Bài văn phân tích tác phẩm "Đò Lèn" của Nguyễn Duy số 6
Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ rất trẻ của nền văn học Việt Nam. Ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, Duy đã đoạt giải Nhất cuộc tho thơ báo Văn nghệ. Thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trưc tình với chất thế sự đậm đặc, nhiều bài là tiếng nói khảng khái, bộc trực đầy ngang tàng mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm và mang tinh thần công dân sâu sắc.
Ông là một trong số không nhiều cây bút hiện nay đã góp phần làm mới thể thơ lục bát bằng những tìm tòi theo hướng hiện đại, tạo nên nét độc đáo hấp dẫn. Viết về quê hương và tuổi thơ, Nguyễn Duy đã có một tác phẩm chiếm rất nhiều cảm xúc của người đọc: Đò Lèn.
Bài thơ được sáng tác năm 1983, trong một dịp nhà thơ trở về quê hương sống với những kỉ niệm thân quen có nhiều buồn vui của thời thơ ấu. Trong miền ký ức ấy, Nguyễn Duy không thể nào quên được những trò chơi nghịch ngợm khi còn là một đứa trẻ con:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.
Không cần dùng ngôn từ hoa mĩ, tráng lệ, cũng chẳng có chút cầu kì, những kỉ niệm của một thời thơ ấu cứ thế tràn về trên trang thơ của nhà thơ. Chắc hẳn lúc này trong lòng Nguyễn Duy đang bồi hồi lắm, xao xuyến lắm. Ông để cái tôi trực tiếp của mình trong từng câu thơ. Ông muốn tự mình bộc bạch hết tất cả những cảm xúc đang dâng trào trong trái tim. Những kỉ niệm ấy rất đơn sơ, rất chân thành và mộc mạc, mang đậm chất quê hương của vùng nông thôn Việt Nam.
Thuở bé ai đã từng lúi húi trốn đi trong những buổi trưa hè í ới gọi nhau đi câu cá, ai từng bám váy bà đi chợ rồi nằng nặc đòi bà mua cho cái bỏng, cái kẹo, ai đã từng chèo vắt vẻo trên cành cây sấu cây nhãn bắt tổ chim… Những kỷ niệm hết sức thân thương và quen thuộc,gợi lại cho người đọc những cảm giác miên man và như đang được sống lại thời thơ ấu của chính mình.
Bởi trong những kỉ niệm mà Nguyễn Duy kể ra ở đây, cũng có nhiều người đã từng trải qua một thời như thế – ngây dại và hồn nhiên. Bởi thế, tôi đâu biết rằng những gì mà bà đang phải gánh chịu mỗi ngày:
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Bà của Nguyễn Duy xuất hiện như từ trong câu chuyện cổ tích bước ra. Bà hiền từ, bà giàu tình yêu thương vô bờ bến. Bà mò cua xúc tép, bà gánh chè xanh đi bán, cả trong những đêm hàn bà vẫn thập thững bước đi. Dáng dấp bé nhỏ nhưng trái tim bà lớn lao đã lấy đi nước mắt của nhiều người đọc. Bà không những làm cha mà còn làm mẹ nuôi nấng Nguyễn Duy nên người. Để khi lớn khôn rồi, Nguyễn Duy nhớ về bà mà day dứt khôn nguôi. Và cứ thế, những kỉ niệm lần lượt hiện về trong tâm trí nhà thơ.
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
Giữ bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
Cái năm đói, củ dong giềng luộc sượng
Cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm
Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bat tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn.
Càng nhớ, cảm xúc của nhà thơ càng dâng trào. Giữa hiện thực nhưng ông thấy mình như đang chìm trong ký ức – nơi có người bà dấu yêu, có những cuộc chơi bời nghịch ngợm và quên mất những nỗi vất vả bà đang gồng gánh trên vai. Thế rồi, nạn đói hoành hành, Nguyễn Duy nhớ lại củ dong giềng luộc sượng nhưng vẫn mùi thơm huệ trắng, trầm hương.
Lại thêm vào đó nỗi đau mất nhà mất nước khi bom Mĩ giội. Giữa những trận mưa bom bão đạn, hình ảnh người bà già nua, bé nhỏ lại xuất hiện với vai trò là người đi bán trứng ở ga Lèn. Vì cuộc sống mưu sinh, vì thằng cháu nhỏ ngây dại, một mình bà chịu đựng hi sinh nắng mưa dãi dầu chỉ mong con khôn lớn từng ngày. Và rồi, những hi sinh của bà cũng đến ngày được báo đáp khi:
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
Tôi lên đường chống lại bọn giặc ngoại xâm đã làm cho bà và bao mảnh đời cơ cực khác phải khổ. Suốt một thời thơ ấu đằng đẵng, khi tôi đang vui đùa nghịch ngợm lại là khi bà vất vả sớm hôm. Đến giờ phút này khi nhận ra tất cả, lại lúc lúc bà đã đi xa. Nguyễn Duy chỉ còn biết ngậm ngùi gửi nước mắt vào trang thơ:
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm mồ thôi.
Nguyễn Duy cũng thôi không nhắc tới những ký ức tuổi thơ nữa. Bài thơ khép lại với hình ảnh nấm mồ của người bà kính yêu. Cả một cuộc đời bà đã vất vả gian lao, hi sinh hết mình, thương con thương cháu hết lòng. Bà chẳng ngại những sớm hôm mò cua xúc tép, những ngày đông băng giá thập thững gánh chè đi bán hàng rong. Từ thập thững nghe sao đầy day dứt và thương cảm mà tác giả muốn dành cho người bà trong ký ức. Nay bà đã đi xa rổi và tôi cũng khôn lớn rồi, đã trở thành một người lính can đảm, sẵn sàng chiến đấu. Hi vọng bà ở nơi xa kia có thể yên lòng nhắm mắt.
Nguyễn Duy đã mang đến cho người đọc những vần thơ hết sức chân thật, giản dị và đầy cảm xúc về miền ký ức ngọt ngào nhưng cũng lắm gian truân của mình với hình ảnh người bà đáng kính, đáng mến. Tác giả không dùng bất kỳ một biện pháp nghệ thuật nào, tất cả đều hiện lên rất chân thật, rất tự nhiên. Đó cũng là tấm lòng của tác giả muốn dành cho người bà kính yêu của mình suốt một đời vất vả hi sinh.