Bài soạn "Bàn về đọc sách" số 4

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Chu Quang Tiềm (1897 - 1986) là nhà mĩ học và lí luận văn học nổi tiếng của Trung Quốc.

2. Tóm tắt văn bản :

Nhà văn Chu Quang Tiềm đã nêu lên tầm quan trọng, ý nghĩa cần thiết của việc đọc sách ; chỉ ra các thiên hướng sai lệch dễ mắc phải của việc đọc sách hiện nay và bàn về phương pháp đọc sách để thu được hiệu quả.

3. Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm nêu rõ : Đọc sách là một con đường quan trọng để tích luỹ, nâng cao học vấn. Phải biết chọn sách mà đọc, đọc ít mà chắc hơn là đọc nhiều mà rỗng, cần kết hợp đọc rộng và sâu, đọc sách thường thức với sách chuyên môn ; phải có kế hoạch đọc theo một mục đích nhất định chứ không đọc tuỳ hứng. Văn bản có tác dụng giúp cho mọi người có thái độ đúng đắn với việc đọc sách.


II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Vấn đề nghị luận của văn bản này là việc đọc sách. Tác giả trình bày ba luận điểm chính:

Luận điểm một (từ đầu đến "phát hiện thế giới mới") : Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách đối với việc tích luỹ kiến thức, nâng cao học vấn.

Luận điểm hai (tiếp theo đến "tự tiêu hao lực lượng") : Khó khăn của việc đọc sách và những thiên hướng sai lệch người ta thường mắc khi đọc sách.Luận điểm ba (phần còn lại) : Cách đọc sách đúng đắn để thu được hiệu quả cao nhất.


Câu 2. Sách vô cùng quan trọng : Nó ghi chép, đúc kết kinh nghiệm, thành tựu mà con người đạt được. Nó đánh dấu những cột mốc trên con đường phát triên học thuật của nhân loại. Nó là kho tàng tri thức và giá trị tinh thần mà loài người tích lũy được.

Sách có tầm quan trọng như vậy, nên đọc sách là con đường để nâng cao học vấn. Đọc sách là để tích luỹ kiến thức, chuẩn bị cho cuộc sống và cuộc đi xa tiếp tục khám phá thế giới.


Câu 3. Muốn tích luỹ học vấn, đọc sách có hiệu quả, cần phải chọn sách mà đọc vì sách vở ngày càng nhiều, con người dễ bị chạy theo số lượng, đọc nhiều mà không hiểu được bao nhiêu. Mặt khác, sách nhiều, nếu không chọn lựa kĩ, sẽ bị sa vào các sách ít thông tín, không phù hợp với chuyên môn của người đọc, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Theo tác giả, nên chọn lựa sách theo tiêu chuẩn sau :

- Không ham đọc nhiều, đọc lung tung mà phải chọn sách phù hợp với chuyên môn, sách có giá trị.

- Đọc và suy nghĩ thật kĩ những cuốn sách đã chọn.

- Phải kết hợp giữa đọc rộng và đọc sâu, đọc sách thường thức với sách chuyên môn. Các loại sách đó hỗ trợ cho nhau, tạo cho người đọc có kiến thức rộng và sâu.


Câu 4. Bàn về đọc sách trước hết là bàn đến việc lựa chọn sách đọc. Biết lựa chọn sách cho tinh, phù hợp với chuyên môn là bước đầu của việc đọc sách. Khi chọn được sách rồi thì phải đọc thật kĩ. Không đọc lướt qua, không đọc để lấy số lượng nhiều, cần đọc theo kiểu "trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do", nhất là đối với các quyển sách có giá trị.

Cần đọc sách theo một kế hoạch, một chủ đích chứ không đọc lung tung, đọc tuỳ hứng, tuỳ tiện. Việc đọc sách theo chuyên môn sâu sẽ làm cho người đọc nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn. Đọc sách không chỉ là tích luỹ kiến thức, mà còn rèn luyện nhân cách, chuẩn bị cho cuộc sống và hoạt động lâu dài của mỗi con người.


Câu 5. Văn bản Bàn về đọc sách có sức thuyết phục cao bởi lập luận chặt chẽ với ba luận điểm chính thể hiện trong ba phần của bài. Tác giả đã từ kinh nghiệm của bản thân mình, cộng với sự suy xét, nghiền ngẫm nên phân tích, chỉ rõ những sai lạc mà người đọc dễ mắc phải. Đó là sự đọc nhiều mà không đọng lại ; đó là sự tham nhiều mục tiêu, rải mành mành, khuất lấp như lối đánh trận "tự tiêu hao lực lượng”. Tác giả phân tích thấu tình đạt lí về cách chọn sách, cách đọc sách sao cho hiệu quả nhát. Sức thuyết phục còn thể hiện ở những so sánh rất chính xác : Việc chiếm lĩnh kiến thức giống như đánh trận, việc đọc nhiều sách mà không hiểu giống như ăn nhiều thức ăn không tiêu, không những không bổ mà còn hại dạ dày ; việc đọc mà không chịu nghĩ sâu giống như cưỡi ngựa qua chợ, mắt hoa, ý loạn, dẫu châu báu phơi đầy mà đành về tay không ; việc chuyên sâu không chú ý đến bề rộng thì càng tiến càng gặp khó khăn, như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp,...


II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Hãy chọn một vài điều mà em thấy thấm thía khi đọc bài Bàn về đọc sách. Điều đó có thể là việc đọc nhiều, đọc nhanh chỉ cốt lấy số lượng mà không đọng lại được điều gì; cũng có thể là việc đọc sách lung tung, bạ gì đọc nấy, không có chọn lọc gì cả ; cũng có thể là việc đọc tuỳ hứng, không kiên trì theo đuổi một kế hoạch nào cả.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy