Bài văn thuyết minh về ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Bài số 5
Đất nước Việt Nam vốn đa dạng về địa lý, mỗi một nơi, mỗi một vùng trên Tổ quốc đều tự tạo cho mình những dấu ấn riêng, ghi vào lòng không chỉ là người dân bản xứ mà còn là cả những lữ khách từ khắp mọi miền trong và ngoài nước. Ví như Đà Lạt mộng mơ luôn cho ta thấy cái vẻ đẹp thiên đường, thi vị của nó với những đồi thông bát ngát, những vườn hoa rực rỡ bận khoe sắc quanh năm. Các tỉnh miền Trung ngoài những bờ biển xinh đẹp, thì còn ấn tượng với các cồn cát trắng, cát vàng mênh mông. Xuôi về miền Tây, thì người ta dễ dàng thấy cái cảnh mênh mông sóng nước, với những vựa cây ăn trái xum xuê trĩu quả, phong phú vô cùng. Với các tỉnh vùng đồng bằng nói chung thì có lẽ ấn tượng nhất là cảnh những cánh đồng lúa bạt ngàn cò bay thẳng cánh. Về với Tây Nguyên thì người ta khó có thể quên màu đất đỏ ba dan với những vạt cà phê xanh mượt bạt ngàn, mùa xuân hoa trắng, mùa đông đỏ quả. Và rồi khi ngược về miền Tây Bắc, có lẽ rằng người ta khó có thể bỏ qua một cấu trúc địa hình thuộc dạng kỳ quan như ruộng bậc thang Mù Cang Chải được.
Mù Cang Chải là một huyện thuộc tỉnh Yên Bái, nằm ở dưới chân của dãy Hoàng Liên Sơn, cao hơn so với mực nước biển khoảng 1000m. Với địa hình ba mặt giáp với các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La. Đặc biệt để đến với Mù Cang Chải, người ta buộc phải vượt qua con đèo ngoạn mục và hung hiểm bậc nhất của vùng Tây Bắc vốn xưa nay nổi danh rừng thiêng nước độc ấy là đèo Khau Phạ, với những đoạn dốc nghiêng từ 40 - 70 độ. Châu Mù Cang Chải được thành lập vào ngày 18/10/1955, thuộc khu tự trị Thái Mèo, với dân số chiếm đa số là người Mông, còn lại là người Thái và một số ít người Kinh. Với bề dày truyền thống văn hóa lâu đời, sự thích nghi và nhu cầu đời sống, canh tác, lao động, những con người nơi đây đã dựa vào kinh nghiệm, sự cần cù chăm chỉ của mình để vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu để tạo dựng nên một vùng đồi xanh tốt, rộng lớn, với kiểu địa hình chủ yếu là ruộng bậc thang và tiến hành canh tác lúa nước giống như các vùng đồng bằng. Có thể nói rằng việc cải tạo địa hình của dân cư nơi đây là một công việc kỳ công cũng như chính là sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con người trong công cuộc lao động nhiều đời, đặc biệt là sự ghi nhớ, tiếp thu và phát triển nền văn minh lúa nước từ thời vua Hùng dựng nước và giữ nước. Càng chứng minh được khả năng làm chủ thiên nhiên, ý chí kiên cường trong công cuộc lao động của con người. Hiện nay ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải đã lên tới con số hơn 5000 ha, trải rộng ở hầu hết các xã trong địa bàn, trong đó có khoảng 500 ha thuộc ba xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha được công nhận là danh lam thắng cảnh, di tích cấp quốc gia, hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch ghé thăm bởi vẻ đẹp địa hình độc đáo và hiếm có.
Có thể nói rằng ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải nói riêng và ở khắp vùng Tây Bắc, Đông Bắc nói chung là một vẻ đẹp hiếm thấy, "là vẻ đẹp tinh tế và hút hồn nhất, và có lẽ độc đáo hơn bất cứ nơi nào trên thế giới", trích theo lời dẫn của trang web When On Earth. Sở dĩ nhận được nhiều lời khen như vậy bởi khi đến với vùng Tây Bắc, đặc biệt là đến với Mù Cang Chải, khách du lịch sẽ lập tức phải ngỡ ngàng với từng mảng ruộng lớn xếp tầng khắp các quả đồi một cách có trật tự và khéo léo, tựa như có bàn tay của các vị thần cần thận xếp thành những mâm xôi lớn để đem dâng lên thượng đế đế vậy. Nếu như đứng ở một đỉnh đồi nào đó cao cao, hướng tầm mắt ra xa người ta sẽ thấy khung cảnh trước mắt chẳng khác nào một bức tranh nghệ thuật kỳ vĩ, hoành tráng, dù cùng mang một kết cấu xếp tầng nhưng mỗi một quả đồi lại mang đến du khách những cảm nhận khác biệt, từ độ rộng của các dải bậc thang, số lượng bậc, độ cao, các đường cong của thảm ruộng ôm theo sườn đồi cũng khác nhau. Tất cả tạo nên một bức tranh với nhiều những nét vẽ tinh tế và thú vị. Thực tế rằng ruộng bậc thang mới chỉ trở thành điểm hấp dẫn du khách tham quan vào khoảng chục năm trở lại đây, còn công dụng chủ yếu của ruộng bậc thang vẫn là để canh tác, phục vụ cuộc sống của cư dân nơi đây. Những chủ nhân đồng bào dân tộc thiểu số rất mực chăm chỉ, cần cù, đẽo gọt núi đồi từ bao thế hệ, để gây dựng nên những công trình kỳ thú, là nền tảng cho nền nông nghiệp lúa nước trên vùng rừng Tây Bắc. Có lẽ rằng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã chẳng đẹp đến thế, nếu như quanh năm suốt tháng nó chỉ là những lớp đất trơ trọi, khô khốc. Mà vẻ đẹp của nó đến từ chính công việc canh tác của người dân nơi đây. Màu xuân người ta dẫn nước từ những con suối tận trên rừng cao về ruộng bậc thang, để mỗi một thớ đất, một bậc ruộng đều đủ đầy nước non, sau đó người ta tỉ mẩn cấy từng gốc mạ non, lại chăm bón kỹ càng, để đến mùa hạ, sắc lúa xanh mơn mởn đã phủ khắc cả Mù Cang Chải. Cả một vùng ruộng bậc thang bỗng trở nên tươi mát, tuyệt vời và mượt mà hơn nhà màu xanh của những cây lúa đang độ sung sức, phát triển. Năm tháng thoi đưa, chốc chốc lúa trổ đòng đòng, lúa đơm bông, kết hạt, rồi mùa gặt đã tới. Du khách lại càng không khỏi ngỡ ngàng thán phục trước cái cảnh một vùng mâm xôi đang xanh đồng loạt đổ vàng như được ai nhuộm. Cái màu ấy cứ bát ngát, theo từng bậc ruộng tưởng kéo được lên đến tận trời xanh. Có lẽ rằng hiếm ai có thể bình tĩnh trước một bức tranh thiên nhiên vừa tinh tế lại linh hoạt như vậy, mùa hạ thì xanh mơn mởn, mùa thu lại vàng xuộm đậm đà, ấm áp báo trước một mùa gặt no đủ của cả năm. Đặc biệt nếu may mắn, du khách còn có thể thưởng thức cảnh mây mù vờn quanh những thửa ruộng lúc sáng sớm, tạo nên một phong cảnh rất mực nên thơ trữ tình, còn khi buổi hoàng hôn, đứng trên cao tận hưởng cái gió se lạnh và khung cảnh bình yên cuối ngày, người ta cũng không khỏi bâng khuâng trong lòng.
Có thể nói rằng ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính là một điểm nhấn đặc sắc nhất cho cả vùng núi rừng Tây Bắc, là dấu ấn văn hóa ngàn đời của những con người vùng rẻo cao. Những con người đã dùng cả cuộc đời, dùng sức lao động của mình để tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ đặc sắc, ghi dấu vào lòng du khách những trải nghiệm độc đáo về nét văn hóa riêng biệt của người dân tộc Mông cũng như là các dân tộc đang hiện sinh sống ở vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc. Tôi nhớ rằng nhà thơ Y Phương đã viết những câu thơ rất hay khi nói về người dân tộc miền núi rằng "Người đồng mình thô sơ da thịt/chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/Còn quê hương thì làm phong tục" có lẽ là những vần thơ thích hợp nhất để nói về con người và ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Người Mông và các dân tộc anh em đã đẽo gọt từng quả đồi để làm nên quê hương, làm nên cuộc sống, và chính bản thân Mù Cang Chải đã phô bày hết những vẻ đẹp tuyệt vời của bản thân nó để những ai đã một lần ghé qua đều nhớ về những ruộng bậc thang tuyệt đẹp, kiệt tác của những con người miền núi nhiều đời, đó là một nét truyền thống văn hóa có sự giữ gìn và phát huy mạnh mẽ qua nhiều thế hệ. Không chỉ làm nên nét văn hóa bản địa, phong phú thêm nền văn hóa của cả dân tộc Việt Nam, mà hơn thế nữa cho đến ngày hôm nay ruộng bậc thang Mù Cang Chải còn tham gia cả vào quá trình phát triển kinh tế đất nước, nhờ tiềm năng du lịch rộng lớn, đang được khai thác một cách hợp lý và bài bản. Hằng năm thu hút hàng triệu khách du lịch cả trong và ngoài nước ghé thăm, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự phát triển ngành dịch vụ ở vùng cao, vốn còn nhiều khó khăn này. Đồng thời để lại trong mắt bạn bè quốc tế những ấn tượng sâu đậm về con người và sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Phải nói rằng thật sự tự hào vì tạo hóa đã cho đất nước ta những địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhưng đồng thời cũng cho dân tộc ta đôi bàn tay cần cù, khéo léo, sự chịu thương chịu khó nhiều đời để chống đỡ, vượt qua thiên nhiên và làm nên vẻ đẹp của cả một dân tộc, một đất nước. Nếu có cơ hội được một lần lên miền Tây Bắc xa xôi, thì đừng tiếc chi mà hãy ghé đến Mù Cang Chải một lần, để tận mắt chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, cũng như hòa mình vào không gian sinh hoạt, văn hóa của những dân tộc anh em vùng cao bạn nhé.