Top 10 Kỳ thủ cờ vua nổi tiếng nhất Thế giới

Trung Thành Nguyễn 3470 0 Báo lỗi

Cờ vua không phải là một trò chơi may rủi, nó dựa vào chiến thuật và chiến lược của mỗi kỳ thủ khi tham gia thi đấu. Có những người chơi đã đạt đến đỉnh cao ... xem thêm...

  1. Garry Kimovich Kasparov sinh ngày 13 tháng 4 năm 1963, là siêu đại kiện tướng cờ vua người Nga và được ví là kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử. Hệ số ELO 2851 của Kasparov vào tháng 7 năm 1999 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Cờ vua Quốc tế (FIDE) được xếp hạng cao nhất trong khoảng 20 năm từ năm 1985 đến năm 2005, Kasparov đã từng là nhà vô địch cờ vua thế giới không thể đánh bại từ 1985 đến 1993. Năm 1993, khi Nigel Short người Anh lọt vào trận chung kết thế giới, trở thành người thách thức Kasparov, thì cả Short và Kasparov cùng quyết định ly khai khỏi FIDE để lập ra một tổ chức mới là Hiệp hội Cờ vua Chuyên nghiệp (PCA) và tổ chức riêng trận chung kết thế giới. Trong trận đấu này, Kasparov đã giành phần thắng và giữ ngôi vô địch. Trong khi đó, FIDE khai trừ Kasparov và Short ra khỏi tổ chức của mình và chỉ định Karpov và Timman (người Hà Lan) đấu trận chung kết.


    Trong nhiều năm, PCA và FIDE hoạt động song song nhau, Kasparov chỉ thi đấu trong khuôn khổ PCA nhưng vẫn được FIDE tính điểm và xếp hạng, hệ số ELO của Kasparov đứng vững ở vị trí số 1 thế giới nhiều năm liền. Năm 2000, đối thủ trong trận chung kết của Kasparov là Vladimir Kramnik (người Nga), Kasparov thua trận đấu này (gồm 16 ván) và để mất danh hiệu vô địch PCA vào tay Kramnik. Kasparov đã 11 lần giành giải thưởng Oscar cờ vua. Kasparov tuyên bố ngừng thi đấu cờ vua chuyên nghiệp vào ngày 10 tháng 3 năm 2005 vì cảm thấy không có đối thủ ngang tầm. Sau khi giải nghệ, ông tham gia các hoạt động chính trị. Ông chủ trương đường lối dân chủ, ủng hộ phe đối lập ở Nga và chống lại tổng thống Putin. Ông cũng dự định sẽ tranh cử tổng thống. Kasparov đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm phản đối chính quyền của Putin, điển hình là các cuộc biểu tình. Trong một cuộc biểu tình năm 2007, ông bị bắt và giam giữ trong vài ngày. Năm 2014, Kasparov có quốc tịch Croatia. Ông sống ở thành phố New York và thường xuyên đi khắp nơi.

    Garry Kasparov
    Garry Kasparov
    Garry Kasparov
    Garry Kasparov

  2. Anatoly Evgenyevich Karpov (sinh 23 tháng 5 năm 1951) là một đại kiện tướng cờ vua người Nga và là cựu vô địch cờ vua thế giới. Ông là nhà vô địch thế giới từ năm 1975 đến 1985, tham gia vào các trận chung kết để giành lại ngôi vô địch từ 1986 đến 1990 (tuy nhiên đều thất bại trước Garry Kasparov), sau đó là nhà vô địch thế giới của FIDE từ 1993 đến 1999 (khi có sự chia tách trong làng cờ vua thế giới). Ông từng vô địch (hoặc đồng vô địch) 161 giải đấu trong sự nghiệp. Sự nghiệp thi đấu cờ chuyên nghiệp của ông theo thống kê có 1.118 trận thắng, 287 trận thua và 1.480 trận hoà trong 3.163 trận đấu, với hệ số Elo cao nhất là 2780. Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIDE, Karpov không còn nằm trong 100 kì thủ hàng đầu thế giới. Karpov được người cha dạy cờ từ năm lên 4 tuổi, và sau đó tiến bộ rất nhanh: trở thành ứng cử viên cho chức kiện tướng năm 11 tuổi, kiện tướng chính thức năm 15 tuổi và đại kiện tướng năm 19 tuổi.


    Năm 18 tuổi Karpov giành chức vô địch Cờ vua trẻ. Vào các năm 1971, 1972, Karpov liên tục đạt số điểm đồng hạng nhất trong ba giải đấu (Moskva, Hastings, Texas). Năm 1973, tại Leningrad, Karpov đạt cùng số điểm hạng nhất với Viktor Korchnoi. Trong giải vô địch thế giới năm 1974, ở vòng loại Karpov thắng Lev Polugaevsky, Boris Spassky và Korchnoi. Trận cuối cùng với đương kim vô địch Bobby Fischer đã không diễn ra theo kì vọng của khán giả. Do những đòi hỏi từ phía Fischer mà FIDE cho là quá đáng, tháng 4 năm 1975 FIDE đã quyết định truất ngôi vua cờ của Fischer và phong danh hiệu này cho Karpov. Anatoly Karpov chính thức trở thành vua cờ mới của thế giới kể từ tháng 4 năm 1975. Năm 1985, sau 10 năm giữ chức vô địch thế giới, Karpov đã phải nhường lại ngôi vô địch cho Garry Kasparov (thắng 3 thua 5 hòa 16). Karpov còn giành lại chức vô địch FIDE (năm 1993) và giữ ngôi vị này cho đến tận năm 1999 (thua Aleksandr Khalifman). Tháng 9 năm 2009, Karpov và kình địch Kasparov đã có trận đấu biểu diễn tại Valencia. Với 4 ván cờ nhanh và 8 ván cờ chớp, Karpov thua với tỉ số 3 - 9.

    Anatoly Karpov
    Anatoly Karpov
    Anatoly Karpov
    Anatoly Karpov
  3. Emanuel Lasker (24 tháng 12 năm 1868 - 11 tháng 1 năm 1941) là vận động viên cờ vua, nhà toán học, triết học người Đức, là nhà Vô địch Cờ vua Thế giới trong vòng 27 năm (từ năm 1894 tới năm 1921). Trong thời kì đỉnh cao, Lasker là một trong những nhà vô địch vượt trội nhất và ông vẫn được xem là một trong những kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử. Ngoài cờ vua, ông còn được biết đến như một nhà toán học, triết học. Nhiều người cho rằng, có lẽ vì giỏi ở cả những lĩnh vực kia nên trong các trận đấu, ông đã có lợi thế và làm rối trí đối thủ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện vui, thực lực mới là quan trọng.

    Những người cùng thời của ông đã nói rằng Lasker đã sử dụng sự tiếp cận "tâm lý" vào ván đấu, ngay cả khi ông chơi thận trọng những nước cờ thấp cũng làm rối trí đối thủ. Tuy nhiên, những phân tích gần đây đã chỉ ra rằng Lasker đã đi trước thời đại và sử dụng hướng giải quyết linh động hơn so với đối thủ đương thời, điều đó làm sửng sốt nhiều người trong họ. Lasker hiểu rằng sự phân tích khai cuộc lúc bấy giờ tuy tốt nhưng ông không đồng ý với phần lớn phân tích đó. Ông phát hành tạp chí cờ vua và 5 cuốn sách cờ, nhưng sau đó, những người chơi và nhà bình luận cảm thấy khó có thể rút ra bài học từ phương pháp của ông.

    Emanuel Lasker
    Emanuel Lasker
    Emanuel Lasker
    Emanuel Lasker
  4. Wilhelm Steinitz (17 tháng 5 năm 1836 - 12 tháng 8 năm 1900) là một kỳ thủ cờ vua người Áo và sau này là người Mỹ, và nhà vô địch cờ vua thế giới được thừa nhận đầu tiên từ năm 1886 đến năm 1894. Ông cũng là một tác giả và lý thuyết gia cờ vua có ảnh hưởng lớn. Khi thảo luận về lịch sử cờ vua từ năm 1850 trở đi, các nhà bình luận đã tranh luận liệu Steinitz có thể được coi là nhà vô địch thế giới từ một quãng thời gian trước đó, có lẽ sớm nhất là năm 1866. Steinitz mất danh hiệu của mình vào tay Emanuel Lasker năm 1894 và cũng thua Lasker trong trận phục thù năm 1896 - 1897. Steinitz cải thiện nhanh chóng lối chơi vào cuối thập niên 1850, từ hạng ba ở Giải vô địch thành phố Viên năm 1859 lên ngôi vô địch năm 1861 với điểm số 30/31. Trong thời kỳ này, ông được mệnh danh là "Morphy người Áo". Điều này có nghĩa ông đã trở thành kỳ thủ mạnh nhất Áo.


    Steinitz được đại diện cho Áo tham dự Giải cờ vua London 1862. Ông chỉ về hạng sáu, nhưng ván thắng trước Augustus Mongredien được trao giải thưởng ván đấu xuất sắc. Ngay sau đó ông có trận đấu tay đôi với kỳ thủ hạng năm giải này, kỳ thủ lão luyện người Ý Serafino Dubois. Steinitz đã chiến thắng với kết quả 5 thắng, 1 hòa và 3 thua. Những kết quả này đã khích lệ ông chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Ông chuyển đến sống ở London. Trong thời gian 1862 - 1863 Steinitz đã có trận thắng áp đảo trước kỳ thủ Anh Joseph Henry Blackburne. Blackburne sau này trở thành một trong những kỳ thủ hàng đầu thế giới trong vòng 20 năm nhưng ở thời điểm đó mới chỉ bắt đầu chơi cờ được hai năm. Steinitz tiếp tục chiến thắng những trận đấu trước các kỳ thủ Anh hàng đầu: Frederic Deacon và Augustus Mongredien năm 1863, Valentine Green năm 1864. Đạt được những thành tích này ông cũng phải trả giá: vào tháng 3 năm 1863 Steinitz đã phải viết thư xin lỗi Ignác Kolisch vì không trả được nợ, bởi trong khi Steinitz bận đánh bại Blackburne, Daniel Harrwitz đã "cuỗm mất" tất cả khách hàng của ông ở Câu lạc bộ cờ London, là nguồn thu nhập chính của Steinitz

    Wilhelm Steinitz
    Wilhelm Steinitz
    Wilhelm Steinitz
    Wilhelm Steinitz
  5. José Raúl Capablanca y Graupera (19 tháng 11 năm 1888 - 8 tháng 3 năm 1942) là một kỳ thủ cờ vua người Cuba và là nhà vô địch cờ vua thế giới từ năm 1921 đến 1927. Capablanca được đánh giá là một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, ông nổi tiếng với kĩ năng cờ tàn xuất chúng và tốc độ chơi nhanh. Trong suốt sự nghiệp cờ vua, xét những ván đấu ở đẳng cấp hàng đầu, Capablanca chỉ để thua 35 ván, điều này là minh chứng cho việc ông là kỳ thủ rất khó bị đánh bại. Capablanca sinh ra ở Havana, Cuba. Ở tuổi 13 ông đánh bại nhà vô địch cờ vua người Cuba Juan Corzo trong một trận đấu kéo dài 13 ván. Sau chiến thắng trước Frank Marshall trong trận đấu năm 1909, ông nhận được lời mời tham dự giải San Sebastian năm 1911. Tại đây ông đã qua mặt một số kỳ thủ danh tiếng như Akiba Rubinstein, Aron Nimzowitsch và Siegbert Tarrasch để lên ngôi cao nhất. Giai đoạn tiếp theo là những nỗ lực không thành của Capablanca trong việc giành quyền có mặt ở trận đấu tranh chức vô địch thế giới với nhà đương kim vô địch khi đó là Emanuel Lasker, dù vậy ông vẫn đạt được kết quả tốt tại các giải đấu khác. Cuối cùng thì vào năm 1921 ông cũng đã giành được danh hiệu vô địch từ tay Lasker. Từ ngày 10 tháng 2 năm 1916 đến ngày 21 tháng 3 năm 1934 Capablanca bất bại, trong đó có bao gồm trận tranh chức vô địch thế giới với Lasker.

    Vào năm 1927 Capablanca đánh mất danh hiệu vô địch vào tay Alexander Alekhine, người chưa từng đánh bại ông trước đó. Sau những nỗ lực không thành trong nhiều năm nhằm sắp xếp một trận tái đấu, mối quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng. Trong giai đoạn này Capablanca tiếp tục gặt hái được những thành tích xuất sắc tại các giải đấu cho tới khi rút lui vào năm 1931. Năm 1934 Capablanca có sự trở lại và đạt được một số kết quả tốt, tuy nhiên ở ông bắt đầu xuất hiện những triệu chứng của bệnh huyết áp cao. Capablanca qua đời năm 1942 vì xuất huyết não gây ra bởi chứng tăng huyết áp. Capablanca nổi trội trong cờ tàn và những thế cờ đơn giản, ông có thể chơi chiến thuật khi cần và có kỹ thuật phòng thủ tốt. Trong sự nghiệp của mình Capablanca viết vài cuốn sách, trong đó cuốn Chess Fundamentals đã được Mikhail Botvinnik mô tả là cuốn sách hay nhất về cờ vua từng được viết. Capablanca không thích đi phân tích chi tiết mà tập trung vào những tình huống then chốt của ván đấu. Phong cách của ông đã ảnh hưởng đến lối chơi của các nhà vô địch thế giới sau này là Bobby Fischer và Anatoly Karpov.

    Jose Capablanca
    Jose Capablanca
    Jose Capablanca
    Jose Capablanca
  6. Alexander Alexandrovich Alekhine (31 tháng 10 năm 1892 - 24 tháng 3 năm 1946) là vua cờ thứ tư. Ông thường được xem là một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất trong lịch sử. Khi vào tuổi 22, ông đã thuộc nhóm những kỳ thủ mạnh nhất thế giới. Trong suốt thập kỉ 1920, ông vô địch phần lớn các giải đấu mình tham dự. Năm 1927, ông trở thành vua cờ thứ tư sau khi đánh bại José Raúl Capablanca. Đó là trận tranh ngôi vô địch thế giới kéo dài nhất cho đến năm 1985. Vào đầu thập niên 1930, Alekhine thống trị các giải đấu cờ và vô địch ở hai giải hàng đầu với số điểm cách biệt. Ông cũng ngồi bàn đầu tiên của đội tuyển Pháp dự 5 Olympiad cờ vua, mỗi giải đều có giải thưởng cá nhân (4 huy chương cá nhân và một giải thưởng đặc biệt). Alekhine từng đề nghị Capablanca một trận tái đấu với những điều kiện như Capablanca đã đặt ra cho ông, nhưng thương lượng không đi đến kết quả và trận tái đấu đó đã không xảy ra. Trong khi đó, Alekhine bảo vệ thành công danh hiệu vô địch một cách khá dễ dàng trước Bogoljubov năm 1929 và 1934.


    Ông thất bại trước Euwe năm 1935, nhưng sau đó đã lấy lại ngôi vua cờ vào năm 1937. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, kết quả đấu giải của ông thất thường và các ngôi sao trẻ mới nổi như Keres, Fine và Botvinnik đã có ý định trở thành nhà thách đấu. Các cuộc đàm phán về một trận tranh ngôi vua cờ với Keres hoặc Botvinnik đã bị hoãn lại do Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra tại châu Âu năm 1939. Khi cuộc thương thuyết về trận tranh ngôi vua cờ với Botvinnik đang diễn ra năm 1946 thì Alekhine qua đời tại Bồ Đào Nha với nguyên nhân không rõ ràng. Alekhine được biết tới với phong cách tấn công sáng tạo và sắc bén, kết hợp với kĩ năng cờ vị trí và tàn cuộc bậc thầy. Alekhine còn là một tác giả sách cờ và nhà lý thuyết được đánh giá cao, có nhiều sáng tạo đóng góp cho khai cuộc, được đặt tên cho Phòng thủ Alekhine và một số biến khai cuộc khác. Ông cũng là tác giả của một số bài tập tàn cuộc.

    Alexander Alekhine
    Alexander Alekhine
    Alexander Alekhine
    Alexander Alekhine
  7. Mikhail Moiseyevich Botvinnik (17 tháng 8 năm 1911 - 5 tháng 5 năm 1995) là một kỳ thủ cờ vua Liên Xô, từng là nhà vô địch cờ vua thế giới lần thứ sáu. Bên cạnh việc chơi cờ vua cạnh tranh hạng nhất, ông còn là một kỹ sư điện và nhà khoa học máy tính và ông cũng là người đi tiên phong trong lĩnh vực cờ vua máy tính. Botvinnik là người chơi đẳng cấp thế giới đầu tiên phát triển ở Liên Xô. Ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức cờ vua, đóng góp đáng kể vào việc thiết kế hệ thống giải vô địch cờ vua thế giới sau Thế chiến thứ hai và trở thành thành viên hàng đầu của hệ thống huấn luyện giúp Liên Xô thống trị cờ vua hàng đầu trong thời gian lúc đó. Các học trò của ông bao gồm các nhà vô địch thế giới Anatoly Karpov, Garry Kasparov và Vladimir Kramnik. Khi Botvinnik hoàn thành chương trình học ở trường, ông chưa đủ tuổi tối thiểu để tham gia kỳ thi tuyển sinh vào giáo dục đại học. Trong khi chờ đợi, Botvinnik đã đủ điều kiện tham dự chặng cuối cùng của Giải vô địch Liên Xô đầu tiên vào năm 1927 với tư cách là kỳ thủ trẻ nhất từng có tại thời điểm đó, kết quả đồng điểm đạt vị trí thứ 5 - 6 và đạt được danh hiệu kiện tướng.


    Botvinnik muốn học Công nghệ Điện tại Viện Bách khoa Leningrad và đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn đơn đăng ký cho khóa học này và Proletstud, cơ quan kiểm soát việc tuyển sinh, có chính sách chỉ nhận con của các kỹ sư và công nhân công nghiệp. Sau lời kêu gọi của một quan chức cờ vua địa phương, năm 1928, ông được nhận vào Khoa Toán của Đại học Leningrad. Vào tháng 1 năm 1929, Botvinnik chơi cho Leningrad trong giải vô địch cờ vua của đội sinh viên với Moscow. Leningrad đã giành chiến thắng và người quản lý đội, đồng thời là phó chủ tịch của Proletstud, đã bảo đảm cho Botvinnik được chuyển đến Khoa Cơ điện của Đại học Bách khoa, nơi ông là một trong bốn sinh viên duy nhất nhập học thẳng từ trường. Kết quả là, Botvinnik phải làm công việc của cả năm trong năm tháng, và trượt một trong các kỳ thi. Đầu năm đó, Botvinnik đứng đồng thứ ba chung cuộc trong chặng bán kết của Giải vô địch Liên Xô, và do đó không thể lọt vào chặng cuối cùng.

    Mikhail Botvinnik
    Mikhail Botvinnik
    Mikhail Botvinnik
    Mikhail Botvinnik
  8. Robert James "Bobby" Fischer (9 tháng 3 năm 1943 - 17 tháng 1 năm 2008) là một Đại kiện tướng cờ vua người Mỹ và là nhà vô địch thế giới thứ 11. Nhiều người đã nhận định ông là kỳ thủ cờ vua vĩ đại nhất mọi thời đại. Ở tuổi 13 Fischer giành chiến thắng ngoạn mục trong một ván đấu nổi tiếng được biết đến với tên gọi Ván cờ thế kỷ. Kể từ năm 14 tuổi, Fischer 8 lần tham dự Giải Vô địch Cờ vua Mỹ và vô địch toàn bộ với ít nhất một điểm dư. Tuổi 15, ông trở thành đại kiện tướng trẻ nhất cho đến thời điểm đó đồng thời là ứng viên trẻ nhất cho danh hiệu vô địch thế giới. Năm 20 tuổi, Fischer giành chiến thắng tại giải vô địch cờ vua Mỹ với số điểm 11/11, điểm số hoàn hảo duy nhất trong lịch sử giải đấu. Cuốn sách My 60 Memorable Games của Fisher hiện vẫn là một tác phẩm đáng tôn trọng trong số những tài liệu về cờ vua.

    Vào những năm đầu thập niên 1970, Fischer "thống trị những địch thủ đương thời đến một mức độ chưa từng thấy trước hoặc sau đó". Trong giai đoạn này ông vô địch giải Interzonal 1970 với kỷ lục dư 3½ điểm và thắng 20 ván liên tiếp, bao gồm hai trận chưa từng có tiền lệ với tỷ số 6 - 0 tại Giải Candidates. Tháng 7 năm 1971, ông trở thành kỳ thủ số một chính thức đầu tiên trong danh sách của Liên đoàn Cờ vua Thế giới (FIDE) và giữ vị trí này trong vòng tổng cộng 54 tháng. Năm 1972, ông giành lấy chức vô địch thế giới từ tay Boris Spassky người Liên Xô trong trận đấu tổ chức tại Reykjavík, Iceland, trận đấu công khai đại diện cho sự đối đầu của hai cường quốc trong chiến tranh Lạnh đã thu hút sự chú ý của thế giới hơn bất kỳ sự kiện tương tự nào trước đây.

    Bobby Fischer
    Bobby Fischer
    Bobby Fischer
    Bobby Fischer
  9. Magnus Carlsen với tên đầy đủ là Sven Magnus Qen Carlsen là một đại kiện tướng cờ vua người Na Uy, nguyên là nhà vô địch cờ vua thế giới, là đương kim vô địch cờ vua nhanh thế giới và đương kim vô địch cờ vua chớp thế giới. Carlsen nổi tiếng với khả năng chơi cờ thế trận, năng lực chơi cờ tàn và được so sánh với những cựu vô địch thế giới như Bobby Fischer, Anatoly Karpov, Vasily Smyslov và Jose Raúl Capablanca.


    Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Na Uy, Carlsen đã sớm bộc lộ năng khiếu của mình với những thử thách trí tuệ, khi mới 2 tuổi, cậu có thể giải trò chơi xếp hình 50 miếng, khi 4 tuổi, cậu chơi Lego với hướng dẫn dành cho trẻ em từ 10-14 tuổi. Carlsen tự phát triển các kỹ năng cờ vua của mình bằng cách chơi cờ vua một mình hàng giờ liền di chuyển các quân cờ trên bàn cờ, tìm các đòn phối hợp và chơi lại các trận đấu hoặc một thế trận nào đó được bố mình dạy. Cậu tham dự giải đấu đầu tiên hạng đấu trẻ nhất của Giải Vô địch Cờ vua Na Uy 1999 khi 8 tuổi 7 tháng, đạt 6½/11 điểm. Sau đó, cậu được đưa đi huấn luyện lại tại Trường Trung học Thể thao Chuyên nghiệp Na Uy bởi kỳ thủ hàng đầu quốc gia, từ đây đã mở ra trang mới trong sự nghiệp của cậu lẫn thế giới. Là một thần đồng cờ vua, Carlsen giành danh hiệu đồng giải nhất trong Giải vô địch cờ vua U12 thế giới năm 2002. Ngay sau khi bước sang tuổi 13, đã hoàn thành đầu tiên trong nhóm C của giải đấu cờ vua Corus và giành được danh hiệu đại kiện tướng vài tháng sau đó. Năm 15 tuổi, Carlse đã thắng giải Giải vô địch cờ vua Na Uy, và năm 17 tuổi, Carlse đã đứng đồng giải nhất trong nhóm hàng đầu của giải cờ Corus. Carlse đã vượt qua mức ELO 2800 ở tuổi 18 và đạt vị trí số một trong bảng xếp hạng FIDE thế giới ở tuổi 19, trở thành người trẻ nhất từng đạt được những chiến công đó.

    Magnus Carlsen
    Magnus Carlsen
    Magnus Carlsen
    Magnus Carlsen
  10. Viswanathan Anand được thế giới biết đến là một đại kiện tướng quốc tế cờ vua người Ấn Độ, là nhà vô địch cờ vua thế giới của FIDE vào năm 2000 và là nhà vô địch thế giới chính thức năm 2007 với nhiều năm thi đấu trên trường quốc tế.

    Anand bắt đầu tiếp xúc và làm quen với môn thể thao cờ vua khi ông mới 6 tuổi. Năm 1983, ông chính thức tham gia thi đấu và giành giải vô địch toàn Ấn Độ cho lứa tuổi trẻ năm 14 tuổi với 9 thắng, 0 thua. Và chỉ mất 5 năm sau đó, vào năm1988, ông trở thành kỳ thủ đạt chuẩn Đại kiện tướng Quốc tế. Viswanathan Anand lần đầu tranh ngôi Vua cờ năm 1995 với Garry Kasparov nhưng thất bại. Ông lần đầu trở thành Vua cờ năm 2007, khi danh hiệu được phân định dựa trên giải đấu vòng tròn hai lượt với tám kỳ thủ. Anand được chín điểm qua 14 ván, soán ngôi của Vladimir Kramnik. Anand ba lần bảo vệ ngôi Vua cờ trước Kramnik năm 2008, Veselin Topalov 2010 và Boris Gelfand 2012. Ông mất danh hiệu vào tay Magnus Carlsen năm 2013 tại Chennai, Ấn Độ.

    Viswanathan Anand
    Viswanathan Anand
    Viswanathan Anand
    Viswanathan Anand



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy