Bài tham khảo số 7
Quê hương là nguồn thi cảm mãnh liệt, sâu sắc trong hồn thơ Tế Hanh. Vào tuổi 18 nhà thơ đã có bài thơ “Quê hương” nổi tiếng. Đến năm 35 tuổi, Bắc – Nam bị chia cắt, sống ở miền Bắc, Tế Hanh viết “Nhớ con sông quê hương”.
Bài thơ là những hoài niệm tuôn trào. Âm điệu thanh, nhịp thơ dồn dập, cảm xúc lúc thì kìm nén, lúc thì trôi chảy với nỗi nhớ sâu nặng dòng sông thơ ấu và mảnh đất quê hương bao đời.
Phần đầu là 22 dòng thơ viết về hình ảnh con sông nơi quê nhà trong ký ức của nhà thơ. Con sông “xanh biếc”, với “nước gương trong”, với hàng tre xanh soi bóng. Cảnh vật đơn sơ mà trữ tình:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre”.
Đó là dòng sông thời thơ ấu với những bình minh, những hoàng hôn đầy ắp ký ức của một thời thơ bé. Hình ảnh “bầy chim non…” trong đoạn thơ là một sáng tạo độc đáo. Việc sử dụng điệp ngữ làm cho âm điệu câu thơ da diết, bồi hồi:
“Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu,
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông”.
Hình ảnh nhân hoá đã làm con sông như có một đời sống, một tâm hồn riêng:
“Tôi đưa tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ”.
Câu thơ sóng đôi, sử dụng nghệ thuật đối và nhân hoá đã khắc hoạ đầy xúc động sự gắn bó và yêu thương dòng sông tuổi thơ. Có bao kỉ niệm ngày thơ ấu gắn bó bên con sông quê hương. Từ đó mà cuộc đời bắt nguồn từ dòng sông và “Vẫn trở về lưu luyến bên sông”, bởi lẽ:
“Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi”.
“Tắm” không chỉ là tắm mát, mà còn là nghĩa tình yêu thương, là thuỷ chung cả đời. Từ dòng sông thơ ấu, Tế Hanh bộc lộ tình yêu với quê hương và miền Nam thân thiết. Giọng thơ với âm điệu tự hào:
“Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ,
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu”.
Phần thứ 2 gồm 10 câu thơ, âm điệu thơ bồi hồi nhung nhớ quê cha đất tổ miền Nam sâu nặng. Nỗi nhớ dai dẳng “nghe trái tim thầm nhắc – hai tiếng thiêng liêng – hai tiếng miền Nam”. Với phép điệp ngữ – trùng điệp, Tế Hanh đã bày tỏ rất hay và cảm động nỗi nhớ thương: “Tôi nhớ không nguôi… Tôi quên sao được… Tôi nhớ cả…”. Quê hương ấy có một màu trời trong xanh, một sắc vàng tươi của nắng. Hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa trừu tượng… đó là lòng nhớ thương khôn nguôi:
“Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng,
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết”.
Nhớ dòng sông thơ ấu là nhớ đến nơi chôn rau cắt rốn. Và nỗi nhớ quê hương đã gắn bó với bóng hình con sông mang nặng nghĩa tình. Ở trước đó nhà thơ viết: “Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi”, xuống phần này, ông lại viết: “Hình ảnh con sông quê mát rượi – Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới”. Từ đó ta thấy được con sông quê hương là con sông trong tâm tưởng của người thi nhân.
Phần thứ 3 gồm 6 dòng thơ, âm điệu thơ cảm thán xúc động. Tình cảm tràn ra, rồi dồn nén lại như một lời thề đinh ninh khắc sâu. Các điệp ngữ, các vần thơ trùng điệp biểu thị một ý chí sắt đá, một niềm tin mãnh liệt về thống nhất đất nước. Tình yêu con sông quê hương đã đi liền với tình yêu tổ quốc và niềm tin thống nhất nước nhà:
“Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương”.
Bác Hồ từng nói: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi!”. Có thể nhận ra rằng, tình cảm và ý chí ấy của Bác đã khúc xạ trong tác phẩm “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh.
Có thể nói bài thơ “Nhớ con sông quê hương” là một thi phẩm tuyệt tác về ngôn từ nghệ thuật, là sự thăng hoa của tâm hồn. Sử dụng thể thơ tám chữ quen thuộc, nhà thơ đã thể hiện điêu luyện và đầy cảm xúc nỗi thương nhớ thủy chung với dòng sông tuổi thơ và với quê hương thân yêu.