Top 5 Bài văn phân tích tâm trạng Xúy Vân trong vở chèo Xúy Vân giả dại (Ngữ văn 10 - sách Cánh diều) hay nhất

  1. Top 1 Bài tham khảo số 1
  2. Top 2 Bài tham khảo số 2
  3. Top 3 Bài tham khảo số 3
  4. Top 4 Bài tham khảo số 4
  5. Top 5 Bài tham khảo số 5

Top 5 Bài văn phân tích tâm trạng Xúy Vân trong vở chèo Xúy Vân giả dại (Ngữ văn 10 - sách Cánh diều) hay nhất

Thai Ha 80 0 Báo lỗi

Chèo là loại hình kịch hát dân gian có tính chất tổng hợp, phổ biến nhất ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ trước đây. Chèo là sản phẩm của các tầng lớp trí thức ... xem thêm...

  1. Chèo là một loại hình sân khấu dân gian kết hợp nghệ thuật hát, múa, diễn rất hài hoà. Các làn điệu chèo rất phong phú, đa dạng; lời chèo thấm quyện ca dao, dân ca một cách tài tình. Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian lâu đời của dân tộc ta.


    Những vở chèo như "Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Chu Mãi Thần”, "Kim Nham”... rất nổi tiếng, được các thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta yêu thích. Sau mùa gặt bội thu hay đầu xuân, nhiều làng quê mở hội chèo, tiếng trống chèo rung lên sau luỹ tre xanh, gợi lên bao xao xuyến trong lòng người:

    "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

    Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

    Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

    Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay... ”(Nguyễn Bính)


    Chèo là một loại hình sân khấu dân gian kết hợp nghệ thuật hát, múa, diễn rất hài hoà. Các làn điệu chèo rất phong phú, đa dạng; lời chèo thấm quyện ca dao, dân ca một cách tài tình. Những trích đoạn như "Thị Mầu lên chùa ”, "Xuý Vân giả dại ”, "Thị Phương dắt mẹ chồng chạy giặc”, “Tuần Ty gặp đào Huế”... được nhiều người yêu thích, xem mãi vẫn muốn xem, không chán. Trích đoạn "Xuý Vân giả dại" nằm trong phần hai vở chèo “Kim Nhan”. Xa chồng lâu ngày, Xuý Vân dan díu với Trần Phương, bị dụ dỗ, nàng giả điên giả dại, lập mưu để Kim Nhan li dị. Với ánh mắt bốc lửa, tiếng hát đắm say, với bước đi, điệu lượn, cánh tay múa... như điên cuồng, nhân vật Xuý Vân từng để lại nhiều ấn tượng về lửa tình, về bi kịch tình yêu trong lòng khán giả. Nhiều nghệ sĩ chèo đã thành danh qua vai chèo “Xúy Vân giả dại”.


    Mấy câu mở đầu, Xuý Vân xuất hiện (chưa xưng danh) từ nói lệch, đến hát xuôi, cô nàng quay cuồng với tâm trạng dở tỉnh dở điên, dở ngây dở dại. Cất tiếng than bà Nguyệt (trách duyên số) rồi réo cô đồng, rồi cất tiếng hát nói về con đò, con đò tình duyên của một cô gái chờ chồng, đợi chồng đi xa:

    “Tôi là dò, đò nỏ có thưa

    Tôi càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyển đò”.


    Buồn và lo vì tuổi xuân sẽ trôi qua, như kẻ đứng trên bến vắng chờ đò “càng trưa chuyến đò”

    Những câu hát tiếp theo là những câu thơ lục bát phá thể, biến thể, thể hiện tâm trạng đầy bi kịch của người con gái đã có chồng (như gông đeo cổ) nên phải “lụy dò” lúc muốn “qua sông”, muốn dứt bỏ mối duyên tình cũ:

    “Chẳng nên gia thất thì về

    Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười”

    Chẳng cần chi úp mở, cô gái thổ lộ mối tình “gió giăng ” của mình, với niềm tin sẽ cùng với tình nhân “gió giăng" sống đến đầu bạc răng long, trọn vẹn “đạo hằng” thuỷ chung:

    “Gió giăng thì mặc gió giăng
    Đôi ta chỉ quyết đạo hằng với nhau”

    Tâm trạng “nổi loạn” ấy của Xuý Vân cho đến nay vẫn còn làm cho nhiều khán giả ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Phải chăng đó là sự "bứt phá” đạo tam tòng tứ đức lễ giáo phong kiến của một người con gái đang "nổi loạn ”?


    Sau tiếng hỏi của vai diễn và tiếng đế hô ứng của khán giả, Xuy Vân mới xưng danh:

    “Chẳng giấu gì: tôi tên gọi Xuý Vân

    Lấy Kim Nhan nhà khó gian truân

    Chồng học vắng chầy ngày mong mỏi

    Tôi ngồi từ tối

    Đợi khách tha nhang

    Gái phải nằm hàng

    Nghề dại dột... nhưng tài cao vô giá

    Thiên hạ đồn tôi hát hay đã lạ

    Ai cũng gọi là cô ả Xuý Vân

    Phụ Kim Nhan say đắm Trần Phương

    Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại... ”


    Rồi Xuý Vân cất điệu "hát con gà rừng” thể hiện một duyên phận trớ trêu, khác nào “Con gà rừng ăn lẫn với công”, vô duyên lấy phải anh chồng vai u thịt bắp, sống cuộc đời lam lũ: “Để anh đi gặt lúa, để cô nàng mang cơm”. Xuý Vân tự cho mình là con quan, cao môn lệnh tộc, còn Kim Nhan là con nhà nghèo hèn, cục mịch tầm thường.


    Rồi nàng lại chuyển sang “hát xe chỉ” diễn tả tâm trạng mong nhớ “đợi chờ tình nhân”, ước ao khát khao muốn được cùng Trần Phương sống trong tình yêu hạnh phúc “Áo giải làm chiếu, chăn quây làm mùng”. Hát rồi nói, bộc lộ một tâm trạng cô đơn của cô gái đa tình:

    “Tôi thương nhân ngãi

    Tôi nhớ nhân tình

    Đêm năm canh trằn trọc hoà năm

    Than rằng nhân ngãi cựu tình đi đâu”?


    Đoạn “hát ngược ” đã thể hiện tâm trạng trăm mối tơ vò của một cô gái giả dại mà ngọn lửa tình ngùn ngụt, mà nỗi khao khát dục tình cháy bỏng khôn nguôi. Giả dại, giả điên hay hóa cuồng? Ngược đời trong tự nhiên cũng là nghịch lí trong tâm trạng người con gái đa tình mà thất tình: “Muỗi ấp cánh dơi... Cái trứng gà mày tha con quạ lên ngồi trên cây...”


    Rồi Xuý Vân như chợt bừng tỉnh, giải thích rõ cái dại, cái rồ, cái điên của mình:

    “Rồ này ai bán thì mua

    Dại này ai thấy không mơ mẩn tình

    Lúc thì giả cách làm thinh

    Lúc thì giả dại ra hình làm điên

    Lúc thì tưởng đến nhân duyên

    Cho nên đến nỗi phát điên, phát rồ”.


    Trần Phương đã qua mụ quán xúi Xuý Vân giả dại để thoả tình giăng gió, gió giăng. Phải xem chèo và nghe chèo mới cảm thấy cái hay màn chèo “Xuý Vân giả dại”. Trích đoạn này đã làm nổi bật tâm trạng đau khổ của một cô gái đa tình mà thất tình, muốn dứt bỏ, đập phá mối quan hệ vợ chồng với Kim Nhan để chạy theo mối tình mới với Trần Phương - một Sở khanh mà nàng đâu biết.


    Nỗi khát khao về tình yêu hạnh phúc lứa đôi, nỗi buồn cô đơn của ngư i vợ trẻ trong cảnh ngộ "thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây” của Xuý Vân là điều có thể cảm thông và thương cảm.


    Xuý Vân giả dại là khởi đầu của một sự trượt dốc để không bao lâu thân tàn ma dại trở thành hành khất, rồi bị điên, rồi tự tử. Cái kết cục bi thảm đó đã làm cho cảm hứng nhân đạo thấm sâu vai chèo, màn chèo.

    Cái bánh vẽ tình yêu mà Trần Phương trao cho Xuý Vân, nàng tưởng là ngọt ngào nhưng vô cùng cay đắng.


    Màn chèo Xuý Vân giả dại đã thể hiện sâu sắc quan niệm của nhân dân về tình yêu lứa đôi, về sự đau khô dại khờ trong tình yêu lứa đôi. Câu hỏi được đặt ra: “Thế nào là tình yêu hạnh phúc gia đình chân chính?” cứ xoáy sâu mãi vào những người yêu thích chèo Kim Nham.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Vở chèo Kim Nham được bắt đầu bằng cuộc hôn nhân giữa Xuý Vân với cha nẹ Kim Nham. Cuộc gả bán vội vàng, không có tình yêu đó đã đưa đẩy Xuý Vân làm nên bi kịch của chính mình và trở thành một trong những nhân vật đào lệch đặc sắc của chèo cổ. Lấy chồng chẳng được gần chồng, thân thế nông dân lại bị gả vào gia đình chữ nghĩa, cô tự thấy mình lạc lõng, vô nghĩa trong gia đình Kim Nham, chẳng có ai bầu bạn, cũng không người chia sẻ. Tâm trạng đó được thể hiện qua câu hát của Xuý Vân “gà rừng ăn lẫn với công – Đắng cay chẳng có chịu được ức…”. Cô ví mình như con gà rừng ngu ngơ, lạc lõng, đành chịu cay đắng giữa bầy công cao sang, xa lạ.


    Đang trong cảnh tù túng bế tắc đó, gặp Trần Phương là tay chơi nổi tiếng đất Đông Ngàn mà cô không biết, cô yêu hắn tưởng như túm được chiếc phao cứu đỡ cho cuộc đời. Nghe lời ngon ngọt của Trần Phương, Xuý Vân giả dại để được trả về nhà với hi vọng được sống với người mình yêu, được thoát khỏi cảnh tù túng để bay ra cuộc sống tự do. Những câu hát điên dại của Xuý Vân không phải tất cả đều là điên dại, ngược lại phần lớn nhũng câu nói và hát đó đều là những lời cay đắng tự trong tâm can cô, phản chiếu niềm khao khát mãnh liệt của một tâm hồn trẻ trung, muốn giao cảm với đời. Cô đã mượn lời nói khi điên dại, khi bóng gió để thể hiện nỗi lòng và bộc lộ tâm trạng của mình, điều mà khi tỉnh không một người phụ nữ nào trong xã hội phong kiến xưa đủ can đảm bộc lộ.


    Xuý Vân vừa rối rít gọi đò “bớ đò, bớ đò”, lại vừa chán chường trong lời hát : “Tôi kêu đò, đò nọ không thưa – Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò”. Lời hát ấy bộc lộ tâm trạng tự thấy mình đã dở dang, lỡ làng. Dường như chẳng có ai đợi cô ở bên này, cũng chẳng ai đón cô ở đầu kia của bến đò. Cô bẽ bàng trong cảnh đi cũng dở, ở cũng không xong.


    Con sông trong văn học dân gian và trong thơ cổ thường là biểu tượng của sự chia li, khoảng cách của đôi bờ, của mặt nước mênh mang luôn gợi buồn. Ca dao

    có câu :

    Sông Thương nước chảy đôi dòng,

    Bên trong, bên đục đau lòng biệt li.

    Lí Bạch, nhà thơ nổi tiếng ở Trung Quốc thòi Đường khi tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng cũng có câu thơ nổi tiếng về dòng sông li biệt:

    Bóng buồm đã khuất bầu không,

    Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.

    Con đò (thuyền) là phương tiện nối liền sự xa cách, nhưng con thuyền mất hút chỉ thấy dòng sông bát ngát trong thơ Lí Bạch, con đò “càng chờ càng đợi” càng không thấy đâu trong câu hát của Xuý Vân đều gợi hình ảnh thật buồn bã, bất lực. Cô vẫn biết “Chả nên gia thất thì về – ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười”, nhưng nói về mà về đâu có dễ, nhất là với các cô gái đã lấy chổng, đã “sang ngang”. Cô càng chờ đợi càng muộn màng, lỡ dở. Hình ảnh cô gái càng chờ đợi, con đò càng không tới đã cụ thể hoá sự bẽ bàng, lỡ dở của cô, cho ta thấm thìa nỗi trống trải, thất vọng của nhân vật.


    Với cô thôn nữ Xuý Vân, một gia đình hạnh phúc “anh đi gặt, nàng mang cơm” là ước mơ giản dị và đầm ấm. Mơ ước tưởng như bình thường đó với cô lại không thể có được, bởi Kim Nham mải mê đèn sách, thi cử, bỏ mặc cô một minh với gánh nặng gia đình. Cho nên, lời hát : “Bông bông dắt, bông bông díu – Xa xa lắc, xa xa líu – Láng giềng ai hay…” được lặp đi lặp lại mấy lần, đã phản ánh bằng hình ảnh cụ thể nỗi thất vọng của cô. Nhân duyên khiến hai người gắn bó, dắt díu, ràng buộc với nhau, nhưng những ao ước của họ khác xa nhau, đến mức không thể sẻ chia. Một bên chỉ mong ước cùng sống với nhau dưới một mái nhà, “chồng cày, vợ cấy”, được mùa lúa chín “anh đi gặt, nàng mang cơm”, còn bên kia lại mơ ước học hành, thi cử, đỗ đạt, làm quan để “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Mơ ước của cả hai đều đẹp và đáng được trân trọng, song nó không có chỗ gặp nhau khiến hôn nhân trở thành sự trói buộc nghiệt ngã. Có nỗi ấm ức, bế tắc, cô đơn nào khòng khiến người ta thất vọng! Xuý Vân tự hoạ nỗi thất vọng ấy của mình bằng hình ảnh “Con cá rô nằm vũng chân trâu – Để cho năm bảy cần câu châu vào…”. Hình ảnh được gợi lên qua câu hát đã bóng gió về không gian cạn hẹp và đầy bất trắc. Trong câu hát đó không có lời nào nói đến “mắc câu”, nhưng hình ảnh con cá rô nhỏ bé, trong cái vũng chân trâu cạn hẹp, không có lối ra, lại có đến năm bảy cái cần câu chực sẵn thì làm sao thoát được. Đó cũng là tình cảnh bị mất tự do, bế tắc của Xuý Vân trong gia đình Kim Nham. Sau mỗi lời bộc bạch là điệp ngữ : “Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên” càng làm cho nỗi cô đom và niềm khát khao hạnh phúc của cô hiển hiện. Xuân huyên vốn là hai loại cây sống rất lâu năm, tượng trưng cho cha mẹ già. Xuân là cây cổ thụ, gốc to, vững chãi, được ví với người cha; huyền là loại cây lá nhỏ và thanh mảnh, thường được ví với người mẹ. Những người xung quanh không hiểu cô, đến cả cha mẹ là những người thân yêu, tin cậv nhất cô cũng không thể chia sẻ, bởi đằng sau họ là xã hội phong kiến với quan niệm khe khắt “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” làm gì có chỗ để cảm thông với một Xuý Vân đã có chồng rồi còn không yên bề gia thất, làm gì có ai đồng tình với một Xuý Vân muốn bỏ chồng để chạy theo người khác… Xuý Vân cuống cuồng vùng vẫy trong không gian cạn hẹp, tù túng đó. Thật đúng như lời một câu ca dao:

    Em như con hục đần đình,

    Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

    Thân phận của Xuý Vân làm cho ta cứ bị ám ảnh, vương vấn, day dứt khôn nguôi.


    Cùng với những câu hát bóng gió và nhũng lời bộc bạch, những câu hát ngược cuối đoạn trích lại là một lối bộc lộ rất khéo tâm trạng nhân vật :

    … Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây

    Ở trong đình có cái khua, cúi nhôi,

    Ở trong cái nón có cái kèo, cúi cột,

    Ở dưới sông có cái phố bán bát,

    Lẻn trên biển ta đốn gỗ làm nhà…


    Chỉ có những người điên dại mới lẫn lộn, không rõ ngược xuôi. Những câu hát ngược, hát xuôi lẫn lộn của Xuý Vân vừa thể hiện tư duy điên dại, thiếu tỉnh táo, vừa gợi hình ánh ngược đời, trớ trêu, điên đảo, đúng sai, thực giả lẫn lộn mà cô chứng kiến. Những hình ảnh ẩn dụ khi kín đáo, khi bóng bảy, khi thì được giấu giữa những tiếng cười, câu hát đicn dại tưởng như vô nghĩa, khi lại là những câu nói ngược,… tất cả làm thành một nội tâm phong phú, rối bời, đầy tính bi kịch, diễn tả tâm trạng bế tắc, mất phương hướng của cô.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Chèo là loại hình kịch hát dân gian có tính chất tổng hợp, phổ biến nhất ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ trước đây. Chèo là sản phẩm của các tầng lớp trí thức bình dân nên dù vô thức hay hữu thức, nội dung của chèo thường đề cao mộng công danh, học hành đỗ đạt làm quan, điều mà các trí thức xưa thường theo đuổi. Vở chèo "Kim Nham" là một trong những tác phẩm nổi tiếng của sân khấu chèo. Trong đó trích đoạn "Xúy Vân giả dại" là một trích đoạn tiêu biểu mà đã được đưa vào chương trình học của học sinh trung học phổ thông. "Xúy Vân giả dại" là trích đoạn thể hiện tập trung được bi kịch tình yêu và nội tâm đầy mâu thuẫn của nhân vật Xúy Vân một cách đặc sắc.


    Xúy Vân là một cô gái xinh đẹp, đảm đang và nàng lúc nào cũng mang trong mình khát khao hạnh phúc. Nhưng trong chế độ phong kiến xưa, Xúy Vân nói riêng mà những người con gái sống dưới chế độ ấy nói chung đều không có cái quyền tự định liệu cho hạnh phúc, lựa chọn cho mình tình yêu cũng như đối tượng mà mình cảm mến, mọi chuyện tình yêu, hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt theo quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Cuộc hôn nhân của Xúy Vân với Kim Nham đều do một tay của cha mẹ nàng sắp xếp, mà sự sắp đặt này cũng không hề được định liệu sẵn mà hết sức vội vàng, và điều tất yếu là giữa hai người không hề có tình yêu.


    Vì luôn ấp ủ những khát khao hạnh phúc nên khi mới về nhà chồng nàng cũng muốn làm một người con dâu ngoan của bố mẹ chồng, một người vợ tốt của Kim Nham, điều này được thể hiện ra ngay lời hát múa của Xúy Vân khi giả dại, nàng múa điệu quay tơ, dệt cửi, vớt bèo, khâu vá...rất sinh động và khéo léo. Những công việc lao động mà Xúy Vân làm hàng ngày chứng tỏ cô hay lam hay làm, đảm đang khéo léo, đẹp người, đẹp nết. Là một cô gái lao động nên ước mong của Xúy Vân thật nhỏ bé, bình thường, cụ thể. Đó là một gia đình có vợ chồng đầm ấm, chồng cày vợ cấy, đến mùa lúa chín thì chồng đi gặt, vợ mang cơm:

    "Chờ cho lúa chín bông vàng

    Để anh đi gặt, để nàng mang cơm".


    Ước mơ của nàng thật bình dị và chính đáng. Nàng sẽ có một cuộc hôn nhân thật hạnh phúc nếu như người đó không phải là Kim Nham, bởi Kim Nham lại là một chàng thư sinh, hoàn toàn trái ngược lại với mong ước bình dị của nàng. Khi về làm dâu nhà Kim Nham, Xúy Vân đã vô cùng thất vọng trước ước mơ gia đình hạnh phúc, "chồng cày vợ cấy", hay "anh đi gặt...em mang cơm" với thực tại chồng mải mê đèn sách, thi cử, bỏ mặc nàng trong nỗi cô đơn, một mình thân đàn bà đảm đương những gánh nặng của gia đình. Cho nên lời hát: "Bông bông dắt, bông bông díu – xa xa lắc, xa xa líu" được lặp đi lặp lại mấy lần, đã phản ánh bằng hình ảnh cụ thể tâm trạng đó.


    Nhân duyên của Kim Nham, Xúy Vân ràng buộc, gắn bó, dắt díu với nhau nhưng những ước mơ, ao ước của họ hoàn toàn khác xa nhau, vì vậy mà khó có thể dung hợp, cuộc sống vợ chồng cũng khó có thể hạnh phúc. Tâm trạng ấm ức, bế tắc, cô đơn của Xúy Vân được thể hiện qua hình ảnh: "Con cá rô nằm giữa vũng chân trâu – để cho năm bảy cần câu châu vào" Hình ảnh gợi bóng gió về một không gian nhỏ hẹp, và đầy bất trắc. Đó cũng chính là tình cảnh thực tại của Xúy Vân. Sau mỗi lời bộc bạch lại là điệp ngữ: "Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên" cho thấy nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc của nàng không thể chia sẻ được bất cứ ai, láng giềng không, mà ngay cả với cha mẹ – người yêu thương và hiểu nàng nhất thì cũng không thể thấu hiểu được nỗi lòng của nàng.


    Ước mơ giản đơn nhưng không tìm được người "đồng sàng cộng chẩm" nên Xúy Vân luôn trong tâm trạng u uất, đau buồn. Và cũng trong hoàn cảnh ấy thì nàng đã gặp Trần Phương. Lần gặp gỡ này nàng tưởng đâu đã gặp được người tri kỉ, cảm thông và cũng có những tình cảm yêu mến đối với nàng. Nhưng cuộc đời thật không như là mơ, mà mọi giấc mơ thì đều sẽ tan biến Trần Phương không phải là một người đàn ông tốt. Vì sau khi lừa gạt được tình cảm dại khờ, trong sáng của Xúy Vân thì hắn ta đã xúi Xúy Vân giả điên giả dại để nhà chồng viết giấy từ hôn, khi đó thì hai người sẽ đến với nhau và có một cuộc sống hạnh phúc.


    Xúy Vân rất ngây thơ, dại khờ nên tin những lời nói và những lời hứa suông của hắn ta. Để rồi ôm giấc mộng hạnh phúc, nàng đã giả điên, giả dại mong sao Kim Nham có thể bỏ mình. Nhưng Kim Nham không hề bỏ cuộc, chàng đã tìm thầy thuốc giỏi ở khắp các phương về chữa trị cho nàng. Nhưng bệnh của nàng là do cố ý, sắp xếp chứ đâu phải bệnh thận, do đó mà mọi chữa trị đều không có tác dụng gì, các thầy thuốc giỏi dù tài ba đến đâu thì cũng phải bó tay. Đến nước đường cùng Kim Nham mới phải viết giấy từ hôn với nàng. Nhưng khi đã bỏ chồng thành công thì nàng lại phải chịu sự thật nghiệt ngã, đó chính là sự dứt bỏ, phụ tình của Trần Phương. Bởi sau khi nàng bỏ chồng thì hắn ta cũng không lấy nàng như đã hứa mà vứt bỏ nàng như một thứ đồ dùng cũ kĩ.


    Sự đả kích ấy quá lớn đối với Xúy Vân, vì không thể chịu đựng được nên nàng từ giả dại sang phát điên vì tình, có thể nói hoàn cảnh của người phụ nữ này vô cùng éo le, tuy đáng trách khi bỏ Kim Nham theo Trần Phương nhưng nàng cũng vô cùng đáng thương vì tin tưởng người khác một cách đầy dại khờ. Xúy Vân đã tự hát về mình: "Tôi không trăng gió nhưng gặp người gió trăng", nàng không phải người lẳng lơ, nhưng nàng lại không hề có tình yêu với chồng của mình là Kim Nham, Trần Phương là người đầu tiên nàng yêu, hơn nữa còn yêu say đắm.


    Vì tình yêu ấy, nàng bất chấp vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến, những định kiến ngặt nghèo của xã hội về phẩm tiết của người phụ nữ. Xã hội ấy không chấp nhận cho người đàn bà bỏ chồng theo trai, nhưng nàng bất chấp tất cả. Nhưng cuối cùng nàng nhận được gì ngoài sự thực đau đớn, khi Trần Phương là một kẻ phụ tình. Nếu Trần Phương không phải là con người lật lọng, tráo trở mà yêu Xúy Vân thật lòng thì có lẽ nàng đã có một cuộc sống hạnh phúc bên người mình yêu, nhưng đã lỡ tin lời của kẻ phụ tình nên nàng "Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại".


    Xúy Vân là một cô gái xinh đẹp, đảm đang có tâm hồn trong sáng, và lúc nào cũng mang trong mình khát vọng của tình yêu, của hạnh phúc. Nhưng cuối cùng nàng lại chết một cách đáng thương, chỉ vì tin lời của một kẻ phụ tình mà nàng đã bất chấp mọi rào cản, thậm chí bỏ chồng để chạy theo tiếng gọi của tình yêu.Trích đoạn này thể hiện sự lên án của xã hội đối với hành động "bỏ chồng theo trai" của Xúy Vân nhưng cũng thể hiện sự đồng cảm với tình yêu tự do, trong sáng ấy của nàng.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Chèo là một hình thức kịch hát dân gian đa năng và phổ biến nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật như hát, múa, diễn, chèo được coi là một sản phẩm nghệ thuật đa tài. Với nguồn gốc từ các tầng lớp trí thức bình dân, chèo thường nhấn mạnh vào giá trị mộng công danh, học hành và sự đỗ đạt trong sự nghiệp làm quan, những ước mơ được các trí thức xưa trân trọng. Trong số các tác phẩm nổi tiếng của chèo, "Kim Nham" là một trong những vở được yêu thích nhất. Trong đó, trích đoạn "Xúy Vân giả dại" là một trong những trích đoạn được đánh giá cao và đã được sử dụng trong chương trình học của học sinh trung học phổ thông. Đây là một trích đoạn tiêu biểu cho sự tập trung vào bi kịch tình yêu và nội tâm đầy mâu thuẫn của nhân vật Xúy Vân, được thể hiện một cách đặc sắc. Các vở chèo như "Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Chu Mãi Thần” và "Kim Nham” đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng và được nhiều thế hệ yêu mến. Mỗi khi mùa gặt bội thu hay đầu xuân về, nhiều làng quê tổ chức hội chèo, khiến tiếng trống chèo vang lên sau những cây lùm tre xanh, gợi lên những cảm xúc sâu sắc trong lòng người dân:

    "Những cơn mưa xuân phơi phới bay

    Hoa xoan rụng đầy đất trắng tay

    Hội chèo đến làng Đặng ngang qua

    Mẹ bảo: "Tối nay làng Đoài chèo..."

    (Nguyễn Bính)


    Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật hát, múa và diễn xuất. Những điệu chèo rất phong phú và đa dạng, lời chèo cũng thấm nhuần với ca dao và dân ca một cách tài tình. Các trích đoạn như "Thị Mầu lên chùa”, "Xuý Vân giả dại”, "Thị Phương dắt mẹ chồng chạy giặc” và “Tuần Ty gặp đào Huế” đã trở thành những đoạn diễn xuất được nhiều người yêu thích và muốn xem mãi không chán. Trích đoạn "Xuý Vân giả dại" nằm trong phần hai của vở chèo “Kim Nhan”. Sau một thời gian xa chồng, Xuý Vân đem lòng yêu Trần Phương và bị dụ dỗ, nàng giả điên giả dại, lập mưu để Kim Nhan li dị. Với ánh mắt bốc lửa, giọng hát đầy cảm xúc, những bước đi, những điệu múa, và những cánh tay múa... như điên cuồng, nhân vật Xuý Vân đã để lại nhiều ấn tượng về lửa tình, về bi kịch tình yêu trong lòng khán giả. Nhiều nghệ sĩ chèo đã trở nên nổi tiếng nhờ vai diễn này.


    Xuý Vân bắt đầu xuất hiện trong vở kịch với tâm trạng lệch lạc, từ nói lệch đến hát xuôi, cảm xúc của cô quay cuồng trong trạng thái dở tỉnh dở điên, dở ngây dở dại. Cô hát về con đò, biểu hiện cho một cô gái đang chờ đợi chồng, đang đợi chồng đi xa, buồn lo vì sợ tuổi xuân trôi qua. Những câu tiếp theo là những câu thơ lục bát phá thể, biến thể, thể hiện tâm trạng đầy bi kịch của người con gái đã có chồng và muốn dứt bỏ mối duyên tình cũ. Xuý Vân thổ lộ mối tình “gió giăng” của mình và niềm tin sẽ cùng với tình nhân “gió giăng” sống đến đầu bạc răng long, trọn vẹn “đạo hằng” thuỷ chung. Tâm trạng “nổi loạn” ấy của Xuý Vân cho đến nay vẫn còn làm cho nhiều khán giả ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Sau khi được hỏi vai diễn và tiếng đế hô ứng của khán giả, Xuý Vân mới xưng danh và tiết lộ về bản thân và công việc của mình. Cô cũng hát điệu “hát con gà rừng” thể hiện một duyên phận trớ trêu. Cô tự cho mình là con quan, cao môn lệnh tộc, còn Kim Nhan là con nhà nghèo hèn, cục mịch tầm thường.


    Xúy Vân là một người phụ nữ ngây thơ, dại khờ và luôn trong tâm trạng u uất, đau buồn vì không tìm được người "đồng sàng cộng chẩm". Tình cờ, nàng đã gặp Trần Phương và cảm thấy như đã tìm được người tri kỉ, cảm thông và yêu mến mình. Nhưng cuộc đời thật không như mơ, Trần Phương không phải là một người đàn ông tốt. Sau khi lừa dối được tình cảm của Xúy Vân, hắn ta đã xúi nàng giả điên giả dại để nhà chồng viết giấy từ hôn, hy vọng rằng hai người sẽ đến với nhau và có một cuộc sống hạnh phúc. Xúy Vân đã ngây thơ tin những lời hứa suông và giả điên mong sao chồng bỏ mình. Tuy nhiên, chồng nàng - Kim Nham không bỏ cuộc, chàng đã tìm thầy thuốc giỏi khắp nơi để chữa trị cho nàng. Nhưng bệnh của Xúy Vân là do cố ý sắp đặt, không phải bệnh thật, do đó, không có phương pháp chữa trị nào có tác dụng. Cuối cùng, Kim Nham buộc phải viết giấy từ hôn với nàng.


    Sau khi bỏ chồng, Xúy Vân phải chịu sự thật đau lòng rằng Trần Phương không hề lấy nàng như đã hứa mà vứt bỏ nàng như một thứ đồ dùng cũ kĩ. Sự đả kích đó quá lớn đối với Xúy Vân, nàng không thể chịu đựng được và từ giả dại sang phát điên vì tình. Mặc dù Xúy Vân có lỗi khi bỏ chồng theo Trần Phương nhưng cô cũng đáng thương vì tin tưởng người khác một cách đầy dại khờ. Nàng đã tự hát về mình: "Tôi không trăng gió nhưng gặp người gió trăng". Mặc dù Xúy Vân không phải là một người lẳng lơ, nhưng cô lại không yêu chồng mình - Kim Nham và yêu Trần Phương say đắm.


    Những hình ảnh và sự vật trong đoạn trích này được liên kết một cách bất thường và không hợp lý, chỉ có những người ngu đần mới không thể phân biệt được đâu là ngược và đâu là xuôi. Câu nói vô nghĩa được kết hợp với hành động điên dại và cười, tăng thêm sự bùng nổ của tâm trạng rối bời, tuyệt vọng và mất phương hướng. Trong khi đó, khi theo dõi toàn bộ văn bản, ta đồng cảm với Xúy Vân, cảm thấy thương tiếc cho cô vì rơi vào cuộc hôn nhân sắp đặt không có tình yêu và trách móc cô vì không biết giữ phẩm hạnh. Đoạn trích này nhấn mạnh vào sự chung thủy trong mối quan hệ vợ chồng, đồng thời cảm thông với thân phận của phụ nữ trong xã hội phong kiến. Mặc dù Xúy Vân có khát khao hạnh phúc chính đáng, nhưng không thể thực hiện nó trong thời kì đề cao nam quyền. Tuy nhiên, khi hiểu và thông cảm cho nhân vật này, ta có thể nhận ra nội dung và ý nghĩa sâu sắc, nhân văn của đoạn trích.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Vở chèo "Kim Nham" được đánh giá là một trong những vở chèo tiêu biểu và hay nhất của nền chèo cổ Việt Nam. Trong đó, "Xúy Vân giả dại" là trích đoạn nổi bật được khán giả vô cùng yêu thích. Những mâu thuẫn nội tâm của nhân vật Xúy Vân đã được tác giả dân gian khắc họa đầy đặc sắc qua đoạn trích.


    Trước khi đi sâu vào phân tích tâm trạng nhân vật, ta cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xúy Vân. Điều này bắt nguồn từ việc sau khi kết duyên với Kim Nham, nàng luôn phải sống trong cảnh đơn côi, xa chồng. Trong khoảng thời gian chờ Kim Nham trở về, Xúy Vân gặp được Trần Phương và bị hắn tán tỉnh, dụ dỗ. Trước những lời ngon ngọt, Xúy Vân xiêu lòng, giả điên để được chồng trả lại tự do và đi theo nhân tình. Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" chính là cảnh nàng dựng lên màn kịch điên loạn nhằm che mắt chồng.


    Trong lời xưng danh, Xúy Vân tự giới thiệu rằng:

    "Chẳng giấu gì Xúy Vân là tôi,

    Tuy dại dột, tài cao vô giá,

    Thiên hạ đồn rằng tôi hát hay đã lạ,

    Ai cũng gọi là cô ả Xúy Vân.

    Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,

    Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại".


    Chỉ một đoạn nhỏ, nhưng người đọc, người xem đã biết được tên tuổi, tài năng của nhân vật. Xúy Vân nhận thấy mình tuy dại dột song tài cao, được thiên hạ đồn thổi có tài hát hay. Không những vậy, trong lời giới thiệu, nàng thừa nhận bản thân "Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,/ Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại.". Qua đoạn trích trên, ta phần nào hiểu được tính cách, tình cảnh của nhân vật.


    Rõ ràng, trong toàn bộ trích đoạn, ngôn ngữ, hành động của nhân vật đều bộc lộ những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm. Trước hết, đó là tâm trạng đau đớn, tủi hổ, tự cảm thấy bơ vơ, lỡ làng trong chuyện tình cảm. Nàng đau khổ tới mức phải kêu lên và than vãn cùng ông Tơ, bà Nguyệt. Nàng đứng gọi đò mà tiếng gọi cứ ngân vang, không ai đáp lại "Tôi kêu đò, đò nọ không thưa". Càng chờ đợi, nhân vật càng rơi vào tuyệt vọng, "càng trưa chuyến đò", buộc nàng phải nhún mình, chiều theo ý người khác:

    "Nên tôi phải lụy đò,

    Cách con sông nên tôi phải lụy đò,

    Bởi ông trời tối, phải lụy cô bán hàng."


    Nó cho thấy tình cảnh đáng thương mà nàng phải chịu. Vì số phận đưa đẩy nên nàng buộc lòng phải theo. Tuy nhiên, ngay cả khi chấp nhận rồi thì hạnh phúc cũng không được như mong muốn. Do vậy, nàng đã đi đến quyết định chia li "Chả nên gia thất thì về,/ Ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười".


    Xúy Vân đi từ đau khổ sang bẽ bàng, xấu hổ. Nàng cầu xin mọi người thông cảm bởi bản thân không hề lẳng lơ, phóng đãng, chỉ vì gặp phải người trăng hoa nên mới không giữ nổi mình "Tôi chắp tay lạy bạn đừng cười/ Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng.". Nhận thức được hành động sai trái ấy, nàng khuyên mọi người phải phải giữ gìn đạo đức: "Gió trăng thời mặc gió trăng,/ Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên". Nàng nhắn nhủ mọi người nhưng cũng là nhắc nhở đến bản thân.


    Không những thế, Xúy Vân còn bộc lộ nỗi niềm đắng cay, bực tức của mình trong điệu hát con gà rừng. Nàng nhận mình là con gà rừng ngu ngơ, ăn lẫn với đám "công" cao xa, đẹp đẽ. Xúy Vân dùng hình tượng "con gà", "con công" để diễn tả sự cô đơn, lạc lõng. Xét cả về địa vị xã hội lẫn vai trò trong gia đình, nàng nhận thấy bản thân thấp kém hơn so với Kim Nham. Đến nỗi, phải thốt lên rằng: "Đắng cay chẳng có chịu được, ức!". Câu hỏi tu từ "Mà để láng giềng ai hay?" đã tô đậm thêm tình cảnh tội nghiệp của nàng. Xúy Vân không thể chia sẻ nỗi khổ với bất kì ai. Đặc biệt, điệp ngữ "Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên" càng nhấn mạnh nỗi bực tức, uất ức của nàng trước sự sắp đặt của mẹ cha.


    Dù cuộc sống có bất hạnh nhưng nàng chưa bao giờ ngừng ước mơ, khát vọng về một cuộc sống gia đình hạnh phúc:

    "Chờ cho bông lúa chín vàng,

    Để anh đi gặt, để nàng mang cơm."

    Nàng mong chờ cho đến khi cây lúa vàng rực trên khắp cánh đồng để chồng đi gặt, còn vợ mang cơm. Rõ ràng, Xúy Vân cũng muốn làm một người dâu hiền, vợ thảo. Điều này, được thể hiện qua hành động múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi đầy sinh động, khéo léo. Tuy nhiên, cuộc sống bình dị, giản đơn ấy lại chỉ là ước mơ xa vời.


    Lối ngâm nga, chậm rãi trong đoạn nói điệu sử rầu, hát sắp đã diễn tả tâm trạng ấm ức. Nàng thương người tình đến mất ngủ rồi ví phận mình như: "Con cá rô nằm vũng chân trâu/ Để cho năm bảy cần câu châu vào!". Cái không gian chật hẹp, tù túng, luôn ẩn chứa nhiều bất trắc rủi ro làm nàng cảm thấy bất an. Tác động từ bên ngoài làm nàng cảm thấy bị hành hạ, khổ sở, không còn tự do.


    Cuối cùng, sự đau khổ lên đến tột cùng khiến nàng không giữ nổi tỉnh táo mà phát điên. Đoạn hát ngược khắc họa vô cùng chân thật, sinh động tâm trạng điên loạn của nhân vật:

    "Chiếc trống cơm, ai khéo vỗ nên bông,

    Một đàn các cô con gái lội sông té bèo.

    [...] Cưỡi con gà mà đi đánh giặc!"

    Những hình ảnh, sự vật được liên hệ một cách bất thường, không hợp lí. Chỉ có người dở điên dở dại mới không phân biệt được ngược, xuôi. Câu nói vô nghĩa kết hợp với hành động vừa đi, vừa cười điên dại càng làm nổi bật tâm trạng rối bời, tuyệt vọng, mất phương hướng.


    Theo dõi toàn bộ văn bản, Xúy Vân vừa đáng thương, vừa đáng trách. Đáng thương bởi nàng rơi vào cuộc hôn nhân sắp đặt, không tình yêu. Đáng trách vì nàng không biết giữ phẩm hạnh. Như vậy, qua đoạn trích, tác giả dân gian muốn đề cao sự chung thủy trong mối quan hệ vợ chồng. Đồng thời, bộc lộ sự cảm thông đối với thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.


    Khát vọng hạnh phúc của Xúy Vân là chính đáng nhưng lại không thể thực hiện ở thời kì đề cao nam quyền. Hiểu và thông cảm cho nhân vật, ta nhận ra được nội dung, ý nghĩa sâu sắc, nhân văn của đoạn trích.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy