Bài tham khảo số 3

“Vì thích thú, làm văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa. Vì uất ức, khi mới vào nghề bị xô đẩy, bị khinh rẻ nên tôi quyết phải sống, mà sống tức là phải viết”. Chính bởi luôn tâm niệm như vậy nên Xuân Quỳnh đã sáng tạo và đem đến cho người đọc rất nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó có bài thơ “Sóng”. Ba khổ thơ cuối của bài được coi là những dòng thơ chứa chan cảm xúc, nghĩ suy của người con gái trong tình yêu, lưu lại trong tâm hồn người đọc nhiều dư âm cảm xúc mãnh liệt.


Xuân Quỳnh là một nhà thơ mồ côi mẹ sớm, phải sống với bà từ nhỏ. Có lẽ vì thế trong thơ nữ sĩ luôn thường trực một niềm khát khao yêu thương và sự thiết tha hạnh phúc gia đình. Rời bỏ nghề diễn viên múa trong tiếc nuối của người hâm mộ, Xuân Quỳnh đã lưu dấu ấn cá nhân mình trong trái tim người đọc với một vai trò mới – một nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Say mê, đắm mình trong thơ ca, nữ sĩ coi thơ là sự sống, là tình yêu, là toàn bộ ý nghĩa của cuộc đời mình. Một cách tài hoa và đầy tinh tế, nhà thơ đã gửi tiếng lòng của một tâm hồn giàu trắc ẩn, táo bạo nhưng cũng rất mực đằm thắm vào những trang thơ. “Sóng” là một bài thơ nổi bật của nhà thơ, được viết năm 1967 trong chuyến đi thực tế Xuân Quỳnh đến biển Diêm Điền, Thái Bình. Những cảm xúc dạt dào, những nghĩ suy sâu lắng nhà thơ gửi vào những câu thơ, hình ảnh trong ba khổ thơ cuối bài đã thực sự để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng.


Sau khi phác họa hình tượng sóng cùng những quy luật của tình yêu, hành trình tìm kiếm nguồn cội hay những sắc thái của tình yêu, nhà thơ Xuân Quỳnh tiếp tục thể hiện suy nghĩ của mình về nỗi nhớ, sự thủy chung và khát vọng trong tình yêu qua hình tượng sóng ở ba khổ thơ cuối bài. Khổ thơ thứ bảy và tám nhà thơ nói đến niềm tin và dự cảm âu lo về tình yêu trong trái tim người con gái:


“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở


Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”


Đì cùng với niềm tin mãnh liệt là những dư vang của một dự cảm đầy lo âu ngổn ngang trong tâm trí người con gái. Cặp quan hệ từ “tuy.. vẫn”, “dẫu...vẫn” như trầm xuống, như lắng lại trong một niềm suy tư xen lẫn cảm giác ngậm ngùi. Hình ảnh thơ trong đoạn cũng khẳng định: giống như cuộc đời bao la chẳng có gì là vĩnh cửu ngoài kia, tình yêu trong trái tim con người cũng chỉ là một thoáng phù vân dễ đến nhưng cũng dễ tan biến. Chính bởi vậy mà khi còn đang độ thanh xuân trẻ tuổi dại lòng, Xuân Quỳnh đã từng gửi những suy tư của bản thân vào những câu thơ: “Nhưng tôi biết mùa xuân rồi sẽ qua/ Hôm nay non mai cỏ sẽ già”. Ý thơ Xuân Quỳnh ở đây như có sự gặp gỡ cảm xúc thơ trong “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu:


“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần gặp lại”


Từ yêu, người con gái bỗng có những lo âu, dự cảm về sự bền lâu của tình yêu. Đó dường như cũng là một biểu hiện của trái tim đang yêu tha thiết, nồng nàn. Khổ thơ cuối cùng khép lại bài thơ là những khát vọng của người con gái trong tình yêu được nhà thơ gửi gắm qua hình tượng sóng:


“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”


Khát vọng “tan ra” ở đây có lẽ chính là khát khao cháy bỏng được hóa thân vào sóng để tồn tại trong cái vô cùng của không gian biển cả bao la và thời gian vĩnh hằng của vũ trụ. Nhà thơ khiến ta cảm tưởng như người con gái, hay cũng chính là tâm tư nhà thơ, đang khát khao được vĩnh viễn hóa tình yêu, để dùng tình yêu thiêng liêng, đẹp đẽ để nối dài cái hữu hạn, cái ngắn ngủi của một đời người.


Xuân Quỳnh đã phác họa ra một hình tượng sóng mang nhiều ý nghĩa xuyên suốt bài thơ để gửi gắm những ý niệm sâu xa, cảm xúc mãnh liệt của bản thân khi nghĩ về tình yêu. Ba khổ thơ cuối bài nhà thơ đã thực sự để lại trong lòng người nhiều ấn tượng với hình ảnh sóng đi cùng với nỗi lo âu, niềm tin và khát vọng của tâm hồn người con gái khi yêu. Ba khổ thơ đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm cũng như khẳng định được vị trí của Xuân Quỳnh trong làng thơ ca hiện đại Việt Nam.

Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3

Top 10 Bài văn phân tích ba khổ cuối bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy