Top 17 Món ăn đặc sản ngon nhất từ Bắc vào Nam

Nguyễn An 896 1 Báo lỗi

Ẩm thực Việt Nam trở lên đa dạng và phong phú hơn nhờ sự góp nhặt của nhiều món ăn nổi tiếng đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Nếu bạn là một con ... xem thêm...

  1. Xuất phát điểm của món thịt trâu gác bếp bắt nguồn từ người Thái đen ở Hà Giang. Để làm ra được món thịt trâu gác bếp đòi hỏi sự công phu và khá tỉ mỉ trong từng công đoạn. Chọn thịt trâu phải là phần bắp thịt của con trâu được thả và chăn theo cách tự nhiên của người dân vùng cao, sau đó xẻ thịt thành từng miếng và trộn cùng nhiều loại gia vị như: Gừng, muối, ớt và cùng một loại gia vị bí truyền. Để tạo nên 60% hương vị của món thịt trâu gác bếp là tiêu mắc kén, tiêu này chỉ được trồng và thích hợp với khí hậu vùng Tây Bắc. Sau khi tẩm ướp gia vị xong, người Thái đen đem xâu lại và treo lên gác bếp khoảng 2 tháng liền và hun bằng khói của cây trong rừng, dần thịt trâu sẽ khô lại và có màu đen bên ngoài.


    Các tộc người bản địa dùng thịt trâu gác bếp trong các bữa ăn hàng ngày hoặc các chuyến đi rừng dài ngày. Vào mùa mưa lũ, món ăn này phát huy tác dụng bởi đảm bảo chất dinh dưỡng cho bà con dân tộc trong lúc làng bản bị cách ly với bên ngoài. Nếu như ăn chưa quen thì người miền xuôi sẽ phải nhăn mặt với vị cay của gia vị và chỉ có thể nhấm từng chút một. Tuyệt nhất là nhấm thịt trâu khô với rượu ngô. Cảm giác mặn, cay sẽ không còn nữa mà chỉ còn hương vị hài hòa của ẩm thực đặc trưng miền đá Hà Giang. Hiện nay thịt trâu trên Hà Giang không chỉ được người dân nơi đây dùng để đãi khách trong dịp ngày lễ Tết mà món ăn dần đã trở thành đặc sản để giới thiệu đến du khách thập phương mỗi lần đến Hà Giang.

    Món ăn bắt nguồn từ người Thái đen
    Món ăn bắt nguồn từ người Thái đen

  2. Nếu bạn có dịp đến cố đô mà chưa một lần thưởng thức thịt dê nơi đây thì quả là một thiếu sót vô cùng. Mặc dù Ninh Bình nổi tiếng hai đặc sản là cơm cháy và thịt dê nhưng có lẽ thịt dê vẫn là món ăn đại diện cho đặc sản nơi đây. Dê núi Ninh Bình và tương bần đã “nên đôi, nên cặp”, nhưng người Ninh Bình quả quyết rằng chỉ có tương bần thơm, sánh, đậm đà mới xứng đáng “nên duyên” với dê núi Ninh Bình. Bên cạnh đó, những món ăn kèm không thể thiếu là trái sung muối, lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, ngò gai, húng quế… góp phần làm cho các món ăn thơm lừng khó quên. Các vị nam nhi khi thưởng thức dê núi Ninh Bình thường nhấm nháp chút rượu Kim Sơn. Có người nói loại rượu này ra đời chỉ để đi kèm với các món dê núi.


    Thịt dê được chế biến nhiều món như: Dê áp chảo, dê nướng, gỏi dê. Mỗi một món ăn đều mang một hương vị riêng, nhưng thịt dê Ninh Bình sẽ không lẫn vào đâu được với thớ thịt mềm ngọt, không quá dai, thịt giòn và bùi khi ăn cùng ít rau đi kèm. Có lẽ cái hương vị ấy sẽ ngấm vào tận tâm can du khách khi thưởng thức món thịt dê này.

    Về Ninh Bình bạn nhớ một lần nên thưởng thức món thịt dê
    Về Ninh Bình bạn nhớ một lần nên thưởng thức món thịt dê
  3. Lạng Sơn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon như: Vịt quay, măng ớt, cùng nhiều món ngon nổi tiếng xứ Lạng. Nhiều là thế nhưng có một món ăn độc đáo và ít người bỏ qua đó là phở chua. Hiện nay không ai còn nhớ nổi nguồn gốc của món phở chua có từ khi nào. Chỉ biết là nó có rất lâu rồi, có người nói nó được du nhập từ Trung Quốc, có người lại nói nó biến tấu từ phở Hà Nội. Không biết nó được bắt nguồn chính xác là từ đâu, nhưng hiện nay đây là một trong những món ăn rất nổi tiếng tại Lạng Sơn với cách chế biến khá cầu kỳ cùng vô vàn nguyên liệu khác nhau. Ngoài ra, nó còn trở thành món khai vị không thể thiếu tại nhiều đám hiếu, hỉ. Đặc biệt tại ngày lễ, Tết, người ta cũng muốn có món phở chua trong nhà để thêm món ăn nhẹ nhàng sau những ngày ê hề thịt cá.


    Món phở chua theo kiểu hàn thực nên ngon nhất là ăn vào mùa nóng. Gắp miếng phở chua thưởng thức vị giòn, bùi của khoai, lạc, vị ngậy của thịt xá xíu, cay của ớt, lại man mát của miếng dưa chuột và thưởng thức thì quả là tuyệt thú. Nhất là với những người thích lang thang tới thiên sơn cùng cốc, tới các bản làng xa xôi để thưởng ngoạn thì những món ăn như phở chua mang đậm chất quê sẽ để lại ấn tượng khó quên cho bạn.

    Phở chua xứ Lạng
    Phở chua xứ Lạng
  4. Có lẽ người ta yêu thích Sapa không chỉ với cảnh đẹp, thiên nhiên trong lành. Với khí hậu trên đó khá lạnh việc bạn được ngồi bên cạnh bếp lửa than hồng nghi ngút khói để nướng những xiên thịt quả là một điều tuyệt vời. Món nướng ở đây được bày bán khá nhiều tại chợ đêm Sapa, cái nóng hổi, nồng ấm từ những món nướng đã phần nào xóa tan đi cái lạnh giá của khí hậu Tây Bắc.


    Mặc dù nguyên liêu của nhiều món nướng vẫn là thịt. Nhưng nhờ cách chế biến cộng thêm với việc khéo léo cuốn thêm nấm, hay cải mèo- loại rau đặc sản của địa phương nên du khách có ăn nhiều một chút cũng chẳng hề cảm thấy ngán. Đối với người sợ béo, thì có thể thưởng thức thêm những món củ, quả như: Bí bao tử nướng, đậu phụ nướng, dưa chuột chẻ… Tuy nhiên, khi thưởng thức đồ nướng bạn cũng đừng quên nhâm nhi cùng vài ngụm rượu Bắc Hà hay San Lùng cay nồng, thơm tê đầu lưỡi nhé. Chắc chắn du khách sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, bay bổng đến lạ. Hãy trải nghiệm tour du lịch Sapa để thưởng thức những món nướng mà bạn yêu thích nhất nhé.

    Đồ nướng nối tiếng tại Sapa
    Đồ nướng nối tiếng tại Sapa
  5. Bánh mỳ cay Hải Phòng bắt đầu nổi lên là một món ngon Hải Phòng từ những năm 80, có xuất xứ trong ngõ Khánh Lạp gần Hàng Kênh. Cho đến ngày nay, bánh mỳ cay đã trở thành đặc sản Hải Phòng nổi tiếng khắp ngõ ngách đất cảng. Bánh mỳ cay là món ăn nổi tiếng của thành phố hoa phượng đỏ, mặc dù không quá cao sang nhưng món ăn đường phố này lại khiến bao người mê mẩn. Món ngon Hải Phòng này chỉ to bằng gần hai ngón tay, dài tầm 20cm. Nếu bạn đã ăn bánh mỳ cay ở những nơi khác trước khi ăn ở Hải Phòng, bạn sẽ bị bất ngờ vì sự “nghèo nàn” về nhân của món đặc sản Hải Phòng này đấy.

    Nhân của bánh mỳ cay Hải Phòng chỉ dùng pate bên trong, không thêm giò, chả hay bất cứ loại rau nào khác. Có thể cũng vì dùng nhân đơn giản mà bánh mỳ cay Hải Phòng có thể bảo quản trong ngày và tiện cho di chuyển mà khi ăn chỉ cần làm nóng lên, vẫn sẽ giữ được độ ngon của món đặc sản Hải Phòng. Giá của một chiếc bánh mỳ cay cũng khá dân dã như chính con người nơi đây. Chỉ khoảng từ 5.000- 10.000 đồng là bạn đã có trên tay chiếc bánh mỳ nóng hổi giòn tan. Khi ăn bạn cảm nhận vị ngậy của bate, vị béo của nước sốt. Hiện nay, khi đến Hải Phòng bạn có thể bắt gặp bất cứ những gánh hàng rong hay những xe đẩy hàng bán bánh mỳ rong ruổi khắp từng con phố đến ngõ nhỏ.

    Mỳ cay món ăn dân giã tại phố Cảng
    Mỳ cay món ăn dân giã tại phố Cảng
  6. Nghệ An nổi tiếng nhất là món cháo lươn, sup lươn, miến lươn trộn mà không nơi nào có được. Nếu đặt chân đến mảnh đất Nghệ An mà bạn không thưởng thức món đặc sản này thì quả thực là một thiệt thòi cho các bạn. Thế nhưng để tìm được quán ăn lươn ngon giá rẻ tại Vinh, Nghệ An chuẩn vị đậm đà thì không phải nơi nào cũng làm được đâu nha. Cháo lươn là một trong những món ăn đặc sản của xứ Nghệ. Bát cháo có vị cay nồng, thịt lươn vàng óng thấm đẫm gia vị và dần trở thành niềm tự hào của người dân xứ Nghệ mỗi khi món cháo lươn được mọi người nhắc đến và ca ngợi.


    Món cháo lươn được nấu khá công phu từ khâu chọn lươn, đến khâu ngâm gạo, băm xương, lọc xương tất cả đều được làm thủ công. Khi ăn người ta múc cháo ra bát, thêm cùng một ít thịt lươn xào thơm phức, thêm một chút nước sốt vàng ngậy và hành phi. Món lươn ngon nhất là khi ăn nóng cùng với bánh rán vàng giòn hay bánh ướt lạ miệng.

    Cháo lươn món ăn tự hào của người dân xứ Nghệ
    Cháo lươn món ăn tự hào của người dân xứ Nghệ
  7. Dù cái tên khiến người ta liên tưởng đến sự ma mị, huyền bí nhưng thực chất cơm âm phủ lại có màu sắc rất hấp dẫn. Đây được coi là một trong những món ngon của ẩm thực cung đình Huế. Ngày xưa món cơm âm phủ này chỉ được dành cho tầng lớp vua chúa trong triều đình, nên cách bài trí món ăn này phảng phất nét cung đình. Cách chế biến món cơm âm phủ này không khó nhưng lại đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu và ăn kèm với cơm âm phủ không thể thiếu một chén nước mắm tỏi ớt. Trên đĩa cơm dẻo và thơm, thực khách có thể lần lượt khám phá hương vị rất riêng của từng nguyên liệu. Thịt ba rọi thái sợi mỏng, chả lụa Huế, tôm xay nhuyễn, nem Huế nướng, trứng đổ chả, rau thơm, dưa leo. Tất cả được sắt sợi và trình bày theo nghệ thuật phối màu hài hòa.


    Chỉ với một dĩa cơm thực khách có thể thưởng thức được nhiều đặc sản Huế. Nét độc đáo của món ăn này không chỉ nằm ở điểm hình thức, dinh dưỡng mà còn khá rẻ. Nó mang nét rất riêng của Huế, dù bạn có ăn “Cơm âm phủ” ở bất cứ nơi nào thì tới Huế bạn sẽ không thể bỏ qua món ăn này. Nhân viên tại các quán cơm âm phủ rất đông và nhiệt tình, bạn yên tâm sẽ có phần ăn ngay không phải chờ lâu. Hết rau hoặc đu đủ bạn có thể gọi thêm dễ dàng. Giá cả phải chăng, một đĩa cơm âm phủ Huế thơm ngon chỉ với 25 nghìn đồng.

    Cơm âm phủ món ăn phảng phất nét cung đình
    Cơm âm phủ món ăn phảng phất nét cung đình
  8. Du lịch Đắk Lắk không chỉ là những hành trình khám phá cảnh quan núi rừng hùng vỹ đầy ấn tượng mà còn là những chuyến đi nhiều trải nghiệm khó quên về hương vị ẩm thực địa phương, trong đó có những món ăn ngon từ thịt nai. Đắk Lắk nổi tiếng với món thịt nai không phải vì thịt nai nơi đây là ngon nhất, mà bởi vì 2 lý do chính: Một là do thịt nai rất khó tìm ở vùng đất này nên thịt nai trở thành đặc sản và được chế biến hết sức tỷ mỷ, công phu. Hai là do hương vị trong cách chế biến thịt nai của người Đắk Lắk rất khác biệt, giản dị nhưng tinh tế. Bởi thế mà thịt nai Đắk Lắk luôn làm ấm lòng người thực khách bốn phương. Món ăn tại Đắk Lắk chế biến từ thịt nai rất phong phú.


    Thực khách sẽ thấy món thịt nai tại Đắk Lắk thường được chế biến với 7 món ăn khác nhau, món nào cũng tạo nên những hương vị riêng với thịt nai xào, thịt nai nhúng mẻ, thịt nai rán. Tùy theo từng khẩu vị của mỗi người mà có cách cảm nhận riêng. Nhưng nhìn chung mọi người đều có chung một cảm nhận rằng thịt nai Đắk Lắk rất ngon. Nhiều người nói ngon nhất vẫn là món thịt nai nướng. Nó được tẩm ướp với nhiều gia vị và ăn cùng với gừng tươi. Khi ăn chúng ta mới cảm nhận được hết vị ngon trên từng thớ thịt. Có thể thấy chỉ với nguyên liệu là thịt nai nhưng bằng nhiều cách chế biến khác nhau mà vùng đất của ẩm thực núi rừng này đã mang lại cho thực khách những trải nghiệm thú vị. Và quả thực, những món ăn từ thịt nai như thế xứng đáng được gọi là đặc sản vùng miền.

    Thịt nai
    Thịt nai
  9. Trong hàng chục các loại bánh tráng thì có lẽ bánh tráng Tây Ninh thuộc loại bánh có sức hấp dẫn không cưỡng lại được nếu đã ăn qua một lần. Nó không đơn giản như bánh tráng trộn hay bánh tráng muối ớt. Bánh tráng me gồm bánh tráng được phơi sương, trộn cùng gói muối ớt, bột tôm rang, hành phi đậu phộng rang và chút nước me có vị chua chua ngòn ngọt, chỉ đơn giản thế thôi nhưng món bánh me lại làm say đắm lòng người đến lạ.


    Người ăn tùy theo khẩu vị và sở thích của mình có thể thêm các gói gia vị để pha chế thành một thứ nước chấm. Sau đó gỡ từng miếng bánh tráng dẻo kia ra và cuốn lại, cứ thế mà vừa nhai, vừa nuốt, vừa… hít hà. Cái vị chua dịu của nước me chín, cái cay xé của ớt, vị mặn mặn của bánh tráng, của tôm, cái béo giòn của đậu phộng rang… tạo nên một thứ hương vị quyến rũ khó thể nào quên. Một đặc điểm thú vị nữa bạn không thể nào ngồi ăn bánh tráng me một mình vì chính cái sự kích thích của nó, nên hầu như là món độc quyền và đắt khách nhất dành cho các “bà tám”.

    Bánh tráng me Tây Ninh
    Bánh tráng me Tây Ninh
  10. Cơm tấm là món ăn nổi tiếng của Sài Gòn. Người Sài Gòn có thể ăn cơm tấm sáng trưa chiều tối. Buổi sáng, bước ra bất cứ đầu hẻm nào, dù thấy hàng loạt quán nui phở bánh canh nhưng thế nào bạn cũng bắt gặp một hàng cơm tấm. Buổi tối, để thức khuya học bài bạn có thể ra đường bất cứ giờ nào để tìm một quán cơm tấm đêm. Thiệt ra cơm tấm cũng chỉ là món ăn bình dân được chế biến từ những hạt gạo gãy. Cứ thế với dòng thời gian cùng bao biến tấu của người bán nó đã trở thành đặc sản và có khi đã trở thành món ăn cao cấp của Sài Thành.


    Cơm tấm Sài Gòn là món ăn đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Có lẽ người Sài Gòn ăn cơm tấm cũng nhiều như người Hà Nội ăn phở. Một suất cơm tấm đúng điệu gồm: Cơm tấm, sườn nướng, bì, chả chưng, mỡ hành, cùng nước mắm và đồ chua ăn kèm. Khi ăn bạn chỉ cần trộn đều tất cả cùng nhau rồi cứ vậy ăn cùng sườn nướng hoặc trứng ốp la là bạn đã cảm nhận được vị ngon của đĩa cơm cùng sự tinh tế của người chế biến.

    Cơm tấm món ăn nổi tiếng với tất cả người dân Sài Gòn
    Cơm tấm món ăn nổi tiếng với tất cả người dân Sài Gòn
  11. Sầu đâu hay còn được gọi là "sầu đông" hoặc "cây xoan", mọc rất nhiều ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang. Cần phân biệt cây sầu đâu mọc ở miền Tây và sầu đâu (sầu đông) mọc ở miền Trung. Cây mọc ở miền Trung lá màu xanh, hoa màu tím, đặc biệt lá độc không ăn được. Còn cây sầu đâu mọc ở miền Tây có hoa màu trắng xanh, lá màu xanh vị đắng nhưng chứa nhiều vị thuốc tốt. Cây sầu- loài cây mọc rất nhiều ở vùng Châu Đốc. Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng nổi tiếng nhất là món sầu đâu chấm thịt kho, cá kho và từng được gọi là món ngon nhất trên đời.


    Món gỏi sầu đâu được chế biến rất đơn giản như: Lá và hoa sầu đâu rửa sạch trụng qua nước sôi bớt đắng, sau thêm dưa leo và xoài cắt mỏng. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu cùng với khô cá lóc hoặc cá sặc, sau đó xe nhỏ thêm ít thịt ba chỉ thái mỏng cùng tôm bóc vỏ, trộn đều tất cả nguyên liệu cùng nhau và thêm ít mắm chua ngọt. Món ăn có sự pha trộn vị chua của xoài, vị đắng nhẹ của sầu đâu, vị mặn của cá cùng mùi thơm hấp dẫn của nhiều loại rau thơm.

    Món gỏi làm say đắm bao người
    Món gỏi làm say đắm bao người
  12. Bánh khọt được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo nguyên chất và không được pha thêm bất cứ một thứ bột nào khác. Còn nếu muốn cho bánh có màu bắt mắt thì người ta cho pha thêm một ít bột nghệ để có màu vàng ruộm hấp dẫn. Để có một chiếc bánh ngon đúng điệu thì pha bột là khâu quyết định tất cả. Bột phải xay từ tối hôm trước và để qua đêm, có vậy thì bánh mới giòn và ngon được.


    Đến với thành phố biển ngoài việc thưởng thức những món hải sản tươi ngon, bạn cũng nên một lần nếm thử qua món bánh khọt nổi tiếng tại Vũng Tàu. Chiếc bánh có hình dạng gần giống với bánh căn của người miền Trung được làm từ bột gạo cùng nhiều loại nhân bánh khác nhau như tôm, thịt. Khi ăn có vị dẻo của vỏ bánh hòa quyện cùng với mùi thơm béo ngậy của nhiều loại nhân điển xuyết thêm một chút hành tươi. Vị béo ngậy của mỡ hành cộng với vị ngọt thơm của tôm quyện trong chất xốp giòn của bột gạo được đưa đẩy bởi vị chua ngọt của nước chấm, nước sốt và các loại rau củ ăn kèm. Tất cả nguyên liệu đã làm nên sự quyến rũ của món bánh khọt.

    Bánh khọt
    Bánh khọt
  13. Làm được món bánh trứng kiến thơm ngon này ta phải vào rừng kiếm trứng kiến. Nhưng không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được. Chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà người Tày thường gọi là tua rày. Loại kiến này nó có thân nhỏ, đuôi nhọn. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây. Một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng. Một thứ nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả. Người Tày gọi là bâu ngỏa. Khi làm bánh phải chọn loại cây lá nhỏ sẽ thơm và mềm hơn loại to. Chọn lá làm bánh phải chọn loại lá bánh tẻ, không quá non và không quá già. Vì nếu lá non quá khi hấp lên bánh chín thì lá nát không cầm được bánh. Còn nếu lá già quá thì bánh ăn dai không còn vị thơm của lá.


    Gạo nếp có pha một ít gạo tẻ để bột đỡ dẻo. Người làm bánh phải xay bột thật mịn, thêm nước vừa phải với độ mềm để nặn bánh. Lá vả rửa sạch, bỏ phần gân lá ở mặt dưới rồi trải bột lên đó với độ dày vừa phải. Chú ý không trải ra hết mép lá để khi hấp chỗ lá đó xoăn lại làm mép bột không tràn ra ngoài. Trứng kiến đem phi mỡ lợn cho thơm, cho thêm ít lá hẹ rồi rắc lên lớp bột và gập đôi chiếc lá lại rồi đem vào khay hấp. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Đây là một trong những nét văn hoá ẩm thực mang giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng.

    Bánh trứng kiến
    Bánh trứng kiến
  14. Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về hoa ban - măng đắng mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: Đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món măng nộm hoa ban. Cái tên gần như đã nói lên cả nguyên liệu và cách chế biến món ăn này. Nhưng để có được món măng nộm hoa ban như của người Thái ở Lai Châu ngoài sự khéo léo từ đôi bàn tay của người chế biến thì khâu chọn nguyên liệu cũng hết sức quan trọng.

    Măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được nhưng ngon nhất thì có măng nứa và măng đắng. Măng đắng cần sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo. Còn nếu là măng nứa thì đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay các nguyên liệu măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng. Gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban và vị đăng đắng của măng tươi.

    Măng nộm Hoa Ban
    Măng nộm Hoa Ban
  15. Thị xã Phú Thọ không chỉ nổi tiếng với lịch sử hào hùng hàng trăm năm với những hàng cây xà cừ cổ thụ ven đường, với bờ sông Hồng thơ mộng mà còn nổi tiếng với món bánh rất bình dị nhưng làm nức lòng thực khách đó là món bánh tai.


    Món bánh tai vốn là một thứ quà ăn sáng của người dân quê thị xã Phú Thọ. Vào sáng sớm bạn đã có thể bắt gặp những gánh hàng của các bà các mẹ gánh ra chợ bán. Món bánh tuy dân giã nhưng bất cứ ai khi đã từng thưởng thức thì cũng sẽ nhớ mãi hương vị và cái tên rất lạ của bánh.


    Bánh tai đã có từ rất lâu đời. Khi xưa gọi là bánh hòn tai, bánh nặn như hình con trai trai sau đó được gọi tắt là bánh tai. Bánh tai được làm bằng gạo tẻ trắng, dẻo. Bên ngoài bánh có màu trắng đục của bột gạo, bên trong bánh được làm từ thịt nạc say, mỡ, hành khô, tiêu. Bánh được ăn kèm với nước chấm cay pha sẵn. Khi thưởng thức bánh tai bạn sẽ cảm nhận mùi thơm của bánh quyện trong nhân thịt. Đây là món ăn sáng khá lí tưởng của người dân Phú Thọ cũng như của thực khách khi đến nơi này.

    Bánh tai
    Bánh tai
  16. Nem bùi được khai sinh ở làng Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nghề làm nem ở đây đã có hàng trăm năm, đời này kế tiếp đời kia phát triển và gìn giữ nghề cha ông để lại. Vài năm trở lại đây nem Bùi dần có mặt trên thị trường và trở thành món ẩm thực ngon, rẻ. Đồng thời là món quà trao tay ý nghĩa cho bạn bè, người thân sau mỗi dịp ghé qua Bắc Ninh. Nem bùi có nhiều hương vị: Vị ngọt bùi thơm ngon béo ngậy của thịt, vị bùi của thính ăn kèm với lá sung cộng với vị cay cay của nước chấm tương ớt.


    Nguyên liệu làm món nem bùi phải là giống lợn ỉ đen, lưng gẫy hình yên ngựa, mõm ngắn nuôi bằng cám gạo và bèo cái hoặc rau chuối. Cả con lợn thịt ra cũng chỉ lấy được hai cái thăn và phần mỡ gáy để làm nem. Công đoạn làm rất công phu và cẩn thận để giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ dùng dao sắc thái thịt chỉ, rồi sử dụng tỏi, ớt, dấm chua bóp với thính gạo xay, nắm thật chặt rồi gói lại bằng lá chuối. Sau 3 ngày nem tự chín lúc đó mới ăn được. Mở lá chuối ra, chiếc nem hình vuông được cô chặt có màu hồng nhạt, mùi thơm của thính, vị béo béo, ngậy ngậy, chua chua của thịt hấp dẫn người ăn. Nem bùi trở thành món quà quê được bao người trong và ngoài nước ưa chuộng. Vào mùa đông giá lạnh nhiều cơ sở sản xuất lớn còn đưa nem bùi xuất khẩu sang các nước như: Đức, Nga, Nhật… cho những người con đất Việt thưởng thức hương vị quê hương.

    Nem bùi
    Nem bùi
  17. Bánh cáy có nguồn gốc từ làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đây vốn là thứ bánh dân dã với hương vị rất đặc trưng được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn. Xưa kia món bánh còn được dùng như một sản vật để tiến Vua. Tên gọi bánh cáy sẽ khiến cho du khách ngỡ rằng đây là một loại bánh làm từ con cáy. Bởi trong dân gian vẫn có truyền thuyết cho rằng loại bánh này là do thần cáy ở biển ban cho. Thực tế, bánh cáy được làm từ gạo nếp, lạc, vừng và các gia vị cùng các loại lá, quả để tạo màu vàng, trắng, xanh.


    Từ những nguyên liệu rất bình dị nhưng người dân nơi đây đã kết hợp lại để tạo nên một thứ bánh dẻo, thơm với những hương vị đặc trưng. Bánh cáy làng Nguyễn được chọn lựa nguyên liệu kỹ càng. Gồm có nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, vừng, lạc được rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp cùng với đường, mứt bí dẻo thơm, thêm cả mạch nha và tinh dầu hoa bưởi. Khi ăn người thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt, bùi, lại có chút béo đan xen cùng với độ giòn, lại vừa dẻo vừa dai. Thú vị hơn nữa là lại được nhâm nhi bên ấm trà xanh nóng trong tiết trời se se lạnh. Vị trà ấm kết hợp với vị cay nóng của gứng trong miếng bánh sẽ khiến người ăn cảm thấy ấm dạ, khoan khoái. Giá bánh cáy Thái Bình dao động khoảng từ 20.000 - 50.000 đồng/ hộp (tùy theo trọng lượng).

    Bánh cáy
    Bánh cáy



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy