Bài tham khảo số 2
Tác phẩm “Giọt sương đêm” của nhà văn Trần Đức Tiến đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc.
Truyện được nhà văn xây dựng một tình huống đơn giản nhưng giàu ý nghĩa. Nhân vật chính trong tác phẩm là một loài vật - Bọ Dừa. Tình cờ dừng chân tại xóm trọ Bờ Dậu. Ở đó, Bọ Dừa đã gặp gỡ Thằn Lằn và nhận được lời mời vào nghỉ tạm trong chiếc bình - nhà của Thằn Lằn. Nghĩ đến những lần bị bọn trẻ bắt cóc, Bọ Dừa bị ám ảnh bởi những cái nhà giam tăm tối, nên đã từ chối lời đề nghị. Ông quyết định ngủ tạm dưới vòm trúc. Xóm Bờ Giậu nhiều âm thanh khiến vị ông khó ngủ. Bất ngờ, một giọt sương nhằm trúng cổ ông khách khiến Bọ Dừa nhớ đến quê hương. Sáng hôm sau, Thằn Lằn hỏi thăm. Bọ Dừa kể lại chuyện đêm qua rồi từ biệt Thằn Lằn để trở về quê. Các nhân vật trong truyện đều là các loài vật - một đặc trưng tiêu biểu của truyện đồng thoại. Các nhân vật này ngoài những tập tính của loài vật, thì được xây dựng với những đặc điểm, hành động của con người. Với cách xây dựng này, nhà văn đã giúp tác phẩm của mình trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
Từ nhân vật Bọ Dừa, người đọc đã suy ngẫm được nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Đó là bài học về sự biết ơn nguồn cội mà nhân vật đã vô tình lãng quên. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh của bản thân trong chính nhân vật này. Con người đến khi trưởng thành thường rời xa quê hương để mưu sinh. Guồng quay bất tận của cuộc sống đã cuốn con người vào trong những lo toan vụn vặt mà quên đi những điều tưởng chừng như là thân thuộc nhất. Khoảnh khắc thức tỉnh của nhân vật Bọ Dừa hay cũng chính là bài học sâu sắc mà tác giả gửi đến mỗi người - tấm lòng biết ơn, hướng về quê hương.
Truyện ngắn Giọt sương đêm giúp người đọc nhận ra rằng đôi khi cuộc sống bận rộn khiến con người quên đi những điều gần gũi, thân thuộc. Và quê hương luôn là bến đỗ bình yên nhất đối với mỗi người.