Bài tham khảo số 8
Đại văn hào Mark Twain từng khẳng định: “Sự tử tế là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể đọc”. Năm 1987, phim điện ảnh tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy ra mắt đã gây “sốt” trong công chúng. Bộ phim đi vào thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội để đi tìm khái niệm “thế nào là sự tử tế?”. Đã ra đời cách đây 30 năm, nhưng phim vẫn còn nguyên tính thời sự khi hiện nay, sự tử tế vẫn luôn là đề tài nóng khiến nhiều người trăn trở trong sự phát triển của xã hội hiện đại.
Có thể nói, trong xã hội hiện nay, khi những hành vi và lối sống thiếu chuẩn mực, người ta lại càng tha thiết kêu gọi sự tử tế từ mỗi cá nhân con người. Sự tử tế ấy không cần phải đao to búa lớn, mà có thể xuất phát từ chính những hành động giản dị hàng ngày chúng ta giao thiệp. Như quan niệm của nhà văn Nguyễn Một, tử tế không phải là làm những điều to tát cao siêu, mà làm những điều giản dị trong cuộc sống và bất cứ ai cũng có thể làm được. Một cử chỉ thân thiện, lời nói lịch sự, một hành động giúp đỡ, cử chỉ chia sẻ với tha nhân… Tất cả đều là tử tế.
Khi xã hội đang tồn tại những điều xấu khiến người ta phải lên tiếng phê phán, thì càng cần “thuốc thang” bằng những điều tử tế.
Rõ ràng, khi sự tử tế được nhân rộng trong xã hội, cuộc sống cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn, lịch sự và văn minh hơn. Sống tử tế, mỗi người không chỉ góp phần giúp xã hội tiến bộ hơn mà còn tìm thấy được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Và lẽ dĩ nhiên, những điều đó chỉ có người tử tế mới cảm nhận được.