Top 10 Món ngon Hà Giang

Hoàng Ngọc Trang 1248 0 Báo lỗi

Ẩm thực là một phần đặc sắc tạo nên vẻ đẹp một vùng văn hóa giàu truyền thống lịch sử. Ở Hà Giang cũng có rất nhiều món ăn lạ miệng, thơm ngon và vô cùng độc ... xem thêm...

  1. Mỗi dân tộc trên đất nước hình chữ S có một loại bánh chưng tượng trưng cho văn hóa của cộng đồng mình. Đến Hà Giang bạn đừng quên thưởng thức bánh chưng gù nhé. Món bánh chưng gù không quá mới nhưng lại rất được yêu thích, nhìn chiếc bánh nhỏ bé xinh xinh, dễ ăn, dẻo thơm và ngon.


    Bánh chỉ có 1 lớp lá gói thay vì 4 – 5 lớp như bánh chưng xanh truyền thống của người Kinh. Nhờ vậy, việc bóc bánh khá dễ dàng và nếu khéo léo bạn hoàn toàn có thể không dính tay một chút nào. Bánh chưng gù có kích thước nhỏ khá vừa đủ xinh. Bánh nho nhỏ cầm trong lòng bàn tay có cảm giác múp míp, đầy đặn, giống như chiếc lu đất đựng nước ngày xưa. Thực tế, hình dáng bánh chưng gù tượng trưng cho 1 người phụ nữ Dao đang đeo gùi trên lưng. Hình ảnh khi họ cúi xuống hái lúa, hái ngô trên nương rẫy đã tạo nên hình dạng của chiếc bánh chưng này.


    Nếu bạn muốn có chiếc bánh để ăn tạm khi đói, hoặc cũng có thể ăn trong mâm cỗ gia đình thì bánh chưng gù cũng là sự lựa chọn để bữa ăn thêm “đẹp” hơn.

    Bánh chưng gù
    Bánh chưng gù
    Bánh chưng gù
    Bánh chưng gù

  2. Bánh cuốn luôn là món ăn luôn đứng đầu khi nói về đặc sản của Hà Giang. Trong cái chớm lạnh đầu đông, cùng quây quần bên nhau cạnh chiếc bàn nhỏ, hít hà cái hương vị trong lành của cái lạnh nơi đây, hít cái hương đất, cái không khí trong trẻo mà nơi thị thành đông đúc kia không bao giờ có được. Tìm vào dừng chân ở quán bánh ven đường, bạn mới thực sự cảm nhận được hơi ấm ở đây, hơi ấm từ bếp lửa tráng bánh, hay chính là hơi ấm từ lòng người.


    Mới nhìn qua ai cũng nghĩ bánh cuốn ở đây sẽ rất giống với những bánh nơi khác, không có gì đặc biệt cả. Nhưng phải thật sự khi bạn nếm miếng bánh đầu mới cảm nhận được hương vị khác biệt vô cùng. Bánh ở miền xuôi thường được chấm với nước mắm, hoặc có thể vắt thêm chút chanh và ớt còn nơi đây, đó là một bát nước hầm xương đậm đà, điểm thêm là chút hành hoa thái lát, rau mùi thơm man mát hòa quyện cùng vị béo béo, ngậy ngậy của canh chấm bánh. Quả là chỉ nếm nước thôi cũng đủ làm bạn mê mẩn món bánh này. Khi nhìn thấy bạn sẽ cảm thấy rất lạ lẫm với kiểu ăn này, nhưng rồi thử nếm một miếng bánh dai dai, dẻo dẻo thì thật sự cái tâm hồn ăn uống của bạn đã bị món ăn này "hớp hồn". Có 2 vị nhân của bánh cuốn trắng cho khách lựa chọn: nhân mộc nhĩ giòn thơm mang đến cảm giác là lạ hoặc nếu không thích ăn mộc nhĩ bạn có thể nếm vị nhân thứ hai là nhân ruốc và thịt băm, vị mặn mặn bùi bùi của nhân hòa quyện với vỏ ngoài mỏng mềm của bánh, thêm một thìa nước canh xương thì không còn gì tuyệt vời hơn.


    Tùy thực khách gọi, có thể ăn thêm 1 - 2 khúc giò, cắt đôi miếng hoặc thả nguyên bánh vào bát canh để bánh thấm đẫm vị ngọt của nước xương, mùi thơm của hành lá trước khi đưa lên miệng. Ngoài bánh cuốn trắng, còn có một loại bánh cuốn khác mà người ta hay gọi vui là "bánh cuốn vàng" - món bánh này cũng được làm từ bột gạo hấp, tráng mỏng nhưng khi gần cho vào nồi hấp, chủ quán đập thêm 1 quả trứng đánh đều khiến bánh khi lấy ra có màu vàng cực ngon mắt, vắt thêm chút chanh, cho thêm chút dấm ớt cay cay, vảng vất trên miếng bánh là những lát hành khô vàng rụm, giòn tan, tùy từng thực khách không thích hành khô có thể không cho vào, nhưng những hương vị giản dị trong đĩa bánh sẽ khiến cho ai từng thưởng thức sẽ không bao giờ quên món ăn ngon và lạ đậm chất thôn quê này.

    Bánh cuốn Đồng Văn
    Bánh cuốn Đồng Văn
    Bánh cuốn Đồng Văn
    Bánh cuốn Đồng Văn
  3. Thịt trâu gác bếp là một món ăn nổi tiếng của người Tày, Thái ở Đông, Tây Bắc. Thịt trâu gác bếp hay còn được gọi là thịt trâu hun khói được tẩm ướp hòa quyện các loại gia vị núi rừng tây bắc như Mác Khén, hạt dổi, gừng, rượu trắng, ớt khô say... tất cả tạo nên một mùi hương rất đặc trưng lạ miệng.


    Chế biến trâu gác bếp không khó nhưng lắm công phu. Thịt được lọc từ phần nạc như thăn, bắp, lưng, lọc thái dọc thớ thành thải dài.Miếng thịt tươi được tẩm nhiều loại gia vị nóng như ớt, tiêu, gừng… và không thể thiếu “linh hồn của gia vị Tây Bắc”: hạt mắc khén. Thứ gia vị bé xíu nhưng tạo cho món trâu hương vị rất đặc biệt khó lẫn. Sau khi thịt ngấm, người Thái mắc dây thịt gác lên dàn bếp. Nguyên liệu đun từ những thứ có sẵn của núi rừng. Qua hàng tuần gác bếp, từng dải thịt thấm đều quyện hơi khói tự nhiên rồi khô lại. Gia vị cũng từ từ ngấm đẫm từng thớ thịt bên trong. Miếng thịt dần quắt lại, nâu ánh tự nhiên. Trên bề mặt thịt sót lại vài miếng ớt khô, hạt tiêu.


    Nếu có đến Hà Giang mà chưa biết mua gì làm quà thì trâu gác bếp là lựa chọn ưu tiên số một.

    Thịt trâu gác bếp
    Thịt trâu gác bếp
    Thịt trâu gác bếp
    Thịt trâu gác bếp
  4. Bạn có thấy du khách thường truyền tai nhau đi Hà Giang đến chợ Đồng Văn ăn thắng cố và uống rượu ngô? Không biết từ bao giờ món thắng cố trở thành cái tên quen thuộc mỗi khi nhắc đến Hà Giang mà du khách tự gán cho nó. Nét thu hút tạo nên sức hấp dẫn cho món ăn này có lẽ là hương vị khác lạ, mang đặc trưng của vùng núi Tây Bắc.


    Thắng cố chuẩn được làm từ nội tạng ngựa hoặc bò, hoà quyện cùng hương vị đặc trưng của các gia vị vùng núi Tây Bắc như thảo quả, hạt dổi, sả, ớt và tiêu tạo nên hương vị béo ngậy, cay nồng, phù hợp với tiết trời se lạnh vùng cao. Buổi tối mà thưởng thức món này cùng một chút rượu ngô đúng là tuyệt hảo, bảo sao du khách khi đi Hà Giang về ai cũng truyền tai nhau món này.


    Bạn đã đến Hà Giang mà chưa thưởng thức món này thì quả là sơ xuất lớn, món ăn này không chỉ là một trải nghiệm mới lạ mà nó còn chứa đựng nhiều phong tục tập quán hết sức độc đáo mà chỉ nơi đây mới có.

    Thắng cố
    Thắng cố
    Thắng cố
    Thắng cố
  5. Đến Hà Giang mà chưa thưởng thức món cháo ấu tầu thì quả là một điều tiếc nuối. Không giống với tất cả các loại cháo khác bạn đã từng ăn, chúng có hương vị rất khác lạ, có lẽ là đặc trưng của địa phương nơi đây.


    Nguyên liệu chính của món ăn là gạo nếp, củ ấu tẩu và chân giò. Sau khi vo gạo xong sẽ dùng nước vo gạo để ngâm củ ấu tẩu cho mềm và sạch những cặn bẩn. Sau đó nấu ấu tẩu chừng 4 tiếng để ấu tẩu mềm và tơi khi cho vào nấu cùng cháo sẽ hòa quyện, chân giò chặt miếng vừa ăn. Tất cả cho vào nồi ninh dừ cùng với muối và bột ngọt. Ngoài ra cháo ấu tẩu còn được ăn kèm với thịt băm rất thơm ngon và đễ ăn. Bạn đầu bạn có thể thấy nó hơi đắng nhưng ăn rồi thì Toplist tin rằng bạn sẽ nghiện nó cho mà coi.


    Cháo ấu tẩu có vị đắng, nhưng khi ăn đến cổ họng thì cảm giác rất ngọt. Những người đã quen với vị đắng ấy bị nghiện cháo ấu tẩu. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại các cửa hàng bán cháo ấu tẩu ở thị xã Hà Giang hoặc những huyện vùng cao. Tuy nhiên những cửa hàng này chưa có trên googlemap nên muốn thưởng thức bạn có thể hỏi thăm người dân sống ở đó, rất dễ tìm thôi. Tùy từng cửa hàng mà giá bán cháo ấu tẩu cũng khác nhau trung bình một bát cháo to có giá từ 25 đến 30 ngàn đồng.

    Cháo ấu tẩu
    Cháo ấu tẩu
    Cháo ấu tẩu
    Cháo ấu tẩu
  6. Ở những vùng núi khí hậu ẩm ướt cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi nên rong, rêu thường rất phát triển và cao nguyên Hà Giang cũng là một nơi như vậy. Tận dụng lợi thế của địa phương cùng văn hoá ẩm thực phong phú, người dân nơi đây đã sáng tạo nên những món ăn hết sức độc đáo. Không chỉ là món khoái khẩu của người dân nơi đây mà còn nổi tiếng gần xa và được khách du lịch săn đón, đó chính là món rêu nướng.


    Rêu nướng là món ăn đặc trưng của dân tộc Tày, rêu nướng không chỉ là món ăn thông thường mà còn có tác dụng lưu thông khí huyết, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng rất tốt. Theo kinh nghiệm được truyền lại từ nhiều đời của người Tày, khi đi tìm rêu nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món. Khi vớt rêu, phải đứng ở dưới suối để vớt. Nước cứ chảy từ trên xuống lấy tay quơ ngang, những cái nào non nhất thì lấy. Rêu chỉ sống trong 7 ngày, tức là khi nó mọc lên 3-4 ngày là phải vớt ngay nếu để quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệnh không ăn được nữa.


    Chú ý là rêu thường có theo mùa và ở những bãi rêu lớn vì thế món ăn này không phải lúc nào cũng có. Rêu khi rửa sạch thì được trộn với sả, gừng, muối, hạt tiêu rồi gói vào lá dong nướng trên bếp. Ngoài món rêu nướng rêu có thể nấu với nước xương hầm, nước luộc gà. Nhiều gia đình bảo quản rêu bằng cách treo trên gác bếp, khi có khách quý thì mang ra chiêu đãi. Nếu bạn lên vùng cao được thưởng thức món ăn từ rêu thì rất may mắn đó.

    Rêu nướng
    Rêu nướng
    Rêu nướng
    Rêu nướng
  7. Nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến Hà Giang đôi khi chỉ vì những cách đồng hoa tam giác mạch trù phú, nhiều người chỉ mải mê với những bức hình check in đầy cuốn hút mà quên mất rằng loài hoa này còn được chế biến ra một món ăn hết sức độc đáo, đó chính là bánh tam giác mạch.


    Sau khi tận hưởng những khung cảnh đầy lãng mạn, khi mùa hoa kết thúc, bà con dân tộc thu hoạch hạt tam giác mạch, đem phơi khô và dùng để làm bánh, ủ rượu, nuôi gia súc. Quy trình để làm ra một chiếc bánh không dễ bởi hạt tam giác mạch không dễ xay nhỏ mịn nếu dùng cách xay tay, bà con dân tộc chỉ có chiếc cối đá thường xay ngô chứ xay hạt tam giác mạch rất khó. Mà nếu không xay được thật mịn thì khi làm ra bánh sẽ lợn cợn rất khó ăn. Sau khi nhào bột với nước để đúc thành những chiếc bánh tròn dẹt, rộng hơn gang tay, người ta sẽ đem hấp chín. Khi ăn, sẽ mang ra nướng trên bếp than cho nóng và thơm.


    Hiện nay bánh tam giác mạch đã được làm với quy trình hiện đại hơn, bánh đã có thương hiệu riêng và được bày bán ở những địa điểm du lịch tại Hà Giang. Bánh tam giác mạch giờ đây không được bán nhiều ngoài chợ nữa mà được đóng hộp bán ở những địa điểm du lịch nhiều hơn, một hộp bánh có giá từ 25 đến 30 ngàn đồng.

    Bánh làm từ hạt tam giác mạch
    Bánh làm từ hạt tam giác mạch
    Bánh làm từ hạt tam giác mạch
    Bánh làm từ hạt tam giác mạch
  8. Xôi một màu thì ta có thể nhìn thấy ở mọi nơi, nhưng chỉ có ở Hà Giang mới có món xôi ngũ sắc gồm 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Không phải ngẫu nhiên mà người Tày lại chế biến món xôi thành những màu như thế. Mỗi màu xôi lại truyền tải một ý nghĩa nhất định, đó là đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tất cả những màu tạo nên một màu sắc không những hài hòa âm dương, ngũ hành mà còn tạo nên sự bắt mắt và tính thẩm mỹ của món ăn.


    Trên thị trường, có rất nhiều loại xôi với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng xôi ngon và chuẩn thì phải nhắc đến món xôi của đồng bào thiểu số vùng cao. Xôi là đồ ăn được ưa chuộng tại miền cao bởi phù hợp với điều kiện và nét đặc trưng của tộc người thiểu số. Điều đặc biệt rằng, xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng có chọn lọc vì vậy rất dẻo vào thơm, để lâu cũng không bị cứng và có thể ăn xôi mà không cần đến đồ ăn mặn như cơm gạo tẻ.


    Màu xôi đẹp tự nhiên được làm từ các màu trong đời sống hằng ngày của người dân địa phương. Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Mỗi vùng dân tộc có một cách làm riêng. Màu đỏ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen hay lá cây sau sau...


    Với món xôi ngũ sắc, không chỉ mang lại vẻ đẹp mắt, ngon miệng mà còn mang tính thiêng liêng vô cùng lớn. Món ăn đặc sản nổi tiếng này là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ của đồng bảo dân tộc Hà Giang. Đó còn là biểu tượng văn hóa nơi đây khiến ai đến với Hà Giang đều mong muốn được tự mình thưởng thức món ăn này.

    Xôi ngũ sắc
    Xôi ngũ sắc
    Xôi ngũ sắc
    Xôi ngũ sắc
  9. Những buổi sớm trong các phiên chợ, đặc sản mà không thể không nhắc tới đó chính là phở chua - món điểm tâm mỗi sáng của người dân chất phác nơi đây. Phở tuy không phải đặc sản có một không hai ở Hà Giang nhưng lại mang một nét khác biệt của ẩm thực Hà Giang. Phở chua thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi lan sang các tỉnh biên giới phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn,... vào sau đời Mãn Thanh cách đây khoảng 300 năm. Tên Trung Quốc của phở chua là "Lường pàn" nghĩa là "phở mát". Gọi là phở mát nên phở chua thường được dùng cũng như được bán vào mùa hè. Trước đây, món này được dùng trong thực đơn món cỗ. Hiện nay, món được nhiều làm món điểm tâm trong các buổi chợ phiên.


    Nguyên liệu quan trọng nhất của món phở chua chính là bánh phở tươi ngon được người dân lựa chọn kỹ lưỡng từ gạo dẻo thơm xay và được tráng thật mềm cùng nước dùng - nước chua ngọt. Nước chua ngọt này được tạo nên nhờ một loại dấm chua hòa với đường, cùng với bột sắn quấy sệt thêm một chút gia vị - tất cả được đun sôi lên và quấy đều tay. Tiếp theo đó là những lát thịt lợn rán, lạp xưởng rang cháy cạnh, vài miếng thịt vịt quay vàng rụm cùng tỏi tươi đu đủ hoặc dưa chuột nạo và rưới nước dùng lên.


    Để món ăn thêm hoàn thiện, bên trên những chiếc bàn gỗ chủ quán đã đặt sẵn những đĩa rau thơm, đu đủ, tỏi và ớt tươi để ăn kèm. Uống thêm chén rượu ngô cay nồng hương vị miền núi càng khiến cho những vị khách phương xa thêm cuốn hút với nơi này.

    Phở chua
    Phở chua
    Phở chua
    Phở chua
  10. Mỗi lần đi du lịch hay đến một vùng đất mới chúng ta đều muốn thưởng thức trọn vẹn tất cả các hương vị được gọi là đặc sản của địa phương để cảm nhận hết nét độc đáo, sự mới lạ của vùng đất đó. Vậy trong chuyến đi đến Hà Giang lần này bạn đã lên được danh sách các đặc sản mình cần thử chưa, vậy hãy theo dõi gợi ý dưới đây của Toplist nhé.


    Đầu tiên phải kể đến là thắng dền, một món ngon của vùng đất Hà Giang được đông đảo khách du lịch yêu thích. Thắng dền mới đầu thoạt nhìn thì có vẻ giống món bánh trôi nước của người dân Hà Thành, tuy nhiên khi thưởng thức sẽ có vị rất khác biệt đấy.


    Thắng dền được nặn từ bột gạo nếp nương, ở trong có nhân đường hoặc đậu xanh, thắng dền được ăn cùng với nước dùng gồm có đường, nước gừng. Sau đó rắc một chút lạc vừng rang chín và thưởng thức. Đây là món ăn rất đắt hàng vào mùa đông, khi trời tối rét mà được ăn thắng dền nước gừng thì còn gì bằng. Nó sẽ làm ấm người rất nhanh đấy. Bạn có thể ăn thắng dền tại các cửa hàng bán ở vỉa hè vào buổi tối ở các huyện như Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc. Một bát thắng dền có giá từ 5 đến 10 ngàn đồng.

    Thắng dền
    Thắng dền
    Thắng dền
    Thắng dền



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy