Top 8 Điều cần biết nhất về chu kỳ kinh nguyệt

Bùi Thị Phương Thảo 56 0 Báo lỗi

Chu kỳ kinh nguyệt là một vấn đề quan trọng trong sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Vì vậy, việc chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng ... xem thêm...

  1. Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu hàng tháng của phụ nữ, thường được gọi là “kỳ kinh”. Khi bạn hành kinh, cơ thể của bạn loại bỏ sự tích tụ hàng tháng của niêm mạc tử cung (dạ con). Máu kinh và mô chảy từ tử cung qua lỗ nhỏ ở cổ tử cung và ra khỏi cơ thể qua âm đạo, thường kéo dài khoảng 3-5 ngày và khác nhau ở mỗi người phụ nữ.


    Để hiểu về chu kỳ kinh nguyệt, chúng ta cần có kiến thức về cơ quan sinh sản ở nữ.

    Hệ thống sinh sản của nữ gồm 5 phần chính:

    • 2 buồng trứng: nơi lưu trữ, phát triển và phóng thích trứng
    • Tử cung: nơi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển thành em bé
    • 2 ống dẫn trứng: hai ống mỏng nối buồng trứng với tử cung
    • Cổ tử cung – lối vào tử cung từ âm đạo
    • Âm đạo

    Kinh nguyệt xuất hiện là do sự thay đổi hormone sinh dục của người phụ nữ. Kinh nguyệt xuất hiện khi nữ giới bắt đầu bước vào tuổi dậy thì và diễn ra đều đặn hàng tháng. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường của quá trình phát triển của nữ giới.


    Trong mỗi chu kỳ hành kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ rụng từ 1 - 2 trứng và có một trứng được phóng ra. Lúc này, một số bộ phận khác của cơ quan sinh dục sẽ phối hợp làm việc: nội mạc sẽ bao phủ toàn bộ tử cung và xây dựng theo dạng đồng bộ hóa để sẵn sàng làm tổ cho trứng được thụ tinh và hình thành bào thai. Trong trường hợp trứng phóng ra mà không được thụ tinh với tinh trùng, lớp nội mạc sẽ không cần thực hiện chức năng làm tổ cho trứng. Khi đó, lớp nội mạc sẽ bong ra và chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới bắt đầu.


    Chu kỳ kinh nguyệt là gì ?

    Chu kỳ kinh nguyệt là chu kỳ nội tiết tố hàng tháng mà cơ thể phụ nữ trải qua để chuẩn bị mang thai. Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cho đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Mức độ hormone (estrogen và progresterone) của bạn thường thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Các hormone này có thể gây ra các triệu chứng kinh nguyệt.


    Thật ra, chu kỳ kinh trung bình dài 28 ngày. Chu kỳ dao động khoảng 21-35 ngày ở người lớn và 21-45 ngày ở thanh thiếu niên trẻ. Có những người có chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày nhưng cũng có nhiều người có chu kỳ kinh nguyệt 35-40 ngày. Nếu chu kỳ diễn ra quá ngắn hoặc dài hơn bình thường, có thể là do tình trạng sức khỏe của bạn không được ổn định và cần tới gặp bác sĩ.

    Chu kì kinh nguyệt
    Chu kì kinh nguyệt
    Chu kì kinh nguyệt

  2. Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người bắt đầu từ khi bước vào tuổi dậy thì (khoảng 12 - 17 tuổi) cho tới khi hết độ tuổi mãn kinh (khoảng 45 - 55 tuổi). Một chu kỳ kinh hành kinh gồm các giai đoạn sau:


    Giai đoạn kinh nguyệt (hành kinh):

    • Đây chính là giai đoạn đầu tiên của chu kỳ kinh.
    • Giai đoạn này xảy ra khi trứng ở chu kỳ trước không được thụ tinh hoặc quá trình mang thai không xảy ra. Khi đó, lớp niêm mạc tử cung bị bong ra và rời khỏi cơ thể thông qua âm đạo, nồng độ Estrogen và Progesterone giảm xuống, trứng sẽ được giải phóng ra ngoài kèm theo đó là máu, chất nhầy, niêm mạc tử cung và hình thành nên kinh nguyệt.
    • Ở giai đoạn này, cơ thể bạn có thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như: đau bụng dưới, đau tức ngực, đau nhức lưng dưới, đầy hơi, đau đầu, mệt mỏi, dễ nóng giận, tâm trạng thất thường,…
    • Thông thường, một giai đoạn hành kinh kéo dài từ 3 - 7 ngày nhưng có nhiều người có thể có chu kỳ ngắn hơn hoặc dài hơn.

    Giai đoạn nang trứng:

    • Giai đoạn này xảy ra song song với giai đoạn hành kinh. Giai đoạn nang trứng bắt đầu khi ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt diễn ra và kết thúc khi rụng trứng.
    • Tuyến yên sẽ được nhận tín hiệu để giải phóng hormone kích thích nang trứng (FSH). Hormone này kích thích buồng trứng sản xuất từ 5 - 20 nang nhỏ, mỗi nang sẽ chứa một quả trứng chưa trưởng thành.
    • Chỉ những quả trứng khỏe mạnh nhất mới trưởng thành. Trong những trường hợp hiếm hoi, một người phụ nữ có thể có hai trứng trưởng thành. Số trứng không trưởng thành còn lại sẽ được tái hấp thụ vào cơ thể.
    • Các nang trứng trưởng thành làm thay đổi nồng độ Estrogen và làm dày niêm mạc tử cung để tạo ra một môi trường giàu chất dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ thai và hình thành bào thai.
    • Giai đoạn nang trứng trung bình kéo dài trong khoảng 16 ngày. Nó có thể dao động từ 11 đến 27 ngày, tùy thuộc vào chu kỳ của bạn.

    Giai đoạn rụng trứng:

    • Nồng độ estrogen tăng cao kích thích tuyến yên tiết ra hormone hoàng thể hóa (LH). Đây là những lúc quá trình rụng trứng bắt đầu.
    • Đây là giai đoạn duy nhất trong chu kỳ mà bạn có thể mang thai. Khi buồng trứng giải phóng một quả trứng trưởng thành, trứng sẽ di chuyển về phía ống dẫn trứng đến tử cung và được thụ tinh bởi tinh trùng.
    • Quá trình rụng trứng xảy ra vào khoảng ngày thứ 14 nếu bạn có chu kỳ 28 ngày - ngay giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nó kéo dài khoảng 24 giờ. Sau một ngày, trứng sẽ chết hoặc tiêu biến nếu không được thụ tinh.

    Bạn có thể biết rằng mình đang rụng trứng bằng các triệu chứng như sau:

    • Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ
    • Huyết trắng đặc hơn

    Có một số thời điểm trong cuộc đời, rụng trứng có thể xảy ra hoặc không xảy ra ở phụ nữ. Cụ thể như:

    • Phụ nữ có thai không rụng trứng.
    • Phụ nữ đang cho con bú có thể rụng trứng hoặc không rụng trứng. Phụ nữ đang cho con bú nên nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp ngừa thai nếu không muốn mang thai.
    • Trong thời kỳ tiền mãn kinh, chuyển sang mãn kinh, bạn có thể không rụng trứng hàng tháng.
    • Sau khi mãn kinh sẽ không rụng trứng.

    Giai đoạn hoàng thể:

    • Sau khi nang trứng giải phóng trứng, nó sẽ biến đổi thành thể vàng. Cấu trúc này giải phóng các hormone, chủ yếu là Progesterone và một số Estrogen. Sự gia tăng nội tiết tố giữ cho niêm mạc tử cung dày và sẵn sàng cho trứng đã thụ tinh làm tổ.
    • Trong trường hợp quá trình thụ tinh xảy ra (tức là bạn đã có thai), cơ thể bạn sẽ sản xuất gonadotropin màng đệm ở người (hCG). Kiểm tra hormone này giúp biết bạn có thai hay không. Nó giúp duy trì hoàng thể và giữ cho niêm mạc tử cung dày, đảm bảo sự an toàn khi mang thai.
    • Nếu bạn không mang thai, hoàng thể sẽ teo đi và được hấp thụ lại vào cơ thể. Khi đó, nồng độ estrogen và progesterone giảm, chu kỳ kinh nguyệt mới sẽ bắt đầu. Niêm mạc tử cung sẽ rụng trong kỳ kinh nguyệt.
    • Giai đoạn hoàng thể thường kéo dài từ 11 - 17 ngày, thông thường là 14 ngày.
    • Nếu không mang thai, bạn sẽ gặp phải một số triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): Ngực bị sưng đau, tâm trạng thất thường, chướng bụng, đầy hơi, khó ngủ, mất ngủ, ham muốn tình dục bị thay đổi, thèm ăn.
    Triệu chứng khi đến kỳ kinh
    Triệu chứng khi đến kỳ kinh
    Quá trình rụng trứng
  3. Chu kỳ kinh nguyệt điển hình dài 28 ngày, nhưng mỗi phụ nữ là khác nhau. Ngoài ra, độ dài chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể khác nhau giữa các tháng. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 24 đến 38 ngày. Điều này có nghĩa là thời gian từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng cho đến khi bắt đầu kỳ kinh tiếp theo của bạn ít nhất là 24 ngày nhưng không quá 38 ngày.


    Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt rất có ích bởi nó sẽ giúp bạn kiểm soát được tình trạng sức khỏe của chính mình. Để tính chu kỳ hành kinh, bạn cần thực hiện một số bước sau:

    • Đầu tiên, bạn hãy đánh dấu ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tháng này.
    • Tiếp theo, theo dõi liên tục ngày bắt đầu của chu kỳ tiếp theo và tiếp tục đánh dấu.
    • Khoảng cách các ngày giữa hai chu kỳ vừa ghi nhớ chính là thời gian kỳ kinh nguyệt của bạn.
    • Sau một vài tháng, bạn có thể bắt đầu xem kinh nguyệt của mình có đều hay không hoặc chu kỳ của bạn có khác nhau mỗi tháng hay không.

    Bạn nên theo dõi thêm các yếu tố sau đây:

    • Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): Bạn có bị chuột rút, đau đầu, ủ rũ, hay quên, đầy bụng hoặc căng ngực không?
    • Khi bạn bắt đầu ra máu: Nó sớm hơn hay muộn hơn dự kiến?
    • Lượng máu ra nhiều vào những ngày nặng nhất của bạn như thế nào (nhiều hơn hay ít hơn bình thường) ?
    • Bạn đã sử dụng bao nhiêu miếng băng vệ sinh?
    • Các triệu chứng khi hành kinh: Bạn có bị đau hoặc chảy máu vào bất kỳ ngày nào khiến bạn phải nghỉ làm hoặc đi học không?
    • Kỳ kinh của bạn kéo dài bao nhiêu ngày: Kỳ kinh của bạn ngắn hơn hay dài hơn tháng trước?

    Đây là những yếu tố quan trọng về chu kỳ kinh nguyệt bạn nên theo dõi bên cạnh ngày hành kinh. Những bất thường trong bất kỳ yếu tố nào đều là một dấu hiệu gợi ý một bệnh phụ khoa mà bạn đang mắc phải.


    Hiện nay có nhiều ứng dụng theo dõi thời gian hành kinh. Bạn có thể tải những ứng dụng này về máy và nhập ngày bắt đầu kỳ hành kinh của tháng đó, ứng dụng sẽ tự động tính theo chu kỳ cho bạn. Bên cạnh đó, những ứng dụng này còn có thể cập nhật những triệu chứng của chu kỳ hành kinh của người dùng dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp.

    Theo dõi chu kì kinh nguyệt
    Theo dõi chu kì kinh nguyệt
    Các app theo dõi chu kì kinh nguyệt hữu ích
  4. Khi nào có kinh lần đầu tiên?

    • Trẻ em thông thường bắt đầu có kinh từ 12 đến 14 tuổi.
    • Thời kỳ đầu tiên thường bắt đầu khoảng hai năm sau khi ngực bắt đầu phát triển và lông mu bắt đầu mọc. Độ tuổi mà mẹ của một bé gái bắt đầu có kinh có thể giúp dự đoán khi nào bé gái có thể bắt đầu có kinh.
    • Trẻ gọi là dậy thì sớm khi có kinh trước 8 tuổi. Trẻ gọi là dậy thì muộn khi 15 tuổi vẫn chưa xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Trẻ em nên được đi khám khi dậy thì sớm, dậy thì muộn hoặc không dậy thì khi phát triển ngực sau 3 năm.

    Kinh nguyệt sẽ thay đổi như thế nào khi lớn tuổi?

    • Chu kỳ kinh nguyệt sẽ thay đổi nhiều cách khác nhau khi bạn già đi. Thông thường, kinh nguyệt nhiều khi bạn còn trẻ (ở tuổi thiếu niên) và thường ít hơn ở độ tuổi 20 và 30.
    • Trong một vài năm đầu tiên hành kinh, chu kỳ kinh nguyệt đa số kéo dài hơn 38 ngày. Các bé gái sẽ có chu kỳ kinh đều đặn hơn sau 3 năm. Nếu chu kỳ dài hơn hoặc không đều kéo dài 3 năm, hãy đến khám để kiểm tra sức khỏe. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) thường hay gặp ở những trường hợp này.
    • Ở độ tuổi 20 và 30, chu kỳ của bạn thường đều đặn và có thể kéo dài từ 24 đến 38 ngày.
    • Ở độ tuổi 40, khi cơ thể bắt đầu chuyển sang thời kỳ mãn kinh, chu kỳ của bạn có thể trở nên không đều. Kinh nguyệt của bạn có thể ngừng trong một tháng hoặc một vài tháng và sau đó bắt đầu lại. Chúng cũng có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn bình thường, ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường.

    Phụ nữ sẽ hành kinh tới khi nào?

    • Một người phụ nữ trung bình có kinh trong khoảng 40 năm của cuộc đời.
    • Hầu hết phụ nữ đều có kinh nguyệt đều đặn cho đến thời kỳ tiền mãn kinh, thời điểm cơ thể bạn bắt đầu chuyển sang mãn kinh. Tiền mãn kinh, hoặc chuyển sang mãn kinh, có thể mất một vài năm. Trong thời gian này, kinh nguyệt của bạn có thể không đến đều đặn.
    • Mãn kinh xảy ra khi bạn không có kinh trong 12 tháng liên tiếp. Đối với hầu hết phụ nữ, điều này xảy ra ở độ tuổi từ 45 đến 55.
    • Kinh nguyệt cũng dừng lại khi mang thai và có thể không trở lại ngay nếu bạn cho con bú. Nếu bạn có kinh trong 90 ngày (ba tháng) và bạn không mang thai hoặc đang cho con bú, hãy đi kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ sẽ kiểm tra bạn đang có thai hay rối loạn kinh nguyệt.

    Tóm lại, bạn nên nhớ rằng, chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau. Điều quan trọng nhất là bạn phải làm quen với chu kỳ kinh nguyệt của mình. Bạn nên luôn luôn theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của chính mình. Phải đến khám tại các cơ sở y tế uy tín khi thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào về chu kỳ kinh nguyệt của bạn

    Tìm hiểu về sức khỏe sinh sản ở các độ tuổi
    Tìm hiểu về sức khỏe sinh sản ở các độ tuổi
    Cách giúp bé gái xử lý khi tới kỳ kinh nguyệt đầu tiên
  5. Nam giới sẽ thấy bạn hấp dẫn hơn trong giai đoạn rụng trứng

    Nồng độ Testostrone của đàn ông bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hương của phụ nữ và mùi hương tự nhiên này thường sẽ thay đổi khi họ đang trong thời kỳ 'đèn đỏ'.

    Một nghiên cứu đã được tiến hành bằng cách cho đàn ông ngửi áo phông của phụ nữ ở thời điểm đang rụng trứng và không trong giai đoạn rụng trứng. Nghiên cứu cho thấy, nồng độ Testostrone của đàn ông tăng đột biến khi ngửi áo phông của người phụ nữ trong thời kỳ này. Từ đây, chúng ta có thể kết luận rằng mùi hương tự nhiên trên cơ thể của phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt hấp dẫn hơn so với những ngày bình thường.


    'Ham muốn' tăng cao trong những ngày nguyệt san

    Hooc-môn Progresterone được xem là nguyên nhân chính làm giảm ham muốn tình dục của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh nguyệt, hàm lượng Progresterone sẽ tiết ra ít hơn bình thường, nhờ đó mà ham muốn tình dục của phụ nữ cũng tăng mạnh hơn tại thời điểm này.


    Tổng lượng máu trung bình mất đi trong chu kỳ kinh nguyệt khoảng 150ml

    Thông thường, kinh nguyệt thường ra nhiều hơn ở ngày thứ đầu đến ngày thứ 3 và ít dần đi cho đến khi sạch kinh.

    Ước tính lượng máu trung bình mất đi của mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường dao động trong khoảng trên dưới 150ml (khoảng 3 muỗng canh). Lượng máu này có tính cả các cục máu đông. Từ số lượng trung bình này, nếu bạn nhận thấy lượng kinh của mình bỗng nhiên nhiều hơn thì cần phải đi khám bác sĩ.


    Trung bình, mỗi phụ nữ sẽ có khoảng 450 lần kinh nguyệt trong đời

    Trong khi phụ nữ thời tiền sử chỉ có khoảng 50 lần kinh nguyệt trong toàn bộ cuộc đời thì những người phụ nữ hiện đại ở các khu vực nông nghiệp sẽ có khoảng 150 lần kinh nguyệt. Còn đối với các chị em phụ nữ bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa phương Tây sẽ phải trải qua khoảng 450 lần kinh nguyệt trong đời.


    Trung bình mỗi người phụ nữ sẽ mất đến 3.500 ngày trong đời sống chung với những ngày 'đèn đỏ'

    Chu kỳ kinh nguyệt có thể khác nhau đối với mỗi phụ nữ. 28 ngày được coi là số ngày trung bình của một chu kì kinh nguyệt, nhưng nó cũng có thể dao động giữa 21 và 35 ngày. Và một kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài nhiều nhất khoảng 7 ngày. Vậy ước tính, tổng số ngày kinh nguyệt mà một người phụ nữ phải trải qua có thể lên đến 3.500 ngày, tương ứng khoảng với khoảng thời gian là 10 năm.


    Trung bình mỗi người phụ nữ sẽ dùng đến 11.000 băng vệ sinh trong cuộc đời

    Với khoảng 3.500 ngày kinh nguyệt trong cả cuộc đời thì số lượng 11.000 băng vệ sinh cần dùng đến là một điều tương đối dễ hiểu. Thông thường chu kỳ kinh nguyệt của một người sẽ bắt đầu vào năm 12 tuổi và kết thúc khi 50 tuổi.


    Kinh nguyệt bị tác động bởi thời tiết
    Một số nghiên cứu cho thấy thời tiết có thể tác động tới chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ.

    Theo đó, vào những ngày nắng nóng, khi nữ giới tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trước thời điểm rụng trứng thì sẽ có thể có kỳ kinh nguyệt ngắn hơn bình thường. Ngược lại vào mùa lạnh, các cơn đau trong chu kỳ kinh nguyệt thường có xu hướng mạnh hơn và có thể lượng kinh mất đi cũng nhiều hơn so với mùa hè.


    Bạn vẫn có thể có thai trong thời điểm nhạy cảm này

    Theo các nghiên cứu thì dù không chắc chắn nhưng trường hợp này vẫn có thể xảy ra vì tinh trùng có thể sống được trong môi trường âm đạo khoảng 1 tuần. Bởi vậy, bạn vẫn hoàn toàn có khả năng thụ thai khi quan hệ tình dục trong chu kỳ kinh nguyệt.


    Kinh nguyệt có thể làm thay đổi giọng nói của phụ nữ

    Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ethology cho hay những đàn ông khi nghe bản thu tiếng nói của phụ nữ, họ có thể đoán được phụ nữ đó có đang ở trong thời kỳ kinh nguyệt hay không. Lí do được đưa ra rằng giọng nói của phụ nữ trong giai đoạn này thường nặng hơn so với ngày thường.


    Tâm lý căng thẳng có thể khiến cho chu kỳ kinh nguyệt không ổn định
    Tâm lý có liên quan mật thiết tới chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Nếu như các chị em luôn ở trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi kéo dài thì sẽ khiến cho kỳ kinh nguyệt bị rối loạn bất thường. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng giảm cân hay một số thay đổi khác.

    Bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đối phương
    Bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đối phương
    Sự thật thú vị về ngày đèn đỏ
  6. Thế nào là chu kì kinh nguyệt bình thường ?

    • Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, là một chu kỳ kinh đều đặn hàng tháng và có đó dài từ 22 - 35 ngày, với thời gian hành kinh là 3 - 7 ngày.
    • Lượng máu kinh là bình thường dao động khoảng 30 - 75ml (trong đó 36% là máu, 64% là các thành phản như niêm mạc tử cung, chất nhảy tử cung, chất nhảy âm đạo,..).
    • Máu kinh nguyệt là bình thường khi có màu đỏ thẫm, hơi tanh và không có cục máu đông.
    • Triệu chứng bình thường khi đến chu kỳ kinh sẽ là: Thèm ăn, tâm trạng thay đói, trạng thái bứt rút khó chịu, đau đầu nhẹ, đầy hơi, đau bụng, nổi mụn trứng cá, căng tức ngực, mệt mỏi,...

    Thế nào là chu kỳ kinh nguyệt bất thường?

    Nếu bạn gặp phải tình trạng lượng máu kinh ra quá nhiều, hoặc quá ít hay bị đau bụng dữ dội trong chu kỳ, thậm chí tháng có, tháng không, một tháng ra kinh nguyệt 2 lần thì tất cả những dấu hiệu đó đang cảnh báo một chu kỳ kinh nguyệt bất thường. Bạn nên dành thời gian đi kiểm tra sức khỏe sinh sản của mình ngay nhé!


    Những dấu hiệu cụ thể của rối loạn kinh nguyệt:

    • Rong huyết là tình trạng ra máu bất thường kéo dài trên 7 ngày nhưng không mang tính chu kỳ. Tình trạng ra máu này có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong chu kỳ mà không phải là ngày "đèn đỏ". Lượng máu có thể nhiều hay ít tùy thể trạng của từng chị em.
    • Rong kinh là hiện tượng hành kinh kéo dài trên 7 ngày và có tính chất chu kỳ. Nếu rong kinh kéo dài hơn 15 ngày sẽ trở thành rong huyết. Rong huyết kéo dài sẽ làm cho cơ thể bị thiếu máu, thậm chí còn ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Vì vậy khi có triệu chứng như vậy, chị em cần đến bệnh viện thăm khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
    • Cường kinh là tình trạng lượng máu kinh ra rất nhiều (>80ml) và kéo dài trên 7 ngày gây mất máu kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của chị em.
    • Thiếu kinh (ngược với cường kinh) là tình trạng lượng máu kinh ra rất ít, thường ra 1 - 2 ngày là hết.
    • Vô kinh: là hiện tượng không có kinh nguyệt ở chị em phụ nữ
    • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 20 ngày hoặc dài hơn 32 ngày.
    • Máu kinh có những dấu hiệu bất thường như màu đen, nâu hoặc đỏ tươi.
    • Đau bụng, đau lưng dữ dội vào trước hoặc trong những ngày hành kinh.
    • Dịch tiết âm đạo ra nhiều, có mùi hôi khó chịu, tính chất khác la.

    Những nguyên nhân chính gây rối loạn kinh nguyệt:

    • Căng thẳng, bệnh tật
    • Tuổi tác ảnh hưởng đến phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản
    • Các loại thuốc tránh thai
    • Rối loạn ăn uống, giảm cân đột ngột hoặc tập thể dục quá sức gây rối loạn kinh
    • Đang mang thai hoặc cho con bú
    • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
    • Suy buồng trứng
    • U xơ tử cung
    • Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc cường giáp.
    • Sẹo nặng (dính) của lớp niêm mạc tử cung, một tình trạng gọi là hội chứng Asherman.

    Rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sinh sản?

    • Gây khó thụ thai ở nữ giới
    • Gây thiếu máu, suy nhược cơ thể
    • Ảnh hưởng đến tâm lý
    • Gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: u nang buồng trứng, u xơ cổ tử cung, viêm cổ tử cung,...
    • Ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục
    • Ảnh hưởng đến nhan sắc người phụ nữ

    Cách giảm nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt:

    • Cải thiện chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc phù hợp.
    • Giữ tâm lý thật thoải mái
    • Không lạm dụng thuốc tránh thai
    • Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...
    • Điều trị bệnh lý khác nếu có: tuyến giáp, tiểu đường...
    • Thay băng vệ sinh sau khoảng 4 - 6 giờ để tránh nhiễm trùng và hội chứng sốc độc tố.
    • Thăm khám phụ khoa thường xuyên, định kỳ.
    Rối loạn kinh nguyệt
    Rối loạn kinh nguyệt
    Tìm hiểu về rối loạn kinh nguyệt
  7. Uống đủ nước mỗi ngày

    Bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nước mỗi ngày. Tình trạng bị mất nước có thể khiến bạn thấy mệt trong người và làm các triệu chứng PMS trở nên tồi tệ hơn.

    • Lượng nước uống: Lượng nước uống khuyến nghị hàng ngày là khoảng 2,5 lít. Tuy nhiên, các loại thực phẩm trong chế độ ăn hằng ngày đã chứa khoảng 1/5 lượng nước khuyến nghị nên bạn chỉ cần uống thêm 9–12 ly nước.
    • Hương vị mới: Bạn có thể tạo thêm hương vị mới cho nước tinh khiết với chanh, cam, bưởi, dưa hấu, dưa leo, bạc hà… Đây còn có thể xem là một cách làm nước detox trái cây đơn giản giúp cơ thể thanh lọc độc tố.
    • Rau củ quả: bạn nên hấp thu 20% lượng nước cơ thể cần mỗi ngày thông qua thói quen ăn trái cây và rau củ mọng nước như dưa hấu, dưa leo, rau cần tây…
    • Bạn nên bổ sung các chất điện giải mỗi khi bị mất nước sau khi tập luyện thể dục hoặc đi ra trời nắng nóng từ nước dừa, nước ép trái cây, sinh tố…

    Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: giúp cải thiện năng lượng của cơ thể

    Bạn nên bổ sung vào thực đơn các loại thực phẩm sau:

    • các loại đậu: đậu hũ, đậu lăng,...
    • rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch
    • Đặc biệt, sữa chua chứa nhiều canxi, vitamin và lợi khuẩn có thể giúp giảm đau bụng kinh khi đến ngày đèn đỏ.
    • Thực phẩm giàu vitamin C, E: hạt bí, hạt hướng dương, cam, cà chua, bông cải, bắp cải…
    • Thực phẩm giàu kali: chuối, bơ, khoai lang
    • Omega-3 từ các loại cá, hạt bí, hạt lanh, dầu cá…
    • Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ bổ sung 1.200mg canxi mỗi ngày sẽ giúp giảm 30% nguy cơ đau bụng kinh so với những người chỉ bổ sung nhỏ hơn 500mg canxi mỗi ngày.

    Tập thói quen đi ngủ lành mạnh

    Những thói quen ngủ lành mạnh có ý nghĩa rất quan trọng giúp bạn đỡ cảm thấy mệt trong người khi đến ngày đèn đỏ. Bạn có thể tập những thói quen ngủ tốt cho sức khỏe sau đây:

    • Đi ngủ đúng giờ để đảm bảo đủ 7-8 tiếng mỗi đêm
    • Không dùng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ
    • Tránh ăn tối quá trễ hoặc uống cà phê 4-6 tiếng trước khi ngủ
    • Bạn cần giữ cho phòng ngủ luôn mát mẻ, giúp bạn dễ ngủ hơn khi thân nhiệt trong người bạn tăng do đến ngày đèn đỏ.
    • Bạn cũng có thể chườm túi ấm vào bụng để dễ chịu hơn.

    Nếu đau bụng kinh gây khó ngủ, bạn có thể chọn tư thế nằm giảm đau bụng để đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Bạn hãy thử ngủ trong tư thế bào thai bằng cách nằm nghiêng, cuộn người, 2 chân ép sát vào nhau. Ngủ trong tư thế này sẽ giúp làm giảm áp lực lên cơ bụng, nên giúp các cơ xương quanh bụng được thư giãn.


    Tập thể dục và thư giãn

    Theo một nghiên cứu năm 2015, các bài tập thể dục nhịp điệu vừa phải có thể giúp tăng mức năng lượng của bạn, cải thiện sự tập trung và giảm bớt hầu hết các triệu chứng PMS.

    Tuy nhiên, bạn không nên tập thể dục ngay trước khi đi ngủ để tránh khó ngủ hơn.

    Nên dành thời gian thư giãn (nghe nhạc, xem phim, ngâm cơ thể trong nước ấm 10-15 phút…)


    Vệ sinh đúng cách

    Nên vệ sinh ''vùng kín'' bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng và tốt nhất chỉ nên vệ sinh 2 lần/ngày vào thời điểm sáng thức dậy sau một đêm “tầm tã” và tối về sau ngày làm việc dài là đủ.


    Sử dụng băng vệ sinh đúng cách
    Rất nhiều căn bệnh viêm nhiễm xảy ra do chị em sử dụng BVS sai cách. Vậy nên, chị em tuyệt đối đừng chủ quan, thay vào đó hãy tự trang bị cho mình những kiến thức sử dụng BVS đúng cách, ít nhất là 3 điểm cơ bản sau:

    • Thay BVS sau 3-4h sử dụng, kể cả khi lượng kinh ít
    • Vệ sinh tay sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng BVS
    • Không lạm dụng BVS hằng ngày

    Chọn BVS đảm bảo chất lượng
    BVS bẩn, kém chất lượng là nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa ngáy, mẩn đỏ vùng kín, thậm chí còn là nguy cơ của nhiều căn bệnh về phụ khoa nguy hiểm. Vậy nên, chị em cần thận trọng khi tìm mua BVS.


    Để đảm bảo an toàn, chị em có thể tham khảo BVS hữu cơ - dòng BVS chất lượng và “thân thiện” số 1 dành cho “cô bé” nhờ 7 yếu tố sau:

    • Đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ hàng đầu
    • Làm từ 100% bông hữu cơ mềm mại, khả năng thấm hút tốt
    • Không biến đổi gen GMO
    • Không chứa hóa chất, chất bảo quản
    • Không có mùi hương nhân tạo
    • Không tẩy clo
    • Không chứa nhựa
    Chườm ấm cho bụng trong ngày đèn đỏ
    Chườm ấm cho bụng trong ngày đèn đỏ
    Mẹo hữu ích trong ngày đèn đỏ
  8. Không nên mặc quần áo quá chật

    Mặc quần áo quá chật trong những ngày “đèn đỏ” sẽ gây ra áp lực cho hệ thống mao mạch, khiến cho việc lưu thông máu bị trì trệ, dẫn đến tình trạng sưng hoặc phù nề.
    Vì vậy, nên mặc đồ rộng rãi thoải mái trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ khiến việc lưu thông máu được tốt hơn


    Không nên đấm lưng trong chu kỳ kinh nguyệt

    • Việc đấm lưng không giúp đẩy lùi cơn đau mà ngược lại còn khiến máu kinh ra nhiều, thời gian hành kinh kéo dài hơn. Bên cạnh đó, đấm lưng thường xuyên cũng gây tác động đến niêm mạc tử cung, làm cho các vết thương ở lớp niêm mạc khó phục hồi hơn, có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây ra bệnh phụ khoa.
    • Khi bị đau lưng trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em không nên đấm lưng mà thay vào đó hãy massage nhẹ nhàng sẽ khiến cơn đau dịu đi nhanh chóng hơn.

    Không nên luyện tập những bài thể dục nặng

    • Luyện tập thể dục thể thao với cường độ mạnh trong chu kỳ kinh nguyệt có thể khiến các chị em bị rong kinh kéo dài. Không những thế, tập thể dục nặng còn làm tiêu hao rất nhiều năng lượng khiến tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng hơn.
    • Do đó, các chị em nên tập luyện những bài tập nhẹ nhàng hơn như Yoga, đi bộ, dưỡng sinh,… giúp làm giảm tình trạng mệt mỏi lại giúp cải thiện các triệu chứng khác như: đau bụng kinh, rối loạn tiêu hóa hay tâm trạng thất thường.

    Không nên uống nhiều các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà đặc

    Chất này khi đi vào cơ thể sẽ thúc đẩy cơ thể sản xuất ra nhiều hormone Cortisol, Epinephrine và Norepinephrine. Đây là ba loại hormone gây kích thích thần kinh, làm tăng huyết áp và nhịp tim, khiến chị em dễ bị căng thẳng, lo âu, khó ngủ, người bồn chồn và kiệt sức.


    Không nên sử dụng đồ uống có chất kích thích như rượu, bia

    Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, uống rượu bia trong ngày “đèn đỏ” sẽ làm gia tăng triệu chứng đau bụng kinh và rối loạn kinh nguyệt.

    Không những thế, sử dụng rượu, bia còn làm giảm số lượng trứng khỏe mạnh trong cơ thể nữ giới.


    Không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn mặn, các loại thực phẩm tươi sống, có tính hàn

    • Các loại đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đồ ăn mặn và có tính hàn đều không tốt cho chị em đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
    • Đồ ăn chứa dầu mỡ sẽ khiến da bạn dễ bị nhờn, bụi bẩn sẽ tích tụ nhiều ở lỗ chân lông gây ra mụn.
    • Đồ ăn mặn sẽ khiến cho cơ thể bị tích nước gây đầy bụng, khó tiêu.
    • Ăn thực phẩm có tính hàn sẽ khiến máu khó lưu thông, dẫn đến những cơn đau bụng kinh dữ dội

    Vì vậy, chị em nên hạn chế ăn các loại đồ ăn này, thay vào đó hãy ăn nhiều thực phẩm chứa Vitamin B6, C, E và khoáng chất như sắt, kali, magie, canxi,…


    Kiêng ăn các loại thực phẩm chua, cay, nóng

    Trong chu kỳ kinh nguyệt, các chị em cũng không nên ăn các loại thực phẩm chua, cay, nóng vì chúng có thể kích thích tử cung co bóp nhiều gây ra đau bụng dữ dội và rong kinh kéo dài.


    Không nên tắm bồn

    Nguyên nhân là do vào những ngày này, cổ tử cung của các chị em thường mở rộng hơn để máu kinh có thể dễ dàng đẩy ra ngoài. Việc tắm bồn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín gây viêm nhiễm, nấm ngứa và các bệnh phụ khoa.


    Loại bỏ thói quen vệ sinh vùng kín bằng sữa tắm

    Việc làm này có thể gây mất cân bằng pH của âm đạo khiến tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng hơn.

    Các chị em có thể sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng, vừa giúp loại bỏ mùi hôi khó chịu lại giúp cân bằng độ pH tự nhiên.


    Không nên thăm khám bệnh, nhổ, chữa răng

    Nhổ răng khi đang có kinh nguyệt có thể sẽ làm gia tăng cảm giác khó chịu và đau nhức hơn, ngoài ra còn khiến máu chảy nhiều và khó cầm hơn bình thường.

    Giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt thường là khoảng thời gian rất nhạy cảm đối với chị em phụ nữ. Do vậy, các chị em nên nắm vững những điều không nên làm trong chu kỳ kinh nguyệt trên để “mùa dâu” trôi qua nhẹ nhàng nhé.

    Các loại thực phẩm nên tránh
    Các loại thực phẩm nên tránh
    Những điều không nên làm trong kỳ kinh



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy