Bài soạn "Lai tân" của Hồ Chí Minh số 5
Câu 1: Trong ba câu thơ đầu, bộ máy quan lại Lai Tân được miêu tả như thế nào? Ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng có làm đúng chức năng của những người đại diện cho pháp luật không?
Trong ba câu thơ đầu, bộ máy quan lại Lai Tân được miêu tả:
Ban trưởng là người trông nom, cai quản nhà lao thì đồng thời cũng là một chuyên gia đánh bạc. Nhà tù là nơi bắt bớ, giam giữ mọi người vì tội danh đánh bạc thì cuối cùng, chính người đứng đầu nhà lao ấy lại là những người chuyên đánh bạc: “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc”.
Cảnh trưởng thì chuyên ăn tiền của phạm nhân, làm giàu từ những đồng tiền của người nghèo. Nếu phạm nhân không đút cho cảnh trưởng thì khả năng những tháng ngày ở tù sẽ chẳng khác địa ngục trần gian là bao: “Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh”.
Huyện trưởng là người có chức vụ cao nhất ở đây. Mới chỉ đọc qua, người đọc lại lầm tưởng huyện trưởng chăm chỉ, cần mẫn đêm khuya nhưng vẫn chong đèn làm việc. Thực chất, việc thắp đèn của huyện trưởng lại gợi lên những việc làm khuất tất, gian manh hoặc giả là huyện trưởng đang bận bịu với cái bàn thuốc phiện: “Chong đèn, huyện trưởng làm công việc”.
Cả ba người ban trưởng, cảnh trưởng hay huyện trưởng đều là những người đại diện cho pháp luật, thế nhưng họ không hề làm đúng các công việc của bản thân. Họ đều lợi dụng công việc, chức quyền của mình để kiếm chác lợi lộc, bổng lộc cho bản thân. Họ đại diện cho tầng lớp tham nhũng, ăn chơi, vô trách nhiệm và vô cùng quan liêu.
Câu 2: Phân tích sắc thái châm biếm, mỉa mai ở câu thơ cuối. (Chú ý: Ba chữ vẫn thái bình có ý nghĩa gì?)
Sau khi miêu tả công việc và hành động của bộ máy quan lại, tác giả kết lại bằng một câu cuối: “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. Là một câu ngợi ca cảnh thái bình thịnh vượng của Lai Tân song thực chất đây là một câu nói mỉa mai, châm biếm vô cùng sâu cay của tác giả. Thái bình nhưng thực chất là đã thối nát, biến động lắm rồi. Trong bối cảnh xã hội mà chính quyền Tưởng Giới Thạch nắm giữ, hệ thống quan lại luôn đục khoét của cải của người dân, lợi dụng chức quyền địa vị để làm giàu cho chính quyền của mình, họ khiến cho hoàn cảnh xã hội càng thêm mục ruỗng, cảnh phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp, nặng nề. Có lẽ rằng chính những cảnh tượng sa đọa ấy đã trở nên quá quen thuộc, thân thiết đến nỗi người ta không còn thấy ngạc nhiên, xa lạ gì với nó nữa. Người ta thấy cảnh tượng này quá đỗi quen thuộc, quá đỗi bình thường đến nỗi coi nó như một sự thái bình, thật là mỉa mai chua xót.
Câu 3: Nhận xét về kết cấu và bút pháp của nhà thơ
Bài thơ có kết câu khá đặc biệt. Không giống với lối viết thông thường của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt là chia thành hai câu đầu và hai câu cuối hay từng câu một, bài thơ này tác giả lại dành 3 câu đầu tiên để miêu tả cảnh tượng trong nhà lao với những con người và công việc vô cùng đặc biệt. Chỉ đến câu thơ cuối cùng tác giả mới kết lại bằng một câu thơ cuối cùng tổng kết lại cảnh tượng ở Lai Tân. Nhà thơ sử dụng bút pháp kể tả tự nhiên, giọng điệu dửng dưng nhưng thực chất lại đầy chế giễu, mỉa mai. Chỉ bằng một câu thơ cuối cùng nhưng đã bộc lộ rõ thái độ của nhà thơ về sự việc ở Lai Tân. Cách kết cấu này tạo ra một sự logic hợp lí cho toàn bài thơ. Những lập luận nhận định của nhà thơ là có căn cứ xác thực chứ không phải là võ đoán vô căn cứ. Cách kết cấu này cho thấy những những nhìn nhận tinh tế và khéo léo trong truyền đạt của tác giả, cũng chính là một người tù trong chính quyền thực dân.