Top 10 Món ăn đặc sản của Bình Định

Nguyễn Cao Bảo Trân 959 1 Báo lỗi

"Ai về Bình định mà coi Con gái Bình Ðịnh cầm roi đi quyền” Ai về Bình Định quê tôi Uống rượu Bàu Đá, mà coi Bài Chòi Quê tôi có biển mặn mòi Hàng dừa xanh ... xem thêm...

  1. Cua huyền đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Đề Gi. Theo như lời kể của ngư dân thì cua có tên gọi như vậy sở dĩ vì ngày trước mỗi khi bắt được cua này người dân đều phải đem dâng cho vua. Tương truyền rằng khi vua Gia Long còn lánh nạn, có lần đến hòn Tranh, thấy ngư dân bắt được loại cua có vỏ màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên đã ăn thử. Càng ăn càng thấy ngon nên ông đã đưa nó vào danh sách những món ăn tiến vua.


    Và cũng từ đó thứ cua biển này được đặt tên là cua huỳnh đế và xem nó như biểu tượng của sự may mắn. Loài cua này phân bố rất nhiều ở ven biển miền Trung nhất là Bình Định. Thành phần dinh dưỡng của nó cũng rất cao, cứ 100g cua cung cấp 103 calo, 17,5g chất đạm, 0,6g chất béo, 7,0g carbohydrate, 141mg canxi, 191mg photpho và nhiều thành phần dinh dưỡng khác. Thực khách sành điệu thường ăn hai món ngon và đơn giản nhất đó là hấp ăn với muối tiêu, ớt xanh và cháo cua huỳnh đế. Và giá thành là khoảng 800 nghìn đồng cho 1 kg cua.

    Món cua huỳnh đế hấp.
    Món cua huỳnh đế hấp.
    Cua huỳnh đế Bình Định
    Cua huỳnh đế Bình Định

  2. Ai đã từng ăn bún chả cá Quy Nhơn chính tông sẽ không thể nào quên được hương vị mặn mà và ngọt ngào của miếng chả, miếng bún và cả từng sợi rau ăn kèm. Điểm nhấn của món ăn là phần chả cá được làm từ những con cá thu thịt ngọt và phải quết sao cho miếng bánh chả láng mịn, tròn dày vừa phải, cùng nước lèo nấu từ xương và đầu cá thu trong veo và ngọt tự nhiên làm cho bất kì ai một lần nếm thử đều không thể quên được hương vị đậm đà của nó. Trong tô Bún chả cả điều đặc biệt đầu tiên là nước dùng. Bún chả cá Quy Nhơn không dùng nước nấu từ xương heo mà nước dùng được nấu từ xương cá tươi, thường là xương hoặc đầu cá thu, cá cờ, cá quả (Cá lóc, cá trầu…) tạo cho nước dùng có vị ngọt tự nhiên, đậm đà và không tanh. Điều đặc biệt thứ hai là Chả cá, thành phần ngon nhất của tô bún.


    Để có chả cá ngon, người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi ớt, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, chút muối cùng da lợn xay nhuyễn, sau đó khuấy thật đều tay, càng nhuyễn thịt sẽ càng dai và mền. Chả cá miền Trung hoàn toàn không có “thì là” như ở miền Bắc nhưng miếng chả cá vẫn thơm ngon. Sau khi được đánh nhuyễn, cá xay được chia thành từng mảnh nhỏ, mỏng hoặc từng viên tròn, vừa miệng cho vào chảo dầu chiên vàng. Một phần khác đem cho vào khuôn để hấp cách thủy, khi ăn sẽ cắt nhỏ thành từng miếng. Khi thưởng thức tô bún chả cá Quy Nhơn, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ vị mềm, mịn, ngọt của chả cá viên, chả cá hấp và vị dai, giòn của chả cá chiên. Điều đặc biệt thứ ba là các loại gia vị, rau sống ăn kèm. Rau sống là sự phối hợp hoàn hảo giữa màu xanh của xà lách, màu trắng của bắp cải bào mỏng, màu sậm của vài sợi bắp chuối, vài cọng giá, lá bạc hà tươi xanh. Khi ăn, chấm miếng chả cá vào chén tương ớt đặc trưng, kèm củ hành tím ngâm, kèm một ít rau, húp một tý nước dùng, bạn sẽ nghe vị thơm ngon của đồng quê và biển cả tan trên đầu lưỡi.

    Bún chả cá ăn kèm với món rau sống.
    Bún chả cá ăn kèm với món rau sống.
    Bún chả cá Quy Nhơn
    Bún chả cá Quy Nhơn
  3. Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ), thuộc huyện Phù Mỹ, Bình Định, giáp ba xã Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng. Đầm Trà Ổ cách trung tâm Tp Quy Nhơn 75km về hướng Bắc, có chu vi 20km, thông với biển. Đầm Trà Ổ có những loại thủy sản đặc sắc, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, trong đó có tôm, cá chình mun và chình bông, thịt thơm ngon, chắc ngọt, hương vị đậm đà và bổ dưỡng. Người dân ở đây đã sản sinh ra món bún tôm nổi tiếng với tên gọi bún tôm Châu Trúc, món quà sáng dân dã nhưng lại thơm ngon đặc biệt.


    Bún tôm, bún rạm là đặc sản của làng quê Châu Trúc. Bún được làm ra từ gạo kết hợp với tôm tươi được đánh bắt từ đầm lên, đơn giản như một cộng một bằng hai vậy mà bất kì ai một lần ăn tô bún tôm Châu Trúc đều da diết không quên được cái mùi vị mộc mạc, nồng nàn của nó. Cái ngon của bún là vị tôm ngọt lành, tươi mát của tôm đồng, là vị mặn của bún gạo, vị cay của tiêu ớt, vị nồng của củ hành, vị ngậy, bùi mà không ngấy của nước bún. Bún tôm Châu Trúc đã trở thành món quà sáng giản dị, bình dân nhưng được nhiều người ưa chuộng. Thế nên ai đi xa về cũng ráng để dành bụng ăn vài tô bún tôm... cho đã thèm.

    Bún tôm Châu Trúc giản dị, mộc mạc.
    Bún tôm Châu Trúc giản dị, mộc mạc.
    Bún tôm Bình Định
    Bún tôm Bình Định
  4. Khi nhắc đến du lịch Bình Định, không ít người nghĩ ngay đến vùng đất võ nổi tiếng từ ngàn xưa, những bãi biển xanh mướt đầy cát trắng và cũng rất nhiều người nhắc đến các món ăn đặc sản nơi đây, trong đó có bánh hỏi Bình Định. Bạn sẽ phải ngạc nhiên rằng cuộn bánh hỏi thơm ngon mà bạn chuẩn bị thưởng thức lại được làm từ loại gạo xay từ lúa cũ. Chính xác thì người ta sẽ vo gạo ngay từ chiều rồi ngâm với nước để cho nở đều rồi xay thành bột. Ngay từ khi gà gáy canh một, những người làm bánh hỏi Bình Định đã phải thức dậy để dáo bột cùng với một lượng nước vừa phải trên bếp bằng một ống tre thật to cho đến khi bột quánh lại. Sau công đoạn này, bột sẽ được lăn thành cây dài và bắt đầu trải qua công đoạn ép thành cây. Những cây bột tại giai đoạn này sẽ lần lượt được cho vào khuôn, một người ngồi trên sẽ đè bột chảy xuống dưới thành các sợi nhỏ, một người khác sẽ phải bắt những sợi bột này rồi xếp chồng lên nhau.


    Tiếp đến, những miếng bánh này sẽ được cho vào nồi hấp khoảng 5 - 10 phút nữa thì mới ra được những cuộn bánh hỏi thơm ngon ngọt vị. Một món ăn với bánh hỏi rất nổi tiếng ở đây đó chính là cháo lòng heo. Món ngon không chỉ đơn giản đến từ một phía vì cháo hỏi lòng heo là sự kết hợp khéo léo giữa những món ngon: lòng heo phải được lấy từ những chú heo béo tốt được nuôi tại gia và làm thịt liền tại chỗ. Nước chấm là một thứ không thể thiếu để tạo nên nét đặc trưng cho món ăn này: nước mắm phải là loại mộc nhỉ, sau đó sẽ được hòa quyện thêm cùng với chanh, muối, đường, tỏi và cuối cùng sẽ cho ra một loại nước chấm với tứ vị: mặn, ngọt, chua và cay. Hay nếu là người đơn giản, bạn chỉ cần một ít nước mắm hoặc nước mắm chanh rồi tô điểm cho chiếc bánh hỏi một ít màu xanh của lá hẹ, thế là bạn đã có được một món ăn cực kỳ đơn giản, vừa ngon lại vừa đẹp mắt.

    Bánh hỏi ăn kèm với thịt heo luộc
    Bánh hỏi ăn kèm với thịt heo luộc
    Bánh hỏi Bình Định
    Bánh hỏi Bình Định
  5. Một khi đã nhắc đến đặc sản Bình Định, chắc chắc bạn không thể bỏ qua món mắm nhum Mỹ An. Thậm chí Mắm nhum Mỹ An đã trở thành biểu tượng khi nói về đặc sản của miền đất võ. Nói đến đặc sản bình định nhiều người nghĩ ngay đến món mắm nhum Mỹ An. Đây là một loại mắm mang đậm hương vị của vùng biển miền Trung, không chỉ nổi danh ở Bình Định mà mắm nhum Mỹ An còn được đông đảo thực khách ở khắp mọi miền yêu thích bởi hương vị thơm ngon độc đáo. Thực chất, nhum còn có thể được gọi với những tên như là cầu gai hoặc nhím biển. Trong loại nhum lại được chia ra thành nhiều loại nhum khác nhau. Và loại nhum được dùng để chế biến nên đặc sản mắm nhum bắt buộc phải là loại nhum ta có màu đen.

    Đối với những con nhum mập, khi xử lý phần vỏ và gai nhọn bên ngoài, bạn sẽ thấy thịt nhum bên trong nhìn khá giống với múi sầu riêng. Còn đối với loại nhum gầy, thịt của nhum sẽ trông giống như gạch và bám dọc theo phần vỏ. Gia vị để chế biến nên món mắm nhum cũng khá là đơn giản, chỉ cần có muối nguyên hạt, tỏi và tiêu nguyên hạt là bạn đã có thể chế biến nên món đặc sản nổi tiếng. Sau khi tẩm ướp nhum với các gia vị trên, người ta sẽ đem nhum để vào một chum sành và vùi vào bếp tro hoặc để ngoài nắng từ 10 đến 15 ngày. Sau khi thịt nhum biến thành mắm, sẽ có màu đỏ đục, mùi thơm dễ chịu, thịt nhum rã ra dưới dạng sệt. Về hương vị, mắm nhum sẽ có vị mặn của muối, vị thơm của tỏi và sự cay nồng của tiêu. Chính những hương vị trên đã tạo nên một tổ hợp mùi vị hòa quyện vào nhau để cho ra đời món mắm nhum Mỹ An trứ danh xa gần.

    Mắm nhum đặc sản của  Phù Mỹ - Bình Định.
    Mắm nhum đặc sản của Phù Mỹ - Bình Định.
    Mắm nhum đặc sản Bình Định
    Mắm nhum đặc sản Bình Định
  6. Có thể nói rằng nem là tinh hoa của ẩm thực, là đặc sản đặc biệt là ở Bình Định. Nem chua Bình Định có nguồn gốc từ làng nem Chợ Huyện thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định. Nổi tiếng với món nem chua đã đi vào ca dao: “Ai về Vĩnh Thạnh quê em/Ăn nem chợ Huyện, đêm xem hát tuồng”. Tương truyền rằng ông Trần Võ tục danh là ông Bảy Ù đam mê sưa tầm các món ăn, ông chu du khắp nơi và cuối cùng chọn món nem đem về gia chế hương vị cho phù hợp với người địa phương rồi chỉ lại cho con cháu. Từ mấy đời nay, vị ngon lạ mà ông đem về cứ truyền hết từ đời này sang đời khác và món nem Bình Định ngày càng phát triển mạnh.


    Nem chợ huyện ngon chủ yếu là nhờ khâu chọn thịt. Thịt phải là thịt heo cỏ từ 6 - 8 tháng tuổi, cân nặng chừng 60kg trở lại, heo có thịt săn nhiều nạc, màu đỏ sẫm và lấy khoảng 15kg thịt nạc lọc từ 4 đùi. Có hai loại nem là nem tươi và nem chua. Nem tươi là nem nướng ăn ngay, còn nem chua thì để được lâu. Ăn nem phải ăn kèm với nước chấm, nhất là nước mắm ngon pha loãng với đậu phộng. Nem chợ huyện vừa ngọt lại vừa béo, dai mà lại giòn, đủ các vị mặn, ngọt, dai, giòn, thơm, béo nên ăn dẫu có nhiều cũng không ngán. Hiện nay giá của loại nem này khoảng chừng 40 nghìn/10 chiếc. Nem chợ huyện đã tạo nên một thương hiệu, một đặc sản cho miền đất võ Bình Định.

    Nem thường được cắt tỉa, trang trí trong các dịp đám, tiệc.
    Nem thường được cắt tỉa, trang trí trong các dịp đám, tiệc.
    Nem chợ Huyện Bình Định
    Nem chợ Huyện Bình Định
  7. Bàu Đá là tên gọi của rượu được nấu chủ yếu từ làng Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc - huyện An Nhơn - tỉnh Bình Định. Bàu Đá là tên một bàu nước ngày xưa cả làng dùng chung, là nguồn nước dùng để chưng cất rượu. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền. Ngày nay phong trào nấu rượu ở làng nghề phát triển rất mạnh nhưng chất lượng đang bị suy giảm. Tuy vậy vẫn có những gia đình giữ được truyền thống nấu xưa nay cho phẩm chất tốt. Dù là đặc sản nhưng giá của chúng cũng rất bình dân, chỉ khoảng 26 nghìn cho một lít rượu. Du khách có thể tha hồ mua làm quà cho người thân và bạn bè.


    Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu cộng với kinh nghiệm gia truyền. Để có một lít rượu Bàu Đá ngon, công đoạn nấu rất công phu, rượu được nấu bằng gạo lứt, nấu một mẻ 5 kg gạo (lấy được 3,5 - 4 lít rượu) phải mất 6 giờ. Dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của giọt rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua. Rượu có nồng độ rất cao, hơn 50 độ.

    Rượu Bàu Đá đã trở thành món quà không thể thiếu cho những ai du lịch đến Bình Định
    Rượu Bàu Đá đã trở thành món quà không thể thiếu cho những ai du lịch đến Bình Định
    Rượu Bàu Đá
    Rượu Bàu Đá
  8. Nhắc đến Bình Định thì không thể bỏ qua loại bánh đặc sản này. Bánh được gói bằng lá chuối tơ, mướt dịu và đen như mái tóc thiếu nữ. Bánh ít lá gai thật dẻo nhưng không dính răng. Ngoạm một miếng, vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cây nồng của gừng, tạo một cảm giác khoái khẩu và rất riêng. Theo lời giải thích của người dân Bình Định thì trong lá gai có vị thuốc trừ đau bụng vì vậy bạn có thể ăn thoải mái mà không sợ bị đầy hơi. Du lịch ở Bình Định về bạn cũng đừng quên mua quà cho gia đình nhé.


    Bánh ít lá gai dường như là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Bánh được dùng để ăn chơi chơi, dùng làm quà cho bạn bè, người thân, đặc biệt là trong những dip cúng ông bà, tổ tiên. Bánh ít có mặt ở nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S thân thương của chúng ta. Nhưng mỗi nơi sẽ mang một hương vị đặc trưng trưng riêng, gợi nhớ đến bóng hình của vùng đất mà nó đã “sinh ra”. Nói về bánh ít lá gai Quy Nhơn Bình Định, chúng ta sẽ nhớ đến vị ngọt thanh, dẻo mềm, béo béo… của nếp, lá gai, đậu xanh, dừa; tất cả sẽ quện vào nhau tạo nên một hương vị không lẫn vào đâu.

    Bánh ít lá gai đã trở thành một biểu tượng của Bình Định
    Bánh ít lá gai đã trở thành một biểu tượng của Bình Định
    Bánh ít lá gai Bình Định
    Bánh ít lá gai Bình Định
  9. Đến Bình Định muốn thưởng thức cái hương vị rất riêng của ẩm thực miền đất võ thì bạn không thể bỏ qua bánh xèo Mỹ Cang. Cái ngon của bánh xèo nơi đây ngoài cách làm bột, đổ bánh sao cho giòn, làm nước chấm sao cho ra cái vị nước mắm mà còn nằm ngay ở những con tôm đất mang đủ cái tươi ngon của vùng sông nước khu Đông. Tôm đất còn tươi rói nhảy lách đách trên rổ, rải tròn vào chiếc khuôn bánh trên lò than. Hơn chục con tôm trong một lá bánh xèo. Và chỉ có con tôm đất mới có được vị ngon, béo, giòn như vậy. Nếu đã dừng chân ở Bình Định thì đừng quên ghé chân thưởng thức món bánh này bạn nhé.


    Để làm được chiếc bánh xèo đúng vị Bình Định, cần chuẩn bị bột bánh xèo (bột gạo), nghệ khô, hành lá, giá sống, rau sống (xà lách và các loại rau thơm, xoài bằm), tôm đất (loại tôm còn sống thật tươi mà người dân Bình Định gọi là tôm nhảy. Có nghĩa khi cho tôm vào chảo bánh nó còn nhảy tanh tách. Thêm mực tươi (nếu muốn làm bánh xèo mực), thịt bò (nếu muốn làm bánh xèo thịt bò hoặc bánh xèo thập cẩm), tỏi, ớt, thơm hay còn gọi là dứa, đường (để làm nước chấm). Khuôn đổ bánh xèo, bột nêm, bột ngọt, sả (để ướp tôm hoặc thịt bò, mực tùy loại bánh xèo muốn làm). Vậy là đã xong khâu chuẩn bị Bánh xèo Bình Định. Còn với bánh xèo vỏ thì nguyên liệu đơn giản chỉ là bột gạo thật ngon.

    Món bánh xèo này hấp dẫn người ăn bởi vị ngon ngọt của những con tôm đất
    Món bánh xèo này hấp dẫn người ăn bởi vị ngon ngọt của những con tôm đất
    Bánh xèo Mỹ Cang - Bình Định
    Bánh xèo Mỹ Cang - Bình Định
  10. Bánh tráng dừa là một đặc sản được rất nhiều người ưa thích và lựa chọn mua về làm quà mỗi khi có dịp ghé Bình Định. Bánh rất dày và to. Nó được làm từ bột gạo thông thường trộn với nước cốt dừa, trên có rắc mè và gừng khiến bánh có mùi thơm đặc trưng rất hấp dẫn kể cả lúc chưa nướng và lúc đã nướng rồi. Loại bánh này có điều đặc biệt là chỉ ăn riêng một mình chứ không ăn kèm với các món khác như các loại bánh tráng thông thường. Muốn làm được bánh tráng dừa, trước tiên bạn phải làm lò chuyên dụng của nó. Lò để tráng bánh dừa được làm như sau: xung quanh được xây kín lại, chừa trống ở cửa lò để cho củi, tro trấu vào đun. Đặc chìm một cái nồi đựng nước kích thước lớn hơn bánh tráng, trên miệng nồi đặt một lớp vải để tráng bánh trên đó.


    Khi đun sôi nước trong nồi, hơi nước nóng bốc lên làm chín bột phía trên, bột từ dang lỏng sẽ chuyển sang dạng đặc kết dính lại thành bánh tráng ướt, đem phơi khô thì sẽ thu được bánh tráng dừa. Sau khi đã có hỗn hợp nguyên liệu đầy đủ, công đoạn tráng bánh tráng dừa không khác so với việc làm ra những loại bánh tráng khác. Múc bột lên tấm vài phía trên nồi nước, tán mỏng bột cho thật đều. Bánh tráng dừa phải dày mới ngon, điều này phụ thuộc vào kỹ năng của người tráng bánh, tạo ra bánh không có chỗ dày chỗ mỏng, trộn nguyên liệu sao cho trong lúc tráng có mùi thơm phảng phất kích thích thị giác..Với những người tráng bánh thì đây là công đoạn khó nhất trong quá trình làm bánh tráng nước dừa.

    Bánh tráng dừa
    Bánh tráng dừa
    Bánh tráng dừa
    Bánh tráng dừa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy