Top 10 Sự tích về các loài cây hay và ý nghĩa nhất

Phương Kem 390 0 Báo lỗi

Truyện cổ tích có lẽ đã gắn liền với biết bao thế hệ trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Trong đó, các câu chuyện sự tích về loài cây cũng ... xem thêm...

  1. Sự tích cây Nhân Sâm là câu chuyện cổ tích Việt Nam, phê phán những kẻ vô ơn, lòng dạ tham lam, không biết gìn giữ, quý trọng những gì giá trị của tự nhiên.


    Ngày xưa, có hai vợ chồng người tiều phu nghèo khổ, làm lụng vất vả quanh năm. Tờ mờ sáng đã ra đi làm, đến tối mịt mới về nhà mà cũng không kiếm đủ gạo ăn. Hai vợ chồng có một đứa con trai còn nhỏ, mỗi ngày để ở nhà cho một phần cơm chỉ ăn vừa lưng dạ.


    Trong cảnh thiếu ăn đó, hai vợ chồng lấy làm ngạc nhiên nhận thấy con mình ngày một béo tốt, hồng hào khỏe mạnh như đã được chăm nuôi tẩm bổ khác thường. Đứa con còn bé chưa nói năng gì được nên cha mẹ nó muốn hỏi han về sức khỏe lạ lùng của con cũng đành chịu.


    Được vài năm đứa bé lớn lên như thổi, bắt đầu biết trò chuyện, cha mẹ nó mới hỏi xem phần cơm mỗi ngày để dành cho con ăn có đủ không. Thằng bé trả lời chẳng biết mùi cơm ra sao vì cứ mỗi khi cha mẹ nó vừa đi khỏi nhà là bầy khỉ ở rừng kéo đến ăn sạch cơm.


    Hai vợ chồng người tiều phu quá nỗi kinh ngạc, hỏi con trong mấy năm trời không cơm ăn mà sao lại được khỏe mạnh như vậy. Đứa con ngây thơ mới kể cho hay rằng trong lúc cha mẹ nó vắng nhà, có một thằng bé láng giềng cũng trần truồng như nó, vẫn đến chơi đùa, và chính đứa bé đáng yêu kia đã truyền sức khỏe sang cho nó.


    Nghe con nói như thế, cha mẹ nó lại càng lấy làm lạ, nghi hoặc thêm, vì chung quanh ấy lối mươi dặm chẳng có nhà cửa của ai cả. Người tiều phu nghĩ ngợi, đoán chừng đứa bé đến chơi với con mình là Người Sâm (Nhân Sâm), hồn của cây sâm mọc quanh quẩn gần đâu đây.


    Đến sáng hôm sau, người tiều phu đi ra chợ mua một cuộn chỉ tơ mang về dặn dò con là hễ thằng bé kia đến chơi thì lấy chỉ buộc vào chân hoặc tay nó. Đứa con hứa sẽ làm theo lời cha bảo. Qua ngày hôm sau, vợ chồng người tiều phu đi khỏi nhà như lệ thường, song không vào rừng lấy củi mà rình nấp gần đấy. Nhân Sâm lại đến túp lều chơi với thằng bé con người tiều phu, cũng như mọi ngày, và đứa bé theo lời cha dặn, lấy chỉ buộc vào cổ tay bạn.


    Vào lúc giữa trưa, hai vợ chồng người tiều phu ra khỏi chỗ nấp, đột ngột trở về nhà, bắt gặp cả hai đứa bé đang nô đùa. Thằng bé Sâm vội vàng bỏ chạy rồi biến mất vào cây. Người tiều phu lần theo dấu chỉ đã buộc vào cổ tay Nhân Sâm mà tìm ra được cây Sâm. Tham và ngốc, gã hấp tấp đào xới quá mạnh tay làm chết mất thằng bé Sâm và chỉ lấy được từng miếng rễ cây sâm. Cũng vì thế mà ngày nay người ta chỉ có được các nhánh rễ sâm mường tượng hình dáng người.


    Người Sâm chết vì sự vụng về của gã tiều phu. Từ đó Sâm không còn công hiệu giúp cho người ta được trường sinh bất tử nữa, mà uống Sâm chỉ được bồi dưỡng sức khỏe thôi.

    Sự tích cây Nhân Sâm
    Sự tích cây Nhân Sâm
    Sự tích cây Nhân Sâm
    Sự tích cây Nhân Sâm

  2. Sự tích cây cọ có gai là truyện cổ tích của người dân tộc Dao, cho thấy sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người cũng như lý giải vì sao cây cọ có gai.


    Ngày xửa ngày xưa, không ai biết rõ từ đời nảo đời nào, chỉ biết rằng đã từ rất lâu rồi, từ thuở Giàng mới tái tạo ra muôn loài, khi ấy muôn loài trên mặt đất đều biết nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ chung. Lúc ấy, cả bảy loài kết bạn với nhau thân lắm: ấy là “Tào mèo” (beo), “Tào chiếp” (gấu), “Tào gọi” (chồn hôi), hươu, nai và người. Tuy gọi là thân nhau nhưng ai cũng tự cho mình là hơn cả, chẳng ai chịu phục tài ai. Lúc nào sáu con vật kia cũng nghĩ cách để khoe tài, để bắt sau “người bạn” phải phục tùng, sợ sệt. Một hôm, Tào mào thấy mình đầy sức mạnh, chắc chắn là phải hơn hẳn các bạn. Vì thế, nó hung hăng bảo với sáu bạn:

    – Xưa nay ai cũng biết tôi là chúa tể cả một vùng rừng núi. Các anh đã nghe tôi gầm bao giờ chưa? Nhất định các anh phải hoảng sợ lắm.

    Sau bạn kia thấy thế đều đáp:

    – Sợ gì anh? Chỉ được cái bộ gầm gừ thế thôi chứ làm được việc gì? Chúng tôi không sợ!

    Tào mào nghe thế tức lắm bèn nhảy tót vào rừng gầm lên một tiếng thật to. Gào xong, nó vênh mặt trở ra hỏi:

    – Đã thấy chưa? Tôi gầm lên một tiếng mà nghe cây rừng vặn mình răng rắc. Các anh thấy có ghê không?

    Nhưng sáu bạn kia vẫn chỉ thản nhiên lắc đầu, chẳng tỏ vẻ hoảng sợ gì cả.

    Tào chiếp lê chân nặng nề ra đứng trước các bạn:

    – Đấy là Tào mào mới xoàng thế thôi, chứ còn tiếng kêu của tôi thì hùng dũng lắm. Tôi thì các anh biết cả rồi đấy, cứ nói đến gấu là ai cũng phải kính nể. Cây cỏ cứng thế nào tôi cũng cắn đứt. Cây cao bao nhiêu tôi cũng trèo được. Ong thấy tôi phá tổ ăn mật, dù có kéo nhau hàng ngàn, hàng vạn con đốt tôi, tôi cũng không sợ. Các anh có sợ tôi không?

    Cả bọn liền đáp, vẻ coi thường:

    – Tiếng kêu của Tào mào muôn cây phải sợ rụng cả lá còn chẳng làm ai trong bọn tôi sợ hãi, thì tiếng kêu của anh đọ làm sao nổi.

    – Được, rồi các anh sẽ thấy.

    Tào chiếp nghĩ bụng thế, rồi cũng hăm hở chạy vào rừng. Từ trong đám cây vọng ra tiếng “lục khục, lục khục” rất to, nhưng đến lúc nó chạy ra hỏi thì các bạn kia vẻ mặt vẫn không có gì là sợ hãi. Tào chiếp lè lưỡi, cào trên mặt đất, vừa ngượng vừa buồn.

    Tào gọi thấy hai bạn đều không làm được gì, nhưng vốn tính nó láu táu nên nhảy ngay ra.

    – Tôi tuy bé hơn, nhưng tiếng kêu thì nghe the thé chói cả tai. Các anh cứ đợi đấy. Nghe xong chắc hẳn các anh sẽ hồn bay kinh vía bạt.

    Cả bọn cùng cười rộ lên:

    – Cậu bé loắt cha loắt choắt, bé hơn cả Tào mào, Tào chiếp. Xưa nay chả ai coi cậu vào đâu, kêu làm gì cho phí hơi, mệt sức!

    Tào gọi luồn tọt vào bụi rậm kêu “ét, ét!”, rồi vội ló ngay ra hỏi:

    – Sợ chưa? Sợ chưa?

    Nhưng cả bọn kia lại càng cười to hơn. Tào gọi đành ngồi thè lưỡi, liếm bàn chân cho đỡ ngượng.

    Nai bước lại gần các bạn, dõng dạc nói:

    – Tôi cao, có sừng, lại chạy nhanh như gió. Các anh có sợ tôi không?

    Cả bọn nói:

    – Không sợ!

    Nai phóng xuống chân núi kêu “ắc ắc!” mấy tiếng, rồi hỏi các bạn. Cả bọn đáp:

    – Không sợ! Anh kêu vui tai lắm. Kêu nữa đi.

    Hươu ngoe nguẩy cái đuôi cụt, lún cún đến trước mặt các bạn, nói:

    – Tôi nhẹ người, nhẹ thân, nhanh nhẹn như con sóc. Tôi nhảy một bước xa sáu bảy sải, các anh có sợ không?

    Cả bọn cười khẩy:

    – Chúng tôi to lớn thế này còn chẳng ai sợ, cậu bé loắt choắt thế kia, ai mà thèm sợ chứ!

    Hươu xuống núi kêu mấy tiếng “óng, óng!”, rồi chạy lên hỏi các bạn. Cả bọn nói:

    – Cậu hát hay quá, hát nữa đi!

    Đến lượt người hỏi:

    – Các anh có sợ người không?

    Cả bọn đáp:

    – Dữ như Tào mào, ác như Tào chiếp, lếu như Tào gọi, chạy nhanh như hươu, như nai còn chẳng ai sợ nữa là! Anh là người, sức lực được bao nhiêu, làm sao mà chúng tôi phải sợ anh kia chứ!

    Người không nói gì, đủng đỉnh đi vào rừng cầm đá đánh quẹt, lửa bật sáng như chớp, rồi hỏi vọng ra:

    – Các anh nhìn thấy chưa? Đã thấy người tài chưa?

    Cả bọn nói to:

    – Cái ấy khi trời mưa thấy luôn, có gì lạ?

    Người lại lấy đá nhóm lửa, châm vào đám lá khô. Ngọn lửa bùng lên, cháy loang khắp mọi chỗ. Khu rừng sáng rực lửa và tiếng cành cây khô nổ lốp đốp làm cả bọn sợ hãi, quay đầu chạy mỗi con một phía.

    Tào mào nhanh chân vượt qua đống lửa chạy thoát, mình chỉ bị bén tí lửa nên từ đấy mình có vằn đen. Chú Tào chiếp mình nặng nề, chập chạp nên khi chui được ra khỏi khu rừng thì khắp người đã cháy đen sì. Vì thế chú ta cứ đen như vậy cho đến tận ngày nay. Hươu, nai chạy thoát được vòng lửa, nhưng cả người cũng bị ám khói nên vàng cả lông đến tận bây giờ.

    Tào chiếp chân thấp, chạy thục mạng nhưng quay đầu về phía nào cũng chỉ thấy lửa đỏ. Lẽ ra chú ta bị chết thiêu rồi đấy. Nhưng Tào chiếp ta gặp may, đang chạy thì chú gặp gốc cọ. Cọ lên tiếng trước:

    – Chạy đi đâu mà vội vàng thế kia?

    – Lửa đuổi đến nơi rồi kia kìa! – Tào chiếp run sợ hỏi – Anh không thấy hay sao? Lửa sẽ đến đây và đốt cháy cả anh đấy, anh cọ ạ!

    Cọ bình thản đáp:

    – Tôi mặc nhiều áo lắm. Có cháy cũng không chết được tôi đâu. Anh có sợ thì núp vào tàu lá của tôi, tôi nép mình che cho anh khỏi chết cháy.

    Tào chiếp vội chui vào giữa tàu cọ để tránh lửa. Lúc ngọn lửa đã đi qua, Tào chiếp mới biết mình thoát chết, nhưng tàu lá cọ thì héo quắt lại. Nhìn thấy vậy, Tào chiếp thấy mình may mắn và rất biết ơn cây cọ tốt bụng, liền bảo:

    – Anh Cọ ơi, anh tử tế quá. Thấy tôi gặp nạn anh có bụng cứu tôi thoát chết, còn anh thì cháy sém cả thế kia. Tôi xin đền anh thứ này.

    Nói xong, Tào chiếp liền bẻ một cái răng cắm vào cuống tàu cọ, rồi bảo:

    – Vì tôi mà anh bị yếu người đi, tôi xin biếu anh cái răng sắc nhọn của tôi để nó đứng bên mình anh cho khỏi bị kẻ khác xô vào bắt nạt, anh lại chẳng thể đi đâu được, có cái răng nhọn bên mình cho thêm cứng cáp.

    Từ đấy cây cọ mới mọc lên đầy gai dài, xếp xòe ra như cái ô dù, che mưa che nắng. Muôn loài rất sợ những cái gai sắc nhọn, không dám bén mảng gần, vì thế, loài cọ cứ tha hồ mọc lan rông ra hết đồi này đến đồi khác.

    Nhưng con người không như các loài khác, không lẩn tránh những đồi cọ, mà người lấy luôn những tàu lá ấy về làm vật che nắng, che mưa ngay trên nóc nhà mình.

    Sự tích cây cọ có gai
    Sự tích cây cọ có gai
    Sự tích cây cọ có gai
    Sự tích cây cọ có gai
  3. Sự tích cây hoa Đại là truyện cổ tích Việt Nam, ngoài việc giải thích về nguồn gốc cây hoa Đại, còn ngợi ca tình bạn gắn bó giữa một em bé và chú hươu con.


    1. Em bé và hươu con

    Ngày xưa, có một em bé nghèo, rất thương mẹ mà đành phải xa mẹ, đi ở cho một lão đồ tể chuyên giết lợn. Lão đồ tể ngày ngày bắt em lên rừng kiếm củi thể đun nước giết lợn, cạo lông. Những ngày đầu, em còn phải bám theo các bác đốt than cho biết đường đi, đường về. Nhưng sau đó em đi một mình. Dăm ngày một lần, em lại đi đường vòng xa hơn, để ghé qua nhà thăm mẹ cho đỡ nhớ. Nhân tiện em biếu mẹ một mớ củi và một ít sim rừng, ổi rừng.

    Đường lên núi phải qua một ngôi chùa nhỏ ở ngay lưng núi. Lên đến chỗ kiếm được củi thì mặt trời cũng vừa lên cao. Em bé nhìn xuống chân núi tìm bến nước và túp lều của mẹ. Xa quá, em không thấy gì nhưng cũng nhìn cho đỡ nhớ.

    Một hôm, em đang chặt củi ở bên một sườn núi thì bỗng thấy ở dưới một cái hố sâu có một chú hươu con bị sa xuống đó từ lúc nào không rõ. Chú hươu con lo lắng, chỉ biết im lặng. Chú mở to đôi mắt, ngẩng đầu lên nhìn quanh, như đợi mẹ đến cứu mình.

    Chú bé cũng nhìn quanh xem hươu mẹ có ở đâu đó không, nhưng chỉ thấy cây rừng và tiếng gió chạy vòng quanh chân núi. Em bé liền lần xuống hố, ẵm chú hươu con lên. Thấy người, lúc đầu chú hươu con cũng lo sợ. Nhưng chỉ một lúc, chú đã để yên cho em bé vuốt ve. Em bé bứt một ít cỏ non cho hươu con ăn, rồi lại bẻ một miếng cơm nhỏ xíu ở cái nắm cơm không lớn bằng nắm tay của mình, chấm vào muối bón thử cho hươu con. Hươu con chưa quen ăn cơm, nhưng hình như thích cái vị mằn mặn của muối.

    Em bé muốn đem con hươu con về nhà mẹ nhưng sợ lão chủ biết. Còn đem về nhà lão chủ, thì lão sẽ thịt mất con hươu của mình. Lão vẫn thường nói với mọi người là nào rất thèm thịt hươu. Em vẫn nhìn xung quanh và mong đợi hươu mẹ trở lại để cho hươu con được gặp và sống với mẹ. Mình cũng còn thích sống gần mẹ nữa là.

    Chờ mãi không thấy, mà trời đã xế chiều. Em bé tìm một cái hang nhỏ, cho hươu con vào đó và lấy đá chặt kín lại.

    – Ngày mai ta sẽ lên với hươu con! Hươu con đừng lo, cứ ngủ cho ngon nhé!

    Hôm sau, em bé lại lên rừng. Em thở phào mừng rỡ khi thấy hươu con vẫn còn đó. Gặp lại các em, hươu con cũng cũng vui lắm, cứ lấy mũi ngửi ngửi vào tay em.

    – À! Mày lại muốn ăn cơm với muối chứ gì?

    Chú bé lại bẻ một miếng cơm nhỏ xíu, chấm vào muối rồi bón cho hươu con. Em lại đi hái cỏ non mang đến. Trong lúc chặt củi, em cho hươu con đứng cạnh. Có hươu con, em chặt củi không mệt chút nào.

    Từ đó, em bé và hươu con trở thành đôi bạn, ngày nào cũng gặp nhau, nhưng đêm cũng phải xa nhau. Thương hươu con không có mẹ, lại quấn quýt với mình, nhiều đêm em bé nằm mơ gặp hươu con và đùa giỡn với nó.


    2. Lão đồ tể ác độc trong truyện Sự tích cây hoa Đại

    Một đêm, lào đồ tể thức dậy ra sân xem trời gần sáng chưa để giết lợn. Bỗng hắn nghe ở dưới bếp tiếng em bé đang nằm nói mê, rõ thành lời như đang thức:

    – Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc tôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

    Lần ấy lão không để ý mấy. Nhưng sau đó, lão lại nghe bọn người nhà mách là em bé cứ thường nói mê như thế. Và cái câu em hay nói nhất vẫn là câu này:

    – Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc tôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

    Lào đồ tể cau đôi mày sâu róm lại nghĩ bụng:

    – Biết đâu lại chẳng có hươu thật!

    Lão sai người nhà lén theo em bé lên rừng. Tên người nhà ranh ma lên rừng, thấy hết cảnh em bé cùng chú hươu con gặp nhau và sống bên nhau suốt cả ngày. Hắn về mách với lão chủ. Lão chủ liền nói:

    – Đúng vậy thì ngày mai tao sẽ đi xem. Chúng mày theo tao bắt cho kì được con hươu về.

    Hôm sau, em bé lại lên rừng. Lòng em vui biết bao nhiêu. Mới chỉ một thời gian ngắn, hươu con đã lớn lên trông thấy và ngày càng tỏ ra khôn ngoan không ngờ. Hình như em bé nói gì, nghĩ gì, hươu con đều hiểu được cả, và ngoan ngoãn làm theo, Nhưng hôm đó, khi em vừa đón hươu con ở trong hang ra, chưa kịp cho hươu ăn, lão đồ tể cùng với hai tên người nhà đã ập tới. Em bé đành hét lớn:

    – Hươu ơi chạy đi!

    Thấy hươu con chần chừ. Em bé bèn phát vào cổ nó một cái thật mạnh, và quát:

    – Chạy đi!

    Hươu con hiểu ý, phóng như bay vào rừng. Lão đồ tể và hai tên người nhà đuổi theo nhưng không kịp. Huơu con lẫn vào với cây cỏ, không biết đâu mà tìm.

    Lão đồ tể giận lắm, quay lại đánh em bé một trận. Trong cơn điên tiết, lão lấy luôn một hòn đá ném vào người em bé. Không may, hòn đá lại trúng vào đầu. Em bé ngã lăn ra, nằm không động đậy. Lão đồ tể bỏ mặc em giữa rừng, cùng hai tên người nhà trở về. Hươu con chạy rất xa, lên một đỉnh đồi nhìn xuống. Thấy lão đồ tể độc ác cùng hai tên người nhà đã về thật rồi, hươu con chạy xuống với bạn thân thiết của mình. Hươu con hà hơi ấm vào lưng và ngực em bé. Một lúc lâu sau em bé tỉnh dậy. Thấy hươu con, em mừng quá, ôm lấy cổ hươu và khóc.

    – Không có hươu thì ta chết rồi!

    Người và hươu kéo nhau đi sang khu rừng khác, tránh ngày mai lão đồ để lại có thể đưa người và dắt cả chó lên theo. Phải đi thật xa, thật xa. Vì vậy, đã khuya rồi, trăng đã lặn mà vẫn có hai cái bóng nhỏ, em bé và hươu con nương vào nhau mà đi.

    Vết thương ở trên đầu đau nhức nhưng muốn cứu hươu, cứu mình, em bé cố bước đi. Lúc nào mệt quá em lại ngồi xuống, hươu con lại quấn quýt như vỗ về, an ủi, lại hà hơi ấm vào lưng, vào ngực em bé.

    Hôm sau, lão đồ tể đưa người và chó lên thật. Nhưng lùng sục mãi không thấy hươu đâu, lão đành hập hực trở về. Không thấy xác em bé, lão cũng hơi lo lo, không biết là thú rừng đã ăn thịt hay em bé đã sống lại.

    Em bé ở với huơu mấy ngày liền trong khu rừng xa, tìm lá để chữa vết thương. Người và hươu toàn ăn quả rừng, cỏ rừng để sống. Được mấy ngày, nhớ mẹ quá, em bé nói với hươu con:

    – Hươu ơi, ta nhớ mẹ quá. Ta về thăm một bữa, rồi sẽ trở lên ngay với hươu.

    Hươu con như hiểu được ý em bé. Nó mở to đôi mắt nhìn người chủ nhỏ. Đôi mắt nó bỗng ươn ướt như đang khóc. Rồi nó gật đầu liền mấy cái. Nó đưa cho người chủ nhỏ ra tận bìa rừng và quay lại đứng trên một hòn đá to nhìn theo.


    3. Nỗi lòng của em bé

    Em bé về gặp mẹ, được cho hay là cách đây vài hôm, lão chủ có sai người đến dò hỏi, xem em bé có trốn về không… Mẹ em không hề hay biết là em bị lão đánh suyết chết. Em về thì cũng gặp ngay người chú đi chèo thuyền thuê ghé thăm. Nghe chuyện em kể, người chú liền nói:

    – Đã vậy thì cháu cứ theo chú. Chú sẽ giúp cho cháu ăn học nên người.

    Em bé lo lắng:

    – Nhưng còn hươu con?

    – Hươu con ở trong rừng thì có gì mà cháu lo?

    – Cháu hẹn với hươu con sẽ trở lên với nó mà!

    – Hươu con làm sao mà hiểu được lời người nói?

    – Chú ơi, nó hiểu được đấy. Nó tiễn cháu đi, còn biết khóc nữa kia mà!

    – Thì cháu cứ theo chú ăn học. Nay mai khôn lớn cháu trở về. Lúc đó sẽ gặp lại hươu không muộn.

    – Liệu hươu có chờ cháu không?

    – Có chứ! Nó khôn vậy thì nó sẽ biết chờ.

    – Cháu chỉ thương nó sống một mình, nó sẽ buồn lắm.

    – Cháu đừng lo! Rồi nó sẽ tìm đàn, nhập đàn mà sống.

    – Nhưng rồi nó có quên cháu không?

    – Nó khôn ngoan, nó thương cháu thì sẽ không quên cháu đâu.

    Em bé đánh nghèo theo lời chú dỗ dành của chú và mẹ. Chỉ khổ cho em là ngay tối hôm đó, người chú đã phải cho thuyền rời bến để đi về cho kịp ngày đã hẹn với chủ thuyền. Đêm đó, em bé cứ ngồi ở đầu mũi thuyền nhìn lên ngọn núi cao.

    – Hươu con ơi! Hươu chờ ta nhé! Ta sẽ về, sẽ đưa hươu xuống dưới này sống với mẹ con ta.

    Lòng em bé muốn vậy, nhưng cuộc đời đâu có phải ai muốn gì thì được nấy. Em bé về với ông chú, được ông chú gửi cho ăn học ở nhà một ông đồ nghèo nhưng rất thương người. Trong một chuyến đi xa, thuyền ông chú bị đẵm. Ông chú không về nữa. Em bé được ông đồ nuôi dạy, nhưng từ đó phải ở luôn với ông. Đường về quê mẹ xa quá, em càng thấy thương mẹ gấp bội. Sau đó vài năm em nghe tin mẹ mất…

    Hết thương mẹ, em lại nhớ đến hươu, chú hươu con ngày nào, nhưng em cứ tin là chú hươu bây giờ đã lớn và nhập đàn sống với đồng loại của nó. Chắc hẳn nó đã quên mình.


    4. Con hươu có nghĩa

    Nhưng hươu kia không quên. Hươu vẫn nhớ người bạn, người chủ nhỏ của mình. Hươu chỉ lạ sao loài người lại khác nhau vậy. Người thì tốt như em bé. Người thì ác như lão đánh em và hai cái tên cứ chực tuổi bắt cho được hươu.

    Một hôm, từ trên mỏm đồi cỏ tranh cao, hươu bỗng thấy có bóng người đi lại ở ngôi chùa. Từ xa hươu cứ tưởng trong đấy có em bé, bạn và chủ của mình, người đã cứu mình. Hươu liền đi về phía ngôi chùa. Nhưng hươu cũng biết nghĩ chưa chắc là cậu bé, nếu không cậu ấy đã đi tìm gặp mình. Dù sao cũng cứ đến gần xem…

    Những con người này có vẻ cũng không phải là ác như cái lão đồ tể và hai tên kia. Hươu đến sát chân chùa thì bỗng nghe một tiếng chuông đánh. Tiếng chuông đánh gần quá làm hươu hoảng hồn. Hươu phóng thẳng một mạch vào rừng sâu.

    Nhiều năm trôi qua, hươu lớn lên, sừng bắt đầu mọc. Đôi sừng cao khỏe, nhưng nhìn hươu vẫn rất hiền lành. Hươu vẫn còn ý chờ gặp lại người chủ người bạn chủ cũ. Đời hươu không thể dài bằng đời người. Hươu đã trở thành con hươu đầu đàn. Một hôm, hươu bỗng gặp một đoàn người đi đốt than. Hươu muốn đến gần, nhưng vẫn còn e ngại.

    Chờ cho họ về hết, hươu mới rời đàn, một mình đến gần chỗ họ đã ngồi tụ tập với nhau. Một ít muối của những người đốt than còn để rơi lại. Hươu nếm cái vị mằn mặn của muối bỗng thấy nhớ người bạn của mình không chịu nổi. Thế là hươu để lại đàn cho một con hươu khác, rồi một mình tìm đến chốn cũ, nơi có cái hang xưa hươu đã sống ở đó, để ngày ngày chờ cậu bé đã cứu mình.

    Cái hang vẫn còn nguyên, cỏ mọc quanh miệng hang rất tốt, rất xanh. Nhưng hươu mỗi ngày một già dần. Mặt trời sắp lặn. Hươu già nằm xuống, giấu mình trong bụi cây rậm ở ngay bên hang. Hươu cảm thấy mình không thể đứng dậy được nữa. Một thời gian sau, hươu già chết, chết ở ngay bên miệng hang.


    5. Sự tích cây hoa Đại

    Người bạn của hươu lúc này ở xa, đã có vợ, có con. Một hôm thấy người đi bán sừng hươu, anh bỗng nhớ lại chuyện cũ và kể cho vợ con nghe. Anh nhắc lại câu nói năm xưa khi cho hươu ăn:

    – Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc đôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

    Đứa con lập tức đòi bố phải đưa về thăm quê, viếng mộ bà và đi lên rừng tìm xem chú hươu có còn không. Thương con, nhớ mẹ và nhớ hươu, một thời gian sau, người bố đưa vợ con về quê. Hỏi người trong làng, mới biết lão đồ tể độc ác một hôm dẫn chó lên rừng săn hươu, bị rắn độc cắn chết. Thật là đáng đời nhà lão.

    Thăm mộ mẹ xong, người bố đưa con lên rừng. Đường vẫn phải đi ngang qua ngôi chùa nhỏ ở dưới lưng núi. Hai bố con đi mãi, đi mãi. Trong gió bỗng có mùi hương, vừa gần gũi, vừa xa xôi. Mùi hương như chào đón, như dẫn đường. Theo mùi hương, hai bố con đến ngay được chỗ cái hang ngày xưa đã giấu chú hươu con. Cả hai bố con sửng sốt, cùng đứng im lặng. Bên cạnh miệng hang có một giống cây lạ đang nở đầy hoa. Mùi hoa thơm đậm. Nhìn kỹ thì cành cây rất giống những cái sừng hươu.

    Có mấy người đốt than đi qua. Họ kể rằng, trước đây, ngay tại chỗ cây hoa đang nở, có một con hươu già từ đâu không biết, đến đó rồi nằm chết luôn, mà không ai hay. Sau đó, ở gần miệng hang, bỗng thấy xuất hiện một giống cây lá to giống tai hươu, cành giống sừng hươu.

    Người bố nghe nói, đoán ngay đấy là chú hươu con ngày xưa. Thì ra chú vẫn nhớ mình, lớn lên vẫn nhớ và chờ đợi mình về nữa. Lòng đời ân hận, người bố liền nói:

    – Hươu ơi! Ta muốn về sớm với hươu mà nào có về được. Dù sao bây giờ ta cũng đã gặp lại nhau.

    Hai bố con cùng khấn, xin hươu cho mình mấy cành cây lạ mang về làng quê để trồng, để luôn nhớ tới hươu.

    Lúc hai bố con đi ngang qua chùa, các ông sư nghe kể cũng cảm thương về chuyện con hươu có nghĩa, nên họ xin người bố một cành cây lạ để trồng trước sân chùa. Cây hoa ấy là cây hoa Đại ngày nay. Có người bảo, chữ Đại là do chữ Đợi, chờ đợi mà có. Cây hoa Đại, lá to giống tai hươu, cành giống sừng hươu đã đành, mà những bông hoa cũng giống như những con mắt hươu đang mở tròn, mở to để trông ngóng, chờ đợi.

    Sự tích cây hoa Đại
    Sự tích cây hoa Đại
    Sự tích cây hoa Đại
  4. Sự tích cây Quất ngày Tết là truyện cổ tích Việt Nam, ngợi ca tấm lòng dũng cảm, cao thượng của chàng trai câm điếc và sự ra đời của cây Quất ngày Tết.


    Bỏ qua mặc cảm câm điếc, Quất Giỏi đã dũng cảm xông pha diệt giặc cứu nước và dùng ngay phần thưởng của mình để xóa tan băng giá, đem lại sự bình yên cho mọi người. Đó cũng chính là lòng cao thượng của một anh hùng.


    1. Quất Giỏi vào kinh thành

    Ngày xưa, có ba người bạn nhỏ chơi rất thân với nhau. Thư thích đọc sách ngâm thơ. Mộc ham trồng cây, hái cỏ. Quân mải xem đánh võ, múa đao. Không may mắn như các bạn, Quân vừa bị câm lại vừa bị điếc. Tay chân của Quân nhanh nhẹn và như nói được thành lời. Xem người múa đao, đánh võ, Quân về nhà cũng tập đánh võ, múa đao.

    Ngày ngày, cha mẹ Quân đi lên rừng đẵn củi. Quân cầm roi, đánh trâu lên, kéo củi về nhà. Không có dao, Quân cầm roi múa, đánh suốt ngày không biết chán. Quân lớn nhanh hơn hai bạn, người to cao và khỏe mạnh ít ai bì. Quân cứ chập hai, ba, rồi bốn, năm cây mây lại cho vừa tay, cân sức để tập luyện. Ngọn roi của Quân, mỗi lần múa lại vù vù như bão nổi. Gặp trăn dữ, Quân vụt một cái, trăn dữ đứt đôi; gặp hổ ác, Quân quật một roi, hổ ác toác đầu. Người quanh vùng thấy tài quất roi của Quân liền gọi là Quất Giỏi.

    Năm ấy, đất nước đang yên thì có tin giặc dữ kéo đến. Giặc đông tiến ào ào như sóng. Vũ khí chúng nhiều, nhìn tua tủa như rừng mía, rừng lau. Tên tướng giặc lại có phép tinh: dao chặt vào người, đứt chỗ nào thịt da lại liền ngay chỗ ấy. Vua cho quan quân đi tìm người tài giỏi để giết giặc. Quất Giỏi xin phép cha mẹ lên đường về kinh. Thư cho Quất Giỏi cây bút đẹp nhất, Mộc cho Quất Giỏi bị gạo ngon nhất.

    Thấy Quất Giỏi đến, vua liền hỏi:

    – Liệu ngươi có đủ sức để giết chết tên tướng giặc kia không?

    Tưởng vua hỏi cầm gì ở tay, Quất Giỏi liền giơ lên cây bút Thư đã cho mà dọc đường Quất Giỏi đã đánh rơi mất cái đầu. Quan thấy vậy liền tâu:

    – Anh ta quyết sẽ chặt bay đầu giặc.

    Vua lại hỏi:

    – Liệu đánh bao lâu thì trừ được giặc kia?

    Tưởng vua hỏi mang gì ở vai, Quất Giỏi liền mở bị ra. Quan liền tâu:

    – Anh ta hứa, ăn hết chừng ấy gạo thì giặc không còn!

    Vua hỏi thêm:

    – Dẹp xong giặc, ngươi muốn ta thưởng gì cho xứng đáng?

    Tưởng vua hỏi kiếm đâu, Quất Giỏi liền giơ ngang cây roi mây to lớn đang cầm ở tay. Ngọn cây roi chỉ vào một cây chanh đầy quả. Quan liền tâu:

    – Tâu bệ hạ, chắc anh ta biết bệ hạ có cây chanh quả bằng vàng nên có ý xin chăng?

    Vua gật đầu:

    – Được! Ta sẽ không tiếc gì với ngươi cả.


    2. Sự tích cây Quất ngày Tết

    Quất Giỏi ra hiệu, xin vua đúc ngay cho anh một cây roi sắt ba cạnh, nhỏ như cây mây, nhưng dài bằng cây tre. Quất Giỏi cầm roi sắt, cưỡi voi ra trận. Tên tướng giặc cũng vừa cưỡi voi, kéo quân đến sát kinh thành. Vừa thấy Quất Giỏi, tên tướng giặc đã cười khẩy vuốt râu:

    – Chú nhãi! Định cầm roi đến phủi bụi áo giáp ta đó à?

    Hắn chưa dứt lời, đường roi của Quất Giỏi đã rít lên nghe lạnh gáy.

    Một bên hông của tên giặc bị rách toác. Nhưng trong nháy mắt, thịt da hắn đã lại kín liền. Hắn lại vung cây đại đao sáng loáng to hơn cả cái mái chèo, chém xuống đầu Quất Giỏi. Quất Giỏi tránh được và cắn răng, lấy hết sức lực vút một đường roi thứ hai. Cây cối quanh đấy như bị bão lốc, rạp cả xuống như lạy quỳ. Tên tướng giặc cúi đầu tránh được đường roi, nhưng vừa ngẩng lên thì đã bị ngay một đường roi thứ ba nhanh hơn chớp tiện ngang cổ tên giặc. Đầu hắn rơi cạnh chân voi, lăn đi lông lốc.

    Vua mừng rỡ đón Quất Giỏi thắng trận trở về.

    Vua vừa hỏi:

    – Tướng giặc bay đầu thực rồi ư?

    Lạ thay, lúc này Quất Giỏi bỗng đã nghe được, nói được:

    – Tâu bệ hạ, giặc có phép tinh liền được da thịt, nhưng không liền được đầu!

    Vua liền thưởng cho Quất Giỏi cây chanh quý lóng lánh quả bằng vàng và bảo:

    – Muốn lấy vàng thì hái quả, muốn xua rét gọi nắng thì bẻ cành trồng xuống đất sâu!

    Quất Giỏi cảm tạ vua, mang cây quý về làng.

    Năm đó, trời trở rét dữ, Quất Giỏi về đến quê thì thấy mùa màng sắp hỏng mười mươi. Thư đang ốm vì chịu rét không nổi. Mộc đang âu sầu vì cây cối Mộc trồng đều sắp chết đến nơi. Không ngần ngại, Quất Giỏi liền bẻ từng cành cây chanh vàng cắm sâu xuống đất. Cái rét bỗng tan đi, mây mù biến mất. Sáng ra lại thấy mặt trời trở về rực rỡ, vui tươi. Người người khỏe lại. Cây cỏ đâm chồi, chim chóc líu lo.

    Bà con khắp nơi mừng rỡ, lạ lùng…

    Ba người bạn từ đó càng yêu thương nhau hơn. Thư học giỏi đi thi đỗ Trạng nguyên. Mộc gây được giống lúa hạt cứ to dần, cơm cứ dẻo thơm lên.

    Quất Giỏi xách roi đi giết thú dữ quanh vùng cho bà con yên ổn làm ăn. Ai ai cũng vui sướng. Từ đấy mỗi năm, mùa Đông, hễ cây chanh quả vàng đơm quả là nắng về.

    Xuân sang. Người ta lấy tên Quất Giỏi đặt cho cây. Cây Quất có bắt đầu từ đấy…


    Đôi nét về cây Quất

    Cây Quất có danh pháp khoa học là Citrus japonica, thuộc chi cam chanh. Đây là một loài thực vật thân gỗ cao từ 1-1,5m. Thân cây dẻo dai, có vỏ màu xám và có nhiều nhánh mọc hướng xung quanh. Trên thân cây có gai nhọn mọc dài. Quả hình tròn, khi còn non quả quất xanh đậm và dần chuyển sang màu vàng cam khi chín.


    Quất thường được trồng làm cây cảnh mỗi dịp Xuân về với ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc đầu năm. Cách trang trí cây quất ngày Tết cũng khá phong phú và mang nét đặc trưng của vùng miền.

    Trong Đông y, quả Quất được dùng như một vị thuốc chữa các chứng bệnh do lạnh gây ra như viêm họng, lạnh bụng, cảm, v.v…


    Theo truyện dân gian Việt Nam, nguồn gốc của loài cây này được kể lại qua câu chuyện Sự tích cây Quất kể trên.

    Sự tích cây Quất ngày Tết
    Sự tích cây Quất ngày Tết
    Sự tích cây Quất ngày Tết
    Sự tích cây Quất ngày Tết
  5. Sự tích cây Nhọ Nồi là truyện cổ tích Việt Nam, nội dung kể về một cô gái tốt bụng hết lòng chăm sóc, cứu chữa cho mọi người và nguồn gốc của cây Nhọ Nồi.


    1. Người con gái khéo tay, tốt bụng

    Ngày xưa ở một làng kia có một cô gái rất xinh. Cô có dáng người mảnh mai, đặc biệt cô có đôi mắt xanh biếc, dài và nhọn. Cô lại khéo tay, chỉ là quần áo nâu sòng, nhưng cô may rất đẹp. Cô làm lấy những chiếc cúc trai tròn, nhỏ, có những nét chạm, khắc tinh vi. Mỗi chiếc cúc lóng lánh trên áo như một bông hoa phát sáng.


    Người ta bảo cô mát tay. Khóm rau nào cô trồng cũng xanh mơn mởn. Con gà mái nào cô nuôi cũng đẻ trứng rất sai… Cô lại sẵn lòng chăm sóc, chữa bệnh cho những người đau ốm. Một chút nước suối cô vỗ lên người già, người già lui cơn sốt nóng. Một nắm lá đắp cho trẻ em, trẻ em hết cơn sài đẹn.


    Một hôm, có giặc ở nước láng giềng kéo sang xâm lược. Cái làng nhỏ của cô ở gần biên giới bị giặc tràn qua. Chúng chặt phá vườn cây, châm lửa đốt nhà. Tàn lửa bay đầy trời như những đám mây đen dữ tợn. Những chiếc khung nhà rực hồng như làm bằng sắt nung đỏ. Trai làng ra trận hết. Cô gái cùng với một số bạn bè đưa các cụ già và trẻ em đi lánh giặc.


    Giặc đi qua rồi, một mình cô quay về thu dọn đồ đạc cho xóm làng. Cô đi dập tắt những đám lửa, bới tro than nhặt nhạnh những đồ ăn, thức đựng còn sót lại, bắt nhốt những con lợn, con gà sổng chuồng, chạy lạc. Cô làm suốt ngày không nghỉ, đầu tóc, áo quần phủ đầy tro than…


    2. Vị tướng quân gan dạ trong truyện Sự tích cây Nhọ Nồi

    Trời về chiều. Lúc ấy, có một đoàn quân của ta, người ngựa kéo đến, tìm đường đuổi theo quân giặc. Chính bọn giặc bị quân ta đánh tan, sống sót vừa chạy qua đốt phá làng này. Đoàn quân của ta do một vị tướng trẻ tuổi chỉ huy. Tướng quân mặc áo đen, cưỡi một con ngựa bóng loáng như một tầm lĩnh. Bụi ở vó ngựa bốc lên, trông như ngựa đi trên mây. Tướng quân đầu quấn chiếc khăn xanh màu lá mạ, lông mày đen như hai vết mực tàu đậm nét. Mặt ông vuông, quai hàm bạnh ra như góc chiếc bánh chưng bẻ lá dừa. Hai hàm răng ông nghiến chặt như đang nén một nỗi đau ghê gớm.


    Mà quả vậy. Kìa, vai áo ông xẻ toang một bên, cánh tay trái của ông để trần, một dòng máu chảy dài từ trên xuống. Và, gần vai, một mũi tên cắm chặt, chiếc vè tên chồng lên như một cái đuôi cá! Thì ra tướng quân vừa bị một mũi tên của kẻ thù bắn trúng, ông mải đuổi tàn quân giặc nên chưa kịp rút ra.


    Đến làng này, tướng quân dừng ngựa. Ông cho gọi quan thầy thuốc đến chữa vết thương. Quan thầy thuốc là một vị lão y, tóc bạc, nhưng mắt sáng lạ thường. Lão y đã từng nhiều phen đi chiến trận, đã cứu cho nhiều tướng sĩ bị thương. Lão y chằm chằm nhìn vào mũi tên cắm vào bắp thịt tướng quân. Mỗi nhịp thở của vị tướng máu lại tràn ra xối xả trên cánh tay, máu lại thấm cả vào những thớ tre và dâng lên đỏ cả nửa cây tên.


    Lão y nhìn thẳng vào mặt tướng quân:

    – Thưa tướng quân, nếu tôi có thể chặt cánh tay tôi lắp vào cánh tay người, nếu tôi có thể trút cạn dòng máu của tôi sang cơ thể người, tôi không ngần ngại. Còn cây tên này, nếu nhổ ra thì mũi thép sẽ mắc lại, không có cách nào lấy ra được.



    3. Rút tên cho tướng quân

    Lão y cho báo tin khắp làng ai có thể chữa được vết thương cho tướng quân, sẽ được thưởng rất hậu. Quân lính đi gọi khắp làng, không tìm được ai. Tìm mãi chỉ thấy một cô gái đang dọn dẹp giữa đám tro than, một cô gái dáng thon thả, khắp người đầy than bụi, mặt mũi đen nhẽm như trát nhọ nồi, chỉ có hai con mắt xanh biếc và hàng cúc áo trước ngực lấp lánh. Đó chính là cô gái mát tay.


    Tướng quân lúc này đã quá mệt. Mặt ông tái dần, mắt ông nhắm lại. Nhưng giọng nói trong như tiếng đàn bầu của cô gái đã làm ông tỉnh dậy. Ông hé mắt, đôi mắt xanh biếc của cô gái làm ông như thấy một bầu trời xanh dịu mát, có làn gió thổi hiu hiu.


    Quan thầy thuốc già bảo cô gái:

    – Cô có biết quanh đây ai là người giỏi thuốc, xin mách giùm ta.


    – Dạ, xóm làng lánh lạn hết, còn mình cháu. Xin cho cháu được xem thử vết thương của tướng quân.

    Cô gái vội vàng rửa tay. Hai bàn tay được rửa sạch bỗng hiện ra trắng ngần, những ngón tay dài mềm mại. Cô gái vừa đặt bàn tay lên vai thì tướng quân bỗng rùng mình thấy khắp người mát rượi. Vết đau vừa rồi cháy bỏng và giật đùng đùng giờ đây dịu hẳn và cơn sốt lùi hẳn đi như cơn oi bức được trận gió nồm thổi bạt.


    Tướng quân từ từ mở mắt và nở một nụ cười. Những ngón tay cô gái nhẹ nhàng lướt trên bắp vai tướng quân xoa nhẹ và từng li, từng li một đẩy được mũi tên trồi lên dần dần và thoắt một cái, cô đã rút được cây tên ra cả ngạnh. Tướng quân nghiến răng ghìm một tiếng rên rồi bỗng thở phào, sắc mặt ông hồng hào trở lại. Bàn tay cô gái áp chặt cho vết thương khép miệng và dòng máu từ từ cầm lại…


    Tướng quân cảm thấy mình khoẻ hẳn lên. Trời vừa tối thì đoàn quân lại lên đường để kịp đuổi giặc.


    Tướng quân ra đi chỉ còn nhớ cô gái mặt nhọ nhem có đôi mắt dài xanh biếc và hàng cúc áo bằng trai như những bông hoa trắng nhỏ. Mọi người quên không hỏi tên cô và dọc đường khi nhắc đến, ai cũng gọi cô là “Cô gái Nhọ Nồi“.


    4. Câu chuyện Sự tích cây Nhọ Nồi

    Mấy năm sau, giặc xâm lược đã bị đánh tan, tướng quân mới có dịp trở lại cái làng nhỏ kia. Tướng quân hỏi thăm cô gái nhưng không biết tên cô là gì. Chỉ thấy xóm làng kể lại rằng có một cô gái mát tay hết lòng chăm sóc cho mọi người đau, ốm. Mấy năm qua, giặc nhiều lần tràn qua cái làng vùng biên giới này. Cô gái đã cứu chữa cho nhiều bà con giữa mũi tên hòn đạn của giặc. Và trong một lần xông xáo giữa trận tiền, không may cô đã ngã xuống.


    Tướng quân thầm nghĩ đến cô gái chữa vết thương cho mình ngày trước. Bỗng ông thấy, bên bờ rào, ngay dưới chân mình, có một cây nhỏ, thấp độ gang tay. Lá của cây xanh biếc, nhọn dài, như con mắt rất thân thương đang nhìn mình. Mấy chiếc hoa trắng nhỏ xíu như những chiếc khuy trai lấp lánh. Ông bồi hồi đứng hồi lâu.


    Một cụ già nói với tướng quân:

    – Đó là cây cỏ Nhọ Nồi. Lá cây đắp vết thương là cầm máu ngay tức khắc. Chính cô gái mắt xanh đã ngã xuống nơi này, thưa tướng quân.


    Và câu chuyện Sự tích cây Nhọ Nồi người ta kể lại từ đó.

    Sự tích cây Nhọ Nồi
    Sự tích cây Nhọ Nồi
    Sự tích cây Nhọ Nồi
    Sự tích cây Nhọ Nồi
  6. Sự tích cây xấu hổ mà nhiều người vẫn gọi là truyện sự tích cây hoa trinh nữ kể về tấm lòng trinh trắng của một cô gái xinh đẹp cũng như nguồn gốc hình thành của cây xấu hổ ngày nay.


    Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái rất đẹp. Xóm làng ai ai cũng trầm trồ khen ngợi. Tên của cô gái là Trinh, hình vóc mảnh mai, dáng đi yểu điệu. Đặc biệt cô có đôi mắt đen huyền che khuất sau đôi hàng lông nheo vừa dài, vừa sậm.


    Hàng ngày, cô Trinh phải gánh rau ra chợ bán để nuôi mẹ già và em dại. Trên đường ra chợ, hễ có cậu con trai nào tán tỉnh, nhòm ngó, cô luôn e thẹn cúi đầu. Hai hàng lông nheo lại sụp xuống, che khuất đôi mắt đen huyền xinh đẹp.


    Đã có sắc đẹp lại có đức tính tốt như thế, thử hỏi ai mà không yêu được chứ!


    Trong xóm có một anh học trò con nhà giàu có đem lòng yêu mến cô gái. Ngày ngày, anh đều kiếm cớ đứng đợi ở bên đường khi Trinh tan chợ, chỉ mong được tâm sự vài lời với người mình yêu. Nhưng đều bị cô Trinh từ chối khéo:

    – Chuyện trăm năm, phải nhờ sự ưng thuận của cha mẹ tôi ở nhà.


    Nhuốm bệnh tương tư, một hôm anh học trò lén đi theo sau cô mà trộm ngắm. Thừa lúc vô ý, anh chạy lại nắm lấy tay cô. Cô vội giật ra. Nghiêm nét mặt nói:

    – Cậu đừng làm vậy mà thất giáo. Tôi đây thà chết chứ không bao giờ để mình hoen ố.


    Bệnh tương tư của anh học trò ngày càng thêm trầm trọng. Cha anh là một bá hộ trong vùng, cho rằng con trai đã lớn, cần phải có người nâng khăn sửa túi. Vì thế, ông tìm một nơi môn đăng hộ đối, để định gia thất cho con.


    Nưng anh học trò vẫn không giải được cơn sầu. Phải chi cô Trinh là con nhà giàu có thì bố mẹ mới cho anh cưới được. Ngặt vì hoàn cảnh của cô rất nghèo khó. Sống với người vợ không vừa ý, anh học trò vô cùng phẫn chí, đi tới đi lui như xác không hồn. Sau đó, anh ta đi theo học một thầy đồ có tiếng ở một nơi rất xa.


    Thời gian thấm thoát không biết mấy thu qua xuân lại rồi mà hình ảnh cô Trinh vẫn còn ghi trong tâm não của anh học trò.


    Một hôm trở về làng cũ, anh ta đi thẫn thờ ra sau vườn mé sông ngắm cảnh. Bỗng nhiên, từ trong bụi rậm, cô Trinh bước ra. Anh học trò bất ngờ, đứng sững lại nhìn. Cô Trinh cất tiếng hát, giọng trong trẻo, mê ly lạ thường.


    Chợt nhìn thấy anh học trò thủa nào, cô Trinh run rẩy, day mặt lại toan chạy trốn. Anh học trò vội chạy theo, nắm tay cô, rồi ôm vóc ngọc vào lòng. Rõ ràng là đôi mắt đen huyền ngày xưa khuất sau hai hàng lông nheo dài sậm. Cậu cúi mặt xuống để hôn. Nhưng hỡi ôi nàng tắt thở. Cậu giật mình, mới biết nãy giờ mình đang cúi xuống đất mà hôn một đóa hoa màu trắng hồng, xung quanh đầy lá nhỏ mịn, thứ lá xếp lại khi có hơi gió, hoặc hơi thở nào động tới.


    Hỏi ra thì hay cô Trinh đã tự tử từ hai năm trước, vì có kẻ tham quan vô lại dùng quyền lực toan cưỡng bức cô. Cho hay! Chữ Trinh đáng giá biết mấy. Dẫu chết xuống âm cảnh, người thiếu nữ vẫn giữ được sự trong sạch của tâm hồn mình.


    Đóa hoa mà anh học trò đã hôn từ đó được gọi là hoa mắc cỡ hay hoa trinh nữ, hoa xấu hổ.

    Sự tích cây xấu hổ
    Sự tích cây xấu hổ
    Sự tích cây xấu hổ
  7. Sự tích cây Thì Là là truyện dân gian Việt Nam, kể về nguồn gốc tên gọi của các loài cây cũng như bài học về sự hấp tấp, nôn nóng trong cuộc sống.


    Ngày xưa, cây cối trên trái đất đều chưa có tên gọi. Trời bèn gọi các cây lên để đặt cho mỗi loại cây một cái tên. Nghe tin đó, đám cây cối mừng lắm và mỗi loại đều cử một cây lên trời để nhận tên.


    Lên đến trời, trên một bãi rộng, các cây to, nhỏ, cao, thấp đứng chen chúc nhau. Trời ngồi trên một gò cao, lần lượt đặt tên cho các cây to rồi đến cây nhỏ. Trời trỏ tay vào từng cây và đặt tên:

    – Chú thì ta đặt tên cho là cây dừa;

    – Chú thì ta đặt tên cho là cây cau;

    – Chú thì đặt tên cho là cây mít;

    – Chú thì tên là cây nhãn;

    – Chú thì tên là cây hồng…


    Trời nói mãi, mỏi cả mồm mà vẫn chưa hết.


    Vì vậy, lúc đầu trời còn nói câu dài. Về sau, trời chỉ nói vắn tắt:

    – Chú thì là cây cải;

    – Chú là cây ớt;

    – Chú là cây tỏi…


    Khi tất cả các loài cây đều đã có tên, trời tưởng hết, bỗng còn một cây tiến đến chỗ trời để xin đặt tên. Trời nhìn thấy một cây nhỏ xíu như que hương, thân mảnh khảnh, lá lăn tăn. Trời hỏi:

    – Chú bé tí xíu, có ích gì mà cũng xin đặt tên?


    Cây nhỏ liền thưa:

    – Thưa Trời, con rất có ích. Khi nấu canh riêu cá hoặc làm các món ăn như chả cá, chả mực mà không có con thì mất cả ngon.


    Trời liền bảo:

    – Ừ, ta sẽ nghĩ cho một cái tên. Tên chú thì… là…


    Trời còn đang suy nghĩ, chưa biết nên đặt tên là gì, khi nhìn xuống thì cây nhỏ đã chạy đi xa rồi. Nó mừng rỡ nói với bạn bè: Trời đặt cho tôi là cây “Thì Là“!

    Sự tích cây Thì Là
    Sự tích cây Thì Là
    Sự tích cây Thì Là
  8. Sự tích cây Lúa là truyện thần thoại Việt Nam, ngoài việc lí giải về sự ra đời của cây Lúa, câu chuyện còn giải thích phong tục cúng nữ thần Lúa một số nơi.


    1. Nữ thần Lúa

    Nữ thần Lúa là một cô gái xinh đẹp, dáng người ẻo lả và có tính hay hờn dỗi.


    Nàng là con gái Ngọc Hoàng. Sau những trận lụt lội ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị diệt hết, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con đẻ cái trên mặt đất và sai Nữ thần Lúa xuống trần gian, nuôi sống loài người.


    Nữ thần làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mẩy hạt. Lúa chín tự về nhà không cần gặt và không phải phơi phóng gì cả. Cần ăn, cứ ngắt bông bỏ vào nồi là lúa sẽ thành cơm.


    2. Nữ thần hờn dỗi và câu chuyện Sự tích cây Lúa

    Một hôm, cô con gái nhà kia đang bận việc. Sân chưa quét dọn, cửa kho cũng chưa mở, lúa ở ngoài đã ùn ùn kéo về. Cô gái cuống quít và đâm cáu. Sẵn tay đang cầm cái chổi, cô đập vào đầu bông lúa mà mắng:

    – Người ta chưa dọn dẹp xong đã bò về. Gì mà hấp tấp thế.


    Nữ thần Lúa đang dẫn các bông lúa vào sân, thấy sân, đường bẩn thỉu vương đầy rác rưởi đã bực trong lòng, lại bị phang một cán chổi vào đầu, tức lắm. Cả đám lúa đều thốt lên:

    – Muốn mệt thì ta cho mệt luôn. Từ nay mang hái tre, liềm sắc ra cắt, chở ta về.


    Từ đó, nữ thần Lúa dỗi, nhất định không cho lúa bò về nữa. Người trần gian phải xuống tận ruộng lấy từng bông. Thấy vất vả mệt nhọc quá, người ta mới chế ra liềm hái để cắt lúa cho nhanh. Và lúa cũng không tự biến thành cơm nữa, mà phải phơi phóng, xay giã cho ra gạo.


    Sự hờn dỗi của nữ thần Lúa còn đôi khi cay nghiệt hơn nữa. Nữ thần vẫn giận sự phũ phàng của con người, nên nhiều lần đã cấm không cho các bông lúa nảy nở. Có kết hạt thì cũng chỉ là lúa lép mà thôi. Vì thế sau này mỗi lần gặt xong là người trần gian phải làm lễ cúng hồn Lúa, cũng là cúng thần Lúa. Có nơi không gọi như thế thì gọi là cúng cơm mới. Cúng hồn Lúa, cơm mới, do các gia đình tổ chức trong nhà mình.


    Các làng, các bản cũng phải mở những ngày hội chung để cúng thần Lúa. Trong những ngày hội ấy, mở đầu cho các cuộc tế tự và trò vui, thường có một tiết mục hấp dẫn, gọi là “Rước bông lúa”. Các trò Trám (Vĩnh Phú), trò Triêng (Thanh Hóa), trò thổi tù và cây Hồng (Nghệ An, Hà Tĩnh… đều có rước bông lúa như vậy).

    Sự tích cây Lúa
    Sự tích cây Lúa
    Sự tích cây Lúa
  9. Cách đây lâu lắm rồi, khi ấy còn chưa có loài người, trái đất còn hoang vu lắm, thấy vậy Ngọc Hoàng bèn lấy một nắm đât và nhỏ vào đó một giọt nước thần để tạo ra một chàng trai. Rồi Ngọc Hoàng dạy cho chàng trai biết săn bắn, biết làm nhà, sau đó đưa chàng xuống trần gian.


    Thế nhưng chàng trai chỉ biết có săn bắn mà không hề biết gì về trồng trọt, nên không thể phủ màu xanh lên trái đất. Thấy vậy Ngọc Hoàng bèn sai một Tiên nữ chuyên trông coi việc đồng áng - vốn là con gái của thần Mưa và thần Gió - xuống trần để giúp đỡ chàng trai. Nhưng không ngờ khi xuồng trần, họ lại mải mê yêu nhau nên làm Ngọc Hoàng vô cùng tức giận.


    Người bắt cô gái - Tiên nữ kia về trời, nhưng nàng nhất quyết không rời chàng trai. Quá tức giận, Ngọc Hoàng liền vung tay, biến chàng trai thành trăm nghìn hạt nhỏ, mà ngày nay nguời ta gọi là Cát. Còn cô gái cứ ôm lấy chàng trai chỉ còn là những hạt cát nhỏ mà khóc lóc, dù cho Mẹ nàng là thần Mưa hết lòng khuyên giải, mặc cho Cha nàng là thần Gió hết sức tức giận.


    Nàng cứ ở đó khóc mãi, khóc mãi… cho đến một ngày thể xác nàng biến thành một thứ cây toàn thân đầy gai nhọn, như để chống cự vì không muốn bị bắt về trời, còn rễ cây thì ăn sâu vào trong lòng cát nóng bỏng như cánh tay cô gái ôm chặt lấy chàng trai không muốn rời.


    Và nếu như vô tình bạn chạm vào thân cây thì sẽ thấy một dòng nhựa trắng chảy ra, như dòng nước mắt chất chứa cả ngàn năm của cô gái. Loài cây đó được gọi là Xương Rồng.


    Thần Mưa do quá buồn bã mà từ cô con gái, thế nên ở sa mạc nóng bỏng, nơi chỉ có Cát và Xương Rồng mà cả năm chẳng hề có một giọt mưa. Còn thần Gió dù đã ngàn năm trôi qua nhưng vẫn còn tức giận, vẫn còn muốn cướp lại con gái của mình nên thỉnh thoảng lại tạo nên những cơn bão khổng lồ cuốn tung những hạt cát nhỏ bé, thế nhưng vẫn chẳng thể nào chia rẽ được tình yêu của họ. Bởi vì… tình yêu thực sự sẽ chiến thắng tất cả!

    Sự tích cây Xương rồng
    Sự tích cây Xương rồng
    Sự tích cây Xương rồng
  10. Năm ấy, trời hạn hán. Cây cối chết khô vì thiếu nước, bản làng xơ xác vì đói khát. Nhiều người phải bỏ bản ra đi tìm nơi ở mới. Ở nhà nọ chỉ có hai mẹ con. Người mẹ ốm đau liên miên và cậu con trai lên 7 tuổi. Cậu bé tên là Aưm, có nước da đen nhẫy và mái tóc vàng hoe. Tuy còn nhỏ nhưng Aưm đã trở thành chỗ dựa của mẹ. Hằng ngày, cậu dậy sớm vào rừng kiếm măng, hái nấm, hái quả mang về cho mẹ.


    Nhưng trời ngày càng hạn hán hơn. Có những lần cậu đi cả ngày mà vẫn không tìm được thứ gì để ăn.Một hôm, vừa đói vừa mệt cậu thiếp đi bên bờ suối. Trong mơ, cậu nhìn thấy một con chim cắp quả gì to bằng bắp tay, phía trên có chùm râu vàng như mái tóc của cậu. Con chim đặt quả lạ vào tay Aưm rồi vỗ cánh bay đi. Tỉnh dậy Aưm thấy quả lạ vẩn ở trên tay. Ngạc nhiên, Aưm lần bóc các lớp vỏ thì thấy phía trong hiện ra những hạt màu vàng nhạt, xếp thành hàng đều tăm tắp. Aưm tỉa một hạt bỏ vào miệng nhai thử thì thấy có vị ngọt, bùi. Mừng quá, Aưm cầm quả lạ chạy một mạch về nhà.


    Mẹ của cậu vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Thương mẹ mấy ngày nay đã đói lả, Aưm vội tỉa những hạt lạ đó mang giã và nấu lên mời mẹ ăn. Người mẹ dần dần tỉnh lại, âu yến nhìn đứa con hiếu thảo. Còn lại ít hạt, Aưm đem gieo vào mảnh đất trước sân nhà. Hằng ngày, cậu ra sức chăm bón cho cây lạ. Nhiều hôm phải đi cả ngày mới tìm được nước uống nhưng Aưm vẫn dành một gáo nước để tưới cho cây. Được chăm sóc tốt nên cây lớn rất nhanh, vươn những lá dài xanh mướt. Chẳng bao lâu, cây đã trổ hoa, kết quả.


    Mùa hạn qua đi, bà con lũ lượt tìm về bản cũ. Aưm hái những quả lạ có râu vàng hoe như mái tóc của cậu biếu bà con để làm hạt giống. Quý tấm lòng thơm thảo của Aưm, dân bản lấy tên câu bé đặt tên cho cây có quả lạ đó là cây Aưm, hay còn gọi là cây ngô. Nhờ có cây ngô mà từ đó, những người dân Pako không còn lo thiếu đói nữa.

    Sự tích cây ngô
    Sự tích cây ngô
    Sự tích cây ngô



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy