Nhắc lại vấn đề đặt ra trong bài cũ rồi dẫn vào bài mới.
Ở cách này giáo viên khai thác các kiến thức có sẵn của học sinh hay liên hệ đến thực tế của chính học sinh. Giáo viên không nên hỏi trực tiếp học sinh mà có thể dùng những hình ảnh minh họa, con rối, các con vật gần gũi với các em để hỏi các em về các kiến thức đã học hoặc liên hệ bản thân có liên quan đến bài mới.
Ví dụ: Giới thiệu bài bằng cách dùng thỏ trắng dẫn chuyện khi dạy bài tập đọc “Bài tập làm văn – Tiếng việt 3”. Khi giới thiệu giáo viên có thể dùng hình ảnh con thỏ trắng dẫn chuyện. Thỏ trắng sẽ như là một người bạn nói chuyện với các em, hỏi các em: Các bạn ơi, hôm nay mẹ mình đi vắng, mẹ dặn mình ở nhà làm bao nhiêu là việc, mình đã nhận lời mẹ rồi nhưng bây giờ mình lại không làm được như vậy. Theo các bạn khi mẹ mình về thì mẹ sẽ cảm thấy như thế nào? Vì sao? ( học sinh trả lời: cảm thấy rất buồn vì con không vâng lời mẹ, không giữ đúng lời hứa…) vậy để biết được bạn Liu – xi – a trong bài tập đọc hôm nay có làm đúng những gì mình nói trong bài tập làm văn không cô cùng các em tìm hiểu bài qua bài tập đọc “Bài tập làm văn”. Hoặc có thể dùng con rối đố học sinh những nội dung cần thiết thì có thể làm như sau: Các bạn ơi, mấy hôm nay mình bị ốm, mình không đi học được. Hôm nay mình đã khỏe, mình lấy bài ra học nhưng sao thấy khó quá, các bạn giúp mình với nhé! (đưa các câu hỏi, bài tập cần thiết ra để hỏi) sau đó chốt ý rồi dẫn vào bài mới để giới thiệu.