Nón lá mùa Xuân
Mẹ tôi là một người nông dân thuần hậu, suốt đời gắn mình với ruộng đồng. Mỗi lần mường tượng về mẹ trong tâm trí, tôi thường thấy hình ảnh mẹ bước đi trên con dốc gần lô sở. Bà bước đi vội vã, đôi chân trần như không bén đất, dáng người bé nhỏ, bộ đồ lao động sau bao mưa nắng không thể gọi tên màu gốc, và bất kể, nắng hạ hay mưa đông, bà luôn đội một chiếc nón lá trên đầu.
Từ khi tôi biết nhớ, sự phân công lao động trong nhà đã khá rõ ràng, bố sau sáu năm lăn lộn ở chiến trường Cam pu chia trở về, đau ốm không đủ sức làm việc nặng nên chủ yếu ở nhà, đứng máy xay lúa. Mẹ dẫu nhỏ người nhưng bền bỉ, luôn ra khỏi nhà từ mờ sớm, trở về lúc mặt trời đứng bóng, ăn trưa xong lại tất tả đi. Mùa đông ngày ngắn, lại không nắng gay gắt như hè, nhiều lúc mẹ nắm cơm với muối vừng hay con cá mặn và ở lại buổi trưa luôn ngoài đồi, khỏi phải đi về mất thời gian. Bảy mươi năm cuộc đời, mẹ không biết đi xe đạp, xe máy, đồng gần hay lô xa mẹ đều đi bộ. Khi lớn lên, thỉnh thoảng ngày nghỉ học tôi đi làm cùng mẹ, và chở mẹ bằng xe đạp, rồi xe máy. Đội mũ bảo hiểm rồi, mẹ vẫn kèm trên tay một cái nón. Dường như lúc nào mẹ cũng có một cái nón lá như thế!
Có lần phải chạy vội ra ngoài trời nắng, hình như là để đảo vài đường trên sân lúa, tôi với tay lấy cái nón của mẹ, rồi ngần ngại một chút khi đội lên đầu. Cái quai nón nếu không ướt đẫm thì lại khô queo, ram ráp vì đọng bao nhiêu mồ hôi muối. Quai nón làm bằng sợi dây voan mỏng, rộng bằng hai ba ngón tay từng thắm hồng, biếc tím giờ hòa lẫn với màu xám xám của lá nón và có mùi chua chua, mằn mặn rất riêng- mùi của mẹ. Thì ra, cái nón thân quen ấy không phải chỉ là vật che mưa che nắng mà còn là nơi lắng đọng giọt mồ hôi, lưu giữ biết bao quãng trầm, nốt lặng trong bài ca cuộc đời của mẹ. Tháng năm trôi, bài ca âm thầm ấy luôn gợi ra cho tôi những xúc cảm đặc biệt, vừa bình dị thân thương vừa mới mẻ, bất ngờ.
Đó là cái nón của một cuộc đời vất vả lo toan. Nón cùng mẹ bước thấp bước cao sang phiên chợ nghèo bên sông. Oằn vai gánh dứa qua chiếc cầu chênh chao trên sóng, thân người mẹ khuất sau cái sọt, chỉ thấy cái nón lá nhấp nhô theo nhịp bước. Những quả dứa cứ vô tư khoe sắc vàng ươm, tỏa hương thơm dịu ngọt, sáng lừng cả góc chợ, chúng có biết đâu mẹ đang đứt từng khúc ruột, lẳng lặng cúi đầu, giấu đôi mắt rơm rớm sau vành nón. Mười tám tháng trời ròng rã, cây dứa chắt chiu gom từng giọt mồ hôi của mẹ mà kết mật, lên hương, thế mà giữa phiên chợ trời người ta trả giá bèo bọt quá… Nón miệt mài che cho mẹ quơ liềm gặt lúa cái nắng như rang tháng năm tháng sáu. Mưa phùn tháng chạp, nón cùng mẹ cắm từng cây mạ liêu xiêu trong cái rét bầm da. Bao lần giọt nước mắt hòa vào giọt mồ hôi thấm vào quai nón khi gió Lào quạt cháy khô từng hàng dứa chín muộn. Quả dứa cháy nắng, rám bạc một bên má, đau xót gục đầu vào đôi tay mẹ gầy chằng chịt vết gai đâm.
Trưa mồng 1 tết, khi nhịp sống của mọi nhà dường như lắng lại, khi mấy đứa con háo hức đi chơi cùng lũ bạn trong xóm thì mẹ lặng lẽ đội nón, mở chuồng cho đàn bò lên đồi. Con từng ngờ nghệch tin rằng, đến tuổi của mẹ, con người ta sẽ không cần, không thích đi chơi, nhất là ngày lễ, ngày tết nữa. Trời nắng chang chang, mẹ bảo “nắng ni cỏ chết theo tay” nên phải tranh thủ giẫy cỏ. Trời mưa lâm thâm, mẹ bảo “mưa ni bỏ phân dứa là sướng nhất, không sợ nắng bốc hay mưa cuốn hao phân, người đi đến đâu dứa xanh đen đến đó”, mẹ vui vẻ đội mưa, bưng chậu phân lội từng hàng dứa. Và thế là chỉ những hôm trời mưa thật to thì mẹ mới ở nhà.
Đó cũng là lúc mẹ giở giỏ kim chỉ, vá lại những chiếc quần thủng gối, sờn mông, đơm lại cái cúc áo hay lể những đầu gai dứa gãy sót lại ở khắp tay chân. Ngày mưa gió cũng là dịp mẹ tranh thủ tút tát lại cái “nón vàng nón bạc” của mình. Chằm thêm một lần vải ở vành ngoài cho chắc, vá một vài lỗ thủng. Hình như cái nón cũng hiểu thấu lòng mẹ nên bền lắm. Chỉ khi mấy lớp vành phía ngoài đã rụng mất, từng mảnh nhỏ lá nón tróc ra, không thể đội ra đồng được nữa, mẹ mới đổi việc cho nó. Nghỉ việc đồng, cái nón sẽ được tận dụng để đậy lu cà, hũ mắm, cũng có khi mẹ đem nón rách đội cho ông bù nhìn ngoài ruộng.
Ngày ấy, có bao lần con ước mẹ giống như mẹ của mấy bạn trong xóm. Họ cũng từng là công nhân nông trường, cũng nghỉ chế độ mất sức, cũng nuôi con ăn học. Nhưng bữa cơm của họ chẳng vội vàng, tuần nào họ cũng đi chợ còn mẹ dường như chỉ sang bên kia cầu vào mùa dứa chín. Quần áo của họ nhiều hơn và mới hơn của mẹ. Họ cũng không trồng thêm dứa trên đồi như mẹ, không nuôi cả đàn bò như nhà ta. Con từng tự hỏi: Sao nhà ta nhiều việc thế? Không lúc nào hết việc. Hồi con còn nhỏ, mẹ trồng dứa, trồng sắn, tỉa ngô để góp tiền để làm nhà, rồi mua máy xay lúa, mua bò mua trâu. Khi con lớn hơn, mẹ bảo phải trồng thêm vài sào dứa để mấy chị em còn đi học đại học. Các con ra trường đi làm, mẹ còn phải mua cho mỗi đứa một cái xe máy, làm cô giáo rồi ai lại ì ạch đạp xe mười mấy cây số đi về! Rồi mẹ còn phải sửa lại cái nhà, còn lo tiền thuốc men, đau ốm cho hai tấm thân già sau mấy mươi năm dạn dày sương gió. Lũ chúng con lớn lên cứng cỏi, kiêu hãnh như cây dứa quê mình, một buổi chiều đông chợt giật mình nhận ra bao nhiêu cái nón đã thay nhau đếm mùa đi trên mái đầu của mẹ!
Mẹ từng kể con nghe về một ngày mùa xuân, ngày đặc biệt trong đời mẹ. Đám cưới của bố mẹ đơn sơ lắm, không có cỗ bàn, không trang điểm cô dâu, không quần áo mới, chỉ có gói kẹo lạc, bát nước chè xanh và lời chúc phúc của các cô các bác trong đội sản xuất. Từ đó, mỗi lần đi xem đám cưới trong làng, tìm cô dâu mới thẹn thùng cúi mặt đội cái nón mới trắng tinh ngồi lẫn giữa bao nhiêu khách khứa, con lại tưởng tượng về cô-dâu-mẹ trong lễ vu quy. Mẹ cũng má thắm môi hồng, cũng mái tóc dày đen và óng mượt dưới vầng nón lá tinh khôi như thế! Hẳn là cô- dâu- mẹ cũng mộng mơ biết bao điều về mái ấm, về tương lai, về những ngọt ngào, sum vầy hạnh phúc…
Thế rồi, các con lần lượt ra đời, bố đi chiến trường biền biệt rồi một ngày nọ đột ngột trở về với nước da mai mái màu sốt rét, gánh nặng áo cơm đè trĩu trên vai, bầu trời của mẹ dần dần thu về chỉ còn vừa đủ trong bát cơm và trang vở của các con. Mẹ chính là cái nón luôn xòe rộng thân mình che chở đàn con, đưa con đi qua những năm tháng ấu thơ đói nghèo, thiếu thốn mà đủ đầy, ấm áp. Dưới vành nón mẹ, lũ chúng con hồn nhiên lớn lên, đi học, biết ước mơ và theo đuổi ước mơ để một ngày kia, đôi mắt đủ sáng, trái tim đủ yêu thương để biết rưng rưng trước một cái nón lá dãi dầu. Cái nón bao dung nhận về mình những mùa đông giá buốt, những mùa hạ cháy khô để chúng con được sống vẹn tròn trong mùa xuân hi vọng. Hơn bảy mươi mùa sương gió đã qua, cái- nón- mẹ giờ đã bạc màu, xù xì, lỏng vành, thủng mái, không còn đủ sức chống chọi với nắng hạ mưa đông trên đồi ngoài ruộng. Con thảng thốt nhìn mái tóc mẹ hòa vào màu mây trời bàng bạc trong buổi chiều cuối đông…
Sáng nay, con chở mẹ đi chợ. Vẫn là phiên chợ bên kia sông. Dòng Lại biếc xanh vẫn dịu dàng soi bóng dòng người hân hoan xuôi ngược trên cầu. Chợ Tết rực rỡ sắc màu, rộn rã tiếng người tiếng nhạc. Đến bên hàng nón quen thuộc, mẹ chọn cho mình một cái nón lá mộc mạc, đơn sơ. Tay cầm cái nón, mẹ thong thả bước đi trong bầu không khí buổi sớm mùa xuân, rộn ràng, náo nức. Chiếc nón lá như bừng sáng lên, tinh khôi rực rỡ!
Nguyễn Hà