Thành cổ Hoàng Đế
Trước đây nơi này chính là nơi đóng quân của đoàn quân Tây Sơn và cũng không lâu sau đó thì nó trở thành kinh đô chính thức dưới thời hoàng đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc. Tòa thành này sở hữu những nét đặc trưng của nền kiến trúc Chăm Pa cổ. Và theo dòng chảy của thời gian, tòa thành vẫn được gìn giữ như một chứng nhân của dòng lịch sử hào hùng thời xa xưa của nơi đây.
Thành cổ Hoàng Đế là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng tại Bình Định, nơi đây trong lịch sử đã gắn liền với ba thời kỳ lịch sử: Vương quốc Chămpa – Nhà Tây Sơn – Nhà Nguyễn. Khu thành tọa lạc trên địa bàn xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá – Thị xã An Nhơn cách Tp.Quy Nhơn chừng 20km về hướng Tây Bắc.
Thành Hoàng Đế không lớn nhưng có nét đẹp riêng và đặc biệt là mang đậm kiến trúc Chămpa với ba vòng thành: Thành nội, thành ngoại và Tử Cấm Thành. Thành ngoại là vòng thành ngoài cùng, hình chữ nhật nhưng các cạnh uốn lượn, có chu vi 7400m.
Chân thành có chiều rộng hơn 10m, cao trên 6m và mặt thành rộng tới trên 4m. Thành mở 5 cửa, trong đó tường thành phía Nam mở hai cửa là cửa Vệ và cửa Tân Khai, ba tường thành còn lại thì có 3 cửa Đông, Tây, Bắc, được đắp bằng đất, phía trong và ngoài bó đá ong.