và sâu nhất Việt Nam.

    Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.
    Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.
    Mã Pí Lèng
    Mã Pí Lèng
  4. Được ví như “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, đèo Hải Vân nằm trên dãy núi Bạch Mã và là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Có chiều dài 21km, đỉnh cao nhất cao tới gần 500m và là cung đèo nổi tiếng hiểm trở bậc nhất, trước đây khi chưa có hầm đường bộ xuyên đèo, đèo Hải Vân luôn tấp nập những dòng xe cộ đi lại. Ngày nay, đèo Hải Vân lại mang vẻ đẹp lặng lẽ và nên thơ, luôn chào đón những chuyến khám phá bất ngờ của nhiều du khách ưa thích những trải nghiệm mới lạ. Mặc dù có địa hình hiểm trở, chênh vênh với những con dốc cheo leo, khúc khuỷu bên núi cao vực thẳm nhưng bất cứ du khách nào có dịp đặt chân lên đây đều vô cùng thu hút bởi vẻ đẹp của một trong những cung đường đèo đẹp nhất thế giới


    Từ đỉnh đèo, phóng mắt về phía nam, thành phố Đà Nẵng hiện đại như nhỏ lại và bạn có thể thưởng ngoạn phong cảnh biển cả mênh mông đẹp như tranh vẽ của Cù Lao Chàm, Bán đảo Sơn Trà thu gọn trong tầm mắt. Trong khi đó, quay về hướng Bắc, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cả Vịnh Lăng Cô và đầm Lập An xanh mát bình yên. Tất cả những vẻ đẹp ấy đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên làm say mê lòng người. Khi hoàng hôn buông xuống, bầu trời chuyển dần từ màu xanh sang hồng cam rực rỡ là lúc lý tưởng nhất để du khách thư thái ngắm nhìn cảnh thành phố Đà Nẵng hoặc vịnh Lăng Cô trong chiều hoang hồn, lập lờ những áng mây trôi trong không gian huyền ảo. Đèo Hải Vân với những khúc cua đầy thách thức và với vẻ đẹp hùng vĩ làm say lòng người sẽ luôn là một trong những địa điểm không thể bỏ qua với bất kì du khách ưa khám phá và mạo hiểm.

    Đèo Hải Vân
    Đèo Hải Vân
    Đèo Hải Vân
    Đèo Hải Vân
  5. Cung đường đèo nổi tiếng này chắc hẳn không còn lạ lẫm với những ai yêu thành phố ngàn hoa nơi đây. Đèo Prenn uốn lượn, quanh co qua những dãy núi cao của tỉnh Lâm Đồng, cũng đường này kéo dài chừng 11 km. Từ đây đi khoảng 10 km bạn sẽ đến được khu trung tâm thành phố Đà Lạt. Tên gọi đèo Prenn cũng gây rất nhiều sự tò mò với những ai từng nghe hay đi qua cung đường này. Từ Prenn bắt nguồn trong tiếng Chăm, mang nghĩa là xâm chiếm. Theo người dân nơi đây cho biết, do cung đường này có đi qua một ngọn thác cũng rất nổi tiếng ở Đà Lạt có tên thác Prenn, nên cung đường đèo này cũng được đặt theo tên gọi của ngọn thác đó. Đây là cung đường đèo khá hiểm trở, khúc khuỷu cũng giốn như nhiều cung đường đèo khác vùng Tây Bắc, đèo Prenn Đà Lạt có độ dốc không quá cao, nên khi đi qua đây bạn sẽ không phải quá lo lắng vì chuyện đó. Các khúc cua trên đường cũng khá gấp nên đèo Prenn được xem là một trong những đèo hiểm trở của Việt Nam.


    Độc đáo ngay từ trong tên gọi, đến với đèo Prenn bạn sẽ có thêm rất nhiều trải nghiệm thú vị. Trong suốt hành trình vượt đèo bạn sẽ được khám phá rất nhiều địa danh cũng như có thêm những trải nghiệm vô cùng lý thú. Cung đường này băng qua thác Prenn, một trong các địa điểm du lịch ở Đà Lạt nên bạn có thể dừng lại thăm thú và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác. Nơi có dòng nước lớn ồ ạt đổ từ trên cao xuống, như một dải lụa mềm trắng xóa giữa núi rừng đại ngàn. Đứng trước vẻ đẹp đó, không ít người phải trầm trồ kinh ngạc bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú mà tạo hóa đã ban cho nơi này. Nếu bạn là người yêu thích khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ thì cảm giác cầm lái, ôm cua qua những cung đường uốn lượn nơi đây sẽ là những trải nghiệm đem lại sự thích thú và phấn khích tột cùng. Nhưng dù thế nào đi nữa thì bạn cũng nên kiểm soát tốc độ, để đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi nhé.

    Đèo Prenn
    Đèo Prenn
    Đèo Prenn
    Đèo Prenn
  6. Khau Phạ là một con đèo cực kỳ quanh co hiểm trở với những vách núi dựng đứng chênh vênh thuộc địa phận của tỉnh Yên Bái. Khau Phạ cũng là điểm phân chia ranh giới giữa huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải. Nằm ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Đèo vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải. Tên gọi của đỉnh núi này trong ngôn ngữ của dân tộc Thái nghĩa là "Sừng Trời" (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), do các chóp núi thường nhô lên giữa biển mây bao quanh như một chiếc sừng.


    Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H’Mông, Thái. Vượt qua vùng đèo heo hút gió và mịt mùng sương phủ, lên cao gần năm chục km nữa mới thấy thị trấn Mù Căng Chải. Từ thị trấn Mù Cang Chải đi tiếp chừng 40 km đường núi nữa là sang đất Than Uyên (Lai Châu), hoặc theo chân những cô gái H’Mông đi ít nhất thêm chục km nữa mới tìm đến được những bản làng người H’Mông sinh sống. Đường đèo Khau Phạ có đến hai phần ba là đường cấp phối, gập ghềnh đá sỏi, chỉ đoạn đi qua Tú Lệ mới được làm đẹp hơn đôi chút. Trong suốt chiều dài của đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm cho cánh lái xe vì con đèo không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào.


    Thời tiết ở Khau Phạ mát mẻ quanh năm như cao nguyên Đà Lạt. Một ngày ở Khau Phạ có tới 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Khau Phạ thường xuyên mịt mù mây phủ và có năm trời quá lạnh, băng tuyết phủ kín trên đỉnh đèo.Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng mờ ảo trong sương sớm. Ngoài ra vào mùa nước đổ khoảng tháng 5 tháng 6, đèo Khau Phạ cũng làm say lòng người không kém. Khung cảnh hiện ra là màu nâu của đất, màu loang loáng của nước cùng ánh mặt trời, màu xanh của mạ non… đan xen tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Khau Phạ.

    Đèo Khau phạ - Yên Bái
    Đèo Khau phạ - Yên Bái
    Đèo Khau phạ - Yên Bái
    Đèo Khau phạ - Yên Bái
  7. Đèo Bắc Sum hay còn gọi là Dốc Bắc Sum bắt đầu từ xã Minh Tân (Vị Xuyên) lên xã Quyết Tiến (Quản Bạ) được nhiều người ví như đèo Pha Đin của Hà Giang. Con đường ngoằn ngoèo như rắn uốn khúc đưa ta đến một miền đất đặc biệt của Hà Giang, vùng đá với khí hậu khác biệt, lạnh hơn dù chỉ cách nhau vài cây số. Từ đây nhìn xuống phía dưới là một con đường nhỏ uốn lượn, lúc thì trong mây, lúc trong nắng. Con đường ngoằn ngoèo như rắn uốn khúc đưa ta đến một miền đất đặc biệt của Hà Giang, vùng đá với khí hậu khác biệt, lạnh hơn dù chỉ cách nhau vài cây số. Từ đây nhìn xuống phía dưới là một con đường nhỏ uốn lượn, lúc thì trong mây, lúc trong nắng. Càng lên cao trên con dốc Bắc Sum ấy đến khi dừng lại nghỉ, nhìn xuống dưới đoạn đường đã vượt qua, lúc này ta mới lại choáng ngợp bởi con đường khi nhìn từ trên cao xuống lại có thể uốn mình qua núi đẹp đến như vậy, lấp ló khi thì trong mây, lúc thì trong nắng… đẹp tuyệt vời và tự nhủ cũng đáng lắm với vài cây số cùng sự nhọc nhằn vượt được độ cao như thế.

    Đi tới đoạn đường Cán Tỷ trên bờ sông Miên, ta lại có thể thấy những lỗ chỗ vết đá đâm xuống mặt đường, đây là hệ quả của loại đá mồ côi - một loại đá chỉ có ở trên cao nguyên đá lăn từ trên núi xuống mặt đường nhựa cả một đoạn dài. Đến đoạn đường cua hình chữ M giữa núi đá ở Yên Minh hiểm trở ấy sẽ tạo ra những cảm xúc không hề nhỏ cho những du khách mới qua đây ấn tượng bởi ý nghĩa con đường hình thành từ những lởm chởm đá xám như mỗi con người khi sống ở nơi khắc nghiệt như đá cũng cần biết uốn mình, kiềm chế để lượn vòng qua những khó khăn vất vả của cuộc sống. Qua dốc Bắc Sum, con đường vắt núi đá ở đầu thị trấn Tam Sơn hướng con mắt du khách vào cặp núi đầy gợi cảm. Chẳng cần phải viết thêm 2 chữ “Núi Đôi” ở dưới chân cặp núi này mọi người cũng đều biết đó là Núi Đôi rồi. Từ đoạn đường này, không biết bao nhiêu tay lái đã loạng choạng vì mải đuổi theo suy tưởng, sao thiên nhiên lại căng tròn đến vậy.

    Đèo Bắc Sum - Hà Giang
    Đèo Bắc Sum - Hà Giang
    Đèo Bắc Sum
    Đèo Bắc Sum
  8. Đèo Sa Mù dài 19,8km nối hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị uốn quanh co, mây phủ trắng xóa. Từ thị trấn Khe Sanh đi theo đường Hồ Chí Minh khoảng 35km về hướng Quảng Bình, bạn sẽ đến chân đèo Sa Mù. Đây là con đèo hiểm trở vào loại bậc nhất miền tây tỉnh Quảng Trị, cao gần 1.400m so với mặt nước biển giáp biên giới Việt Lào. Đèo Sa Mù được xếp vào danh sách những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, bên cạnh những cái tên như: Mã Pì Lèng, Pha Đin, Hải Vân... bởi con đèo này có nhiều dốc đứng, quanh co, vô cùng hiểm trở. Tuy vậy, đây vẫn là lựa chọn của nhiều người yêu thích du lịch khám phá.


    Thuở ban đầu, đường lên đỉnh đèo Sa Mù trước nay chưa hề có dấu chân người. Đêm đến, ngoài tiếng vượn hú còn có cả tiếng voi rống hổ gầm... Cũng chính vì vậy, việc di chuyển vô cùng khó khăn khi người dân, bộ đội trong chiến tranh chống Mỹ. Ngày nay, đèo Sa Mù trở thành một trong những địa điểm du lịch được nhiều phượt thủ đặc biệt yêu thích. Màu trắng của mây, màu xanh của cây lá, màu đỏ của đất… tất cả tổng hòa tạo nên một bức tranh thiên nhiên không còn đẹp hơn được nữa.


    Nằm ở khu vực phía Tây Bắc, đèo Sa Mù Quảng Trị dường như là một thế giới khác hoàn toàn của miền đất đầy nắng và gió anh hùng này. Xung quanh được bao bọc bởi dãy Trường Sơn với những đồi cây xanh ngút ngàn và đặc biệt là những đám mây trắng lững lờ trôi. Nếu không nói thì hiếm ai có thể nghĩ khung cảnh như vậy lại xuất hiện ở trên quê hương khô cằn nắng cháy này. Khí hậu ở nơi đây quanh năm luôn mát mẻ, buổi sáng sớm chạy xe lên đây bạn sẽ ngỡ như mình đang lạc vào khung cảnh cổ tích không kém gì xứ mây Tà Xùa hay Sapa. Nhưng chớ vội, khoảnh khắc đẹp nhất còn chờ đợi phía sau, khi ánh nắng le lói của ngày mới hiện lên, từng đám mây tản bớt chỉ còn ngang lưng chừng núi. Vắt vẻo trên từng ngọn cây, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh mây nghìn trùng.

    Đèo Sa Mù - Quảng Trị
    Đèo Sa Mù - Quảng Trị
    Đèo Sa Mù - Quảng Trị
    Đèo Sa Mù - Quảng Trị
  9. Đèo Phượng Hoàng dài khoảng 12km, thuộc địa phận huyện M'Drăk và là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk. Cung đèo này là một thắng cảnh đẹp của thiên nhiên, nơi một thời Yersin đi qua tìm ra địa danh Đà Lạt, nơi vẫn còn mãi chiến công vang dội, với những dải núi đẹp. Chính vì thế, đèo Phượng Hoàng như cánh chim tung trời sải cánh giữa đại ngàn. Đèo Phượng Hoàng là địa danh một thời từng được ví là đèo tử thần vì vị trí địa lý cũng như những nguy hiểm luôn rình rập lữ khách đi ngang nơi này. Không chỉ là đường núi quanh co, gấp khúc, “cánh chim” Phượng Hoàng này đã từng một thời là hang ổ của quân phỉ người Tây Nguyên khiến bao người phải e dè. Tuy nhiên hiện tại, con đèo đã được mở rộng, cảnh đẹp, thu hút nhiều tay phượt muốn ngắm nhìn vẻ đẹp hoang dã nơi đây.


    Đèo Phượng Hoàng thử thách cánh lái xe bằng những khúc cua tay áo khúc khuỷu, chỉ cần sơ sẩy là có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, cái cảm giác leo đèo và nhìn ngắm đoạn đường đã qua như con chim phượng hoàng sải cánh xinh đẹp uốn lượn theo sườn núi khiến cho cảm giác e dè cũng phải nhường chỗ cho sự phấn khích. Trên cung đèo này, bạn có thể ngắm cảnh đẹp tựa một bức tranh kỳ vĩ của núi rừng. Và những khúc đường quanh co cùng các ngọn núi ở đèo Phượng Hoàng làm cho ta thấy gần gũi với thiên nhiên hơn. Cung đèo Phượng Hoàng với khung cảnh núi rừng hùng vĩ nối miền duyên hải với Đắk Lắk đại ngàn. Núi rừng đại ngàn chào gọi lữ khách bằng những con thác vĩ đại, tiếng suối reo vui hòa cùng cây cối. Qua cung đèo Phượng Hoàng, những tay lái vững vàng như lạc vào trong tiếng gọi của đại ngàn của những thác nước, của bản làng ấy.

    Đèo Phượng Hoàng - Đắk Lắk
    Đèo Phượng Hoàng - Đắk Lắk
    Đèo Phượng Hoàng - Đắk Lắk
    Đèo Phượng Hoàng - Đắk Lắk
  10. ĐèoCon đèo này cao khoảng 333 m, có chiều dài khoảng 12 km, trước kia đi qua đèo bạn phải vượt qua những đỉnh dốc treo leo, những đoạn đường hiểm trở để sang sườn bên kia. Nay việc di chuyển đi lại đã thuận tiện hơn nhờ có hầm đường bộ thông qua đèo, tổng chiều dài đường dẫn và hầm chính dài khoảng 13,5 km. Quy mô của hầm đèo Cả chỉ sau hầm Hải Vân. Trong lịch sử nơi đây từng là ranh giới giữa nước Đại Việt và Chiêm Thành, khi vua Lê tiến vào Nam đã phải dừng chân tại Đèo Cả vì địa hình hiểm trở không cho phép đi tiếp. Ông dựng một cứ địa nhở tại Phú Yên đặt tên là Hoa Anh. Trong suốt thời gian từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16 nơi đây là ranh giới điểm nóng xảy ra nhiều cuộc giao tranh giữa quân Đại Việt và Chiêm Thành.


    Khí hậu đèo Cả thuận lợi cho nhiều loài cây cối phát triển, rừng núi xanh tươi không khí trong lành. Hệ thực vật nơi đây phong phú và đa dạng, đây còn là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật như Tê Tê, gấu ngựa, báo hoa, nhím, khỉ, trĩ sao … trong đó có những loài đặc thù chỉ sinh sống ở vùng này. Rừng có nhiều loài gỗ quý như sao, chò, dầu, kền kền, trầm, cà ná … tạo nên khung cảnh nguyên sinh đạm chất. Đứng trên đỉnh đèo Cả bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ra một khoảng trời rộng lớn. Một bức tranh sơn thủy hữu tình hiện lên từ đồng bằng đến núi rừng, phía xa xăm là biển cả mênh mông.

    Đèo Cả
    Đèo Cả
    Đèo Cả
    Đèo Cả




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy