Thủ Lư
Thủ lư là một cái lư hương có cán để cầm tay, tiếng đời nhà Ðường gọi là Thủ Lô. Thích Thị Yếu Lâm quyển trung ghi: “sách Pháp Uyển: Thiên Nhân Hoàng Quỳnh nói về lư hương của Ðức Phật Ca Diếp đại để như sau: Phía trước có 16 con sư tử và voi trắng, trên đầu hai loại thú đó nổi lên hai đài sen làm lư. Phía sau có sư tử ngồi, trên đỉnh có 9 con rồng quấn nâng hoa vàng, hoa đó để làm lư. Trong có Kim Ðài Bảo Tử để đựng hương lúc Phật thuyết pháp thường cầm lư này. So sánh xem xét cách chế tác Thủ Lư đời nay cũng có phần mô phỏng theo phép đó.
Ý nghĩa của Thủ Lư: Theo Kinh Tịnh Phạn Niết Bàn chép: "Đức Như Lai cung kính tay cầm Thủ lư, dẫn đầu đoàn đi đưa tang...". Qua đoạn Kinh trên cho ta thấy được Thủ lư được sử dụng trong các nghi lễ Phật Giáo từ rất sớm có từ thời Đức Phật còn tại thế và Đức Thế Tôn là người đã từng sử dụng khí cụ đốt hương này.
Thủ lư được dùng trong các nghi lễ cúng dường của Phật Giáo như khi Phật thuyết pháp, cúng dường kinh điển, thế độ xuất gia, sám pháp, pháp hội, truyền giới .v.v...Trong sách Sa Di Đắc Độ chép: "Phàm trên án thờ để lư hương, thủ lư, giới xích, cho đến bỉnh hương lư để cho giới sư khi bạch cầm...".
Kinh Kim Quang Minh quyển thứ 2 phẩm Tứ Thiên Vương chép: "... Phật dạy bốn vị Thiên Vương, mùi hương lan tỏa trùm khắp cung điện Quang Minh, nhưng mùi hương này không phải tỏa ra từ cung điện của Tứ Thiên Vương, vì sao vậy? Mùi hương này là do lúc các vị thiên nhân tay cầm thủ lư cúng dường Kinh mà hương xông cùng khắp...".
Phật Giáo Bắc Truyền tục dùng thủ lư trong khi hành trì các nghi thức Phật Giáo có từ rất sớm, những dấu tích còn lại trên các bích họa đời Đường ở Đôn Hoàng vẽ các vị Bồ tát chư Thiên, cho đến các vị Tăng và các Phật tử cúng dường tay cầm thủ lư. Trong các Phật họa đời Bắc Tống cũng có dấu tích của thủ lư được dùng trong các nghi thức cúng dường. Trong Phật Giáo ở Việt Nam hầu như pháp hội, đàn tràng đám sám nào có hành các nghi thức nghi lễ truyền thống của thiền gia đều có sử dụng thủ lư.