Bài tham khảo số 5
Không hiểu sao, cứ mỗi dịp xuân về là tôi lại nhớ đến nhà thơ của “Chân quê” với những bài thơ xuân bừng sáng cả trời quê. Nếu như “Mưa xuân” có cái dịu dàng, thổn thức, phập phồng của cô thôn nữ bên khung cửi khi “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” thì “Mùa xuân xanh” lại là cái xốn xang thấp thỏm trong tâm hồn chàng trai chốn “vườn chanh”.
Không gian của bài thơ choáng ngợp một màu xanh: “Mùa xuân là cả một mùa xanh“. Ấy là màu xanh mát dịu của “giời ở trên cao“, màu xanh nõn nà của những cành lá non tơ trên cành và màu xanh mơn mởn của lúa xuân. Chao ôi, màu xanh bao quanh tứ phía, đặc biệt màu xanh của lúa đã khiến chàng thi sĩ của chân quê không thể liệt kê được hết. Chỉ biết là, màu xanh rời rợi của:
“Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng quanh”
Đến cả ngôi mộ – biểu trưng cho sự tàn tạ, héo úa cũng được rải lên một màu xanh tươi roi rói của “cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh”. Dù là “nằm trên mộ” nhưng những cọng cỏ ấy dường như cũng đang rất hồi hộp đợi chờ những ngày thanh minh để kết duyên cùng nắng mới.
Bao trùm lên tất cả là màu xanh, màu xanh của mùa xuân làm nền cho bức tranh “tự tình” của “tôi” với “người yêu”. Thật lãng mạn quá, thơ mộng quá! Màu xanh vốn là màu của sự sống, màu của biết bao niềm tin yêu, hy vọng, tương lai. Đặt cảnh “tự tình” đôi lứa trong nền cảnh ấy thì còn gì đẹp hơn?
Trong những phút giây đợi chờ ấy, “tôi” lại nhận ra một nét xanh góp thêm vào bức tranh vốn đã rặt các điệu xanh, tưởng như không còn có gì làm cho nó xanh thêm nữa, ấy vậy mà, lại thấy một sắc xanh mềm mại, dịu dàng, quen thuộc của “lũy tre làng”. Điều vô cùng thú vị mà bài thơ đem đến cho người đọc ấy là, cái giật mình của thi sĩ khi phát hiện ra:
“Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”
Rõ ràng lắm, từ đầu đến đây, dù không gian kia có cao rộng đến đâu, có xanh đến đâu, có đẹp đến đâu cũng không thể lấn át cái màu xanh rất riêng, dù nhỏ nhoi thôi – màu xanh của cái “thắt lưng” người con gái.
“Người yêu” của “tôi” đấy! Nàng đang đến để “tự tình” với “tôi”. Sau bao hồi hộp, phấp phỏng, bao nhiêu hy vọng xốn xang đợi chờ, thế rồi nàng cũng đến. “Cái thắt lưng xanh” ấy là dấu hiệu của sự đột phá, của sự sống, của tình yêu không gì có thể ngăn trở. Không phải là “tôi” tìm đến, mà là “tôi đợi người yêu đến tự tình”.
Hóa ra là, hai người đã có hẹn rồi đấy. Đặt bài thơ vào thời điểm ra đời của nó, khoảng gần tám mươi năm về trước, ta mới thấy bài thơ thể hiện một sự đột phá. Đột phá trong tình yêu nam nữ. Khi mà cả xã hội còn nặng nề với lối tư duy cổ kính “cọc không đi tìm trâu“, thì “cái thắt lưng xanh” “khỏi lũy tre làng” mà tôi nhận thấy không lẫn vào đâu được mới mạnh dạn làm sao, tự tin làm sao! Vì thế mà, cái nền của buổi “tự tình” này phải là màu xanh, chan chứa màu xanh. Hy vọng rằng, “mùa xuân xanh” ấy sẽ cho họ nên duyên.
Hy vọng rằng, màu xanh của mùa xuân ấy sẽ đem lại tự do, hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa! Đó, phải chăng là ước mơ của thi sĩ chốn chân quê, hy vọng ấy dành cho tất cả những chàng trai, những cô gái quê được tự do đến với nhau, thoát ra khỏi những lề thói xưa cũ o ép đầy oan khổ, trái ngang?
“Mùa xuân xanh” là một bài thơ đẹp, nhỏ xinh mà ẩn chứa những niềm hy vọng thầm kín. Bài thơ đẹp bởi nó mang màu xanh thiên nhiên, cây lá rất thân thuộc của nông thôn Việt Nam xưa nay.
Cái độc đáo của bài thơ là ở vẻ xanh của nền, vẻ xanh của cảnh, không tạo nên những gam màu tương phản mà vẫn thu hút sự chú ý của người đọc. Giời xanh thế, lá xanh thế, lúa xanh thế, tre xanh thế mà cũng chỉ đủ làm nền cho “cái thắt lưng xanh“. Màu xanh ấy là mùa xuân đang cựa mình sinh sôi, là tình yêu đang dâng hương đem sự sống cho đời. Mùa xuân mà nhà thơ gửi gắm “cái thắt lưng xanh” táo bạo ấy đến nay càng trở nên xanh mãi. Mùa xuân bừng sáng của tình yêu lứa đôi!
Chính vì vậy mà đã gần một thế kỷ trôi qua, “con chim sơn ca từ hương đồng cỏ nội” Nguyễn Bính vẫn được người đọc say mê bởi những vần thơ tuyệt bút!.