Top 10 Loại hình nghệ thuật giá trị nhất mọi thời đại

Anh Đinh 20866 1 Báo lỗi

Nghệ thuật, tác phẩm của sự sáng tạo và văn hóa, đã tạo nên những dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhân loại. Bài viết này sẽ đưa bạn khám phá những loại hình ... xem thêm...

  1. Trong những loại hình nghệ thuật giá trị nhất mọi thời đại, hội họa là loại hình nghệ thuật xuất hiện sớm nhất. Từ trước khi con người sáng tạo ra chữ viết và biết nói, khi con người còn "ăn lông ở lỗ", con người đã biết sáng tạo hội họa. Hội họa là một phạm trù thuộc ngành mỹ thuật (bên cạnh đồ họa nghệ thuật và điêu khắc). Hiểu một cách đơn giản, hội họa là vẽ tranh. Đó là sự sắp xếp (bố cục) các hình khối, đường nét, màu sắc, kết cấu,... trên bề mặt hai chiều (giấy hoặc vải) để tạo ra một hình ảnh mang tính thẩm mỹ sử dụng cọ bút và màu vẽ.


    Người thực hiện công việc này là họa sĩ, một tác phẩm hội họa, tranh vẽ chủ yếu bày tỏ ý tưởng, cảm xúc, thị yếu về cái đẹp dựa trên kĩ thuật vẽ tranh của họa sĩ. Ba thể loại hội họa thường thấy là chân dung, phong cảnh và tĩnh vật. Nhờ đường nét, màu sắc và vận dụng luật xa - gần, họa sĩ có thể miêu tả hầu như bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào trong thế giới khách quan mà chúng ta có thể nhìn thấy được.


    Những hình vẽ về thú vật, đời sống được người tiền sử vẽ trên hang đá từ cách đây hơn 30.000 năm, tiêu biểu là những hình vẽ trong hang Chauvet, Pháp có niên đại 32.000 năm tuổi. Hội họa đã phát triển song song với tiến trình phát triển của loài người, bất cứ thời đại, quốc gia, nền văn hóa nào cũng có hội họa và những nhà họa sĩ. Những họa sĩ vĩ đại nhất trong hội họa đó là Leonardo da Vinci, Pablo Picasso, Vincent Van Gogh, Edouard Manet, Jackson Pollock, Francis Bacon với những bức tranh nổi tiếng như "Nàng Mona Lisa", "Chân dung bác sĩ Gachet", "Đêm đầy sao", "Giấc mơ"... trong đó có những bức tranh có giá lên đến hàng trăm triệu USD.

    Hình vẽ trong hang Chauvet có niên đại 32.000 tuổi
    Hình vẽ trong hang Chauvet có niên đại 32.000 tuổi
    Bức tranh Starry Night của danh họa Vincent Van Gogh
    Bức tranh Starry Night của danh họa Vincent Van Gogh

  2. Nếu như hội họa là bộ môn nghệ thuật thị giác thì âm nhạc là bộ môn nghệ thuật thính giác. Âm nhạc là nghệ thuật lấy âm thanh làm phương tiện biểu hiện, khắc họa cuộc sống và thể hiện tư tưởng tình cảm con người. Âm nhạc có tính trừu tượng nó không thể hiện đầy đủ các chi tiết thực chỉ mô tả chung nhưng tạo cho ta cảm giác, hứng thú mạnh mẽ và sự liên tưởng phong phú. Tính trừu tượng của âm nhạc gắn với trí tưởng tượng của con người. Âm nhạc là tiếng nói tình cảm sâu sắc, nó đi thẳng trực tiếp vào trái tim con người và không thể diễn tả bằng lời. Nghệ thuật âm nhạc có khả năng lớn tác động đến vần đề giáo dục tình cảm. Thể hiện được những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Nó góp phần tích cực thúc đẩy xã hội phát triển.


    Nghệ thuật âm nhạc là nghệ thuật biểu hiện cảm xúc của con người với con người và cuộc sống bằng âm thanh, là nghệ thuật diễn ra trong thời gian , nghệ thuật động, nghệ thuật của thình giác. Nó luôn gắn bó với con người và đòi hỏi hoạt động biểu hiện trực tiếp của con người. Những đặc trưng cơ bản này khác biệt nếu so sánh với nghệ thuật văn chương, nghệ thuật tạo hình… Nghệ thuật âm nhạc xuất hiện từ thời sơ khai của con người. Các nhân tố như: âm điệu, tiếng nói, nhịp điệu lao động, nhịp sinh lý… tạo nên hai chất liệu quan trọng nhất của âm nhạc đó là tuyến độ cao (cao độ) và tuyến độ ngân (tiết tấu).


    Mỗi quốc gia lại có một văn hóa âm nhạc truyền thống khác nhau và cho đến ngày nay, âm nhạc đã trở thành bộ môn nghệ thuật đại chúng toàn cầu, với kỷ nguyên của nhạc Pop, Rock, Rap, R&B, Jazz, Rock n Roll, EDM... Âm nhạc có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cảm xúc con người và trong nhiều trường hợp, âm nhạc còn được xem như là có thể "điều khiển" được tâm trạng, suy nghĩ và hành động của con người.

    Thần đồng âm nhạc Mozart
    Thần đồng âm nhạc Mozart
    Bản nhạc Fur Elise nổi tiếng của Beethoven
  3. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, bao gồm các thể loại cổ tích, thần thoại, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, kịch bản, thơ ca... Văn chương phát triển thể hiện sự tiến bộ trong nền văn minh của loài người. Không chỉ là nghệ thuật thị giác, cảm nhận, trình diễn, văn chương còn hàm chứa bên trong nhiều tính trí tuệ, bối cảnh xã hội, yếu tố lịch sử, văn hóa, chính trị, triết học,...Văn chương thường đi theo những cấu trúc và quy luật nhất định liên quan đến cách kể chuyện, ngữ pháp, nhân vật, cốt truyện, nghệ thuật tu từ,... Từ khi loài người xuất hiện cho đến nay, dường như, không một sản phẩm tinh thần nào lại được xã hội quan tâm rộng rãi như văn chương. Có người từ bản chất nhân văn phổ biến của văn chương để tìm lời giải. Có người lại đi từ bản chất ngôn từ sâu rộng của văn chương để tìm câu trả lời. Ưu thế của văn chương so với các họat động tinh thần khác của con người là ở đó. Mà sự phức tạp của văn chương so với các họat động tinh thần ấy cũng từ đó mà ra.


    Văn chương nghệ thuật có ngai vàng riêng, ngồi ở trên ấy có thể là vua mà cũng có thể là phó thường dân. Nhưng họ lên ngai là do mọi người tôn lên, do lịch sử khẳng định, chứ đương thời họ cũng sống bình thường, làm thơ chỉ là một việc tự nhiên trong cuộc sống. Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới mọi thời đại đều là những cái tên vĩ đại được đông đảo mọi người biết đến như Victor Hugo, Lev Tolstoy, William Shakespeare, Charles Dicken, Ernest Hemingway, La Quán Trung, Lỗ Tấn... Những tác phẩm văn chương nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến những tác phẩm như Thần thoại Hy Lạp, Romeo & Juliet, Vua Lear, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình, Tội ác và trừng phạt, Kiêu hãnh và định kiến, Ông già và biển cả, Chuông nguyện hồn ai, Gatsby vĩ đại, Giết con chim nhại, Bắt trẻ đồng xanh...

    Đại văn hào William Shakespeare
    Đại văn hào William Shakespeare
    Nghệ thuật văn chương
    Nghệ thuật văn chương
  4. Trong Top 10 loại hình nghệ thuật giá trị nhất mọi thời đại, kiến trúc là nghệ thuật mang tính kỹ thuật cao, không thể thực hiện bởi một cá nhân mà phải có sự góp sức của cả một nhóm cộng đồng. Kiến trúc thường mang tính đại diện cho cả một nền văn minh, đặc biệt là những nền văn minh đã sụp đổ như Ai Cập cổ đại, Trung Hoa cổ đại, Ấn Độ cổ đại, Iran cổ đại, Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại... Ngày nay, kiến trúc thường được thể hiện theo tính ứng dụng cao nhất và sử dụng bê tông cốt thép làm vật liệu chính yếu. Tác phẩm kiến trúc rất đa dạng, có thể là một đồ án quy hoạch đô thị mà cũng có thể là một công trình kiến trúc cụ thể. Như vậy, chúng ta khẳng định rằng kiến trúc làm ra các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc là nghệ thuật.


    Các tác phẩm kiến trúc có giá trị vật thể và giá trị phi vật thể. Là vật thể, kiến trúc thể hiện ở các quần thể công trình, các không gian cảnh quan tự nhiên và nhân tạo. Là phi vật thể, kiến trúc được thể hiện qua ký ức, kỷ niệm về lịch sử, phong tục, tập quán, lối sống của cộng đồng cư dân sống trong môi trường cảnh quan nhất định. Tất cả các yếu tố này được thể hiện ít nhiều trong tác phẩm kiến trúc. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, với tư cách là sản phẩm xây dựng, có không ít công trình chạy theo nhu cầu thực dụng của một số người (chủ đầu tư, lãnh đạo địa phương...), do đó cũng tồn tại một số công trình xây dựng không thể gọi là tác phẩm kiến trúc được. Nhược điểm này cần khắc phục dần khi ý thức của con người được nâng cao, và đòi hỏi các kiến trúc sư thực sự vào cuộc nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm của mình.

    7 kỳ quan thế giới cổ đại
    7 kỳ quan thế giới cổ đại
    Kiến trúc thời hiện đại
    Kiến trúc thời hiện đại
  5. Thường bị nhầm lẫn với kiến trúc nhưng điêu khắc lại là một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác biệt. Điêu khắc là một nhánh của nghệ thuật thị giác hoạt động trong không gian ba chiều. Đó là một trong những nghệ thuật tạo hình. Các quy trình điêu khắc bền bỉ ban đầu sử dụng chạm khắc (loại bỏ vật liệu) và mô hình hóa (bổ sung vật liệu, như đất sét), trong đá, kim loại, gốm sứ, gỗ và các vật liệu khác, nhưng từ thời Hiện đại, với tự do gần như hoàn toàn của vật liệu sử dụng và quá trình sáng tạo. Một loạt các vật liệu có thể được gia công bằng cách loại bỏ, chẳng hạn như chạm khắc, lắp ráp bằng cách hàn hoặc mô hình hóa, hoặc nung khuôn hoặc đúc. Điêu khắc trên đá tồn tại tốt hơn nhiều so với các tác phẩm nghệ thuật bằng vật liệu dễ hỏng và thường đại diện cho phần lớn các tác phẩm còn sót lại (trừ đồ gốm) từ các nền văn hóa cổ đại, mặc dù truyền thống điêu khắc trên gỗ có thể đã biến mất gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm điêu khắc cổ đại đã được vẽ màu rực rỡ, và các màu sắc này đã bị mất.

    Điêu khắc
    là trung tâm của việc tôn sùng tôn giáo trong nhiều nền văn hóa, và cho đến những thế kỷ gần đây, những tác phẩm điêu khắc lớn, quá đắt đối với các cá nhân để tạo ra, thường là một biểu hiện của tôn giáo hoặc chính trị. Những nền văn hóa mà các tác phẩm điêu khắc của họ đã tồn tại với số lượng bao gồm các nền văn hóa của Địa Trung Hải cổ đại, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như nhiều văn hóa ở Trung và Nam Mỹ và Châu Phi. Truyền thống điêu khắc phương Tây bắt đầu từ Hy Lạp cổ đại, và Hy Lạp được coi là nơi sản sinh ra những kiệt tác vĩ đại trong thời kỳ cổ điển. Trong thời trung cổ, điêu khắc gothic đại diện cho sự đau đớn và đam mê của đức tin Kitô giáo. Sự hồi sinh của các mô hình cổ điển trong thời Phục hưng đã tạo ra các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng như David của Michelangelo. Điêu khắc hiện đại đã tránh xa các quá trình truyền thống và nhấn mạnh vào việc mô tả cơ thể con người, với việc tạo ra các tác phẩm điêu khắc được xây dựng, và trình bày các vật thể tìm thấy như các tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành.

    Công trình điêu khắc tượng David
    Công trình điêu khắc tượng David
    Công trình điêu khắc rồng thời Lý ở Việt Nam
    Công trình điêu khắc rồng thời Lý ở Việt Nam
  6. Nghệ thuật sân khấu là một loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm các loại hình kịch, nhạc kịch, khiêu vũ, balet,... Sân khấu là một hình thức hợp tác của nghệ thuật sử dụng biểu diễn trực tiếp, thường bao gồm việc các diễn viên trình bày những trải nghiệm của một sự kiện có thật hay tưởng tượng trước những đối tượng khán giả tại chỗ ở một nơi cụ thể, thường là nhà hát. Các diễn viên có thể truyền tải kinh nghiệm này đến với khán giả thông qua sự kết hợp của cử chỉ, lời nói, bài hát, âm nhạc và khiêu vũ. Các yếu tố của nghệ thuật, chẳng hạn như khung cảnh được dàn dựng và kịch nghệ như ánh sáng được sử dụng để nâng cao tính biểu tượng, sự hiện diện và tính tức thời của trải nghiệm. Nơi trình diễn sân khấu cũng được gọi tên là sân khấu. Dù một vài loại trình diễn được xem là sân khấu - như một nghệ thuật trình diễn, nó thường được xem là những buổi biểu diễn trực tiếp mang tính kịch. Một sự trình diễn mang tính kịch tạo ra sự ảo tưởng trong khán giả. Theo định nghĩa trên, sân khấu đã tồn tại từ buổi bình minh của loài người, như một sự phát triển của quá trình kể chuyện. Trong tiếng Hy Lạp cổ theatron có nghĩa là "nơi để xem".

    Sân khấu
    phương Tây hiện đại chủ yếu bắt nguồn từ nghệ thuật kịch Hy Lạp cổ đại. Sân khấu hiện đại đã kế thừa các thuật ngữ, cách phân loại, chủ đề, nhân vật và cách xây dựng mâu thuẫn của nghệ thuật kịch Hy Lạp cổ đại. Nghệ sĩ sân khấu Patrice Pavis định nghĩa sân khấu, ngôn ngữ sân khấu, viết kịch bản sân khấu, và đặc trưng của sân khấu như các biểu hiện đồng nghĩa nhằm phân biệt sân khấu với nghệ thuật biểu diễn, văn học, và nghệ thuật nói chung. Sân khấu hiện đại ngày nay được định nghĩa rộng là các buổi biểu diễn của các vở kịch và nhạc kịch. Có kết nối giữa sân khấu và các hình thức nghệ thuật ba lê, opera (có sử dụng màn trình diễn được dàn dựng với trang phục đi kèm hát và nhạc đệm của dàn nhạc) và các hình thức trình diễn khác nhau.

    Nghệ thuật sân khấu
    Nghệ thuật sân khấu
    Trailer vở nhạc kịch Những Người Khốn Khổ
  7. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật vô cùng mới mẻ trong top 10 loại hình nghệ thuật giá trị nhất mọi thời đại, bắt nguồn từ nước Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19. Điện ảnh là một khái niệm lớn bao gồm các bộ phim tạo bởi những khung hình chuyển động (phim), kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh và ánh sáng để tạo thành một bộ phim (kỹ thuật điện ảnh), hình thức nghệ thuật liên quan đến việc tạo ra các bộ phim và cuối cùng ngành công nghiệp và thương mại liên quan đến các công đoạn làm, quảng bá và phân phối phim ảnh (công nghiệp điện ảnh). Khi mới được phát minh, điện ảnh chỉ được coi là các bộ phim ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường, nhưng chỉ ít lâu sau, các bộ phim đã được tạo ra với những ý đồ văn hóa nhất định và nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật quan trọng. Điện ảnh cũng trở thành một hình thức giải trí không thể thiếu trong đời sống thường nhật, đôi khi còn phát triển thành những hiện tượng văn hóa hoặc được sử dụng như các phương tiện tuyên truyền.

    Xét trên phương diện nghệ thuật, điện ảnh thường được gọi là nghệ thuật thứ bảy. 6 nghệ thuật trước đó theo phân loại của Hegel là kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thi ca và nhảy múa. Điện ảnh được dùng để nói đến những bộ phim trình chiếu ở rạp, khác với những phim truyền hình. Vì lý do đó, từ "màn bạc" hay "màn ảnh lớn" cũng được dùng để chỉ điện ảnh (màn ảnh rạp chiếu phim có màu trắng), phân biệt với truyền hình, được gọi là màn ảnh nhỏ. Các phim điện ảnh được gọi là "phim nhựa", phân biệt với phim video. Nhưng thực tế, phim nhựa không phải là chất liệu duy nhất của điện ảnh. Có những phim dùng chất liệu video đã được làm lại để trình chiếu ở rạp và ngược lại, một số phim truyền hình cũng sử dụng chất liệu phim nhựa. Đặc biệt với sự phát triển của kỹ thuật số, có cả những phim điện ảnh và phim truyền hình đều dùng công nghệ này.

    L'arrivée d'un train en gare de La Ciotat - thước phim điện ảnh đầu tiên được trình chiếu trong lịch sử
    L'arrivée d'un train en gare de La Ciotat - thước phim điện ảnh đầu tiên được trình chiếu trong lịch sử
    Một trong những đạo diễn - diễn viên vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh: Charlie Chaplin
    Một trong những đạo diễn - diễn viên vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh: Charlie Chaplin
  8. Top o

    Múa

    Múa là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống, bắt nguồn từ những đặc trưng văn hóa của các quốc gia khác nhau. Múa thường được thể hiện bởi những vũ công, sử dụng ngôn ngữ hình thể để truyền tải cái đẹp đến cho người xem. Cho tới thời điểm hiện tại, có nhiều tranh cãi về việc múa có phải một loại hình nghệ thuật hay không bởi theo cuốn "Mỹ học" của Hegel thì chỉ có sáu loại hình nghệ thuật, không có múa nhưng nhiều viện hàn lâm nghệ thuật ở các quốc gia và nhiều học giả đều xếp múa là một loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật múa là một trong những loại hình nghệ thuật sớm nhất của loài người, gắn bó với con người từ thời nguyên thủy. Trải qua tiến trình hình thành, phát triển văn hóa nghệ thuật của con người, múa hiện diện là một thành tố văn hóa qua mọi thời kỳ. Trong tiến trình lịch sử ấy, nghệ thuật múa luôn phát triển, ngày một hoàn thiện những chức năng, đặc trưng nghệ thuật, hàm chứa bản sắc văn hóa dân tộc.

    Nghệ thuật múa
    là biểu hiện trình độ, tri thức văn hóa, tư duy thẩm mĩ, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các tộc người Việt Nam. Nó tham gia vào nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tâm linh và lễ hội. Văn hóa nói chung, nghệ thuật múa nói riêng là thực thể tồn tại trong đời sống xã hội. Từ đó mang ý nghĩa văn hóa, xã hội và là đối tượng nghiên cứu khoa học của khoa học xã hội nhân văn, văn hóa học, nghệ thuật học. Chính vì vậy, nghệ thuật múa là đối tượng chính yếu của các công trình nghiên cứu khoa học nghệ thuật múa. Nhận biết, thấu hiểu những giá trị, đặc trưng, vai trò của nghệ thuật múa trong văn hóa, xã hội và tiến trình lịch sử hình thành phát triển một loại hình nghệ thuật có đặc thù riêng biệt, kể từ thời xa xưa đến ngày nay, nghệ thuật múa đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, văn hóa học, nghệ thuật học, trong đó có nghệ thuật múa.

    Nghệ thuật múa
    Nghệ thuật múa
    Khiêu vũ - một trong những loại hình múa phổ biến ở phương Tây
    Khiêu vũ - một trong những loại hình múa phổ biến ở phương Tây
  9. Nhiếp ảnh là một trong những loại hình nghệ thuật phi chính thức, tức không được công nhận rộng rãi về mặt lý thuyết. Thông qua công nghệ ghi lại vật thể thông qua ánh sáng phản chiếu, các loại máy ảnh đã được sử dụng rộng rãi tại các nước phương Tây. Khi đó nhiếp ảnh chủ yếu được sử dụng như một loại hình kỹ thuật chụp ảnh người, vật thể, còn thiếu tính nghệ thuật trong đó. Các loại máy ảnh hiện đại hơn, nhỏ gọn hơn cho phép nhiếp ảnh gia chụp ảnh phong cảnh, đời sống nhưng vẫn chỉ mang tính phóng sự, chưa đủ ấn tượng với những người làm nghệ thuật. Nhiều nhà nghệ thuật cho rằng nhiếp ảnh chưa thoát được khỏi hội họa. Sau đó không lâu, điện ảnh - với sự cải tiến đáng kể từ nhiếp ảnh đã ra đời, với một tầm cao mới, qua đó vượt mặt nhiếp ảnh cũng như khiến cho nhiếp ảnh càng khó khăn để được các nhà nghệ thuật công nhận. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng nhiếp ảnh, nhiếp ảnh dần được thể hiện ở nhiều trình độ hơn, mang tính nghệ thuật hơn và được cộng đồng công nhận như một loại hình nghệ thuật.


    Ngày nay, nghệ thuật nhiếp ảnh thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống. Ảnh đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, quảng cáo... Chụp ảnh là việc sử dụng máy ảnh và ánh sáng ghi lại hình ảnh của đối tượng nhiếp ảnh trên phim hoặc trên máy ảnh kỹ thuật số. Tính phổ cập của nhiếp ảnh rất lớn. Chỉ cần sự ham thích và năng khiếu, sau một thời gian được hướng dẫn, bạn có thể cầm máy chụp ảnh. Tuy nhiên, để trụ lại với nghề, bạn cần sự bền bỉ và nỗ lực không ngừng, không ngại vất vả. Bên cạnh đó, yêu cầu phái thường xuyên thay đổi máy móc, phương tiện kỹ thuật để bắt kịp ưu thế của thời đại cũng là một trong những thách thức với người làm nhiếp ảnh. Bù lại, nhiếp ảnh vẫn luôn là lĩnh vực hấp dẫn nhiều người bởi tạo ra hình ảnh quả là công việc kỳ thú. Người chụp ảnh không chỉ có cái thú tìm tòi về cuộc sống mà còn hiểu biết sâu sắc thêm về cái đẹp trong nhiếp ảnh cũng như gửi gắm suy nghĩ, tình cảm, trăn trở... vào bức ảnh. Bên cạnh đó, đặc trưng nghề nghiệp cũng tạo cho nhà nhiếp ảnh mối quan hệ rộng lớn với xã hội.

    Nhiếp ảnh
    Nhiếp ảnh
    Một bức ảnh nghệ thuật
    Một bức ảnh nghệ thuật
  10. Cũng như nhiếp ảnh, đồ họa là một loại hình nghệ thuật phi chính thức, không được giới hàn lâm công nhận. Đồ họa ra đời gắn liền với các máy móc, trang thiết bị số hóa, thường được thực hiện trên các phần mềm chuyên dụng với mục đích thương mại. Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều những ấn phẩm đồ họa sáng tạo, đẹp mắt, cuốn hút, truyền tải thông điệp mạnh mẽ. Điều đó khiến đồ họa cũng được cộng đồng nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật và nằm trong Top 10 loại hình nghệ thuật giá trị nhất mọi thời đại.


    Lịch sử thiết kế đồ họa đã có từ xưa, khi con người tự tìm cho mình những hình thức biểu hiện qua thị giác (Visual form) để dẫn dắt đến một ý nghĩa nào đó (Ideas & Concepts), dần dần tạo nên kinh nghiệm quen thuộc bằng hình ảnh (Graphic Form). Từ những hình ảnh đó đã tạo nên các tín hiệu để con người truyền thông tin cho nhau. Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của ngành thiết kế đồ họa, chữ viết (văn tự) và in ấn là hai yếu tố quan trọng, mỗi giai đoạn lại có những phát minh mới thay thế cho các phát minh cũ. Đó là lý do mà phái Constructivism cho rằng “Không có biên giới giữa nghệ thuật hàn lâm và đồ họa tạo hình”.


    Nhờ sự phát triển như vũ bão của Internet, các phương tiện truyền thông, nên đồ họa hiện nay cũng là một phần khá quan trọng trong đời sống hiện đại.

    Một ấn phẩm đồ họa
    Một ấn phẩm đồ họa
    Nghề thiết kế đồ họa
    Nghề thiết kế đồ họa




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy