Bài tham khảo số 9

Tình cảm gia đình, tình yêu đối với quê hương xứ sở là những tình cảm nguyên sơ nhưng cũng thiêng liêng nhất của con người Việt Nam. Lòng yêu thương con cái, ước mong thế hệ sau nối tiếp xứng đáng truyền thống của tổ tiên, dân tộc, quê hương là sự thể hiện cụ thể của tình cảm cao đẹp đó. Nhiều nhà thơ đã giãi bày những sắc thái tình cảm ấy lên trang giấy. Chúng ta bắt gặp trong bài thơ “nói với con” của tác giả Y Phương một cách diễn đạt mộc mạc, chân chất của người miền núi những lời tâm tình thiết tha, những lời dặn dò ân cần, chia sẻ của người cha đối với con lòng tự hào về con người và quê hương yêu dấu của mình. 11 dòng thơ đầu là lời tâm tình của người cha với con gái nhỏ về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người.


Bài thơ được sáng tác năm 1980, năm năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó là giai đoạn mà đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào miền núi nói riêng còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Từ hiện thực khó khăn ấy, nhà thơ Y Phương đã viết nên bài thơ này. Bài thơ như một lời tâm sự với chính mình để động viên mình, đồng thời còn để nhắc nhở cho các thế hệ mai sau.


Mở đầu bài thơ, bằng những lời tâm tình với con, Y Phương đã gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Ở 4 câu thơ đầu, tác giả nói với con cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con trước hết là gia đình:


"Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười”


Với việc sử dụng nhịp thơ 2/ 3, cấu trúc đối xứng, nhiều từ được láy lại, tạo ra một âm điệu tươi vui, quấn quýt: chân phải – chân trái , rồi một bước – hai bước, rồi lại “tiếng nói – tiếng cười” cùng thủ pháp liệt kê, tác giả đã gợi lên trước mắt người đọc một hình ảnh cụ thể thường gặp trong đời sống: đứa con đang tập đi, cha mẹ vây quanh mừng vui, hân hoan theo mỗi bước chân con. Từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, nâng niu, đón nhận. Cả ngôi nhà như rung lên trong “tiếng nói, tiếng cười” của cha, của mẹ. Đó là khung cảnh của một gia đình đầm ấm, hòa thuận luôn tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, tràn đầy tiếng nói, tiếng cười.


Tuy nhiên, đằng sau lời nói cụ thể đó, tác giả muốn khái quát một điều lớn hơn: con sinh ra và lớn lên bằng tình yêu thương, trong sự nâng đón, vỗ về, mong chờ của cha mẹ. Gia đình chính là cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con. Vì thế, trên hành trình vạn dặm của cuộc đời, con không được phép quên.


Bên cạnh tình cảm gia đình thắm thiết, hạnh phúc, quê hương thơ mộng nghĩa tình và cuộc sống lao động trên quê hương cũng giúp con trưởng thành, giúp tâm hồn con được bồi đắp thêm lên:


“Người đồng mình yêu lắm con ơi!

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng”


Quê hương được giới thiệu qua lối nói hình ảnh của người vùng cao – “người đồng mình”. Cách giới thiệu hình ảnh ấy lại đi liền với hô ngữ “con ơi” khiến lời của cha với con thật trìu mến, thân thương. Tác giả sử dụng hệ thống hình ảnh giàu sức gợi: “Đan lờ cài nan hoa”, tả thực công cụ lao động còn thô sơ được “người đồng mình” trang trí trở nên đẹp đẽ; gợi lên đôi bàn tay cần cù, khéo léo, tải hoa và giàu sáng tạo của “người đồng mình”, đã khiến cho những nan nứa, nan tre đơn sơ, thô mộc trở thành “nan hoa”. “Vách nhà ken câu hát”, tả thực lối sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gia đình của ” người đồng mình”, khiến cho những vách nhà như được ken dầy trong những câu hát si, hát lượn; gợi một thế giới tâm hồn tinh tế và tràn đầy lạc quan của người miền cao. Các động từ “cài”, “ken” vừa miêu tả được động tác khéo léo trong lao động vừa gợi sự gắn bó của những “người đồng mình”trong cuộc sống lao động.


Bằng cách nhân hoá “rừng” và “con đường” qua điệp từ “cho”, người đọc có thể nhận ra lối sống tình nghĩa của “người đồng mình”. Quê hương ấy chính là cái nôi để đưa con vào cuộc sống êm đềm. Cội nguồn của hạnh phúc con người chính là gia đình và quê hương – cái nôi êm để từ đó con lớn lên, trưởng thành với những nét đẹp trong tình cảm, tâm hồn. Phải chăng đó là điều đầu tiên người cha muốn nói với đứa con của mình. Nếu như gia đình là cội nguồn sinh thành và dưỡng dục con, thì quê hương bằng văn hóa, lao động đã nuôi dưỡng và che chở cho con thêm khôn lớn, trưởng thành.


Cuối cùng, tác giả tâm sự với con về kỉ niệm êm đềm, hạnh phúc nhất của cha mẹ. Bởi đó cũng là cội nguồn để sinh thành nên con:


"Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”


“Nhớ về ngày cưới” là nhớ về kỷ niệm cho sự khởi đầu của một gia đình. Nó là minh chứng cho tình yêu và con chính là kết tinh của tình yêu ấy. “Ngày đầu tiên đẹp nhất” đó có thể là ngày cưới của cha mẹ, nhưng cũng có thể là ngày đầu tiên con chào đời. Với giọng điệu tâm tình, tha thiết, đoạn thơ là lời dặn dò, nhắn nhủ tâm tình của người cha về cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con: gia đình, quê hương chính là những nền tảng cơ bản để tiếp bước cho con khôn lớn, trưởng thành. Bởi vậy, con phải luôn sống bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào.


Đoạn thơ đầu của bài thơ “Nói với con” của Y Phương giúp chúng ta cảm nhận vẻ đẹp của một áng thơ về tình cha con cao quý, xúc động, góp thêm một tiếng nói yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Bằng cách diễn đạt mộc mạc, thô sơ, bằng những hình ảnh cụ thể mà giàu sức khái quát bài thơ đã thể hiện một cách độc đáo mà cũng thật thấm thía về tình cảm thiết tha sâu sắc nhất của con người : tình cảm gia đình và tình yêu quê hương xứ sở. Trong lòng ta như ngân lên câu hát: “Ba sẽ là cánh chim. Cho con bay thật xa…. Ba sẽ là lá chắn. Che chở suốt đời con….”.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

Top 10 Bài văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ "Nói với con" của Y Phương (Ngữ văn 9) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy