Tản mạn Huế
Cũng dễ hiểu thôi khi trong tâm tưởng của mỗi người đều có một vùng thương nhớ, bởi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên); và mảnh đất Cố đô nơi xứ Huế mộng mơ mà đầy khắc nghiệt ấy luôn đau đáu trong nỗi niềm của kẻ đi xa.
Huế của hai mươi năm về trước mang một nhịp sống chậm rãi, lặng buồn; đặc biệt là sau trận lũ lịch sử năm 1999 càng khiến Huế trở nên u tịch. Ta nhớ những năm tháng sinh viên của mình gắn liền với xứ Huế như một duyên nợ cho dù có nhiều mảnh đất để lựa chọn. Ngay từ khi chân ướt chân ráo vào thi, ta đã nghe đến câu ca dao mà các anh lứa trước đã chế tác: “Học trò xứ Nghệ vô thi/ Thấy cô gái Huế bước đi không đành”; đã đắm mình trong giọng thơ của Thu Bồn: “Nhịp cầu cong con đường thì thẳng/ Một đời anh tìm mãi Huế nơi mô”; rồi đặc biệt mấy đứa con trai cùng lớp, cùng quê đã lập ra nhóm thơ văn “Ông đồ xứ Nghệ”, nhớ đến cậu bạn đến từ huyện Nam Đàn quê Bác với câu thơ đầy liên tưởng “Trời xứ này sao mà giống tính em/ Mưa trút xuống giận hờn không hẹn trước”… Huế cứ thao thiết và thấm đẫm trong ta từ những điều như thế.
Ta nhớ một giọng nói ngọt ngào mô, tê của o Tôn nữ mà ngỡ mình như một chàng sĩ tử đang ngồi trên Phu Văn Lâu để chờ ngày được xướng tên bảng vàng. Ta nhớ một chiều nào cả lớp dã ngoại trên đồi Thiên An lộng gió, có cậu bạn nào lấy hết can đảm đọc bài thơ tình để tỏ tình với cô bạn cùng quê trong vi vút tiếng lá thông reo. Ta nhớ những lúc hăm hở mấy đứa rủ nhau đi về Vỹ Dạ mà chẳng còn thấy khuôn mặt chữ điền nào nên thất thểu ra về đọc lại thơ Hàn. Ta cũng nhớ những chiều rãnh rỗi, cả bọn con trai văn khoa dù ít ỏi cũng rủ nhau lên Đàn tế Nam Giao đá bóng cùng các nhà sư, chú tiểu ở chùa Từ Đàm và các chùa khác gần quanh. Có cô bạn từ Nha Trang xa xôi ra học, lãng mạn thường mặc áo dài tím, đi trên những con đường rợp bóng cây xanh: đường Lý Thường Kiệt tím ngắt bằng lăng, đường Đoàn Thị Điểm rực vàng hoa điệp, đường Lê Duẩn đỏ rực màu phượng vỹ… Nhớ hôm sinh nhật ai, cả dãy trọ kéo nhau lên đường Điện Biên Phủ trập trùng những dốc để ăn một tô ốc xào cay xè đầu lưỡi trong buổi tối mùa đông. Có năm, cả lớp bàn bạc góp tiền để thuê một chiếc thuyền rồng ngược dòng Hương để nghe ca Huế, để thăm thú những chùa chiền hay lăng tẩm của Tự Đức, Minh Mạng… Ta nhớ cậu bạn cùng quê, một chiếc vali qua 4 năm Đại học, ở trọ hầu khắp các con đường mà rút ra một cảm nhận, người Huế ở nơi nào cũng thật thà và thương người…
Huế vốn là chốn kinh đô của 9 đời Chúa và 13 đời vua nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Chính về thế, dẫu ở thời hiện đại vẫn còn những nét phong kiến ngày xưa không dễ phai trong lòng người dân Cố đô. Những mái nhà rêu phong cổ kính cùng với Đại nội trang nghiêm càng làm cho Huế thêm xưa cũ. Lúc ở trọ đường Nguyễn Công Trứ, ta đã gặp vị chủ nhà vườn rộng với mấy dãy phòng nhưng đặc biệt không bao giờ cho sinh viên nữ thuê. Hay khi ta đưa bạn nữ cùng lớp đến nấu ăn chung cho vui khi ở đường Bà Triệu, đã bị “mệ” chủ nhà đuổi cho lên bờ xuống ruộng bởi mệ quan niệm: Nam nữ thụ thụ bất thân… Nhớ khi mới chung lớp, bao đứa buồn cười vì tên của cô bạn dài dằng dặc trong sổ điểm danh “Công Tằng Tôn Nữ…”, rồi sau đó mới biết nguồn gốc thế tộc để khi thấy ai mang họ: Công Tằng, Tôn Thất, Bửu… lại nhìn đầy ngưỡng mộ những danh gia vọng tộc. Còn đó biết bao khuôn viên đầy mê hoặc cho thấy xưa là nơi ở của các quý tộc hay các bậc đại thần.
Cũng vì là kinh kỳ đàng trong suốt mấy trăm năm nên Huế cũng hội tụ những món ngon ẩm thực mà du khách khó cưỡng lại. Là sinh viên, thuở ấy, dẫu chẳng được nếm những cao lương mĩ vị hay sơn hào hải vị nhưng những món ăn dân dã, hè phố cũng khiến lòng nhớ Huế khôn nguôi. Những buổi sang mai thường nhật, ở góc đường nào cũng thấy những đôi quang gánh nghi ngút khói, người người sà vào để thưởng thức món bún bò chính hiệu là linh hồn của ẩm thực Huế. Mỗi tô bún đều có một miếng chân giò, vài viên mọc, ít lát tiết heo và mấy miếng thịt bò xắt mỏng. sau nay, dù đi đến vùng miền nào cũng có biển hiệu bún bò Huế mà sao hương vị lại chẳng thể bằng. Khi ấy nếu túi tiền không cho phép, thì mấy đứa lại rủ nhau ăn cơm hến trước cổng kí túc xá Đội Cung, chỉ một nghìn một bát mà sao ngon đến thế. Cái mềm của cơm nguội, dai của con hến, giòn tan của tóp mỡ cộng với rau sống (chủ yếu là bắp chuối, thân khoai môn trắng thái nhỏ cùng giá đỗ) hòa quyện trong mắm ruốc và ớt cay khiến người ta cứ ăn một muốn hai. Xế trưa hoặc xế chiều, trời nóng bức, mấy đứa bạn lại rủ nhau đến quán chè Hẻm gần bên trường ĐHSP hoặc lên quán chè Tý trên đường Phan Chu Trinh với đủ thể loại chè. Nếu nói Hà Nội có kem Tràng Tiền thì ở Huế chính vương quốc của chè thập cẩm. Tối đến, những lúc học khuya đói bụng, ta có thể đi ra đường Lê Lợi dọc bờ sông Hương, có thể sà vào bất kì bếp lửa nào đang cháy để thưởng thức một dĩa bánh bèo, bánh nậm, bánh khoái… còn nếu chán mùi dầu mỡ thì có thể lên lối bưu điện trung tâm để thưởng thức một tô bánh canh nóng hổi… Những tháng mùa thi, những lúc hết tiền, mấy đứa lại rủ nhau đạp xe lên chùa Thiên Mụ, Từ Đàm… để được các nhà sư mời một bữa cơm chay… Còn bao món ngon ta chưa được nếm hết, bao dư âm đã quá xa xôi để trong mỗi người khi xa Huế đều khao khát ngày trở lại.
Huế cũng là mảnh đất nhiều tín ngưỡng. Phật giáo chiếm đại đa số với những ngôi chùa nổi danh từ lâu đời như Thiên Mụ, Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Hiếu… Những ngày lễ Phật đản, Huế trở nên nhộn nhịp lạ thường. Với Thiên Chúa giáo thì nhà thờ Phủ Cam lại trở thành một biểu tượng, một ấn tượng khó phai không chỉ với con chiên mà cả những người ngoại đạo. Chúng ta cũng dễ thấy cả một thành phố Huế trầm tư trong ngày lễ chung “ngày thất thủ kinh đô”…
Hai mươi năm xa cách, đã bao dịp đi ngang qua mà chưa một lần ghé Huế. Thành phố mở rộng hơn, khách sạn nhà hàng nhiều hơn, đường sá quy hoạch rộng rãi hơn, nhịp sống sôi nổi, hiện đại hơn. Cuộc sống tất yếu phải thế. Thế nhưng có những thứ thuộc về văn hóa, thuộc về văn hiến thì chẳng bao giờ thay đổi hay mất đi như câu thơ Bùi Giáng từng viết: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Ta nhớ một tiếng dạ thưa ngọt lịm xứ Huế, nhớ một cơn mưa nhạt nhòa cả Thành nội và ta mong một ngày được trở lại Huế thương.
Đinh Hạ