Bài tham khảo số 5
Bằng Việt thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Bằng Việt có giọng điệu tâm tình, trầm lắng, cảm xúc tinh tế, do đó tạo được sức lôi cuốn với bạn đọc. Bài thơ "Bếp lửa" được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài, đã thể hiện tình cảm bà cháu tha thiết qua những dòng hồi tưởng của tác giả chân thành và cảm động. Điều này được bộc lộ rõ nét qua hai khổ cuối của bài.
Khổ thơ đầu là những suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ, của đứa cháu về cuộc đời của bà:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Một lần nữa, tác giả khẳng định cuộc sống của bà còn nhiều vất vả, thiếu thốn “lận đận, biết mấy nắng mưa”. Bà cần mẫn, chịu thương chịu khó, thức khuya “dậy sớm” vì con vì cháu. Những vần thơ chan chứa bao nghĩa nặng tình sâu của đứa cháu đối với bà. Bà quen dậy sớm để tiếp tục nhóm lên ngọn lửa:
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Điệp từ “nhóm” được nhắc lại bốn lần gắn với hành động nhóm bếp, nhóm lửa của bà. Bà nhóm lên những gì? Đầu tiên là nhóm bếp lửa “ấp iu nồng đượm” để sưởi ấm cho bà cháu qua cái lạnh của sương sớm. Bà nhóm bếp luộc khoai luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng, đem đến cho đứa cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình thương yêu vô hạn. Rồi “nồi xôi gạo mới sẻ chung vui” của bà thay lời dạy cháu phải biết mở lòng với mọi người xung quanh, phải biết đoàn kết, gắn bó với xóm làng. Cuối cùng, “nhóm dậy tâm tình tuổi nhỏ” – bà không chỉ là người chăm lo cho cháu đầy đủ về vật chất mà còn là người làm cho tuổi thơ của cháu thêm đẹp, thêm lung linh huyền ảo. Theo mạch suy ngẫm đó, nhà thơ đi đến khái quát rất tự nhiên và hợp lí:
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!
Đúng vậy. Bếp lửa thật giản dị, phổ biến trong mỗi gia đình Việt Nam, nhưng bếp lửa cũng thật cao quý, kì diệu và thiêng liêng vì nó luôn gắn liền với bà – người giữ lửa, nhóm lửa, truyền lửa, người tạo nên tuổi thơ của cháu. Bếp lửa nhóm lên không chỉ bằng nhiên liệu bên ngoài mà được nhóm lên từ chính ngọn lửa trong lòng bà. Bếp lửa trở thành một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cháu. Hơn thế, qua bếp lửa của bà, người đọc cảm nhận thật sâu sắc linh hồn của một dân tộc vất vả gian lao mà tình nghĩa.
Trong bài thơ, mười lần xuất hiện bếp lửa là mười lần tác giả nhắc tới bà. Người bà đã, đang và sẽ mãi mãi là người quan trọng nhất đối với cháu dù ở bất kì phương trời nào. Bốn câu kết thể hiện một cách xúc động tình thương nhớ, niềm kính yêu và biết ơn của đứa cháu bé bỏng nay đã đi xa:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, tiền vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
Cháu đã lớn khôn, đã được sống trong cuộc đời mới thật vui thật đẹp, giữa ngọn khói trăm tàu lửa trăm nhà. Nhưng cháu vẫn không thể quên bếp lửa đơn sơ ấm áp của bà để rồi mỗi ngày đều tự hỏi: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?". Câu hỏi mà cũng là lời khẳng định: Cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được bà và bếp lửa vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ cháu đã được nuôi dưỡng và lớn lên từ đó. Chúng ta biết rằng bài thơ này được viết khi tác giả đang là sinh viên du học tại Liên Xô. Ở nơi xứ lạ xa xôi, tác giả nhớ về bếp lửa về bả cũng đồng nghĩa nhở về tổ ấm gia đình với niềm vui sum họp, nhớ thương quê hương đất nước. Như nhà thơ I - li - a Ê - ren - bua đã viết: “Lòng yêu nhà yêu làng xóm yêu miền quê... trở lên lòng yêu tổ quốc.
“Bếp lửa” là một bài thơ hay, kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố biểu cảm, tự sự và trữ tình, nhiều hình ảnh ẩn dụ đặc sắc. Tình bà cháu trong bài thơ là tình cảm thiêng liêng, cảm động. Bà dành cho cháu những hi sinh thành lặng. Bà là mái ấm chở che, bao bọc tuổi thơ dại khổ của cháu trước những mất mát, đau thương của cuộc sống Vì người cháu dù lớn khối, xa vòng tay bà vẫn nhớ đến bà với lòng tin yêu và biết ơn sâu sắc. Ngọn lửa bà trao cho, cháu được cháu giữ vẹn nguyên để trở thành ngọn lửa trường tồn bất diệt. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng người đọc một tình cảm đẹp đối với gia đình, quê hương, đất nước.