Đoạn văn tham khảo số 2
Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao viết về số phận của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Hình ảnh Chí Phèo và ba lần Chí Phèo đến nhà bá Kiến chính là con đường đưa một người nông dân hiền lành, chất phác thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Ba lần Chí Phèo đến nhà bá Kiến, mỗi lần đều mang một động cơ khác nhau, bá Kiến là người đứng đầu làng Vũ Đại, là đại diện cao nhất ở xã hội phong kiến thu nhỏ ấy. Còn Chí Phèo là kẻ không cha không mẹ, không họ hàng người thân, đến khi lớn trở thành anh nông dân khoẻ mạnh thì phải chịu cảnh tôi đòi ở đợ. Mối quan hệ giữa bá Kiến và Chí Phèo là mối quan hệ giữa chủ và tớ, giữa giai cấp thống trị và người nông dân. Từ khi còn bé, con đường đến nhà bá Kiến dường như đã là con đường quen thuộc với Chí Phèo.
Nam Cao đã miêu tả rất cụ thể qua ba lần Chí Phèo đến nhà bá Kiến. Đó là lần thứ nhất khi Chí Phèo mới ở tù ra. Sau khi ra tù, nơi đầu tiên Chí Phèo tìm đến không đâu khác chính là nhà bá Kiến. Với động cơ trả thù, Chí Phèo đã đến nhà y với một thái độ rất hung hăng. “Gọi cả tên tục ra mà chửi” và thái độ ấy cũng khiến người nhà cụ bá sợ hãi: “Bà cả điều bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà trẻ, nhưng rốt cuộc chẳng bà nào dám ra nói một lời với hắn phải chăng” để rồi người nhà bá Kiến phải thả đàn chó ra nghe Chí Phèo chửi. Qua đây, người đọc nhận ra rằng mọi người trong xã hội chỉ coi Chí Phèo là một con vật, tiếng chửi của Chí Phèo chỉ như tiếng sủa của loài chó. Tiếng chửi ấy của Chí Phèo không nhằm vào một đối tượng cụ thể nào cả: “Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi những ai không chửi nhau với hắn”. Tiếng chửi của Chí Phèo là tiếng chửi vô nghĩa lý.
Dường như tiếng chửi ấy là quen thuộc, tiếng chửi là cách để hắn giao tiếp với mọi người trong xã hội. Và rồi khi cụ bá trở về, trước sự xảo trá của bá Kiến thì Chí Phèo đã dễ dàng bị mua chuộc: “Chí Phèo chẳng biết họ hàng ra sao nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi”. Cuối cùng Chí Phèo “hả hê” ra về, no rượu lại còn được cụ bá cho ba xu để về uống thuốc. Qua đó, Nam Cao bộc lộ rất rõ sự tố cáo phê phán xã hội. Đó là tiếng tố cáo sự nham hiểm độc ác của giai cấp thống trị mà đại diện tiêu biểu là bá Kiến. Hắn có thể đổi trắng thay đen, đưa con người với mục đích trả thù trở thành kẻ nhận ơn. Và đây cũng là sự thương hại của tác giả đối với người nông dân ngu dốt, dễ bị thay đổi trước những cám dỗ của thế lực phong kiến. Và cho đến lúc này, Chí Phèo đã bước chân vào con đường tha hóa.
Nếu như lần đầu Chí Phèo đến nhà bá Kiến chỉ với mục đích trả thù thì lần thứ hai đến nhà bá Kiến, mục đích của Chí Phèo đã lộ rõ bản chất của con người đã bị tha hoá. Chí Phèo đến nhà bá Kiến để xin tiền uống rượu. Hành vi lúc này của Chí Phèo có phần khôn ngoan hơn. Hắn đến xin đi ở tù. Có lẽ trong tiềm thức của Chí Phèo nhà tù làng Vũ Đại còn tồi tệ hơn nhà tù thật với song sắt kia. Ở nhà tù, Chí Phèo còn được ăn uống còn khi trở về làng Vũ Đại thì đã bị cả xã hội xa lánh. Quả thật, nhà tù làng Vũ Đại còn ghê sợ hơn cái “nhà tù” vô hình kia rất nhiều. Lần thứ hai đến nhà bá Kiến, Chí Phèo thể hiện thái độ lễ phép. Điều này thể hiện qua cách gọi “bẩm cụ” rồi xưng “con”. Cho đến lúc này, Chí Phèo đã bước vào con đường của sự tha hoá.
Hành động móc đủ mọi túi tìm ra con dao nhỏ và “nghiến răng” nói: “Bẩm cụ không được thì phải đâm chết dăm ba thằng” đã thể hiện rõ bản chất lưu manh ấy của Chí Phèo. Và cũng như lần trước, lần này Chí Phèo chìm sâu nhất vào con đường tha hoá. Có thể nói lúc này Chí Phèo đã tự đánh mất nhân tính lẫn nhân hình. Lại một lần nữa, bản chất ngu dốt của người nông dân đã làm họ thất bại trên con đường đấu tranh chống lại cái ác. Kết quả của lần thứ hai đến nhà bá Kiến chính là sự thất bại nặng nề nhất của Chí Phèo trên con đường trở về người lương thiện.
Con đường đến nhà bá Kiến quả thực là con đường quen thuộc đối với Chí Phèo. Lần thứ ba đến nhà bá Kiến không phải là chủ đích nhưng chính những bước chân trên con đường quen thuộc ấy đã đưa Chí Phèo đến nhà bá Kiến. Mục đích của Chí Phèo là đến nhà thị Nở để giết thị Nở và bà cô. Những bước chân đã đưa hắn đến nhà bá Kiến. Có lẽ trong tiềm thức của mình, Chí Phèo đã nhận ra kẻ thù chính của cuộc đời mình không ai khác mà chính là bá Kiến. Lần này Chí Phèo đến nhà bá Kiến (không phải mục đích) khác hoàn toàn với những lần khác, đến đòi lương thiện (hành động của Chí Phèo qua cách xưng hô của Chí Phèo “mày”, “tao”), cùng hành động dứt khoát “rút dao xông vào”, “vừa chửi túi bụi” vừa kêu làng thật to. Hành động này của Chí Phèo khẳng định Chí Phèo đã thực sự thức tỉnh. Nhưng kết quả của chuỗi hành động ấy của Chí Phèo là cả bá Kiến và Chí Phèo đều chết.
Đến lúc này tinh thần nhân đạo trong chiều sâu tư tưởng của Nam Cao lộ rõ. Cái chết của Chí Phèo là cái chết không thể tránh khỏi bởi cuộc đời của Chí Phèo chỉ là những tháng ngày vô nghĩa. Và sự thức tỉnh của Chí Phèo đã đánh dấu sự nổi dậy của người nông dân. Không phải bất cứ khi nào sự thức tỉnh, lương thiện cũng giành chiến thắng mà có khi nó cũng phải trả giá bằng cái chết, một cái chết tất yếu. Và cái chết của bá Kiến cũng là một quy luật của con người: “Gieo gió thì cũng gặt bão”. Cái chết của bá Kiến khẳng định tinh thần đấu tranh của người nông dân, cái chết của bá Kiến chính là sự chiến thắng của cái thiện.
Rõ ràng, ba lần Chí Phèo đến nhà bá Kiến, mỗi lần đều có một mục đích, một kết quả khác nhau, và sự thức tỉnh của Chí Phèo khẳng định chiều sâu tư tưởng nhân đạo của Nam Cao, sự chiến thắng của tinh thần nhân văn Nam Cao. Qua đây cũng phần nào khẳng định được tài năng của thi nhân.