Top 7 Bài văn nghị luận xã hội về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam hay nhất

Hà Ngô 262 0 Báo lỗi

Yêu nước là một truyền thống quý báu ngàn đời của cả dân tộc. Yêu nước là yêu những thứ bình dị và nhỏ bé nhất. Và tình yêu biển đảo chính là một phần trong ... xem thêm...

  1. Tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay đang có những diễn biến phức tạp đe dọa trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Trước tình hình căng thẳng của biển Đông, "Thanh niên cần làm gì để bảo vệ Tố quốc?", là câu hỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ khi đề cập đến thời sự biển Đông.


    Biển đảo Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của người Việt Nam. Điều này đã được chứng minh bằng lịch sử và các tài liệu khoa học. Các tư liệu khoa học và pháp lý được công bố hiện nay, đều thể hiện quá trình khai phá, chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam: bắt ngư dân Việt làm ăn, tấn công các tàu Việt trên vùng biển của chính Việt Nam, ngang ngược xây dựng thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa...


    Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.


    Đê bảo vệ chủ quyền biển đảo, thanh niên, học sinh cần nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng chủ quyền biến đảo và giá trị to lớn chủ quyền mà ông cha ta đã đổ xương máu để xây dựng; về lịch sử Việt Nam đặc biệt là lịch sử địa lý liên quan đến chủ quyền biển đảo, về lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... tìm hiểu rõ chính sách ngoại giao nhất quán của Đảng

    và Nhà nước ta về vấn đề biển Đông cũng như nội dung của luật pháp, chế độ pháp lý của các vùng biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.


    Thanh niên cần hưởng ứng tích cực các diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, khẳng định chủ quyền biển đào của Việt Nam trên các diễn đàn, đồng thời kịch liệt lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.


    Thanh niên phải là hậu thuẫn, là cho dựa tình cảm vững chắc của những người lính biển đảo, bằng những việc làm thiết thực như gửi thư đến các lính Hải đảo để chia sẻ động viên và tiếp sức cho các anh thêm nghị lực để trông giữ biển đảo.

    Điều quan trọng nữa là không ngừng tu dưỡng phẩm chất người Việt Nam mới, tích cực tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh, có định hướng lý tưởng yêu nước và đoàn kết thì chúng ta sẽ kết nối khối sức mạnh lớn đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó sẵn sàng chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp vào công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương bằng tất cả những gì mình có thể.

    Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc được cha ông truyền lại. Trách nhiệm của tuổi trẻ nói riêng là ra sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ này như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn "các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt trong mỗi người con dân đất Việt, biển đảo Việt Nam nói riêng và biển Đông nói chung đã trở thành một hữu thể không tách rời. Cuộc sống của nhân dân ta từ bao đời nay đã gắn bó với biển, đảo trên những con thuyền ra khơi đánh dấu chủ quyền và bảo vệ bờ cõi đất nước. Vấn đề chủ quyền biển đảo luôn là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu trong các mục tiêu của quốc gia, bởi chủ quyền biển đảo cũng chính là chủ quyền lãnh thổ dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo là bảo vệ cuộc sống và tương lai của chúng ta.


    Biển đảo của nước ta bao gồm hai bộ phận là vùng biển và hệ thống các đảo, quần đảo. Vùng biển của Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2 bao gồm 5 bộ phận: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa. Lãnh thổ nước ta có đường bờ biển dài 3260km với 28 tỉnh, thành phố giáp biển, vùng biển của nước ta tiếp giáp với 8 quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Campuchia, Sin-ga-po. Nằm trong vùng biển nước ta có hơn 4000 đảo lớn nhỏ, đảo lớn nhất là Phú Quốc (Kiên Giang), hai quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa) và 12 huyện đảo thuộc 9 tỉnh. Biển đảo của Việt Nam từ xa xưa đã được chứng minh chủ quyền và trở thành bộ phận cấu thành nên phạm vi chủ quyền lãnh thổ của nước ta, biển cùng với đảo và quần đảo chính là hệ thống tiền tiêu để bảo vệ đất liền, là căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương. Khẳng định được chủ quyền của nước ta đối với biển đảo chính là cơ sở để khẳng định chủ quyền với vùng biển, thềm lục địa xung quanh đảo. Vấn đề chủ quyền biển đảo hiện nay vô cùng phức tạp do sự xâm phạm chủ quyền bất hợp pháp của các quốc gia trên vùng biển và đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, hàng nghìn những bằng chứng lịch sử từ ngàn đời đã chứng minh việc chiếm hữu và thực thi quyền chủ quyền đối với hai quần đảo này từ khi chúng còn là vùng đất vô chủ. Với các vùng biển, đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ta cũng đã khẳng định và thực thi chủ quyền một cách rõ ràng, liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định của quốc tế.


    Vấn đề chủ quyền biển đảo luôn là vấn đề nóng bởi các nước trong khu vực đều nhận thức được vị trí chiến lược của biển Đông, nơi đây vừa là ngã tư đường hàng hải quốc tế lại có nguồn tài nguyên giàu có nên các quốc gia quanh biển Đông đã chú ý và tích cực các hoạt động tranh chấp, khai thác và xâm phạm. Trước những sự khuấy động và tác động tiêu cực của các quốc gia xung quanh, nước ta luôn phải giải quyết vấn đề tranh chấp về chủ quyền vốn đã được Liên Hợp Quốc và cả thế giới công nhận. Đối với các vùng biển, đảo xảy ra tranh chấp nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, nước ta luôn khẳng định chủ quyền không tranh cãi, khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Đông. Trong những năm gần đây, những tranh chấp diễn ra trên biển đảo ảnh hưởng không nhỏ đến tình tình trật tự an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân biển đảo, Đảng và Nhà nước ta luôn dựa trên những pháp lý quốc tế để có những thỏa thuận với những nước trong khu vực, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trên hòa bình, làm rõ chủ quyền với một số vùng biển, đảo và quần đảo có tranh chấp. Chúng ta luôn bảo vệ cho quyền chủ quyền đối với biển đảo quốc gia, mỗi người dân Việt Nam đều được trang bị kiến thức về biển đảo và chủ chủ quyền biển đảo của dân tộc, ý thức sâu sắc về sự thiêng liêng của biển đảo đối với đất nước. Bên cạnh đó, ta tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để khẳng định chủ quyền của mình trên biển Đông, khẳng định với toàn thế giới rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.


    Thế hệ chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình là nhờ công ơn của cha anh đã ngã xuống bảo vệ quê hương, đất nước, biển đảo thân thương. Chính vì vậy, chúng ta phải tích cực học tập, lao động và rèn luyện hơn nữa để góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc. Trang bị cho mình kiến thức về chủ quyền biển đảo, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời lên án và đấu tranh với những hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Vùng biển Việt Nam

    “Biển trời của chúng ta, đảo gọi ngàn tiếng ca

    Từng ngày con sóng vỗ, một màu xanh bao la

    Biển trời biết mấy yêu thương, đảo là gấm vóc quê hương

    Ngàn năm cha ông mở cõi, giờ đây ta quyết giữ gìn”


    Đây chính là những lời ca trong bài hát “Biển đảo quê hương”, đúng như bài hát nói, biển trời, đảo chính là gấm vóc quê hương. Cha ông ta đã dựng xây, mở mang bờ cõi, và nhiệm vụ của thế hệ chúng ta chính là giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo cho dân tộc.


    Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Việt Nam có một không gian biển rộng lớn, không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống cho các thế hệ người Việt mà còn là nơi hình thành nên các cơ tầng văn hóa Việt và cũng là nơi lưu giữ các trầm tích văn hóa Việt tự bao đời nay.


    Biển đảo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển dân tộc. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, biển đảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển, thiết lập quan hệ giao thương với lân bang và xác lập chủ quyền và an ninh biển quốc gia. Biển đảo là nhà của rất nhiều ngư dân, những người phải đi mây về gió, chống chọi với bão tố. Đây cũng là nguồn lợi du lịch của những thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… Với một hệ sinh thái biển đặc sắc, Việt Nam tự hào là một điểm đến kỳ thú đối với bạn bè năm châu.


    Thế nhưng, hiện nay, biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tiên là từ vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Các số liệu thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 70% chất thải đổ ra biển có nguồn gốc từ đất liền khi các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, bệnh viện, thuốc bảo vệ thực vật…. mà lượng lớn chất thải này chưa được xử lý, thông qua hệ thống thoát nước xả thẳng ra các sông, trăm sông đổ về biển hoặc xả trực tiếp ra biển, mang theo một lượng lớn các chất bồi lắng, nhựa, hóa chất, kim loại, cặn dầu, thậm chí cả những chất phóng xạ. Tiếp theo là do ý thức của người dân khi đi tắm biển, đi tham quan, họ vô tư vứt rác, vứt chai nhựa xuống biển mà không quan tâm đến hệ sinh thái. Ngoài ra, vấn đề nghiêm trọng hơn cả đó là sự mất an ninh của biển đảo, sự đe dọa của các nước đến vấn đề chủ quyền. Ngoài kia, những người chiến sĩ hải quân nơi hải đảo xa xôi đang ngày đêm bảo vệ độc lập chủ quyền cho đất nước, cho giấc ngủ của chúng ta.


    Để có thể giữ gìn, bảo vệ biển đảo cho đất nước, em nghĩ cá nhân mỗi học sinh cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức về biển đảo, cập nhật tình hình thời sự về vấn đề môi trường, an ninh chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tích cực học tập kiến thức quốc phòng, an ninh, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng; Tích cực tham gia các phong trào của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phong trào mùa hè xanh, phong trào thanh niên tình nguyện hướng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Nhà trường nên tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, thông qua đó giáo dục các bạn học sinh về tình yêu quê hương, đất nước.


    Mỗi cá nhân là một cánh tay góp sức vào công cuộc bảo vệ đất nước. Tình yêu quê hương không phải thứ để ép buộc, mà là tình cảm của mỗi người trong quá trình trưởng thành, phát triển. Như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết:


    “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ"

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Hiện nay, biển đảo đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của đất nước ta. Tuy nhiên, chủ quyền biển đảo đang đối mặt với nhiều thách thức và tranh chấp, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo ở nước ta. Chúng ta - cần vững tin rằng lịch sử đã khẳng định, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. chúng ta không chấp nhận những việc làm phạm pháp, vi phạm ranh giới lãnh thổ. Việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là một vấn đề đáng quan tâm, cần được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả.


    Vấn đề chủ quyền biển đảo đang trở thành một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, đặc biệt là khi các quốc gia này đang cạnh tranh để có được tài nguyên tự nhiên quý giá trên biển. Các tranh chấp chủ quyền biển đảo không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh và ổn định trong khu vực mà còn gây rối loạn tình hình kinh tế và thương mại quốc tế. Hơn nữa, việc không giải quyết tốt tranh chấp chủ quyền biển đảo có thể dẫn đến các xung đột vũ trang, gây nguy hiểm cho sự sống của hàng triệu người dân trong khu vực. Để giải quyết vấn đề chủ quyền biển đảo, các quốc gia trong khu vực cần tôn trọng các nguyên tắc quốc tế về luật biển và chủ quyền biển đảo.


    Để việc bảo vệ chủ quyền biển đảo tốt nhất, ngoài việc tôn trọng các nguyên tắc quốc tế về luật biển và quốc tế, các quốc gia trong đó có Việt Nan cần tăng cường hợp tác, giao lưu và đối thoại với nhau để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Điều này giúp tránh được các xung đột vũ trang và đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển của khu vực. Đồng thời, cần có các cơ chế và thủ tục hiệu quả để giải quyết tranh chấp một cách công bằng và chính đáng.


    Bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đất nước ta. Vì vậy, cần có sự tham gia tích cực của các đối tác quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có sức ảnh hưởng và tài nguyên kinh tế lớn, để giúp các quốc gia trong khu vực giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Để làm được như vậy thì nhân dân ta cần thiết phải tích cực tuyên truyền, truyền bá các tư tưởng, khẳng định chủ quyền biển đảo.


    Cuối cùng, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, mỗi người dân, mỗi cá nhân cần nâng cao năng lực quân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân và an ninh biển. Việc nâng cao năng lực quân sự sẽ giúp các quốc gia ta có thể đối phó với các thách thức an ninh từ các quốc gia khác trong khu vực và đảm bảo an ninh và ổn định trên biển đảo.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Biển đảo được hiểu là khu vực nước thuộc lãnh thổ của một quốc gia được bao quanh bởi các vùng nước trên mặt biển. Biển đảo có vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người và các loài sinh vật trên Trái Đất. Tầm quan trọng của biển đảo là rất lớn. Đầu tiên, biển đảo là nguồn tài nguyên quý giá cho con người, bao gồm nguồn lương thực, dầu khí, khoáng sản và các loài sinh vật biển. Biển cũng cung cấp cho con người nguồn thu nhập thông qua các hoạt động đánh bắt hải sản, du lịch và vận chuyển hàng hóa.


    Bên cạnh đó, biển đảo đối với nước ta hiện nay còn đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Hầu hết hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển và các con đường tàu biển quan trọng nhất đi qua các khu vực biển đảo. Thứ ba, biển đảo cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường. Biển đảo là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật và vi khuẩn, và là nguồn cung cấp oxy cho hầu hết sinh vật sống trên Trái Đất. Tuy nhiên, biển đảo cũng đang đối mặt với các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và các hoạt động xây dựng hạ tầng trên biển. Vì vậy, việc bảo vệ biển đảo và sử dụng tài nguyên biển đảo một cách bền vững là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cho con người và các loài sinh vật khác.


    Bảo vệ chủ quyền biển đảo là một vấn đề rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có đường bờ biển dài, trong đó có Việt Nam ta. Việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đồng nghĩa với việc đảm bảo an ninh và sự phát triển bền vững cho đất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

    Hiện nay, nước ta đang phải đối mặt với vấn đề tranh chấp về chủ quyền biển đảo, cụ thể là Hoàng Sa và Trường Sa. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, nước ta cần tăng cường hoạt động tuần tra và kiểm soát trên biển. Điều này bao gồm cả các hoạt động của các tàu cá và tàu thương mại, đặc biệt là các tàu của các quốc gia khác.


    Nhà nước Việt Nam cần có những chiến lược và kế hoạch chặt chẽ để bảo vệ các vùng biển quan trọng của mình, đồng thời phối hợp với các nước khác trong việc ngăn chặn các hoạt động phi pháp và giải quyết các tranh chấp biển đảo. Bên cạnh đó, nước ta cần tập trung đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để tăng cường khả năng giám sát và kiểm soát trên biển. Các công nghệ như các hệ thống định vị vệ tinh, các thiết bị phát hiện và theo dõi, các thiết bị giám sát môi trường và các công nghệ thông tin liên lạc sẽ giúp các chiễn sĩ, cơ quan có thẩm quyền nước ta nắm bắt thông tin và phản ứng nhanh chóng đối với các hoạt động phi pháp trên biển. Ngoài ra, nước ta cần đưa ra các chính sách phù hợp để khuyến khích ngư dân và các tổ chức kinh tế đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Theo các nhà nghiên cứu thì chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam từ thế kỷ thứ XVII. Từ đó đến nay, việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này là rõ ràng, liên tục thể hiện trong sử sách, văn bản và trên hoạt động thực tế phù hợp với nguyên tắc luật phát quốc tế.


    Về sử sách, trong cuốn “Phủ biên tạp lục” do nhà bác Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 ghi rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Nghĩa; trong bộ bách khoa “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú biên soạn năm 1821 chép về Hoàng Sa rất cụ thể từ địa thế, sản vật đến việc tổ chức Đội Hoàng Sa; trong bộ sử ký “Đại Nam thực lục chính biên” (1848) do Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn soạn cũng ghi chép sự kiện các vua triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị) chiếm hữu các đảo Hoàng Sa, cho xây miếu, dựng bia, trồng cây, vẽ bản đồ các đảo này; hay trong “Đại Nam nhất thống chí” là bộ sách địa lý chính thức của nước Việt Nam (1865-1910), đã xác định các đảo Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi;…


    Trên các bản đồ cổ, theo “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (1630-1653), đã gọi hai quần đảo bằng tên chung là Bãi Cát Vàng và ghi nó vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa; trong “Giáp Ngọ bình Nam đồ” (1774), Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam; trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (1838), trên bản đồ có ghi hai tên “Hoàng Sa” và “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam; hay “Bộ Atlas thế giới” của Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Brussels là một bằng chứng hùng hồn về giá trị pháp lý quốc tế cao, bổ sung vào kho bằng chứng khổng lồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.


    Về thực thi chủ quyền (XVII - XIX), các nhà nước Phong Kiến đã lập ra đội Hoàng Sa sau này thêm đội Bắc Hải để tiến hành chiếm hữu, khai thác, đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời kỳ thuộc Pháp, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Trong thời kỳ 1954 - 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện việc bảo vệ, khai thác và quản lý đối quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên tất cả các phương diện. Sau năm 1975, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt năm 1982 Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa và huyện Trường Sa, mà nay huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.


    Trên một số tài liệu nước ngoài cũng khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, như: các tác giả Le Poivre (1740), J Chaigneau(1816-1819), Taberd (1833), Gutzlagip (1840)… từng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay cả các tác giả người Trung Quốc cũng từng viết sách nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, như nhà sư Thích Đại Sán trong cuốn “Hải ngoại ký sự” (1696) đã xác nhận các chúa Nguyễn hàng năm cho thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở vùng Vạn lý Trường Sa. Trong các Hội nghị quốc tế, như: Hội nghị Cairo (11/1943), Hội nghị Potsdam (7/1945), Hội nghị hòa bình San Francisco (8/1951), Hội nghị Geneva (1954), Hiệp định Paris (1973) đều khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.


    Như vậy, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

    Với mưu đồ “bành trướng”, mở rộng chủ quyền lãnh thổ quốc gia, từ trước đến nay Trung Quốc luôn dùng nhiều chiêu trò để xâm chiếm vùng biển, đảo, quần đảo trên biển đông, trong đó Hoàng Sa, Trường Sa là đối tượng mà Trung Quốc chú trọng hướng tới. Chẳng hạn, năm 1956 Trung Quốc đã đưa quân ra xâm chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa; năm 1974, Trung Quốc dùng không quân và hải quân chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988, Trung Quốc đã đánh chiếm các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi; năm 1995 đánh chiếm bãi đá Vành Khăn;… Thời gian gần đây, năm 2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” để “quản lý” quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa) và Trung Sa (bãi Macclesfield). Tháng 9/2017, Trung Quốc đưa ra chiến thuật mới là “Yêu sách Tứ Sa”, đòi hỏi chủ quyền với 4 nhóm đảo gồm 3 nhóm trên và thêm Đông Sa (quần đảo Pratas hiện do Đài Loan quản lý), đòi hỏi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế xung quanh. Tháng 4/2020, Trung Quốc tiếp tục thông qua quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa” nâng cấp đơn vị hành chính để thay mặt nhà nước Trung Quốc “quản lý” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cùng với đó, họ công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể. Nhiều đảo đá và thực thể này xuất hiện ở phần phía tây Biển Đông và nằm dọc theo "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra. Trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý,…


    Những gì Trung Quốc đã và đang làm hoàn toàn không có cơ sở lịch sử, giá trị pháp lý. Đấy là hành động “đổi trắng thay đen” với mưu đồ chiếm đoạt biển Đông như họ đã vạch ra bằng “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn”. Những hành động của Trung Quốc là ngang ngược, trắng trợn vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Chúng ta kiên quyết đấu tranh phản đối sự ngang ngược, trắng trợn đó. Bởi vì, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


    Hoàng Sa, Trường Sa là một máu phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải nắm chắc những cơ sở lịch sử pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cùng chung sức, đồng lòng đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, dựa vào “thế trận lòng dân” để kiên trì, kiên quyết, bền bỉ từng bước đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần làm cho nhân loại tiến bộ, kể cả nhân dân Trung Quốc hiểu rõ sự thật, đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thành nội dung đấu tranh ở Liên hiệp quốc, trong dư luận quốc tế. Nhắc lại câu nói của cha ông, để càng thêm khẳng định kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam:“Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Top 7

    .

    “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biểnCó một phần máu thịt ở Hoàng SaNgàn năm trước con theo cha xuống biểnMẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường SaĐất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặcCác con nằm thao thức phía Trường SơnBiển Tổ quốc chưa một ngày yên ảBiển cần lao như áo mẹ bạc sờn”


    Mỗi lần đọc bài thơ này của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tôi lại thao thức về biển về Hoàng Sa – Trường Sa. Trong tôi lại hiện lên thật kiêu hãnh dáng đứng của những người lính đảo xa giữa mênh mông đại dương đang canh giữ cho quê hương yên bình giấc ngủ.


    Khi sinh ra tôi đã sống trong thời bình, bom đạn chiến tranh, những ngày đói khổ dường như tôi chưa từng biết đến và trải qua. Tôi chỉ biết lịch sử, quá khứ đáng tự hào của dân tộc qua những trang sách sử, qua báo đài. Từ những trang sách ấy tôi đã lớn lên chan chứa một tinh thần biết ơn với tiền nhân, với quá khứ. Bởi nếu không có thế hệ cha anh đã ngã xuống trong biết bao nhiêu cuộc chiến vệ quốc vĩ đại thì chắc chắn tôi không có mặt trên đời. Ngày nay, dù chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình và phát triển, nhưng biển xa vẫn canh cánh mối nguy hiểm họa xâm lăng của các thế lực thù địch. Nên nhiệm vụ của tuổi trẻ, nhiệm vụ của mỗi công dân lại được đặt lên trên hết.


    Và ở đó, nơi cách chúng ta hàng trăm hải lý, những chàng trai lính đảo, những con người đầy nhiệt huyết có trái tim yêu nước nhiệt thành luôn biết hi sinh và cống hiến đang ngày đêm đương đầu với sóng dữ. Họ chính là biểu tượng cao đẹp của Tổ Quốc hôm nay:


    Yêu biết mấy những con người đi tới

    Hai cánh tay như hai cánh bay lên

    Ngực dám đón những phong ba dữ dội

    Chân đạp bùn không sợ những loài sên!


    Đường bờ biển nước ta dài trên 3260 km kéo dài từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Vươn trải ra hướng đông, ta có trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Từ thuở đội hùng binh Lý Sơn mang gươm vẽ biển ta có Hoàng Sa, Trường Sa với bao đảo nổi đảo chìm. Biển như lòng mẹ bao la mang đến cho ta bao nguồn lợi thủy hải sản, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Biển chứa chan tình yêu thương vẫn ngày đêm vỗ sóng vào bờ. Khi nhắc đến đây tôi lại thoáng nhớ về kí ức cùng với ông, ông tôi cũng đã run run giọng khàn mà kể với tôi những kí ức còn sót lại mà ông biết về trận chiến ở Đảo Gạc Ma năm 1988. Đó là trận hải chiến mà ông cha ta đã dốc hết sức lực, dùng tất cả sức mạnh để đấu tranh chống kẻ thù Trung Quốc hiểm độc. Ở nơi đó các anh đã dâng hiến tuổi xuân xanh của mình vì độc lập chủ quyền của dân tộc. Các anh hi sinh nhưng trên tay vẫn ôm trọn lá cờ tổ quốc, quyết chiến một lòng một dạ. Hằng năm, những chuyến tàu vẫn đều đặn chở đoàn công tác từ đất liền ra Trường Sa. Mỗi lần đi qua Gạc Ma, những người con đất Việt không quên thả vòng hoa tưởng niệm. Các anh đã dâng hiến tuổi 20 cho Tổ quốc, nhân dân cả nước sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh. Ông tôi nhắm đôi mắt lại khẽ lâu rồi mở ra lặng buồn nhìn về phía xa xăm, và hình như tôi thấy trong ánh nhìn xa xăm ấy của ông tôi là cả một tình yêu không nói nổi nên lời: tình yêu Biển Đảo quê hương.


    Nay trong thời bình, hàng trăm ngàn những người lính đã gác lại đời tư, tạm biệt những vùng quê, tạm biệt những thành phố phồn hoa đô hội để đến với biển đảo canh giấc ngủ bình yên cho nhân dân. Giữa bao nhiêu thiếu thốn và cô đơn, những người lính ấy vẫn quyết bám đảo, bám biển để bảo vệ vùng trời biển thiêng liêng mà bao liệt sĩ đã ngã xuống khi cuộc đời còn rất trẻ. Mặc dù chiến tranh tàn khốc đã thôi không trở lại, nhưng những âm mưu độc chiếm, âm mưu muốn tranh giành lãnh thổ của các nước "láng giềng" vẫn còn sôi sục đó đây. Biển vẫn ngày đêm sóng dữ chưa nguôi.


    Các anh, những người lính trẻ không màng khó khăn, ngày đêm và ngày đêm chiến đấu. Các anh mang trong mình tư thế sẵn sàng, tay cầm súng, đầu mang chí lớn đối mặt với hiểm nguy nhưng can trường và vững chãi, hiên ngang giữa mênh mông biển cả. Tôi cũng chợt nhớ đến nhà văn Nguyễn Thành Long, người đã đưa bạn đọc đến với hình tượng anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn. Mặc dù chịu nhiều gian khổ nhưng anh vẫn tích cực làm việc góp phần vào công việc lao động sản xuất và chiến đấu. Điều đó cho thấy dù có bao nhiêu chông gai, bao nhiêu khó khăn thử thách trước mắt, anh thanh niên nói chung cũng như toàn bộ thế hệ trẻ ngày nay – những người lính biển đảo cao cả đó vẫn ngày đêm rèn luyện, vẫn nung nấu ý chí, dũng khí để bảo vệ quê nhà. Đó là vẻ đẹp muôn đời của dân tộc Việt Nam, một dân tộc:


    Đứng vững chãi bốn ngàn năm sừng sững

    Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa.

    Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng

    Sống hiên ngang và nhân ái chan hoà.

    (Huy Cận)


    Tôi, dù mang trong mình lòng ngưỡng mộ biết ơn nhưng như thế vẫn là chưa đủ, tôi vẫn khao khát được một lần mang trên vai bộ quân phục của những người lính hải đảo, sẽ hành quân trên vùng biển đảo xa xôi đó. Vâng! Khi tổ quốc cần, ta phải biết hi sinh.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy