Đoạn văn tham khảo số 7
Dân tộc Việt Nam ta có vô vàn truyền thống tốt đẹp được kế thừa và phát triển cho đến tận ngày nay. Một trong số đó nổi bật nhất chính là lòng hiếu thảo. Hiếu thảo chính là tôn trọng cha mẹ và tổ tiên của mình, đó là cách hiểu trong triết học Nho giáo. Hiểu đơn giản hơn thế, hiếu thảo được thể hiện trong hành động, lời nói với cha mẹ, tổ tiên. Việc phụng dưỡng, chăm sóc họ khi còn sống, thờ phụng họ khi qua đời, luôn mang lại niềm vui cho họ, ấy chính là hiếu thảo. Vậy vì sao ta phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ tổ tiên? Bởi họ chính là người đã sinh ra ta, cho ta một cơ thể khỏe mạnh, một trái tim biết yêu thương, nuôi ta khôn lớn thành người. Không chỉ vậy, họ còn dạy ta nên người, luôn dành cho ta những thứ tốt nhất để ta lớn lên thật vẹn toàn, không thua kém ai. Cha mẹ, người thân luôn là chỗ dựa vững chắc phía sau cổ vũ, động viên, nâng đỡ mỗi chúng ta trên chặng đường đời, là bến đỗ bình yên nhất luôn dang tay chào đón chúng ta. Người sống hiếu thảo sẽ luôn được mọi người tôn trọng, yêu mến và coi đó là tấm gương cho các thế hệ sau này và người khác noi theo học tập. Những câu chuyện về con người hiếu thảo như vua Thuấn dù bị cha đánh chửi, bị mẹ kế và em trai hãm hại nhưng vẫn luôn hiếu kính họ, vẫn luôn bảo vệ cha những lúc ông gặp nguy hiểm, nhường nhịn em trai mình; hay như Chử Đồng Tử lấy chiếc khố duy nhất táng cha; những cô cậu bé còn nhỏ tuổi nhưng đã vừa học vừa làm chăm sóc cha mẹ ông bà bị bệnh của mình… Vô vàn những câu chuyện làm chúng ta cảm động đang xảy ra xung quanh ta hàng ngày. Ấy vậy nhưng vẫn có những con người sống thờ ơ, vô cảm, bội bạc. Họ không quan tâm đến cha mẹ của mình, mặc kệ họ tự sinh tự diệt, ích kỷ chỉ vì riêng bản thân. Những con người ấy đáng bị lên án và trừng phạt. Hiếu thảo là một đức tính mỗi người cần phải có, không chỉ đơn giản là để ta sống cho trọn vẹn mà còn là hành trang cần thiết để ta bước vào đời.