Tiếng chuông chùa
Tôi bước vào cổng chùa đúng lúc tiếng chuông gióng lên, tôi dừng lại đứng im, tiếng chuông ngân nga, ngân nga, lan tỏa trong không gian, vọng đến xa vời và lắng lại trong tôi.
Không hiểu sao, mỗi lần nghe tiếng chuông ngân, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến lạ!
Tôi không bỏ Huế mà đi nhưng cũng như bỏ Huế mà đi! Tôi từng hẹn sẽ trở về với Huế nhưng rồi công việc, chuyện này, chuyện nọ cứ kéo tôi đi mãi. Tôi như bơi mãi trong dòng đời nhấp nhô, cuộn chảy và sau lưng Huế càng xa!
Tôi nhớ Huế, nhớ cái xứ nắng chan, mưa chảy, lặng trầm, u uẩn luôn gieo vào lòng một nỗi ai hoài, luyến nhớ. Tôi nhớ những ngôi nhà cổ kính rêu phong, nhớ những con đường mòn, hoa phai trong nắng, nhớ giọng ai hò và cả tiếng chuông chùa văng vẳng canh khuya.
Có những đêm, nghe tiếng chuông từ đâu vọng lại, lòng bồi hồi nhớ, nhớ một điều gì xa vắng, mênh mông.
Lại nhớ bước chân mình từng lên chùa Báo Quốc, chùa Từ Đàm năm xưa.
Chùa Báo Quốc yên ắng trong cái nắng tháng Năm, hương hoa thơm ngát, tôi lên thăm thầy giáo tôi tu học ở nơi đây và cũng để mượn những cuốn sách cổ thấm vị nhang trầm để làm tư liệu cho mùa thi. Có lúc đang say trong những trang sách, tôi bỗng giật mình bởi tiếng chuông ngân, mới biết chiều đã muộn, lại vội vã giã thầy để quay về và tiếng chuông như theo tôi mãi.
Tôi lại nhớ chùa, nhớ tiếng chuông chùa ở làng tôi. Cứ mỗi ngày, tiếng chuông lại vang lên, tiếng chuông lan trong không gian làm cho làng quê đã vắng lặng lại càng thanh bình, yên ả. Chợt nhớ câu ca xưa:
“Chùa làng dựng ở xóm côi
Sớm hôm hai buổi nghe hồi chuông ngân”
Tôi nhớ, cứ ba, bốn giờ sáng, khi trời còn tối đen, chuông mai đã vang lên. Tiếng chuông phá hôn trầm đêm dài, thức tỉnh con người qua giấc mộng say, trở dậy cho kịp một ngày mới, thúc giục kẻ khuất mặt trở về cõi âm trước khi trời sáng. Khi nghe tiếng chuông, các thầy đều thức dậy châm hương, công phu hay tụng niệm, những chú tiểu đã nấu nước, quét chùa. Có lẽ, họ đã thuộc bài kệ:
“Văn chung ngọa bất khởi
Hộ pháp thiện thần sân
Hiện tiền giảm phước huệ
Lai báo đọa xà thân”
(Tạm nghĩa: nghe tiếng chuông mà nằm không dậy. Các vị hộ pháp, thiện thần đều nổi giận. Hiện tại thì giảm phước huệ. Kiếp sau sẽ đọa thành loài bò sát)
Sau hồi chuông, hầu như mọi người đều thức dậy, nó như một âm thanh định giờ, để chuẩn bị cho một ngày mới, người lo hàng để ra chợ, người chuẩn bị ra đồng, lên nương, học trò ôn bài để đi đến lớp. Tiếng chuông mai như khởi đầu cho một ngày mới, hồi chuông vừa dứt, sương cũng tan dần để đón bình minh lên, tôi cũng theo tiếng chuông mà thức dậy để học hành.
Nhưng có lẽ, thương nhớ trong tôi là tiếng chuông chiều. Khi chiều tà, nắng phai, những tia nắng mong manh khuất dần sau rặng tre, sương bắt đầu xuống, từng tiếng chuông chùa xa, hòa trong tiếng sáo diều, tiếng côn trùng bắt đầu hòa âm tạo một khúc nhạc chiều thanh bình, yên ả. Tôi, nhiều khi mơ hồ, không nhận rõ là tiếng chuông hay tiếng chiều ngân. Từng tiếng, từng tiếng chuông thong thả, lan qua màn sương mỏng, vang khắp không gian rồi lắng lại trong lòng người. Một ngày vất vả, gian nan đã hết. Tiếng chuông như xua đi nỗi khổ chốn u minh, nhường lại cho đêm dài yên tĩnh.
Những đêm rằm, trong bóng trăng soi lặng lẽ, tiếng chuông vọng từ xa mong manh như hòa quyện cùng ánh trăngtạo một không gian êm ái, dịu dàng.
Tiếng chuông còn lay động lòng người, hồi hướng con người. Tôi như còn nghe câu chuyện ai đó kể: ”Nghe tiếng chuông ngân người mổ heo, thịt trâu, ăn trộm cũng tỉnh lại để quay về”. Tiếng chuông vang vào tâm thức, thức tỉnh người nhầm đường và lôi kéo họ ra khỏi bờ mê, bến lú để trở về bờ giác. Con người không lạc trong sáu nẻo luân hồi.
Tiếng chuông, chỉ là thanh âm rồi tan loãng trong không gian nhưng khi nghe tiếng chuông thong thả vang lên, lòng ta bỗng nhiên thanh thản nhẹ nhàng, tâm như tĩnh lại, trí tuệ như sáng ra, tiếng chuông như hướng con người về cõi thiện lành và sống từ bi hơn.
Tôi đi xa lâu ngày, trong chiều, nghe tiếng chuông mơ hồ xa vắng lại nhớ câu thơ của cố thi sỹ Huyền Không, Thích Mãn Giác xưa:
“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
(Nhớ chùa)
Lê Phượng