Bài tham khảo số 4
Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét "Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc…Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tầng trải về sự đời.". Đọc sáng tác của Thạch Lam, ta mới thực sự thấu hiểu lời chia sẻ ấy. Truyện ông viết thường có cốt truyện đơn giản "truyện không có chuyện", lời văn giàu cảm xúc và đậm chất thơ. Điều này được thể hiện rất rõ trong "Dưới bóng hoàng lan". Qua việc tập trung khắc họa nhân vật Thanh, nhà văn khéo léo ngợi ca những tình cảm đời thường, dung dị của con người.
Trước hết, "Dưới bóng hoàng lan" có nội dung hết sức nhẹ nhàng. Truyện kể về việc Thanh – nhân vật chính trở lại thăm quê nhà sau hai năm đi làm ăn xa. Chính tại căn nhà thân thương của mình, anh gặp lại bà cùng Nga – cô bé hàng xóm năm nào. Sống trong vòng tay những người thân yêu, Thanh không khỏi cảm thấy hạnh phúc, xúc động. Xuyên suốt tác phẩm, ta sẽ thường xuyên bắt gặp dòng cảm xúc như vậy ở nhân vật.
Dưới đôi mắt của người con xa quê lâu năm, khung cảnh vườn nhà hiện lên thật đẹp và bình yên làm sao. Bằng tấm lòng yêu thương, Thanh đã quan sát, cảm nhận ngôi nhà hết sức tỉ mỉ. Anh thậm chí còn ngửi thấy mùi lá tươi non phảng phất đâu đây. Không chỉ vậy, anh dễ dàng nhận ra "ngôi nhà vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tĩnh mịch". Dường như, từng hình ảnh, hơi thở của căn nhà đều được chàng thanh niên cất giữ trong tâm trí. Bởi thế, khi sống dưới mái nhà ấy, Thanh thấy lòng mình lúc nào cũng bình yên và thong thả, tâm hồn thì nhẹ nhõm như vừa tắm ở suối mát. Đây quả là một con người có thế giới nội tâm phong phú, thi vị, giàu xúc cảm.
Hai năm xa vắng, cuối cùng, Thanh cũng được trở về bên người bà hiền từ, dấu yêu. Bước vào ngưỡng cửa, ngắm nhìn cảnh tượng gian nhà cũ, chàng thanh niên bồi hồi không thốt nên lời. Mãi lâu sau, anh mới khẽ khàng bật câu nói "Bà ơi" ra khỏi đầu môi. Bao tình cảm nhớ thương, yêu mến như dồn nén trong tiếng gọi thân thương kia. Ở bên bà, Thanh vẫn cảm thấy bản thân còn nhỏ bé dù giờ đây anh là chàng trai có dáng người cao thẳng, khỏe mạnh, trong khi đó bà lại gầy và còng. Hình ảnh đối lập giữa bà cháu đã góp phần tô điểm cho khung cảnh vườn nhà thêm rực rỡ, ấm áp. Đồng thời, khiến ta không khỏi nghĩ tới những khoảnh khắc bình dị ấm áp bên người thân. Sống cùng bà, Thanh từ người thanh niên lớn khỏe như biến thành một cậu bé cần được chăm sóc, bảo vệ. Lo lắng anh mệt mỏi vì đường sá xa xôi, bà nhắc đi nhắc lại việc nghỉ ngơi. Dẫu không mệt nhưng Thanh vẫn nghe lời và làm theo. Anh đi rửa tay chân bên bể nước. Anh không nỡ để bà tự tay phẩy bụi trên giường. Anh còn giả vờ bản thân đã ngủ khi nghe thấy tiếng bà đi vào. Có thể nói, với Thanh, bà là người quan trọng, là người sẵn sàng trao đi tình yêu, sự hi sinh mà không đòi hỏi đền đáp. Bà thương Thanh bao nhiêu thì Thanh cũng thương bà bấy nhiêu.
Tiếp đến, Thạch Lam còn khéo léo khắc họa nhân vật Thanh thông qua mối quan hệ với Nga - cô bé hàng xóm. Gặp lại nhau sau thời gian dài, chàng trai chăm chú ngắm nhìn người thiếu nữ mặc tà áo trắng, có "mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ". Trước đấy, anh nghe thấy âm thanh quen thuộc từ thuở xa xưa. Chính giọng nói ấy đã kích thích anh không ngừng tìm tòi, lục lọi kí ức của mình. Sau cùng, anh cũng nhớ ra. Anh không chần chừ một giây một phút, nhanh chóng chạy xuống nhà gặp cô gái ấy. Hai tiếng "cô Nga" cất lên từ sự vui sướng, hạnh phúc, phấn khởi trong lòng Thanh. Đôi lúc, chàng thanh niên cũng có cái e thẹn, ngại ngùng khi mới yêu. Ngắm nhìn gạch mát phủ rêu, anh đột nhiên nhớ tới bàn chân nhỏ bé, xinh xắn của Nga và nở nụ cười. Nghe Nga tâm sự "Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá", Thanh chẳng biết đáp lời sao cho đúng, cho vừa. Phải chăng, người thanh niên vì quá lo lắng, không biết nói gì cho hay nên mới im lặng? Để rồi, anh trực tiếp dùng hành động thay cho câu trả lời: "vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên". Mãi sau, Thanh đã vượt lên khỏi cái ngại ngùng, mạnh dạn bày tỏ tấm lòng thương mến. Chàng trai không ngần ngại hay lưỡng lự, tự nhiên cầm lấy tay Nga và đặt trong tay mình. Tình cảm lứa đôi cứ như vậy nảy nở, sinh sôi bình lặng trong trái tim mỗi người, ai cũng thấu nhưng còn e dè, dè dặt. Lúc này đây, bóng cây hoàng lan chính là minh chứng cho tình yêu trong sáng của đôi trẻ.
Sáng ngày lên đường, lòng Thanh thổn thức nỗi niềm cùng tâm trạng. Anh bước ra đi trong trạng thái nửa vui nửa buồn. Dẫu vậy, anh vẫn tin tưởng rằng bà, ngôi nhà và người thương sẽ mãi ở đó, đợi mình quay về.
Bằng lời văn nhẹ nhàng, giàu chất thơ; hình ảnh giản dị, quen thuộc cùng cốt truyện đơn giản, nhà văn Thạch Lam đã thành công làm nổi bật Thanh – một con người tình cảm. Nhân vật không được miêu tả cụ thể qua ngoại hình, tính cách hay nghề nghiệp nhưng vẫn để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc bởi nội tâm phong phú, tâm hồn đẹp đẽ. Ngoài ra, việc sử dụng ngôi kể thứ ba cũng góp phần khắc họa rõ hình ảnh người bà, cô Nga và khung cảnh bình yên của ngôi nhà.
Như những gì bản thân từng chia sẻ "Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ.", Thạch Lam thật xuất sắc khi gợi lên nét dung dị trong các mối quan hệ đời thường qua "Dưới bóng hoàng lan". Tác phẩm với nội dung nhẹ nhàng, sâu lắng đã lay động biết bao trái tim độc giả. Mong rằng, qua truyện ngắn này, mọi người sẽ biết trân trọng, nâng niu những tình cảm đẹp đẽ: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa như nhân vật Thanh.