Top 5 Bài văn phân tích tâm trạng Xúy Vân trong vở chèo Xúy Vân giả dại (Ngữ văn 10 - sách Cánh diều) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

Bài tham khảo số 5

Vở chèo "Kim Nham" được đánh giá là một trong những vở chèo tiêu biểu và hay nhất của nền chèo cổ Việt Nam. Trong đó, "Xúy Vân giả dại" là trích đoạn nổi bật được khán giả vô cùng yêu thích. Những mâu thuẫn nội tâm của nhân vật Xúy Vân đã được tác giả dân gian khắc họa đầy đặc sắc qua đoạn trích.


Trước khi đi sâu vào phân tích tâm trạng nhân vật, ta cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xúy Vân. Điều này bắt nguồn từ việc sau khi kết duyên với Kim Nham, nàng luôn phải sống trong cảnh đơn côi, xa chồng. Trong khoảng thời gian chờ Kim Nham trở về, Xúy Vân gặp được Trần Phương và bị hắn tán tỉnh, dụ dỗ. Trước những lời ngon ngọt, Xúy Vân xiêu lòng, giả điên để được chồng trả lại tự do và đi theo nhân tình. Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" chính là cảnh nàng dựng lên màn kịch điên loạn nhằm che mắt chồng.


Trong lời xưng danh, Xúy Vân tự giới thiệu rằng:

"Chẳng giấu gì Xúy Vân là tôi,

Tuy dại dột, tài cao vô giá,

Thiên hạ đồn rằng tôi hát hay đã lạ,

Ai cũng gọi là cô ả Xúy Vân.

Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,

Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại".


Chỉ một đoạn nhỏ, nhưng người đọc, người xem đã biết được tên tuổi, tài năng của nhân vật. Xúy Vân nhận thấy mình tuy dại dột song tài cao, được thiên hạ đồn thổi có tài hát hay. Không những vậy, trong lời giới thiệu, nàng thừa nhận bản thân "Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,/ Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại.". Qua đoạn trích trên, ta phần nào hiểu được tính cách, tình cảnh của nhân vật.


Rõ ràng, trong toàn bộ trích đoạn, ngôn ngữ, hành động của nhân vật đều bộc lộ những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm. Trước hết, đó là tâm trạng đau đớn, tủi hổ, tự cảm thấy bơ vơ, lỡ làng trong chuyện tình cảm. Nàng đau khổ tới mức phải kêu lên và than vãn cùng ông Tơ, bà Nguyệt. Nàng đứng gọi đò mà tiếng gọi cứ ngân vang, không ai đáp lại "Tôi kêu đò, đò nọ không thưa". Càng chờ đợi, nhân vật càng rơi vào tuyệt vọng, "càng trưa chuyến đò", buộc nàng phải nhún mình, chiều theo ý người khác:

"Nên tôi phải lụy đò,

Cách con sông nên tôi phải lụy đò,

Bởi ông trời tối, phải lụy cô bán hàng."


Nó cho thấy tình cảnh đáng thương mà nàng phải chịu. Vì số phận đưa đẩy nên nàng buộc lòng phải theo. Tuy nhiên, ngay cả khi chấp nhận rồi thì hạnh phúc cũng không được như mong muốn. Do vậy, nàng đã đi đến quyết định chia li "Chả nên gia thất thì về,/ Ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười".


Xúy Vân đi từ đau khổ sang bẽ bàng, xấu hổ. Nàng cầu xin mọi người thông cảm bởi bản thân không hề lẳng lơ, phóng đãng, chỉ vì gặp phải người trăng hoa nên mới không giữ nổi mình "Tôi chắp tay lạy bạn đừng cười/ Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng.". Nhận thức được hành động sai trái ấy, nàng khuyên mọi người phải phải giữ gìn đạo đức: "Gió trăng thời mặc gió trăng,/ Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên". Nàng nhắn nhủ mọi người nhưng cũng là nhắc nhở đến bản thân.


Không những thế, Xúy Vân còn bộc lộ nỗi niềm đắng cay, bực tức của mình trong điệu hát con gà rừng. Nàng nhận mình là con gà rừng ngu ngơ, ăn lẫn với đám "công" cao xa, đẹp đẽ. Xúy Vân dùng hình tượng "con gà", "con công" để diễn tả sự cô đơn, lạc lõng. Xét cả về địa vị xã hội lẫn vai trò trong gia đình, nàng nhận thấy bản thân thấp kém hơn so với Kim Nham. Đến nỗi, phải thốt lên rằng: "Đắng cay chẳng có chịu được, ức!". Câu hỏi tu từ "Mà để láng giềng ai hay?" đã tô đậm thêm tình cảnh tội nghiệp của nàng. Xúy Vân không thể chia sẻ nỗi khổ với bất kì ai. Đặc biệt, điệp ngữ "Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên" càng nhấn mạnh nỗi bực tức, uất ức của nàng trước sự sắp đặt của mẹ cha.


Dù cuộc sống có bất hạnh nhưng nàng chưa bao giờ ngừng ước mơ, khát vọng về một cuộc sống gia đình hạnh phúc:

"Chờ cho bông lúa chín vàng,

Để anh đi gặt, để nàng mang cơm."

Nàng mong chờ cho đến khi cây lúa vàng rực trên khắp cánh đồng để chồng đi gặt, còn vợ mang cơm. Rõ ràng, Xúy Vân cũng muốn làm một người dâu hiền, vợ thảo. Điều này, được thể hiện qua hành động múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi đầy sinh động, khéo léo. Tuy nhiên, cuộc sống bình dị, giản đơn ấy lại chỉ là ước mơ xa vời.


Lối ngâm nga, chậm rãi trong đoạn nói điệu sử rầu, hát sắp đã diễn tả tâm trạng ấm ức. Nàng thương người tình đến mất ngủ rồi ví phận mình như: "Con cá rô nằm vũng chân trâu/ Để cho năm bảy cần câu châu vào!". Cái không gian chật hẹp, tù túng, luôn ẩn chứa nhiều bất trắc rủi ro làm nàng cảm thấy bất an. Tác động từ bên ngoài làm nàng cảm thấy bị hành hạ, khổ sở, không còn tự do.


Cuối cùng, sự đau khổ lên đến tột cùng khiến nàng không giữ nổi tỉnh táo mà phát điên. Đoạn hát ngược khắc họa vô cùng chân thật, sinh động tâm trạng điên loạn của nhân vật:

"Chiếc trống cơm, ai khéo vỗ nên bông,

Một đàn các cô con gái lội sông té bèo.

[...] Cưỡi con gà mà đi đánh giặc!"

Những hình ảnh, sự vật được liên hệ một cách bất thường, không hợp lí. Chỉ có người dở điên dở dại mới không phân biệt được ngược, xuôi. Câu nói vô nghĩa kết hợp với hành động vừa đi, vừa cười điên dại càng làm nổi bật tâm trạng rối bời, tuyệt vọng, mất phương hướng.


Theo dõi toàn bộ văn bản, Xúy Vân vừa đáng thương, vừa đáng trách. Đáng thương bởi nàng rơi vào cuộc hôn nhân sắp đặt, không tình yêu. Đáng trách vì nàng không biết giữ phẩm hạnh. Như vậy, qua đoạn trích, tác giả dân gian muốn đề cao sự chung thủy trong mối quan hệ vợ chồng. Đồng thời, bộc lộ sự cảm thông đối với thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.


Khát vọng hạnh phúc của Xúy Vân là chính đáng nhưng lại không thể thực hiện ở thời kì đề cao nam quyền. Hiểu và thông cảm cho nhân vật, ta nhận ra được nội dung, ý nghĩa sâu sắc, nhân văn của đoạn trích.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 5 Bài văn phân tích tâm trạng Xúy Vân trong vở chèo Xúy Vân giả dại (Ngữ văn 10 - sách Cánh diều) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy