Bài tham khảo số 9
Đất Nước- hai từ thôi mà sao nó thân thương đến thế! Và đó cũng là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ sẽ chọn cho mình một góc nhìn riêng để nói về Đất Nước, nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ hay cảm hứng về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, bình dị để miêu tả về Đất Nước. Bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đã gợi cho người đọc những nét đẹp về văn hóa, truyền thống, phong tục đẹp vô ngần, sinh động lạ thường, mang đậm dấu ấn con người Việt. Với 9 câu thơ mở đầu, nhà thơ đã đưa người đọc trở về với lịch sử của dân tộc để trả lời cho câu hỏi đất nước có từ bao giờ:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ đồng thời cũng là nhà chính trị Việt Nam. Ông là một người con của xứ Huế, chính những nét đặc trưng của Huế đã tạo nên hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm trữ tình mà sâu lắng, hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Khoa Điềm trở về quê hương hòa mình vào cuộc chiến đấu dữ dội tại chiến trường Bình Trị Thiên. Tiếp xúc trực tiếp với chiến tranh, tận mắt chứng kiến tội ác của kẻ thù, cuộc chiến đấu gian khổ của đồng bào ta...những điều đó đã khơi nguồn cảm hứng mãnh liệt cho hoạt động sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm. Từ những đêm không ngủ, những ngày xuống đường, Nguyễn Khoa Điềm đã tích lũy cho mình vốn sống và sự trải nghiệm để cảm hứng ấy trào lên thành trường ca Mặt đường khát vọng, được viết năm 1917 gồm 9 chương. Thành công nhất là chương Đất Nước, nó đã trở thành một bài thơ có sức sống độc lập, thể hiện trọn vẹn tài năng phong cách Nguyễn Khoa Điềm.
Ngay từ những câu thơ đầu đoạn trích, Nguyễn Khoa Điềm đã trầm ngâm, suy tư về cội nguồn, quá hình thành của Đất Nước bằng giọng tâm tình, dịu ngọt như lời kể chuyện cổ tích:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Mở đầu đoạn thơ như một lời khẳng định "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi", Đất Nước đã có từ rất lâu, có trước khi ta sinh ra vì khi lớn lên nó đã có rồi. Đó cũng là một lời khẳng định chắc nịch về sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Cụm từ "ngày xửa ngày xưa" chỉ thời gian huyền hồ, hư ảo là nhịp thời gian cổ xưa xa thẳm để mở đầu những câu chuyện cổ. Với Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước có từ rất xa xưa, trong sâu thẳm thời gian, trong kí ức tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của mỗi cuộc đời. Câu chuyện của Nguyễn Khoa Điềm đã đánh thức trong người đọc những hoài niệm đẹp đẽ của một thời đại. Đó cũng chính là đất nước được cảm nhận trong chiều sâu tâm hồn nhân dân, văn hóa và lịch sử:
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Đó là miếng trầu gợi lên sự tích vào loại cổ nhất người Việt "Sự tích trầu cau" từ đời vua Hùng dựng nước xa xưa, ngợi ca tình nghĩa vợ chồng, anh em đằm thắm, sắt son đồng thời đánh thức dậy hình ảnh miếng trầu đã trở thành biểu tượng của tình yêu, lòng thủy chung, miếng trầu là đầu câu chuyện. Đó còn là truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đuổi giặc Ân, gợi lên vẻ đẹp khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất. Vẻ đẹp ấy song hành với hình ảnh cây tre Việt Nam. Cây tre hiền hậu trên mỗi làng quê. Hình ảnh tre như những phẩm chất trong cốt cách con người Việt Nam: thật thà chất phác, thuỷ chung, yêu hoà bình, kiên cường bất khuất trong những cuộc chiến tranh. Với cái nhìn độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước đã nằm sâu trong tiềm thức mỗi chúng ta, trong đời sống tâm hồn của người dân từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tác giả còn nhắc đến thuần phong mỹ tục của người Việt, câu ca dao "Tay bưng chén muối đĩa gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau" như đã nhập hồn vào câu thơ Nguyễn Khoa Điềm:
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Đất Nước còn là phong tục búi tóc thành cuộn sau gáy rất quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay. Đó là vẻ đẹp giản dị nhưng mang một nét đẹp riêng biệt không thể lẫn lộn với những nền văn hóa khác. Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục gắn dòng suy tưởng đến con người ngàn đời cư trú, lao động, chiến đấu trên mảnh đất Việt để giữ gìn tôn tạo mảnh đất thân yêu. Ở đó đạo lí ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc: "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn". Người ta vẫn thường hay nói gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn nghĩa là con người sống với nhau càng lâu thì tình nghĩa càng đong đầy:
Đất nước gắn bó, thân thiết như người ruột thịt và bao công việc lao động khác:
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Cha ông ta xưa gắn liền với những miền quê thuần phác của nền nông nghiệp thóc gạo với mái lá nhà tranh nên thường coi việc đặt tên cho con cũng chỉ bằng cái tên nôm na, dân dã, có khi lấy những bộ phận của ngôi nhà tre gỗ chính mình đang ở "cái kèo", "cái cột". Với người Việt Nam vốn gắn bó lâu đời với nền văn minh lúa nước, hạt gạo trở thành gia bảo vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Cho nên ngay khi còn là đứa trẻ mới lớn, cảm nhận về vật chất đầu tiên phải là hạt gạo trải qua một quá trình lam lũ, kết tinh từ mồ hôi nước mắt của người lao động, "một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng" phải suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, dầm mưa dãi nắng nhân dân ta mới làm ra được hạt ngọc quý giá ấy. Thấm vào trong hạt gạo bé nhỏ ấy là vị mặn mồ hôi nhọc nhằn của người nông dân. Chính vì thế khi ăn hạt cơm dẻo, thơm phải nhớ đến người làm ra nó.
Câu cuối cùng khép lại một câu khẳng định với niềm tự hào: "Đất Nước có từ ngày đó..." “Ngày đó” là ngày nào ta không rõ nhưng chắc chắn “ngày đó” là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa mà có văn hóa nghĩa là có đất nước.
Trong đoạn thơ trên, tác giả sử dụng khéo léo các kiểu cấu trúc thơ "Đất Nước đã có", "Đất Nước bắt đầu", "Đất Nước lớn lên", "Đất Nước có từ" đã giúp cho ta hình dung được cả quá trình hình thành và phát triển của đất nước trong trường kì lịch sử nằm sâu trong tâm thức của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Nguyễn Khoa Điềm lặng lẽ quan sát Đất Nước ở muôn mặt đời thường và trong quan hệ ruột rà, thân thuộc. Đất Nước là những gì bình dị nhất, gần gũi và thân quen nhất trong đời sống hằng ngày của mỗi con người việt nam ta: câu chuyện cổ tích bà kể, miếng trầu bà ăn, gừng cay, muối mặn, hạt gạo...