Bát
Kinh Phật bổn hạnh chép: “Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, có hai thương gia một người tên là Đế - ly Phú - bà và một người tên là Bạt - ly - ca đều ở tại Bắc Ấn-Độ. Một hôm, hai thương gia này phát tâm đem sửa cúng dường Phật, nhưng Đức Phật không có gì để đựng sữa. Bấy giờ có 4 vị Thiên vương đem 4 cái bát bằng vàng cúng Phật để đựng sữa, Đức Phật không nhận, bốn vị Thiên vương lại đem 4 cái bát khác đủ các loại quý giá như ngọc, ngà v.v… Đức Phật cũng không nhận, sau cùng có 4 vị Thiên vương đem cúng dường Phật 4 cái bát bằng đá, Đức Phật hoan hỷ nhận, không từ chối.
Ý nghĩa của bát Phật giáo: Chữ Bát nguyên tiếng Phạn là Bát - da - la, dịch là Ứng lượng khí, nghĩa là một vật dùng đựng các thực phẩm vừa với sức ăn của một người. Bát chỉ được trổ bằng đá, nắn bằng đất sét rồi hầm chín hoặc phết bằng sành mà thôi, chứ không được làm bằng vàng, bạc, ngọc ngà, vì những thứ này là bảo vật, người xuất gia không nên dùng, nhất là không được làm bằng gỗ, vì bát gỗ là thứ bát của Bà - la - môn.
Ngày nay ở một số nước như Thái Lan, Cambodia... chư Tăng thường đi khất thực, nên thường dùng Bát. Dưới đây là bài kệ đọc trong khi dùng bát: “Chấp trì ứng khí, đương nguyện chúng sanh, thành tựu pháp khí, thọ thiên nhơn cúng” và tiếp đọc câu chú “Án chỉ rị chỉ, rị phạ nhật ra hồng, phấn tra”.