Top 12 Lễ hội xuân bạn không thể bỏ qua vào dịp Tết Nguyên Đán

Nghi Bình 1588 0 Báo lỗi

Đi hội ngày Xuân là thú vui và nét đẹp văn hóa của cha ông ta từ ngàn xưa. Mục đích chính là đi tưởng nhớ cội nguồn, để cầu chúc đầu xuân hay chỉ đơn giản là ... xem thêm...

  1. Lễ hội Lồng Tồng theo tiếng Tày gọi là Lễ hội xuống đồng, được tổ chức vào đầu xuân để tạ ơn trời đất, các vị thần linh; cầu xin các vị thần linh che chở để có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm, vạn vật sinh sôi phát triển. Trong sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, Lễ hội Lồng Tồng không chỉ là lễ hội riêng của dân tộc Tày mà đã trở thành lễ hội chung, nơi quy tụ bản sắc văn hóa đặc trưng nhất của nhiều dân tộc như Dao, Sán Chay, Kinh, Nùng, Thái… Đây không chỉ là một hoạt động văn hóa tâm linh mà còn là một dạng thức văn hóa nguyên hợp thể hiện và phản ánh ước muốn của cả một cộng đồng về cuộc sống tốt đẹp nhân dịp đầu xuân năm mới; người ta đến Lễ hội không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn để giao lưu kết bạn; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao tình đoàn kết giữa các dân tộc; là dịp để quảng bá, giới thiệu những danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa, những sản vật nổi tiếng của địa phương.


    Mở đầu Lễ hội là các môn thi đấu thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập trống, với sự tham gia của đông đảo người dân đến từ các thôn, bản, trường học trên địa bàn xã Đạp Thanh. Lễ hội trở lên sôi động hơn với các trò chơi dân gian như: Bịt mắt đập trống và tung còn đã đem lại niềm vui, sảng khoái, sự thoải mái cho nhân dân và du khách. Qua đó đã tạo sức lan toả rộng rãi trong nhân dân về phong trào lao động sản xuất và thực hiện xây dựng đời sống văn hoá. Nội dung chính của Lễ hội là nghi lễ xuống đồng, với sự tham gia thực hiện đường cày tịch điền của Đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện. Đây là sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền huyện đối với công tác phát triển KT-XH, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; cũng là sự động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo huyện dành cho bà con nhân dân, để bà con có thêm niềm tin, động lực, hăng say lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.


    Địa điểm: Đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang.

        Đông đảo du khách tham gia các trò chơi cổ truyền
        Đông đảo du khách tham gia các trò chơi cổ truyền
        Đặc sắc lễ hội “Lồng Tồng” của dân tộc Tày
        Đặc sắc lễ hội “Lồng Tồng” của dân tộc Tày

      • Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, nằm ở Mỹ Đức, Hà Nội. Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương. Hàng năm,cứ mỗi độ xuân về,hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng nhau cúng bái, khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội Chùa Hương, hành trình về một miền đất phật. Nơi trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh. Hội Chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Chùa Hương đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 8 tháng 4 năm 1962 tại Quyết định số 313 VH/VP. Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi Chùa Hương, bởi theo "Truyện Phật Bà Chùa Hương" thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hoá và danh xưng là Chùa Hương.

        Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày chùa mở cửa rừng,người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào,Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng,và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn,với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo.Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo phật. Có lẽ đã trải qua nhiều thế kỷ, nét văn hoá đã in đậm vào trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam ta khi đến với Chùa Hương, để rồi những khách hàng năm lại nô nức về đây với mong muốn được thắp một nén tâm hương, để thoả ước nguyện của mình. Trước một danh thắng như vậy các vị Vua Chúa và các vị nho nhã đã không tiếc lời thán phục. Năm 1770 khi Chúa Trịnh Sâm tuần thú Hương Sơn có đề khắc năm chữ lên cửa động Hương Tích "Nam Thiên Đệ Nhất Động" (Động Đẹp Nhất Trời Nam), kỳ sơn tú thủy" (núi non đẹp lạ) và còn rất nhiều những thi nhân tới đây đã đề bút như: Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Xuân Diệu. Chế Lan Viên, Hồ Xuân Hương...


        Địa chỉ: Mỹ Đức, Hoài Đức, Hà Nội.

          Chèo đò trên sông Hương
          Chèo đò trên sông Hương
          Lễ Hội Chùa Hương
          Lễ Hội Chùa Hương
        • Hội rước pháo Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày (từ mùng 4 đến hết mùng 7 Tết). Lễ hội gắn liền với sự tích về đức thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ. Theo dân gian truyền lại, thời vua Hùng có ông Cương Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua phong là Thiên Cương. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cương đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng. Vào ngày mùng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Thiên Cương chia quân làm 4 tốp và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt, hào hùng để động viên quân sĩ. Khi dẹp giặc xong, Thiên Cương trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng. Để nhớ ơn Thiên Cương, làng Đồng Kỵ thờ đức Thiên Cương làm thần hoàng làng tại đình và hàng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc.

          Hàng năm, làng sẽ chọn 4 người đến tuổi 50 ở mỗi giáp làm 4 vị tướng xuất quân đánh giặc (quan đám đỏ). Mỗi vị tướng sẽ có trách nhiệm tổ chức quân cũng như làm ra một quả pháo từ nhỏ đến to, quả nhỏ (pháo tư) dài khoảng 5m, quả lớn nhất (pháo nhất) có thể đến 15m, hình quả pháo là hình trụ tròn, đường kính có thể lên tới hơn 1m. Ngày mùng 3 là lễ rước vua về làng. 20h tối giao thừa là lễ chạy quan đám, dựa theo cuộc tổng động viên quân lính đánh giặc xưa kia. Mùng 4 là lễ rước pháo ra đình để hội quân, sau lễ thờ thành hoàng làng là phần hấp dẫn nhất của lễ hội là đốt 4 quả pháo (để kích lệ tinh thần quân lính xưa kia). Do pháo quá lớn dễ gây nguy hiểm nên hiện nay theo quyết định của chính phủ về cấm đốt pháo năm 1994, các hình thức của lễ hội đã thay đổi ít nhiều, không còn hội đốt pháo nữa, pháo hiện tại cũng chỉ là pháo giả dùng cho lễ hội. Sau hội đốt pháo sẽ là lễ xuất quân. Các ông đám sẽ được công trên vai bởi những chàng trai đang độ sung sức làm động tác múa như muốn cổ động tinh thần quân lính và như chào tạm biệt nhân dân đi đánh giặc. Đây là một phong tục hay vẫn đang được duy trì và phát huy.


          Địa chỉ: Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh.

            Là hoạt động tiêu biểu nhất mà người dân của làng nghề giàu có nhất ở vùng Bắc Ninh còn lưu giữ được cho đến ngày nay
            Là hoạt động tiêu biểu nhất mà người dân của làng nghề giàu có nhất ở vùng Bắc Ninh còn lưu giữ được cho đến ngày nay
            Hội Rước Pháo Làng Đồng Kỵ
            Hội Rước Pháo Làng Đồng Kỵ
          • Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc. Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện cổ, những sự tích văn hoá. Vì truyền thống này mà nơi đây sở hữu nhiều lễ hội dân gian. Lễ hội được nhiều người quan tâm nhất là Hội Lim tại thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh. Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ. Hội Lim chính là hội chùa làng lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục.


            8h ngày 13/1 Âm lịch, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ, sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần. Hội Lim đi vào lịch sử và tồn tại và phát triển cho đến ngày nay được hàng tổng chuẩn bị tập duyệt rất chu đáo từ ngày 9 và 10, rồi được diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng giêng. Chính hội là ngày 13, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Trong các nhà thờ họ Nguyễn, họ Đỗ ở làng Đình Cả, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, với những hoạt động lễ và hội phong phú, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh .


            Địa chỉ: Tiên Du, Bắc Ninh.

              Các nam thanh nữ tú chuẩn bị hát giao duyên
              Các nam thanh nữ tú chuẩn bị hát giao duyên
              Hát giao duyên trong Hội Lim
              Hát giao duyên trong Hội Lim
            • Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Lần đầu tiên nghi thức lễ tịch điền này được diễn ra vào thế kỷ X ở Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành và sau nhiều năm thất truyền, được khôi phục từ năm 2009 vào mùng 7 tháng Giêng. Theo tích cũ, lễ Tịch điền có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông, một vị vua huyền thoại được xem là thủy tổ của người Việt, cụ nội của Vua Hùng khai mở. Lễ Tịch điền về sau được người Việt thực hiện mang ý nghĩa tế Thành hoàng, Thần Nông, các thần mây, mưa, sấm, chớp để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên còn được gọi là Hạ điền cầu bông. Lịch sử ghi lại: mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Đến triều Nguyễn, lễ tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ lễ chủ trì nhưng lễ này cũng chấm dứt dưới thời vua Khải Định.

              Lễ tịch điền
              không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, mỗi người dân Hà Nam nói riêng, Việt Nam nói chung cần phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng từ mồng 5 - 7 tết âm lịch với nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh… Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ tịch điền Đọi Sơn, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn khi ông nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư nên đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang. Lễ tịch điền được tiến hành theo thứ tự: vua Lê Đại Hành cày 3 sá, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cày 5 sá, lãnh đạo thị xã Duy Tiên cày 7 sá, lãnh đạo xã Đọi Sơn và các bô lão cày 9 sá. Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại. Vào năm 2010, lần đầu tiên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ tịch điền Đọi Sơn.


              Địa chỉ: Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam.

                Rước linh vị vua Đại Hành
                Rước linh vị vua Đại Hành
                Khai hội Tịch Điền
                Khai hội Tịch Điền
              • Lễ hội nghinh Ông là lễ hội cúng cá Ông của ngư dân các tỉnh miền ven biển Việt Nam từ Quảng Bình trở vào Nam (gồm cả Phú Quốc). Cũng nhiều lễ hội khác, lễ hội Nghinh Ông là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang. Lễ hội nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên. Ở mỗi địa phương, lễ hội nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau.


                Thông thường lễ hội nghinh Ông có lễ rước và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con bày lễ vật nghênh đón, khói nhang nghi ngút. Cùng với thuyền rồng rước thủy tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghênh ông. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước ông về lăng ông Thủy tướng (nếu có ở địa phương đó). Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón ông về lăng. Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thủy tướng. Trước thời điểm lễ hội, đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ hoa neo đậu dưới bến sông. Phần hội gồm các nghi thức rước Ông ra biển với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ cùng các lễ cúng trang trọng.


                Địa điểm: Cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam.

                  Lễ hội nghinh Ông
                  Lễ hội nghinh Ông
                  Lễ hội nghinh Ông
                  Lễ hội nghinh Ông
                • Sau Tết Nguyên Đán, tỉnh Phú Yên có nhiều lễ hội, song hội đua ngựa trên Gò Thì Thùng xã An Xuân huyện Tuy An vào mùng 9 Tết là tâm điểm số một, thu hút sự chú ý, chờ đợi của nhiều người. Ở Phú Yên, mùng chín tháng giêng âm lịch hàng năm đã thành thông lệ, người người rủ nhau lên Gò Thì Thùng xem đua ngựa. Không nhớ rõ môn đua ngựa ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng những ngày mới giải phóng ở vùng núi này ngày tết vắng vẻ lắm, vậy là thanh niên rủ nhau dắt ngựa ra Gò Thì Thùng để đua với nhau. Gò bằng phẳng và rộng mênh mông, mọc đầy hoa sim tím.Ngựa đua là những chú ngựa hàng ngày cùng họ lên rẫy thồ hàng, được họ khóac thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng. Những cô gái trong làng đến xem cũng hái những bó hoa rừng quanh đấy tặng cho người chiến thắng trong cuộc đua. Rồi thôn này thi với thôn kia, đến nay hội đua ngựa đã lan rộng ra các xã giáp ranh ba huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, và miền núi Tuy An. Tỉnh Phú Yên đã đầu tư để nâng cấp.


                  Từ chiều ngày mùng 8 Tết, công tác chuẩn bị cho khâu tổ chức hội đua ngựa trên Gò Thì Thùng đã hoàn tất. Đoàn ngựa diễu hành, đoàn ngựa đua cùng các kỵ sĩ cũng đã có mặt tại trường đua để tập dượt lần cuối. 8 giờ 30 mùng 9 Tết, từng dòng người từ các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (huyện Sơn Hoà), Xuân Phước, Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), 16 xã, thị trấn (huyện Tuy An) và khắp nơi trong và ngoài tỉnh nô nức đổ về Gò Thì Thùng trong cái nắng ấm vùng cao ngày đầu xuân. Sau hồi trống lệnh, đoàn diễu hành đã đi quanh sân để chào khán giả. Hàng ngàn người đã cổ vũ cho các kỵ sĩ. Kỵ sĩ trẻ nhất trong hội đua khoảng từ 14 tuổi, và người lớn tuổi nhất phải tới 60 tuổi, kể cả những người có thâm niên ba, bốn mươi năm...đua ngựa. Có điều khá lạ là chiến mã tham gia cuộc đua chủ yếu là ngựa cái, chuyên thồ nông sản của người địa phương, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để... làm cảnh, không cho tham gia đua!. Khi ra sân, những chú ngựa này được khoác thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng. Các kỵ mã chính là những nông dân chân lấm tay bùn. Người và ngựa đều không chuyên nhưng không khí trường đua hấp dẫn. Tiếng trống giục, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ đã làm cho cuộc đua tăng thêm sức nóng.

                  Địa chỉ: Gò Thì Thùng, An Xuân, Tuy An, Phú Yên.

                    Lễ Hội Đua Ngựa
                    Lễ Hội Đua Ngựa
                    Lễ Hội Đua Ngựa
                    Lễ Hội Đua Ngựa
                  • Lễ Hội Núi Bà Đen hay còn gọi là Lễ Hội Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức vào rằm tháng giêng hàng năm. Tuy nhiên, ngay từ đầu xuân các tín đồ thập phương đã đến hành lễ không ngừng. Phần đông du khách đến cầu nguyện mong Thánh Mẫu phù hộ đạo tốt lành, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi. Hội Vía chính thức Thánh Mẫu sẽ được diễn ra từ hai ngày âm lịch 5 và 6 tháng giêng hàng năm. Từ chân núi, khách trẩy hội phải đi bộ và leo núi, đến lưng chừng núi khách ghé vào đền Linh Sơn Thánh Mẫu để lễ đền và nghỉ ngơi. Ai khỏe chân lại tiếp tục lên đường để lễ chùa. Mọi việc chuẩn bị cho lễ Vía Bà được tổ chức từ nhiều ngày trước đó để kịp đến khuya mùng 3 rạng mùng 4/5 âm lịch sẽ làm lễ tắm Bà và thay áo cho Bà. Vào lúc này cửa điện được đóng kín, đèn nến tắt gần hết chỉ còn lại 6 phụ nữ trung niên trong đó có 3 ni cô của nhà chùa bắt tay vào nghi thức tắm tượng Bà, mọi người đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang, xin phép được tắm và thay áo cho Bà. Giữa tuần hương, dưới sự điều hành của một phụ nữ lớn tuổi trong nhóm, mọi người cùng bắt tay và cởi áo khoác trên tượng bà trong suốt năm qua, rồi chuyền tay nhau những gáo nước nấu bằng lá thơm trong rừng (về sau có pha thêm nước hoa) dội lên tượng Bà kỳ cọ sạch sẽ. Sau khi dội nước xong lần cuối, mọi người dùng những chiếc khăn khô và sạch lau khô tượng Bà và thay cho tượng một bộ áo mới.


                    Tắm và thay áo cho Bà xong, những người phụ nữ thắp một lần hương nửa, và thắp đèn nến trở lại cho sáng sủa rồi mở rộng các cửa điện để đón các thiện nam, tín nữ vào thắp hương cầu khấn Bà. Suốt ngày mùng 4/5 tại điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm: Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài "Địa Nàng", múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa đồ chơi (Múa lu, múa lục bình, múa bông huệ...). Ngày mùng 5/5 là ngày lễ Vía chính thức của Bà và cũng là ngày lễ hội Núi Bà đông vui nhất. Những nghi lễ trong ngày mùng 5 quan trọng nhất là lễ "Trình thập cúng". Trong lễ này người ta dâng lên Bà 10 món bao gồm: Hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu... Trong suốt ngày này, các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà. Ngày mùng 6/5 dành cho việc cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Ngày cúng này có sự tham dự của các sư sải, để đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Những khách về tham dự, vào điện Bà tiếp tục cầu khấn, dâng hương. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ, là lễ thí thực cô muối. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh... Những ngày sau đó du khách vẫn tiếp tục hành hương về thăm Núi Bà và hành lễ ở Điện Bà.

                    Địa chỉ: Thạnh Tân, Tây Ninh, Tây Ninh.

                      Lễ Hội Núi Bà Đen
                      Lễ Hội Núi Bà Đen
                      Lễ Hội Núi Bà Đen
                      Lễ Hội Núi Bà Đen
                    • Đền Trần là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ XV. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn và Trần Miếu. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiên Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch. Cả ba đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn và 2 gian tả hữu.


                      Lễ hội Đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công của 14 vị vua Trần. Từ năm 2000, Nam Định tổ chức Lễ khai ấn đền Trần vào rạng sáng ngày 15 tháng giêng. Lúc đầu lệ khai ấn chỉ bó hẹp trong không gian làng Tức Mặc, dần trở thành lễ hội lớn. "Trần miếu tự điển" là chiếc ấn được dùng để đóng ấn dịp Lễ hội Đền Trần hiện nay. Ấn hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hai mặt Đông - Tây của viền ấn khắc hình hai con rồng, mặt Nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ "Tích phúc vô cương." "Trần miếu tự điển" mang nội dung điển lệ, tục lệ thờ tự tại miếu nhà Trần, phạm vi, quy mô nhỏ hẹp là dòng họ Trần tại làng Tức Mặc.


                      Địa điểm: Đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

                        Lễ hội đền Trần, Nam Định
                        Lễ hội đền Trần, Nam Định
                        Hội đền Trần
                        Hội đền Trần
                      • Lễ hội làm chay hay Lễ hội làm trai là một lễ hội tập tục địa phương hàng năm của nhân dân thị trấn Tầm Vu (Châu Thành, Long An) tổ chức lễ hội làm chay vào thời điểm trung tuần tháng Giêng âm lịch (diễn ra từ 14-16/1 âm lịch). Từ làm chay xuất phát từ chữ đọc trại của từ làm trai đàn do người miền Nam phát âm sai chữ tr và ch mà ra. Thực Dân Pháp đàn áp thành công cuộc khởi nghĩa của hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự vào năm 1878. Ngày 26/4/1878. Pháp xử bắn ông Đỗ Tường Tự, lãnh đạo nghĩa quân tại chợ Tầm Vu xưa. Người dân mai táng ông Đỗ Tường Tự bên con đường mòn cạnh pháp trường phía sau đình Dương Xuân, theo di huấn của ông. Ngày 29/4/1878, Pháp xử chém ông Đỗ Tường Phong tại nghĩa địa Tân An (nay thuộc ấp Bình Nam, Thị xã Tân An). Nhân sự kiện dịch bệnh hoành hành mùa màng cùng thời điểm, nhân dân thị trấn Tầm Vu mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho các chí sĩ yêu nước. Lâu ngày, lễ hội đã trở thành truyền thống hàng năm.


                        Mục đích chính của lễ hội là khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hoà, nhân dân sống trong cảnh thái bình, an tâm lao động sản xuất đạt vụ mùa bội thu. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, tại Đình Tân Xuân, Linh Phước Tự, Chùa Ông và Chợ Tầm Vu. Ngày 14/1, người dân tiến hành kiểm tra Ông Tiêu bằng giấy, bầu ban trị sự lễ hội và tiến hành cúng và các nghi lễ liên quan, bầu ban thỉnh kinh và phân công nhiệm vụ. Các ban lễ hội và các ban trị sự và các thành viên được phân công nhiệm vụ rõ rang. Một ban tổ chức lễ hội làm chay được thành lập gồm 10 thành viên. Nguồn tài chính do các thành viên vận động bà con xa gần đóng góp. Các thành viên không ai nhận thù lao, tham gia lễ hội chủ yếu nhằm duy trì tập tục và tạo điều kiện cho nhân dân địa phương vui chơi. Tiến hành đưa các vật lễ cúng kiến của tất cả nhân dân đóng góp, đưa Ông Tiêu về lễ đài chính. Xây dựng khu hành chính lễ chính và xây dựng Bến Phóng Đăng. Kiểm tra xe đăng và tiến hành các khâu cuối cùng cho lễ hội.


                        Địa điểm: Thị trấn Tầm Vu, Châu Thành, Long An.

                            Đình Tân Xuân, nơi diễn ra lễ thỉnh ông Tiêu
                            Đình Tân Xuân, nơi diễn ra lễ thỉnh ông Tiêu
                            Lễ hội Làng Chay
                            Lễ hội Làng Chay
                          • Hằng năm, cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch, người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thừa Thiên lại giong trống mở cờ, “đến hẹn lại lên” tổ chức Hội Vật làng sình, nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy suốt 400 năm qua kể từ thời chúa Nguyễn. Đầu xuân mới cũng là thời điểm các Lễ hội, hội làng khởi sắc. Ngoài các lễ nghi truyền thống, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, các môn thể thao dân gian truyền thống như thi kéo co, chọi gà, chọi trâu, thả diều, đá cầu, cờ người, vật... đã thu hút đông đảo người xem trên cả nước. Trong đó, đấu vật là một trong những môn thể thao rất được ưa chuộng và trở thành một tục lệ, truyền thống không thể thiếu trong các Lễ hội đầu năm. Trải qua hơn 400 trăm năm phát triển, sới vật làng Sình được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đã trở thành một trong những hoạt động văn hoá mang đậm tinh thần thượng võ của người dân xứ Huế, đồng thời phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc.


                            Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với đòn đánh làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng" (nghĩa là một phần hoặc cả hai phần lưng của đối phương phải lấm đất, bụng ngửa lên trời). Nếu vượt qua vòng đấu loại, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua 1 đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết. Hội vật Làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ. Lễ hội càng có ý nghĩa hơn khi đình làng Sình đón nhận bằng di tích lịch sử do Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng.

                            Địa điểm: Đình làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Huế.

                              Hội vật Làng Sình - Huế
                              Hội vật Làng Sình - Huế
                              Hội Vật Làng Sình
                              Hội Vật Làng Sình
                            • Mảnh đất võ Bình Định không chỉ được biết đến những bãi biển đẹp mê hồn mà còn nổi tiếng với Lễ hội Đống Đa Tây Sơn Bình Định được tổ chức thường niên vào dịp đầu xuân. Đây là lễ hội mang rất nhiều ý nghĩa, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ đến công lao to lớn của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ với trận Ngọc Hồi Đống Đa lừng lẫy một thời, lễ hội còn có ý nghĩa gìn giữ nét đẹp truyền thống để cho thế hệ nay và mai sau hiểu được và ghi nhớ về tổ tiên với những công lao hiển hách, để thêm yêu quý và tự hào về quê hương, đất nước mình. Cứ dịp Tết đến Xuân về là người ta lại nô nức, hào hứng kéo nhau đi trẩy hội. Theo thống kê của Bộ VH, TT & DL thì nước ta hiện nay có tới hơn 8.000 lễ hội diễn ra trong năm nhưng Lễ hội Đống Đa Tây Sơn ở Bình Định được coi là một trong những lễ hội lớn nhất nhì cả nước vào những ngày đầu xuân mới. Được tổ chức thường niên vào các ngày mùng 4 và mùng 5 Âm lịch hàng năm tại Bảo tàng Quang Trung thuộc địa phận thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, lễ hội thu hút đông đảo người dân cả nước tụ họp về đây hay cả những du khách nước ngoài đang du lịch tại mảnh đất này cũng háo hức với lễ hội đặc sắc mà không thể tìm thấy ở quốc gia của mình.


                              Để tưởng niệm và ghi nhớ công lao trời biển của người anh hùng Nguyễn Huệ - vua Quang Trung, thì cứ vào ngày mùng 4, mùng 5 Âm lịch, lễ hội Đống Đa ở Bình Định lại được diễn ra với rất nhiều nghi thức truyền thống cũng như các trò chơi dân gian hấp dẫn. Lễ tế được tổ chức ở chính điện Tây Sơn với nghi thức đọc sớ tế, dâng hương, dâng hoa trước đông đảo sự chứng kiến của người dân thập phương, nghi thức càng long trọng hơn bởi được phụ hoa thêm từ những dàn kèn trống âm vang, nền nhạc hiện đại mang âm hưởng hào hùng, cờ lọng, ghi trượng treo ngập tràn khắp mọi nơi như gọi hồn khí thiêng sông núi, tất cả người dân đều mang cảm giác phấn chấn như được hòa nhập cùng với mảnh đất nhuốm đầy hào khí non sông và địa linh nhân kiệt ở nơi đây. Đấy mới chỉ là phần lễ, còn phần hội được diễn ra mới thú vị hơn cả. Du khách thập phương sẽ được chứng kiến những màn múa nhạc võ Tây Sơn hoành tráng tại lễ hội Tây Sơn ở Bình Định, những tiết mục võ thuật vô cùng đặc sắc đều được biểu diễn bởi các võ sư, võ sĩ, nghệ nhân có tên tuổi hàng đầu của đất võ với những bài quyền truyền thống hết sức nổi tiếng của nhà Tây Sơn như Lão mai độc thọ, Hùng kê quyền, Ngọc trản quyền hay các bài võ sử dụng binh khí như Song phượng kiếm, Lôi long đao, Lôi phong tùy hình kiếm, Tuyết hoa song kiếm… hoặc các bài roi như Roi Hắc đảnh Ô Sơn, Roi Thái Sơn… đều được người xem thích thú bằng những tràng pháo tay ròn rã, tiếng hú hét, tán dương nhiệt liệt.

                              Địa điểm: Bảo tàng Quang Trung, thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.

                                Lễ hội Đống Đa Tây Sơn (Bình Định)
                                Lễ hội Đống Đa Tây Sơn (Bình Định)
                                Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn (Bình Định)
                                Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn (Bình Định)




                              Công Ty cổ Phần Toplist
                              Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
                              Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
                              Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
                              Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
                              Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy