Bài văn thuyết minh về tác giả Nam Cao số 7
Nam Cao (1917-1951) là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nhiều truyện ngắn của ông được xem như là khuôn thước cho thể loại này. Đặc biệt một số nhân vật của Nam Cao trở thành những hình tượng điển hình, được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày.
Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân - nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.
Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác. Ông gửi in trên Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư. Có thể nói, các sáng tác “tìm đường” của Nam Cao thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời.
Sáng tác của Ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách lại càng ngời sáng. Thời gian càng lùi xa, tác phẩm của Nam Cao càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.
Giá trị con người được đề cao trong truyện của Nam Cao, nhất là trong truyện ngắn nổi danh Chí Phèo mà trước đây ít người được biết. Truyện ngắn của Nam Cao có nghệ thuật trong kết cấu và ngôn từ. Nhiều truyện của ông mang tính cách tâm lý đến bây giờ vẫn còn là những khuôn thước tốt cho người muốn bước vào lãnh vực truyện ngắn. Với Nam Cao, ta có thể nói như với Edgar Poe, truyện ngắn đã thành hình và có quy luật riêng của nó.
Có những nhà văn mà tác phẩm càng đi vào thời gian càng có giá trị Nam Cao ở vào trường hợp đó. Truyện của ông là những bộ nhớ ghi lại một cách sống động những sinh hoạt đặc biệt của nông thôn Việt Nam cách đây nửa thế kỷ. Ta yêu mến dân tộc ta. Ta tha thiết với những gì mà dân tộc ta đã trải qua tất nhiên ta tha thiết và mến yêu những nét chấm phá trong truyện của Nam Cao. Ở đây có đầy đủ hết, từ anh mõ nghèo nàn nhưng ai cũng sợ, đến những chức dịch luôn luôn ậm ọc nhưng chỉ biết có những miếng đỉnh chung tại chốn đình chung, từ một anh tha phương cầu thực vào sống nhờ trong làng đến một người lính tập có dịp ra khỏi lũy tre làng nên đã mở mắt với đời ... đủ cả.
Đầu năm 1996, một chương trình mang tên “Tìm lại Nam Cao” được Hiệp hội Câu lạc bộ UNESSCO Việt Nam tổ chức với quy mô chưa từng có gồm 35 đơn vị tham gia như Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Nhân dân… Điều đặc biệt là trong đó có sự góp mặt của 7 nhà ngoại cảm mà Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) đã đứng ra mời họ tham gia chương trình “Tìm lại Nam Cao”. Kết quả sau gần nửa thế kỷ nằm hiu quạnh trong nấm mồ vô danh, cuối cùng Nam Cao đã về yên nghỉ vĩnh hằng nơi quê nhà (xã Hoà Hậu, Lý Nhân, Hà Nam).