Sinh non, doạ sinh non
Sinh non là cuộc chuyển dạ từ tuần 22 đến tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Vì vậy, dự phòng và điều trị đẻ non - dọa đẻ non là một vấn đề cần được quan tâm.
Đa số các trường hợp sinh non đều không rõ nguyên nhân. Một số nguyên nhân chính có thể gây sinh non như vỡ ối non, đa thai, đa ối, thai dị dạng; các bệnh lý ở mẹ như cao huyết áp, viêm đài bể thận, viêm ruột thừa, tử cung dị dạng, ăn uống kém dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu bia, lao động quá sức; nguyên nhân từ nhau thai như nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau.
Hậu quả của việc sinh non trên trẻ sơ sinh:
- Trẻ bị nhẹ cân.
- Phổi trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị suy hô hấp và tử vong. Nếu sống được trẻ cũng dễ mắc các bệnh đường hô hấp về sau như viêm phổi, viêm phế quản...
- Trẻ dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như tim bẩm sinh, mù, điếc, câm...Ngoài ra, khi lớn lên trẻ thường bị những di chứng thần kinh rõ rệt hoặc tiềm tàng, từ đó trở thành gánh nặng về tâm lý và tài chính cho gia đình.
Dự phòng sinh non bằng cách nào?
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo khẩu phần ăn cân bằng và đầy đủ.
- Cần tránh sự luyện tập quá sức trong lúc mang thai, nhất là ở những thai phụ có nguy cơ cao.
- Không nên hút thuốc lá, uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích khác.
- Cần kiêng giao hợp vì cơn gò tử cung thường xuất hiện sau khoái cảm.
- Cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh non
- Nếu có khí hư âm đạo - có thể là nguyên nhân của sanh non và vỡ ối sớm cần phải khám và điều trị thích hợp.