Top 5 phiên chợ thu hút khách du lịch nhất Việt Nam

Nguyễn Cao Bảo Trân 205 0 Báo lỗi

Vùng đất cao nguyên luôn là địa điểm hấp dẫn khách du lịch nhiều nhất. Không chỉ bởi phong cảnh hùng vĩ nơi đây mà chính những phong tục tập quán độc đáo cũng ... xem thêm...

  1. Hàng năm, cứ vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch, Chợ Viềng lại được họp tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực và xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Từ xưa tương truyền rằng, có hai vị tướng hành quân khi đến đất Nam Giang thì ngựa của hai tướng bị hỏng móng phải dừng lại. Nhân tiện có làng Vân Tràng nổi tiếng với nghề rèn truyền thống, nên đã nhờ bà con rèn lại móng ngựa và vũ khí mang theo. Trong khi chờ đợi, hai tướng đã ra lệnh cho lính lập đàn loan tin chiến thắng. Biết được, dân chúng ở khắp các xã, thôn lân cận đem trâu, bò về mổ ở làng Vân Tràng ăn mừng… Từ sự kiện đó, bà con huyện Nam Trực lấy đêm ngày mồng 7 và sáng mồng 8 tháng Giêng làm ngày hội họp đầu xuân để tưởng nhớ hai vị tướng. Đồng thời, đây cũng là dịp để bà con trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và trưng bày, mua bán sản phẩm của các làng nghề truyền thống.


    Tại chợ Viềng, chủ yếu bán các đồ nông cụ, sản xuất nông nghiệp như thúng, mủng, quang gánh, liềm, cuốc xẻng... Nhiều người cho rằng, mua những vật dụng này tại phiên chợ họp duy nhất một lần trong năm sẽ giúp họ có một mùa màng bội thu, no đủ suốt một năm. Đối với cây cảnh, người mua mua cây ở chợ Viềng với ý nghĩa lấy lộc đầu năm, từ cây cảnh cho tới các cây ăn quả. Đối với các loại thịt trâu - bò, theo nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ, thịt bò là lễ vật dâng mẫu Liễu Hạnh, nên mua thịt bò tại phiên chợ Viềng người mua cũng cảm thấy như xin được lộc Mẫu. Với ý nghĩa "mua may, bán đắt" đầu năm, khách tới chợ Viềng không cần mặc cả. Bởi người dân quan niệm, việc người bán không nói thách, người mua không mặc cả sẽ mang tới may mắn, thuận lợi cho cả đôi bên, cả người bán và người mua có thêm niềm tin vào những may mắn đầu năm.

    Cảnh trước cổng chợ đông như trẩy hội.
    Cảnh trước cổng chợ đông như trẩy hội.
    Một số mặt hàng được bày bán.
    Một số mặt hàng được bày bán.

  2. Nguồn gốc của chợ tình Khau Vai bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của hai người bị ngăn cấm. Họ đã đưa nhau lên hang trên núi Khau Vai để trốn, sống qua ngày. Vậy nhưng ở dưới bản, họ hàng tộc cô Út vác cung vác nỏ sang mắng chửi nhà trai đã đem cô bỏ nhà đi. Nhà trai cũng mang gậy, mang dao ra đánh chửi nhà gái. Từ hang trên núi, hai người thấy cảnh họ hàng vì mình mà đâm chém nhau, họ đau lòng mà đành chia tay, trở về làm tròn bổn phận với gia tộc. Trước khi chia tay họ hẹn 27 tháng 3 hàng năm sẽ lại đến Khau Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách. Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày. Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27 tháng 3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên hai miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.


    Ban đầu chợ không phải để buôn bán sản phẩm gì, mà chỉ là nơi người ta tìm đến với nhau. Những người này có thể xa nhau do tình duyên trắc trở, gia đình ngăn cấm, hoặc những lý do khác mà không thể đến được với nhau, mỗi người đều ôm một đoạn tâm tư không dứt như truyền thuyết về đôi trai gái năm xưa. Bởi vậy ngày này là để họ có thể tâm sự hàn huyên sau một hoặc nhiều năm xa cách, thông báo tình hình hiện tại của nhau. Những đoạn tình đứt quãng này đều là quá khứ của mỗi người. Thế nên những người đã lập gia đình đến đây, vợ không ghen, chồng không ghen. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng quá khứ của nhau, coi đấy là trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau. Hết phiên chợ, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, hẹn đến chợ năm sau lại tới. Đây chính là nét đẹp văn hóa mộc mạc, giản dị của chợ tình Khau Vai. Dù hiện nay có nhiều hàng quán "ăn theo" phiên chợ, khiến nó dần bị thương mại hóa nhưng bản chất của phiên chợ vẫn rất thu hút khách du lịch đến Hà Giang.

    Cảnh đông đúc của chợ.
    Cảnh đông đúc của chợ.
    Đây là dịp để những cặp đôi xa cách có cơ hội gặp lại nhau.
    Đây là dịp để những cặp đôi xa cách có cơ hội gặp lại nhau.
  3. Hầu hết chúng ta đều cho rằng, đã là chợ thì ắt phải diễn ra hoạt động giao dịch, mua bán. Thế nhưng, chợ tình Sapa hoàn toàn khác biệt. Chỉ cần một lần có dịp đến đây, du khách có lẽ sẽ hiểu được những nguyên tắc thú vị của phiên chợ này. Ở đây, cái tình cái nghĩa không được đem ra để bán và cũng chẳng có người mua, tất cả đều dựa trên nguyên tắc tự do, tự nguyện của đôi bên. Đôi khi người bán muốn bán mà “người mua” không nhận. Đôi khi người mua muốn mua mà người bán không bán. Đôi khi người bán và người mua đều đồng ý nhưng chả có sản phẩm nào trao đổi cho nhau ngoài tình cảm. Đó là nét đặc biệt của chợ tình Sapa. Tất nhiên, nó không diễn ra một cách đơn điệu như hoạt động mua bán ngoài chợ thông thường mà có những hoạt động văn hóa, giao lưu mang đậm bản sắc của người đồng bào dân tộc như kéo co, thổi khèn lá, hát giao duyên…


    Chợ tình Sapa thường diễn ra ở quảng trường lớn ngay phía trước nhà thờ đá Sapa. Nơi này từ lâu đã là một địa điểm du lịch Sapa rất nổi tiếng, được du khách trong và ngoài nước biết đến. Đến với phiên chợ tình, khách du lịch sẽ có cơ hội tìm hiểu cuộc sống tinh thần, phong phú và rất lạc quan, yêu đời của người dân bản địa. Một trong những hoạt động thú vị nhất chính là được tận mắt chứng kiến những màn tỏ tình chớp nhoáng của các cặp đôi. Khi đã uống vài chén rượu, mắt bắt đầu long lanh và con tim trở nên can đảm hơn, các chàng trai sẽ ngắt lá rừng thổi kèn môi thì thầm gọi bạn tình. Nếu bạn gái vẫn chưa ưng, họ sẽ phải trổ tài vừa múa vừa thổi khèn bè một cách điệu nghệ xung quanh cô nàng. Có một điều khá độc đáo là phong tục của người Dao không cấm người đã có gia đình đi tìm bạn tình. Thế nên, nam nữ người Dao có thể thoải mái hơn khi đến tham dự phiên chợ. Ngoài ra, du khách còn có thể bắt gặp những cô bé chỉ mới 13, 14 tuổi tại khu chợ, họ đi theo các cô chị để làm quen dần với nét văn hóa thú vị của dân tộc mình.

    Chợ tình Sapa
    Chợ tình Sapa
    Đây là dịp để tìm bạn đời cho mình và vật không thể thiếu chính là tiếng khèn.
    Đây là dịp để tìm bạn đời cho mình và vật không thể thiếu chính là tiếng khèn.
  4. Cứ vào những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 ở Mộc Châu Sơn La lại bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho phiên chợ tình và tết Độc Lập lớn nhất trong năm. Chợ tình ở Mộc Châu được tổ chức vào ngày 1/9 và kế sau đó là ngày 2/9 người dân sẽ tổ chức tết Độc Lập - một trong những ngày lễ đặc biệt đối với người dân Mộc Châu, đặc biệt là những người dân tộc H'mông. Nguồn gốc của phiên chợ tình và tết Độc Lập này xuất phát từ ngày 2/9/1945 khi Bác Hồ độc Tuyên ngôn độc lập. Đây không chỉ là dịp có ý nghĩa đặc biệt đối với toàn thể đất nước mà với người dân tộc H'Mông còn nghèo khó cũng cũng rất mừng rỡ với tin này. Khi ấy, người Mông thường phải đi bộ mấy chục cây số để đến thị trấn để nghe tin. Khi trời nhá nhem tối cả trai và gái người Mông đều ngủ lại ở bên đường, trai một bên, gái một bên. Trước vẻ đẹp đáng yêu, xinh xắn của những cô gái người Mông khiến các chàng trai không thể không say mê, họ liền sang trò chuyện, tán tỉnh nhau qua nhiều năm. Chợ tình Mộc Châu cũng được ra đời từ đó! Tết độc lập của người Mông từ đó còn trở thành nơi diễn ra những phiên chợ tình cực kì sôi động và thu hút không chỉ những người dân tộc Mông từ nhiều khác nhau mà ngay cả những vị khách du lịch cũng đặc biệt thích thú.


    Nhắc đến chợ tình người ta thường sẽ nghĩ tới những phiên chợ nổi tiếng của Sapa hay Khau Vai mà quên mất rằng chợ tình Tây Bắc đầu tiên bắt nguồn ở ngay tại Mộc Châu. Phiên chợ này đặc biệt bởi không phải là nơi để người ta buôn bán, chợ tình là nơi để những đôi trai gái hẹn hò, tán tỉnh và kết thành đôi lứa. Thú vị một điều, ngay cả với những người đã có vợ, chồng thì trong phiên chợ này họ sẽ được phép "ngoại tình" trong khoảng 1, 2 ngày. Những người thời xưa yêu nhau nhưng không đến được với nhau thì có thể hẹn hò để tâm sự về cuộc sống của mỗi người, sau đó họ lại quay trở lại với với cuộc sống hàng ngày. Vài tháng trước khi phiên chợ tình diễn ra, những cô gái độ tuổi xuân thì chuẩn bị cho mình những bộ váy xinh đẹp và rực rỡ nhất còn các chàng trai thì chăm chỉ tập luyện những điệu khèn hay nhất để thể hiện tình yêu của mình dành cho cô gái trong đêm chợ tình. Cứ như vậy hơn 70 năm trôi qua chợ tình ở Mộc Châu đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.

    Các cô gái chàng trai trong xiêm áo rực rỡ.
    Các cô gái chàng trai trong xiêm áo rực rỡ.
    Mặt hàng bày bán cũng rất đa dạng.
    Mặt hàng bày bán cũng rất đa dạng.
  5. Chợ Tả Sìn Thàng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo của chợ phiên vùng cao, với trang phục rực rỡ của bà con dân tộc, các sản phẩm bày bán phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm của địa phương như hoa quả, rau măng, khoai, sắn, gạo, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng, cá suối, lợn, gà… Ngoài ra, còn có các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, các loại chỉ màu, phẩm nhuộm và các sản phẩm được làm từ thứ vải dệt rất bền và đẹp. Đó còn là các dãy hàng bán xôi nhiều màu đặc trưng của vùng đất này. Rồi mùi thơm của chảo thắng cố lúc nào cũng sôi sùng sục cuốn bạn về một góc chợ. Ăn thắng cố mà không uống rượu Mông Pê thì cũng như một cô gái xinh không có người ngắm. Rượu Mông Pê của bà con dân tộc được chưng cất từ hạt ngô ủ men bằng lá rừng nên rất thơm và ngon nổi tiếng. Ngoài rượu Mông Pê, thịt dê và chè Shan Tuyết cũng là hai đặc sản nổi tiếng ở Tả Sìn Thàng. Ở vùng đất này hiện có gần 4.000 cây chè Shan Tuyết cổ thụ, đường kính có cây lớn phải vài người ôm như ở Sín Chải. Khí hậu mát mẻ quanh năm, cây chè Shan Tuyết sống nhờ sương núi nên chè ở đây được nước và có vị ngọt hậu.


    Chợ phiên ngày xuân Tả Sìn Thàng hàng hoá tuy không nhiều nhưng rất đa dạng và phong phú. Ngoài những mặt hàng thương nghiệp đưa từ dưới xuôi lên, từ huyện lỵ vào phần lớn chủ yếu là các mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng thổ cẩm truyền thống của địa phương. Hàng nông sản bày bán ở chợ đều là tươi non và hấp dẫn; hoa quả, rau xanh, hạt gạo, củ khoai, củ sắn, chè búp sao tay, nấm hương, hạt dẻ, măng rừng, cá suối, thịt lợn, con gà, mật ong… đều do người dân trong vùng tự làm ra để dùng, sử dụng không hết mới đem đi chợ bán. Nơi vùng cao núi đá nhiều hơn nương ngô ruộng lúa, quang năm mây mờ bao phủ nên hương vị của các mặt hàng nông sản do người dân làm ra rất đậm dấu ấn của núi rừng. Hàng hoá của người dân được bày bán dọc theo các lối đi trong chợ, toàn những hàng tươi nguyên và đủ chủng loại, từ những cây rau tươi tốt gieo trong rừng toàn núi đá, chè cây cao xoa tay xoắn tít, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương đều thu hái từ rừng, từng tảng thịt to, dày rất ngon và chắc, mật ong vàng óng, đặc sánh đựng trong chai dốc ngược không đổ, rượu Mông Pê chưng cất từ hạt ngô ủ men bằng lá rừng nên rất thơm và nổi tiếng là rượu ngon, uống vào ngấm từ từ rất êm chứ không say, không chóng mặt hay nhức đầu như loại mem hoá học khác. Người dân vùng cao vốn rất thật thà, họ ít khi mặc cả, thích bán là bán, thích mua là mua chứ không kỳ kèo bớt một thêm hai.

    Cảnh tấp nập của chợ.
    Cảnh tấp nập của chợ.
    Mặt hàng thổ cẩm được bày bán.
    Mặt hàng thổ cẩm được bày bán.




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy