Top 12 Địa điểm du lịch tại tỉnh Điện Biên

Sung Minh 500 1 Báo lỗi

Tỉnh Điện Biên nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 500km. Đến với Điện Biên là bạn được đến với những trang sử hào hùng của dân tộc, đến với ... xem thêm...

  1. Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ bao gồm bảo tàng và tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; đồi A1, C1, C2, D1; nghĩa trang liệt sỹ đồi A1; hầm tướng Đờ Cát; cầu và sân bay Mường Thanh; cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam; sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ… Đến khu di tích này bạn sẽ như trở về với những năm tháng của cuộc chiến tranh chống Pháp cứu nước hào hùng.


    Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bê-tông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Đồng thời khi lên đến tượng các bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng toàn thành phố Điện Biên, bởi tượng được đặt trên đồi D1.


    Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1 có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Không gian nghĩa trang rất yên tĩnh, không khí trong lành, môi trường xanh, sạch, đẹp.


    Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên không thay đổi. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20 m và rộng 8 m bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc.

    Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
    Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
    Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1
    Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1

  2. Hồ Pá Khoang được ví như là một viên ngọc bích điểm xuyết cho thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, là một địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi đến với Điện Biên. Hồ Pá Khoang thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nằm cách thành phố Điên Biên Phủ gần 20 km. Pá Khoáng trong ngôn ngữ của dân tộc Thái có nghĩa là "rừng trúc". Hồ Pá Khoang có hệ động thực vật vô cùng phong phú và cảnh vật nên thơ, với hồ nước trong xanh nằm cạnh những cánh rừng bạt ngàn hun hút. Đến với Hồ Pá Khoang bạn sẽ được trải nghiệm vô vàn các hoạt động thú vị như đi thuyền trên hồ, cắm trại, pinic trên bờ hồ, lễ hội hoa anh đào Phá Khoang...


    Vào mùa đông, Hồ Pá Khoang được sương mờ buông phủ tạo một phong cảnh huyền ảo, thấp thoáng nơi xa là những dãy núi trập trùng, những nếp nhà xinh xắn. Mùa hè không khí nơi đây thật dễ chịu với những luồng gió nam mát dịu. Tất cả tạo nên một khung cảnh êm đềm, thơ mộng, một thắng cảnh quyến rũ lòng người. Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ Mú – là những dân tộc vẫn còn giữ được các phong tục tập quán đặc trưng của vùng Tây Bắc.

    Hồ Pá Khoang
    Hồ Pá Khoang
    Hoa anh đào giữa lòng Hồ Pá Khoang
    Hoa anh đào giữa lòng Hồ Pá Khoang
  3. Suối khoáng nóng Hua Pe nằm ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 5 km về phía Tây Bắc. Suối khoáng nóng Hua Pe được bao quanh bởi núi rừng tạo nên một khung cảnh hùng vĩ, tươi đẹp mà chỉ riêng nơi đây mới có. Bên cạnh đó, nước suối ở đây lúc nào cũng có nhiệt độ khoảng 60 độ C cùng nhiều khoáng chất quý giá, nước khoáng nóng tại Hua Pe đã được Viện Y Học kiểm nghiệm và cho thấy độ an toàn cao, rất tốt cho cơ thể con người, chính điều này đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng và chữa bệnh.


    Bạn hãy thử một lần tắm nước khoáng nóng ở Hua Pe, bạn sẽ thấy được sự khác biệt so với những nơi khác. Từ đâu đó trong lòng núi, những dòng nước nóng quanh năm chảy ra, đổ vào suối Nậm Pe, Hua Pe. Người ta bảo rằng, suối nước nóng thì có nhiều, nhưng để uống được thì chỉ có nước khoáng ở Hua Pe. Suối khoáng nóng Hua Pe gồm 1 bể chứa nước, 2 bể bơi lớn và các bể bơi đôi cùng nhiều công trình dịch vụ khác.

    Suối khoáng nóng Hua Pe
    Suối khoáng nóng Hua Pe
    Tận hưởng tại suối khoáng nóng Hua Pe
    Tận hưởng tại suối khoáng nóng Hua Pe
  4. Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên tọa lạc tại quốc lộ 279, phố 3, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng này được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích 22.000m2 và chính thức mở cửa đón khách vào ngày 5/5/2014 sau 19 tháng thi công. Đây là nơi trưng bày tượng, bản đồ và các chứng tích của trận đánh Điện Biên Phủ hào hùng.


    Đến nay, bảo tàng có 5 khu trưng bày với 274 hiện vật và 122 bức tranh. Lộ trình tham quan bảo tàng gồm không gian chung với 5 chủ đề: Sơ lược cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược; Chiến dịch Điện Biên Phủ (âm mưu của Thực dân Pháp, chủ trương của ta, diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ); Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và thế giới; Sự giúp đỡ của nhân dân thế giới trong chiến dịch Điện Biên Phủ và Tôn vinh. Hiện nay, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên đón hàng trăm lượt khách tham quan mỗi ngày và trở thành địa điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh Điện Biên.

    Bảo tàng chiến thắng Điện Biên
    Bảo tàng chiến thắng Điện Biên
    Hiện vật tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên
    Hiện vật tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên
  5. Đứng đầu trong bốn cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc theo lời truyền khẩu “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào. Dù đi bằng cách nào thì khi đến với Mường Thanh, bạn cũng sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng vẻ trù phú của nơi đây.


    Đến với Điện Biên không chỉ có những di tích lịch sử mà còn có những cảnh đẹp tự nhiên hấp dẫn. Không quá bạt ngàn, bát ngát như cánh đồng ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng cánh đồng Mường Thanh vẫn có những nét riêng khiến cho bạn cảm thấy thích thú. Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa.


    Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút mắt, nhưng vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng lúa bốn bề núi bọc cũng chẳng hề xen lẫn.

    Cánh đồng Mường Thanh.
    Cánh đồng Mường Thanh.
    Cánh đồng Mường Thanh mùa lúa chín
    Cánh đồng Mường Thanh mùa lúa chín
  6. Một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, Pha Đin là con đèo có tên gọi xuất xứ từ tiếng Thái. Cái tên Pha Đin, trong đó Pha nghĩa là "trời", Đin là "đất”, hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Đèo Pha Đin còn được gọi là Dốc Pha Đin, là nơi nối liền biên giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Tương truyền rằng trước đây người Lai Châu và Sơn La cũ tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng cách cho đua ngựa vượt dốc Pha Đin, người và ngựa của người Lai Châu phi nhanh hơn một chút nên phần đèo thuộc về tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) cũng dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.


    Đèo Pha Đin có địa thế rất hiểm trở, chênh vênh giữa một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Chính vì vậy, khung cảnh trên đèo Pha Đin cũng trở nên hùng vĩ hơn bao giờ hết với những lớp núi nối tiếp nhau trải dài đến bất tận.

    Đèo Pha Đin
    Đèo Pha Đin
    Đèo Pha Đin
    Đèo Pha Đin
  7. A Pa Chải là điểm cực Tây trên đất liền của Việt Nam, vùng giáp biên 2 nước Trung Quốc và Lào thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Nơi này được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy”. Nằm ở độ cao 1.864 m so với mực nước biển, nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác. A Pa Chải còn là địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, nằm trên đỉnh núi Khoang La San thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.


    Đã đến với Điện Biên thì không thể không ghé thăm điểm cực Tây của Tổ quốc phải không nào? Với địa hình cao, đứng từ trên đỉnh A Pa Chải phóng tầm mắt ra xa bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp ở trước mắt với trùng trùng, điệp điệp những dãy núi nhấp nhô. Một khung cảnh thực sự ấn tượng với những ai yêu mến sự hùng vĩ của thiên nhiên. Không khí ở A Pa Chải trong lành, mát mẻ. Bạn hãy một lần ghe qua nơi đây để tự mình cảm nhận nhé.

    Cột mốc Ngã ba biên giới A Pa Chải
    Cột mốc Ngã ba biên giới A Pa Chải
    Cực Tây A Pa Chải
    Cực Tây A Pa Chải
  8. Cầu Mường Thanh - hay còn gọi là cầu “Prenley”, là cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, do người Pháp xây dựng sau cuộc nhảy dù chiếm đóng ở Điện Biên Phủ. Cây cầu nằm ở địa điểm cách ngã ba đường 279 hiện nay khoảng 300 m. Cây cầu là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.


    Toàn bộ cây cầu dài 40m, rộng 5m. Hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn. Do cây cầu có vị trí quan trọng trong sự liên lạc từ sở chỉ huy trung tâm với các cụm cứ điểm trên dãy đồi phía Đông và Đông Bắc của quân Pháp trong cứ điểm Điện Biên Phủ nên xung quanh cầu Mường Thanh được bố trí nhiều cứ điểm bảo vệ.


    Bạn có thể ghé thăm để tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của cây cầu và nắm thêm được nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta.

    Cầu Mường Thanh - cây cầu chứng nhân lịch sử
    Cầu Mường Thanh - cây cầu chứng nhân lịch sử
    Cầu Mường Thanh
    Cầu Mường Thanh
  9. Nằm nép mình giữa bạt ngàn núi đồi và ruộng nương, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 khoảng 6 km về phía Bắc, bạn sẽ đến bản Mển. Nhìn từ xa, bản Mển đẹp như một bức tranh với lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái đen.


    Không chỉ hấp dẫn du khách bởi khung cảnh tuyệt đẹp, bản Mển còn có không khí trong lành, mát mẻ và môi trường xanh, sạch và đẹp. Bản có hơn 140 hộ dân với hơn 587 nhân khẩu, đều là người dân tộc Thái đen. Đồng bào Thái đen ở đây sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi và dệt, thêu thổ cẩm truyền thống.


    Đến với bản Mển, ngoài dịp chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đặc trưng vùng Tây Bắc, bạn còn có cơ hội trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản như: chế biến các món ẩm thực truyền thống (rượu cần, cơm lam, cá suối nướng, măng đắng, thịt trâu luộc chấm chẩm chéo); chăm sóc gia súc, gia cầm; lên rừng lấy củi; xuống suối bắt cá; dệt, thêu thổ cẩm hay tham gia các hoạt động văn nghệ (hát dân ca Thái, múa xòe, múa quạt, nhảy sạp, thổi sáo pí pặp, pí ỏ).

    Cô gái Thái tại bản Mển
    Cô gái Thái tại bản Mển
    Nhà sàn ở Bản Mển
    Nhà sàn ở Bản Mển
  10. Khu du lịch U Va thuộc xã Noọng Luống, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15km về phía Tây Nam. U Va có địa thế núi non trùng điệp, tổng diện tích trên 73.000m2 với dòng suối khoáng nóng tự nhiên, nhiệt độ trung bình từ 76 - 84 độ C.


    Suối khoáng nóng có tên là “UVa” được bắt nguồn từ phiên âm chữ “Ú Vá” của người dân địa phương xã Noọng Luống. Trong đó, Ú được dịch là bà; Vá có nghĩa là cái nôi. Theo truyền thuyết, suối khoáng nóng này chính là một bà tiên nằm trên một cái nôi đẹp. Phong cảnh U Va trên là đồi núi, dưới là sông, suối, hồ. Trước năm 2002, toàn bộ khu vực xã Noọng Luống – nơi có dòng suối khoáng nóng U Va chảy qua là một bãi cỏ. Sau khi khảo sát, tỉnh Điện Biên đã tận dụng nguồn suối nước khoáng thiên nhiên, đưa lên khu vực trên đồi cao


    Khi tới với Uva bạn có thể bơi lội và câu cá trong những khu nhà chòi riêng biệt. Kèm với đó là các dịch vụ thú vị như: đánh cầu lông, chơi tenis, đi du thuyền tới suối khoáng nóng và thưởng thức văn nghệ múa xòe, hát dân ca do đồng bào dân tộc Thái và H’Mông biểu diễn. Suối khoáng nóng UVa đã tạo ra một khu vui chơi, giải trí cho nhân dân, đồng bào các dân tộc địa phương vào những ngày lễ tết, ngày nghỉ. Mặt khác, đây còn là điểm du lịch đón khách trong và ngoài nước cũng như các nước láng giềng tiếp giáp với tỉnh Điện Biên. Tắm suối khoáng nóng UVa có thể chữa được các bệnh ngoài da, tiêu hóa và làm cho khí huyết lưu thông.

    Suối nước nóng U Va
    Suối nước nóng U Va
    Suối nước nóng U Va
  11. Từ thành phố Điện Biên Phủ xuôi về hồ Pá Khoang khoảng 20km, ngồi ca nô thêm 10 phút nữa là đến Vườn anh đào Mường Phăng. Từ đằng xa, du khách có thể nhìn được cả một vùng anh đào nở rộ. Hàng ngàn gốc đào (trong đó có hơn 50 gốc đào lớn giống Higan Sakura) đang khoe sắc thắm làm say lòng người lữ khách.


    Không có một nơi nào trên dải đất hình chữ S, du khách có thể ngắm nhìn vườn hoa đẹp mê hồn như vậy. Mảnh đất Mường Phăng chính là thiên đường cho các loài hoa xứ xở ôn đới, nơi hội tụ đầy đủ các thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu tốt để tạo ra vườn hoa anh đào đẹp say đắm lòng người.


    Khi gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa sẽ bay bay trong gió, chỉ cần đưa bàn tay lên là có thể hứng trọn những cánh hoa bé nhỏ, mềm mại kia. Lúc ấy, du khách có thể thỏa mái quay phim, chụp ảnh “sống ảo” giữa cảnh đẹp hiếm có này. Kinh nghiệm thăm quan vườn anh đào Mường Phăng là du du khách nên chuẩn bị máy ảnh hoặc điện thoại chụp hình đẹp, đừng quên chuẩn bị trang phục thật đẹp để có những bức hình đẹp nhất.

    Vườn Anh Đào Mường Phăng là địa điểm lý tưởng để có những bức hình đẹp
    Vườn Anh Đào Mường Phăng là địa điểm lý tưởng để có những bức hình đẹp
    Những chùm anh đào khoe sắc
    Những chùm anh đào khoe sắc
  12. Đến Điện Biên, bạn không nên bỏ qua một điểm du lịch mang đậm sắc màu vùng cao, đó là những buổi chợ phiên. Tại các phiên chợ ở huyện Tủa Chùa, du khách sẽ không gặp cảnh mời chào, chèo kéo mua hàng, mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ. Họ đến chợ ngoài mục đích mua bán còn là để vui với chợ, vui với khách đi chợ.


    Tủa Chùa có 3 chợ chính: Mường Báng, Xá Nhè, Tả Sìn Thàng. Trong không khí nhộn nhịp chợ phiên, chẳng biết tự bao giờ các đôi trai gái đã tìm thấy nhau. Họ đã dùng khèn lá, khèn môi, tiếng sáo gửi tình cảm, thả lời tỏ tình, làm quen với nhau. Họ tặng cho nhau những chiếc vòng tay, chiếc gương làm tin. Từ những buổi gặp ở chợ xuân này đã có biết bao chàng trai, cô gái thành vợ, thành chồng.


    Đến với các phiên chợ vùng cao ở Điện Biên, bạn có thể thưởng thức các món thắng cố, xôi nếp nương, thịt nướng, cá nướng, bánh dày...; đắm mình trong các nghi thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các làn điệu dân ca dân vũ của dân tộc tại đây. Ngoài ra bạn còn được chiêm ngưỡng nhiều công cụ sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc tại đây và nhiều nhạc cụ dân tộc khác. Đến với chợ phiên vùng cao ở Điện Biên, bạn sẽ cảm nhận được "Điện Biên không chỉ đẹp mà con người nơi đây cũng thân thiện, mến khách".

    Chợ phiên vùng cao Điện Biên
    Chợ phiên vùng cao Điện Biên
    Chợ phiên vùng cao Điện Biên
    Chợ phiên vùng cao Điện Biên




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy