Phân tích sự tương phản đổi lập trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" số 7
Nếu như hoa hồng tồn tại giữa cuộc đời này nhờ hương thơm và màu sắc sặc sỡ, hoa cúc mang một mùi thơm nồng nàn thì có lẽ điều còn lại với mỗi nhà văn chính là giọng điệu riêng của mình. Ai đó đã từng nói rằng "Phong cách văn học trước hết biểu hiện ở cách nhìn cách cảm nhận có tính khám phá ở giộng điệu riêng biệt của tác giả". Ta biết đến Thạch Lam với những tác phẩm chủ yếu khai thác nội tâm nhân vật và sự biến chuyển của không gian thời gian. Một trong những tác phẩm điển hình cho phong cách ấy chính là Hai đứa trẻ. Hình ảnh ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm đã thể hiện một cách chân thực về cuộc sống đời thường cùng những xúc cảm vui buồn của những con người ở phố huyện nghèo. Phân tích hình ảnh ánh sáng và bóng tối Hai đứa trẻ sẽ giúp ta hiểu hơn về nội dung tác phẩm.
Thạch Lam là một nhà văn nổi tiếng Việt Nam thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Ông sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại, thuở nhỏ chủ yếu sống ở quê ngoại, phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thạch Lam là người con thứ 6 trong gia đình 7 người con. Ông bắt đầu hoạt động văn học từ 1932, ông tham gia biên tập các tờ tuần báo Phong hóa, Ngày nay. Thạch Lam mất vì bệnh lao năm 1942 tại Hà Nội. Tác phẩm chính của ông bao gồm các tập truyện ngắn: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc, tiểu thuyết Ngày mới, tiểu luận Theo dòng, tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường. Hai đứa trẻ là truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Tác phẩm thuộc loại truyện ngắn trữ tình, qua tâm trạng của hai đứa trẻ và cảnh sống nghèo khổ của những người dân nơi phố huyện nhà văn đã thể hiện những tư tưởng nhân đạo sâu sắc về thân phận con người.
Trong truyện ngắn, Thạch Lam đã xây dựng thành công hình tượng ánh sáng và bóng tối, đây là thủ pháp quen thuộc của văn học lãng mạn. Hình tượng bóng tối hiện lên nơi phố huyện là bóng tối của thiên nhiên trong tác phẩm đậm đặc trở đi, trở lại như một nỗi ám ảnh không dứt. Bóng tối dường như chiếm lĩnh cả không gian bao la, tĩnh mịch nơi phố huyện. Bóng tối của thiên nhiên gợi lên bóng tối cuộc đời và bóng tối của cuộc sống con người. Bóng tối ấy được hiện lên qua đôi mắt của Liên "ngập dần vào cái buồn của buổi chiều quê", qua hình ảnh của bà cụ Thi với tiếng cười khuất dần trong bóng tối như cảnh đời đen tối, bức bối, vật vờ của cụ Thi. Đó còn là bóng tối hiện lên qua hình ảnh của mẹ con chị Tý với cái chõng nước và ngọn đèn dầu leo lét...Có thể nói, chừng ấy con người trong bóng tối như những hạt bụi li ti, vô giá trị, bị lãng quên trong sa mạc của cuộc đời mênh mông, bế tắc.
Đối lập với bóng tối là bao phủ ánh sáng và niềm khao khát tội nghiệp của người dân nghèo nơi phố huyện. Đó là hình ảnh nhỏ nhoi, mỏng manh của ánh sáng. Cái hay, cái độc đáo trong nghệ thuật thể hiện của Thạch Lam là nhà văn đã dùng ánh sáng để miêu tả bóng tối: Trên trời, ánh sáng xuất hiện với sự lấp lánh của những ngôi sao và những ánh đom đóm lập lòe. Ở dưới đất, ánh sáng được hiện lên với ngọn đèn của chị Tí, bếp lửa của bác Siêu và những hột sáng lọt ra từ những liếp lửa của những ngôi nhà...Lúc này nỗi buồn không còn nhòa nhạt mơ hồ nữa mà đã sắc nét, rõ rệt hơn khi Liên nhớ về Hà Nội, một thứ siêu cảm giác bởi cô đang hồi tưởng về quá khứ, cảm thấy bằng tâm hồn về một thời khác với thời hiện tại Liên đang sống- một vùng sáng rực và lấp lánh. Ánh sáng từ đoàn tàu thì đã tới, nhưng ánh sáng thực sự, hạnh phúc thực sự của những con người nơi đây thì mãi vẫn tồn tại trong tâm tưởng mà không biết khi nào mới thành hiện thực. Giữa cái bóng tối dày đặc của không gian, của cuộc đời, ánh sáng nhỏ nhoi trở nên quý giá. Có thể nói tất cả ánh sáng dù nhiên tạo hay nhân tạo đều như vẽ ra những vạch đích khát vọng của những nhân vật chính, phụ trong tác phẩm, đều biểu tượng lấp lánh những cung bậc của ước mơ.
Với Thạch Lam, bóng tối vừa mang ý nghĩa biểu trưng cho cuộc sống tù đọng, quẩn quanh nơi phố huyện vừa được sử dụng như phông nền chính nhằm làm nổi bật ba loại ánh sáng: ánh sáng nơi phố huyện- những quầng sáng giới hạn, nhỏ nhoi, leo lét, những hột sáng...tượng trưng cho số phận mòn mỏi của những con người nơi đây. Ánh sáng đô thị- vừa là quá khứ, vừa là tương lai, là niềm mơ ước của hai đứa trẻ. Ánh sáng con tàu- ánh sáng thức tỉnh đời sống tỉnh lẻ, như một cầu nối từ hiện tại về quá khứ, rồi hướng tới tương lai. Từ đây ánh sáng, bóng tối không còn mang nghĩa thực nữa mà mang nghĩa biểu trưng, biểu tượng của ước mơ, của khát khao hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Hình tượng ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm khi đặt vào diễn biến nội tâm tinh tế, phức tạp của Liên trong cảm nhận độ dày của bóng tối từ chiều đến khuya mới thấy rõ giá trị của nó, thấy được độ "khát thèm được chiếu sáng và được đổi thay" của hai đứa trẻ và những người dân nơi đây.
Thông qua việc sử dụng hình ảnh ánh sáng cũng như bóng tối, Thạch Lam đã khắc họa thành công về cuộc sống nghèo khó cũng như ước mơ và khát vọng vượt ra khỏi không gian nhỏ bé này của những con người phố huyện. Thế nhưng, ánh sáng ấy rất yếu ớt, lay lắt như ngọn đèn trước gió không đủ vượt lên trên tất cả của bóng tối. Để rồi, nỗi buồn cứ thế man mác dai dẳng, để lại trong lòng bạn đọc nhiều nghĩ suy ám ảnh về một cuộc sống lầm lùi, tĩnh mịch.