Top 7 Bài văn phân tích cơ sở thực tế bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Bài tham khảo số 2

Trong lịch sử văn học cũng như lịch sử dựng nước, giữ nước, chúng ta đã có ba bản tuyên ngôn độc lập: “Nam quốc sơn hà” (lý Thường Kiệt), “Đại cáo bình Ngô” (Nguyễn Trãi) và đặc biệt là “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh. Đánh giá về giá trị của tác phẩm, các ý kiến đều thống nhất khi nhận định “Tuyên ngôn độc lập” vừa là một văn kiện lịch sử vô giá, vừa là một mẫu mực của văn chính luận. Phần nêu cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cho bản tuyên ngôn là minh chứng tiêu biểu cho mẫu mực của nghệ thuật lập luận đó.


Ở phần mở đầu của bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã nêu những cơ sở pháp lý cho bản tuyên ngôn. Cụ thể, Người đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp để làm căn cứ khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc. Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Sau này bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp” năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi”.


Cả hai bản tuyên ngôn này đều khẳng định lẽ phải về quyền con người. Đó là hai bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới thế kỉ XVIII - di sản tư tưởng của nhân loại. Từ lẽ phải về quyền con người, Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.


Tác giả đã giúp thế giới hiểu rằng các dân tộc dù da đen hay da trắng, da đỏ hay da vàng đều bình đẳng như nhau vì tất cả họ đều là con người. Cách lập luận của Hồ Chí Minh thật khôn khéo vì tác giả đã sử dụng thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” khi dùng lời của Pháp và Mỹ để nói với chính họ. Trong tranh luận không gì thú vị bằng dùng chính lời của đối phương để bác bỏ đối phương khiến họ rơi vào tình trạng “há miệng mắc quai”. Bác đã dùng cây gậy độc lập để đánh vào lưng những kẻ chuyên đi xâm lược, làm đổ máu và nước mắt của đồng loại mà cứ rêu rao về quyền tự do, bình đẳng.


Dẫn lời của Mỹ và Pháp lên đầu bản tuyên ngôn, người viết tỏ ra trân trọng, đề cao những tuyên ngôn thuộc về lẽ phải… vì thế tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trên thế giới, đặc biệt là dư luận tiến bộ ở Pháp và Mỹ. Mặt khác, Hồ Chí Minh đã gián tiếp đặt ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau, ba nền độc lập ngang tầm nhau nhằm thể hiện niềm tự hào dân tộc. Cách lập luận ấy còn rất kiên quyết bởi mượn lời của Pháp và Mỹ, Bác đã ngầm cảnh cáo với bọn đế quốc thực dân rằng: Nếu chúng tiếp tục xâm lược Việt Nam có nghĩa là chúng đã phản bội lại truyền thống tư tưởng tốt đẹp của dân tộc, vấy bẩn lên lá cờ tự do bình đẳng bác ái mà cha ông họ đã từng giương cao. Hành động phi nghĩa ấy sẽ là nguyên nhân đẩy chúng vào kết cục bi thảm. Cách lập luận ở phần mở đầu của bản tuyên ngôn độc lập thật chặt chẽ, thuyết phục và sáng tạo. Đoạn văn mở đầu hết sức ngắn gọn, súc tích: chỉ có hai câu trích dẫn, một lời bình luận suy rộng ra, một lời khẳng định: “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” đã làm nổi bật cơ sở pháp lý vững chắc về quyền sống, quyền tự do dân tộc, tiêu biểu cho vẻ đẹp mẫu mực của văn chính luận Hồ Chí Minh. Nó như phát súng thổi bùng lên phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa trên thế giới.


Phần hai của bản tuyên ngôn lại làm nổi bật những cơ sở thực tiễn cho lời tuyên bố độc lập. Trước hết, Người đã lập ra một bản cáo trạng những tội ác của thực dân Pháp để phủ nhận công lao “khai hóa”, “bảo hộ” của chúng. Pháp nêu chiêu bài có công “khai hóa” ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng để hợp thức hóa việc quay trở lại Đông Dương và Việt Nam.


Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác về cả chính trị và kinh tế để đập tan luận điệu xảo trá, bịp bợm ấy: “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man… làm nòi giống ta suy nhược”. Còn về kinh tế, chúng đã “bóc lột dân ta đến tận xương tủy… bóc lột công nhân một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Pháp nêu chiêu bài có công “bảo hộ” Việt Nam, thì Hồ Chí Minh đã tố cáo những tội ác về quân sự để bác bỏ “công lao” đó của chúng: đó là khi phát xít Nhật xâm lăng Đông Dương, thực dân Pháp đã “quỳ gối đầu hàng mở cửa nước ta rước Nhật” và chỉ trong hai năm, Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật. Khi thua trận, bị tước khí giới bởi Nhật, chúng còn nhẫn tâm giết hết số đông tù chính trị tại Cao Bằng. Bằng những lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, dẫn chứng thực xác thực, ta có cảm giác Hồ Chí Minh đang lật lại bánh xe lịch sử để quay lại những tư liệu hết sức chân thực mà kẻ thù không thể chối cãi trong suốt 80 năm đô hộ Việt Nam. Tội ác ấy đã khiến cho hai triệu đồng bào ta chết đói, 95% dân số mù chữ,…


Ngôn ngữ và những hình tượng nghệ thuật được Người sử dụng vừa chính xác vừa truyền cảm: “chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”. Câu văn cho thấy tội ác dã man của giặc, hành động đàn áp được diễn đạt bằng động từ “tắm” đã cho thấy bộ mặt thật của bọn thực dân khát máu, tàn bạo, đồng thời diễn tả được nỗi đau thê thảm của người dân mất nước đang quằn quại trong những “bể máu” đau thương. Thủ pháp điệp từ, điệp kiểu câu cũng được sử dụng vô cùng đắc địa. Những câu văn mở đầu bằng từ “chúng” nặng như búa tạ giáng xuống đầu kẻ thù và gợi trong tim ta nỗi đau xót nhức nhối. Nghệ thuật liệt kê kết hợp với những động từ mạnh đã hệ thống hàng loạt những tội ác chồng chất mà thực dân Pháp đã gây ra cho mọi tầng lớp từ dân cày đến dân buôn, công nhân đến các nhà tư sản. Đó là tội ác mà “Trúc Lam Sơn không ghi hết tội/ Nước Đông Hải không rửa sạch mùi” (Nguyễn Trãi).


Không chỉ có thế, bản tuyên ngôn còn phản ánh quá trình đấu tranh giành độc lập, khẳng định tư thế chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam không những có quyền hưởng tự do độc lập mà thực tế đã giành được quyền tự do độc lập. Trước hết, nhân dân Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập. Trong bao nhiêu năm qua, Việt Nam đã là dân tộc chịu nỗi đau xâm lược, còn Pháp là kẻ thù đi xâm lược. Nếu thực dân Pháp đã hèn hạ phản bội lại Đồng Minh, dâng Đông Dương cho Nhật thì nhân dân ta đã anh dũng đứng về phía Đồng Minh chống phát xít. Nếu thực dân Pháp hèn nhát, phản động, vô nhân đạo thì chúng ta luôn giữ thái độ khoan hồng, nhân đạo: “giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”. Đó là những việc làm cao thượng, những cử chỉ nhân nghĩa xứng đáng với truyền thống cao đẹp của dân tộc:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo”

(Bình Ngô đại cáo).


Không chỉ có vậy, Việt Nam đã thực sự giành được quyền tự do, độc lập. Việt Nam đã không còn là thuộc địa của Pháp vì Pháp đã bán rẻ chúng ta cho Nhật. Và sau đó, nhân dân ta trong cuộc Cách mạng tháng tám đã giành chính quyền từ tay Nhật, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh bền bỉ với những hy sinh xương máu. Câu văn “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị…” đã cho thấy ba kẻ thù bị đánh bại: thực dân, phát xít và phong kiến. Chín chữ ngắn gọn đã khái quát được gần một nghìn năm lịch sử với những sự kiện trọng yếu của dân tộc. Pháp hoảng hốt bỏ chạy, Nhật quỳ gối đầu hàng, Bảo Đại thì hai tay run rẩy trao ấn kiếm cho chính quyền Cách mạng, tất cả rác rưởi đã được quét dọn cho một quốc gia mới ra đời. Để khẳng định quyền dân tộc, Người đã sử dụng rất nhiều thủ pháp: điệp ngữ, điệp cấu trúc (những câu văn bắt đầu bằng cấu trúc “sự thật là…”) vang lên một cách dõng dạc vừa khẳng định sự thực, vừa khẳng định chân lý. Hàng loạt các dẫn chứng xác thực không thể chối cãi được như tái hiện trước mắt chúng ta những chặng đường bi thương hào hùng của dân tộc.


Việc nêu những cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn làm cơ sở cho lời tuyên ngôn độc lập là một công việc khó khăn nhất, rất khó để làm được một cách khôn khéo, thuyết phục nhưng Hồ Chí Minh đã xử lý một cách khéo léo bằng những lập luận trí tuệ, sắc sảo, đầy sức thuyết phục. Cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn đã chứng minh “Tuyên ngôn độc lập” là áng văn chính luận mẫu mực, thể hiện được tài năng của người con ưu tú của dân tộc Việt Nam - chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Top 7 Bài văn phân tích cơ sở thực tế bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy