Bài tham khảo số 6
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ, cũng là “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) cho công cuộc đổi mới văn học từ sau 1975. “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trong thời kì sau. Dưới đây tôi xin trình bày ngắn gọn về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề của tác phẩm này.
“Chiếc thuyền ngoài xa”của Nguyễn Minh Châu được sáng tác vào tháng 8/1983, lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau đó có vinh dự được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn, xuất bản năm 1987. Năm 1983, đó là một thời điểm khá đặc biệt khi cuộc chiến tranh chống Mĩ và tay sai đã kết thúc thắng lợi, chúng ta trở về muôn mặt của đời thường. Và cũng trong thời điểm này, cả dân tộc đang bước vào giai đoạn đổi mới, cho nên cuộc sống có nhiều điều bất ngờ thú vị, có sức hút đối với văn nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Minh Châu.
“Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Trong giai đoạn này, qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn đã bộc lộ sự chuyển biến quan trọng trong sáng tác: từ phong cách mang đậm tính chiến đấu, chuyển sang cảm hứng thế sự, cảm hứng nhân sinh, ngòi bút của nhà văn hướng vào thể hiện con người trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và bình yên. “Chiếc thuyền ngoài xa” thực sự là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Đồng thời giúp nhà văn gửi gắm được những thông điệp nghệ thuật quan trọng.
“Chiếc thuyền ngoài xa” là nhan đề mang tính biểu tượng, hé mở tình huống truyện, thể hiện chủ đề của tác phẩm. Nhan đề bao gồm đối tượng quan sát là “Chiếc thuyền “, cự li quan sát là “ngoài xa”, người quan sát là nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng. Cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng ở các cự li khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến nhận thức khác nhau. Chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong truyện ngắn trước hết hướng người đọc về một hình ảnh tuyệt đẹp, đó là con thuyền thu lưới trong biển sớm mờ sương, nó toàn bích như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy khiến cho người nghệ sỹ bối rối, xúc động, cảm thấy “khám phá thấy chân lí của cái toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng khi con thuyền tới gần, phía sau vẻ đẹp toàn bích ấy là bao ngang trái, đau khổ, phũ phàng. Cuộc sống của những người dân chài bị giam cầm bởi đói nghèo tăm tối và bạo lực gia đình.
“Chiếc thuyền ngoài xa” đã trở thành tấm ảnh đẹp treo ở nhiều nơi, nhất là ở trong các gia đình sành nghệ thuật, nhưng có ai hiểu được câu chuyện con người trên chiếc thuyền ấy. Chỉ có nghệ sĩ Phùng, mỗi khi ngắm nhìn tấm ảnh bao giờ cũng thấy”người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”, một người đàn bà lam lũ, cam chịu, giàu tình thương và lòng vị tha. Đó cũng là thông điệp tác giả gửi tới người đọc: nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc đời.