Top 6 Bài văn phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên hay nhất

  1. Top 1 Bài tham khảo số 1
  2. Top 2 Bài tham khảo số 2
  3. Top 3 Bài tham khảo số 3
  4. Top 4 Bài tham khảo số 4
  5. Top 5 Bài tham khảo số 5
  6. Top 6 Bài tham khảo số 6

Top 6 Bài văn phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên hay nhất

Thai Ha 503 0 Báo lỗi

Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào thơ Mới. Phong cách thơ ông mang nặng nỗi niềm xưa, hoài cổ, hoài niệm. Bài thơ "Ông đồ" là ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bài tham khảo số 1

    Vũ Đình Liên là một nhà thơ tài năng có niềm hoài cảm đẹp đẽ với những giá trị xưa cũ. Trong lòng nhà thơ luôn chứa chất những ưu tư, nỗi luyến tiếc quá khứ với những vẻ đẹp chân mỹ. Bài thơ "Ông Đồ" là một bài thơ hay và tiêu biểu cho hồn thơ Vũ Đình Liên, bằng lối thơ năm chữ đơn giản, ông đã khắc hoạ nên hình ảnh ông đồ đầy đặc sắc và để lại cho người đọc nhiều chiêm nghiệm.


    "Mỗi năm hoa đào nở

    Lại thấy ông đồ già

    Bày mực tàu giấy đỏ

    Trên phố đông người qua"


    Ngày xưa, khi mà con người coi trọng nét đẹp con chữ, nền Nho giáo đang phát triển, người người thường tìm đến những ông đồ để xin chữ như một truyền thống tốt đẹp. Xin chữ không chỉ là cầu may mắn, an yên, xin chữ còn xuất phát từ tấm lòng trân trọng cái đẹp, trân trọng nghệ thuật tuyệt mỹ. Ông đồ không chỉ là tên gọi của những người theo Nho học và có vốn Nho học mà còn để chỉ một nghề cho chữ, vì thế mà cứ mỗi độ xuân về, khi hoa đào nở rợp khắp bầu trời báo hiệu một năm mới sắp bắt đầu người qua lại thường thấy bóng dáng ông đó ngồi viết chữ. Mực tàu, giấy đỏ bày biện giữa phố đông để cho chữ như một công việc quen thuộc. Nhìn những nét chữ thanh cao như rồng bay phượng hoa, ai cũng gật gù ngợi khen, cảm phục hoa tay, tài năng của ông đồ già. Phải chăng, tác giả phải trân trọng và yêu quý tài năng của ông đồ mới viết nên những vần thơ tinh tế và gợi cảm như thế. Tứ thơ như hiện ra trước mắt người đọc những nét chữ cùng đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ nhuần nhuyễn mà điêu luyện vô cùng:


    "Bao nhiêu người thuê viết

    Tấm tắc ngợi khen tài

    Hoa tay thảo những nét

    Như phương múa rồng bay"


    Nhưng rồi, quá khứ vàng son kia đã đi đâu, khi mà nghệ thuật không được "sủng ái" nữa thì người nghệ sĩ trở nên thất thế. Xuân đi rồi xuân đến, ông đồ vẫn ngồi đó chỉ có người thưởng thức, người yêu cái đẹp xưa kia đã vô tình.


    "Nhưng mỗi năm mỗi vắng

    Người thuê viết nay đâu

    Giấy đỏ buồn không thắm

    Mực đọng trong nghiên sầu.


    Ông đồ vẫn ngồi đó

    Qua đường không ai hay

    Lá vàng rơi trên giấy

    Ngoài trời mưa bụi bay"


    Những người thuê viết dường như đã vô tình quên lãng những giá trị đẹp đẽ kia. Những nét chữ bay bổng trên giấy đỏ xưa kia cũng không còn bởi thiếu người thuê viết. Hình ảnh nhân hoá "giấy đỏ buồn không thắm", "mực đọng trong nghiên sầu" càng tô đậm thêm nỗi chán chường, buồn bã của thực tại. Đến nét bút, tờ giấy còn buồn bã khi bị bỏ rơi lãng quên thì huống gì là tâm hồn của một con người, đặc biệt là của người nghệ sĩ với những sự nhạy cảm đáng thương. Cảnh vật dường như cũng mang bầu tâm sự, nặng nỗi lòng thê lương như đang đồng cảm với người nghệ sĩ:


    "Lá vàng rơi trên giấy

    Ngoài trời mưa bụi bay"


    Rồi thời gian cứ thế qua đi, vô tình khiến lòng người cũng đổi thay theo tháng năm. Năm nay đào vẫn khoe sắc thắm, xuân lại về trên muôn nẻo quê hương, nhưng bóng dáng ông đồ xưa không ai thấy nữa. Câu thơ cất lên như một niềm tiếc nuối khôn nguôi của tác giả:


    "Không thấy ông đồ xưa

    Những người muôn năm cũ

    Hồn ở đâu bây giờ?"


    Những người xưa kia từng xin ông từng con chữ, tấm tắc ngợi khen những nét chữ kia nay đã đâu rồi? Làm sao có thể không nghẹn ngào, xót xa cho được. Câu hỏi tu từ "Hồn ở đâu bây giờ?" là niềm tiếc thương hay lời trách móc những kẻ đã quên lãng đi cái " hồn" văn hoá đẹp đẽ của dân tộc. Đồng thời, câu thơ còn tô đậm thêm nét đáng thương của ông đồ, một nghệ sĩ đầy tài năng và đáng được trân trọng nhưng lại trở thành nạn nhân của sự lãng quên.


    Hình ảnh ông đồ được tác giả khắc hoạ đầy tinh tế. Qua đó, ta thêm hiểu được những giá trị truyền thống đẹp đẽ, thêm đồng cảm và trân trọng hơn những chân giá trị cũ, đích thực. Bài thơ như một lời nhắn nhủ chân tình tới mọi người về sự trân quý quá khứ.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Top 2

    Bài tham khảo số 2

    Sự thất thế của Nho học và giới trí thức cũ đã được Trần Tế Xương phản ánh ngắn gọn và chua xót:


    Nào có ra gì cái chữ Nho

    Ông nghè, ông cống cũng nằm co

    Sao bằng đi học làm thống phán

    Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.


    Riêng Vũ Đình Liên với bài Ông đồ đã in bóng dáng của một thời tàn và nỗi lòng ân hận của lớp người đương thời.

    Thực vậy, Ông đồ chính là "các di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn" (Vũ Đình Liên) đã bị rơi vào quên lãng. Qua hình ảnh này, nhà thơ thể hiện niềm thương cảm chân thành với ông đồ, nỗi hoài niệm đối với một thời đại đã qua.


    Trước hết là hình ảnh ông đồ trong thời đắc ý. Tầng lớp nho sĩ xưa, nếu đỗ đạt cao, làm quan to là vinh hiển nhất, nếu không thì thường dạy học, gọi là ông đồ. Đầu thế kỉ XX, chế độ thi cử phong kiến dần dần bị bãi bỏ tại Nam Kì, Bắc Kì rồi Trung Kì. Chữ nho được ít người trọng vọng. Trong hai khổ đầu, nhà thơ đã hết lời ca ngợi tài năng ông đồ. Đó là một tài năng được số đông tán thưởng, yêu mến. Ông xuất hiện cùng mực tàu giấy đỏ bên hè phố mỗi khi hoa đào nở như cùng góp thêm vào cái đông vui, cái rực rỡ của phố phường đang tưng bừng đón Tết. Hình ảnh đó đã trở thành quen thân không thể thiếu trong dịp Tết đến, xuân về. Câu đối đỏ của ông đồ là một trong những thứ cần thiết để đón xuân:


    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh


    Chữ nghĩa thánh hiền và nghề dạy học của ông trong cái xã hội tôn sư trọng đạo ấy khiến ông được mọi người kính nể. Theo phong tục, ngày Tết đến, mọi người cần sắm câu đối hoặc một đôi chữ nho viết trên giấy điều dán trên vách, trên cột, vừa để trang hoàng nhà cửa, vừa gửi gắm lời cầu chúc tốt lành. Khi đó, ông đồ được thiên hạ tìm đến. Đó là thời đắc ý của ông đồ. Lúc này, ông đồ là người nghệ sĩ đang trổ tài trước lòng mến mộ của mọi người. Ngày ấy, viết chữ cũng còn là vẽ, là làm tranh, là làm nghệ thuật. Đã từng có ngành "thư pháp" (nghệ thuật viết chữ). Cái tài cái hoa tay của ông đồ đã để lại cho đời những nét chữ phượng múa rồng bay như những tác phẩm nghệ thuật thực sự mà người đời ngưỡng mộ, tấm tắc ngợi khen. Đấy là những dấu hiệu của vẻ đẹp văn hóa một thời, là sự tôn vinh một giá trị văn hóa cổ truyền. Có người nói chữ Nho là chữ thánh hiền vốn chỉ để dùng răn dạy và ngâm vịnh cao sang, giờ mang ra mua bán dù sao cũng là chuyện thất thế, chuyện đáng thương. Nhưng có lẽ, ở đây phải tính đến một nét sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống nói chung.


    Nhưng thời gian lặp lại mà sinh hoạt ấy không lặp lại. Hai khổ 3,4 vẫn là hình ảnh ông đồ bày mực tàu giấy đỏ lên hè phố khi Tết đến, nhưng tất cả đã khác xưa. Nếu trước kia là:


    Bao nhiêu người thuê viết

    Tấm tắc ngợi khen tài

    thì giờ đây, cảnh tượng sao mà vắng vẻ:

    Nhưng mỗi năm mỗi vắng

    Người thuê viết nay đâu?


    Điệp ngữ mỗi năm mỗi vắng đã diễn tả độ tàn phai nhanh chóng của thị hiếu truyền thống. Từ mỗi lặp lại như không chỉ gỗ nhịp cho bước đi suy tàn của thời gian mà còn gọi được cả không gian ngày càng vắng lặng. Câu hỏi phiếm định: Người thuê viết nay đâu? Được thốt lên như một nỗi cảm thông da diết đến nhức nhối về tình cảnh không có người thích thú thưởng thức văn hay chữ tốt nữa. Đây không đơn giản là chuyện thị hiếu, mà còn là chuyện tri âm, lòng ngưỡng mộ tài hoa. Còn duyên thì giấy thắm mực đượm, hết duyên giấy mực đều tàn phai. Các định ngữ vắng, vắng, buồn, đọng, không thắm, sầu khắc họa ‘Sự buồn bã, lụi tàn của một sự sống, ông đồ bị rơi vào quên lãng, vô tình bởi một thị hiếu đã chết, một phong tục bị bỏ quên, bởi sự vô cảm của người đời:


    Ông đồ vẫn ngồi đấy

    Qua đường không ai hay

    Lá vàng rơi trên giấy;

    Ngoài trời mưa bụi bay.


    Đoạn thơ giàu chất tạo hình với ngòi bút đặc tả đầy sức gợi trong sự đối lập giữa cái tĩnh và cái động: Ông đồ - người qua đường, giấy - lá rơi, mưa bay. Tất cả chỉ làm tăng thêm dáng vẻ bất động của ông đồ. Ông đồ ngồi đấy, như một pho tượng bị lãng quên, không còn một chút giao cảm, đồng điệu với cuộc đời, như một di tích dù đẹp nhưng bị từ chối vì không hợp thời, ông đồ sống mà như không tồn tại, cố mà cũng như không, buồn bã, đơn côi, xa vắng giữa dòng đời tấp nập. Hình ảnh ông đồ lạc lõng, cô đơn giữa đám đông mới chua xót làm sao!


    Ngoài trời mưa bụi bay... Có lẽ đây là câu hay nhất của bài thơ. Chỉ là câu tả cảnh bình dị, nhưng lại là câu thơ chất chứa tâm trạng, tâm hồn... Không phải là mưa to gió lớn hay mưa rả rích sầu não ghê gớm gì, chỉ là mưa bụi bay. Nhưng cảnh mưa bụi đầy trời ấy sao mà ảm đạm, mà lạnh lẽo... Mười hai thế kỉ trước, một nhà thơ đời Đường đã viết bài Thanh minh, trong đó có hai câu:


    Thanh minh thời vũ tiết phân phân

    Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn

    Có người dịch:

    Thanh minh lất phất mưa phùn

    Khách đi đường thắm nỗi buồn xót xa.


    Thì ra cái mưa phùn lất phất, cái mưa bụi bay chỉ nhè nhẹ man mác thế thôi mà cũng làm nát hồn người (dục đoạn hồn).

    Bài thơ mở đầu là Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông thấy ông đồ già và kết thúc là Năm nay đào lại nở - Không thấy ông đồ xưa có tác dụng làm nổi bật chủ đề. Đó là cái tứ "cảnh cũ người đâu", thường gặp trong thơ cổ. Năm nay đào lại nở, Tết lại đến, mùa xuân lại về, nhưng ông đồ xưa thì không thấy nữa. Từ nay hình ảnh ông đồ vĩnh viễn đi vào quá khứ, vĩnh viễn vắng bóng trong cuộc sống sôi động.


    Hai câu cuối cùng là lời tự vấn của nhà thơ, là nỗi bâng khuâng thương tiếc ngậm ngùi... Hai câu trực tiếp phát biểu cảm xúc dâng trào kết đọng suốt cả bài thơ và mang ý nghĩa khái quát sâu xa. Từ một ông đồ ngồi viết câu đối bán Tết, nhà thơ nghĩ đến những người muôn năm cũ không còn nữa... Họ không còn nữa nhưng anh hồn của họ, những giá trị mà họ đã góp vào cuộc sống tinh thần của quê hương đất nước này, giờ ở đâu?


    Câu hỏi ấy cứ vương vấn không dứt trong lòng người đọc sau khi đọc xong bài thơ bình dị mà hàm súc. Dư ba đó là một chút bâng khuâng đến ngỡ ngàng, như một niềm ân hận. Đoạn thơ như những nén hương tưởng nhớ của hậu sinh trót lỗi vô tình.


    Hình ảnh ông đồ với hai cảnh đối lập xưa, nay đã thể hiện sâu sắc niềm cảm thương chân thành trước cảnh đời thất thế của một lớp nhà nho cuối mùa, thể hiện lòng hoài niệm về một thời đã qua.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Top 3

    Bài tham khảo số 3

    Người ta nói thời gian chính là cơn sóng dữ có thể xóa tan mọi thứ. Nó có thể khiến người ta quên đi những thứ mà ta đã từng quen thuộc. Và có phải vì thế mà nhiều những nhà thơ đa cảm lại hay có sự ám ảnh với thời gian. Vũ Đình Liên cũng vậy, 1 nhà thơ ám ảnh với thời gian, ám ảnh với những văn hóa cổ truyền của dân tộc bị thời gian lãng quên. Chính vì thế, mà ông đã tạo nên một hình ảnh ông đồ đầy sống động trong bài thơ “Ông Đồ".


    Mỗi năm hoa đào nở

    Lại thấy ông đồ già

    Bày mực tàu, giấy đỏ

    Bên phố đông người qua


    Bao nhiêu người thuê viết

    Tấm tắc ngợi khen tài

    “Hoa tay thảo những nét

    Như phượng múa rồng bay”


    Ngay từ đầu, Vũ Đình Liên đã tạc nên một ông đồ đầy tài năng và được tất cả mọi người yêu mến. Ông đồ hiện lên như một người nghệ sĩ tài hoa, chơi đùa với chính con chữ. Với hình ảnh so sánh ‘’phượng múa rồng bay’’, người nghệ sĩ đấy không chỉ ‘’thảo’’ nên những con chữ uốn lượn, đầy tinh tế như thân rồng, mình phượng mà còn như tạo nên linh hồn trong từng con chữ mình viết ra. Từng chữ, từng chữ như đang biết chuyển động, như đang bay trên chính trang giấy. Có phải vì thế mà người ta phải tắm tắc, ngợi khen chẳng hết lời. Dù vào mỗi đầu năm mới tới, khi những cánh hoa đào hé nở, hình ảnh quen thuộc ông lão bày bút, mực bên góc đường lại hiện ra nhưng người mua vẫn tấp nập, tới thuê viết và thưởng thức nét chữ tài hoa đó. Từ chỉ lượng không xác định "bao nhiêu" lại càng khẳng định sự tấp nập của những người thuê viết. Có thể nói, ông đồ hiện lên như một người nghệ sĩ trên góc phố quen thuộc, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật được người người kính ngưỡng.


    Nhưng thời gian thật quá tàn nhẫn. Nó tàn phá mọi thứ và cũng dần xóa nhòa đi hình ảnh Ông Đồ trong trí nhớ người mua chữ.


    Nhưng mỗi năm mỗi vắng

    Người thuê viết nay đâu?

    Giấy đỏ buồn không thắm

    Mực đọng trong nghiên sầu


    Ông đồ vẫn ngồi đấy

    Qua đường không ai hay

    Lá vàng rơi trên giấy

    Ngoài trời mưa bụi bay


    Dần dần, nho học suy vi, thất thế, mọi người dần quên đi hình ảnh ông lão với mực tàu, giấy đỏ bên đường. Câu hỏi tu từ bỗng phát ra như một lời than trách, tiếc thương của chính tác giả ‘’Người thuê viết nay đâu?’’. Những người từng mua chữ ông, những người đã từng thán phục trước những nét chữ tài hoa của ông giờ ở đâu. Họ đã đi đâu, tại sao không tới mua nữa khiến cho giấy kia phải buồn, nghiên kia phải sầu. Hình ảnh nhân hóa, đem linh hồn gửi cho giấy đỏ, mực tàu càng nhấn mạnh thêm nỗi buồn thương, đau đớn cho một hình ảnh đã từng là thân quen. Năm này qua năm khác, ông đồ vẫn ngồi đó bên góc phố thân quen cùng với mực tàu giấy đỏ nhưng điều khác biệt người mua viết nay đã không còn, chỉ còn lại ông với thiên nhiên sầu thảm. Người ta nói ‘’ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ‘’. Có phải vì thế mà giấy buồn, nghiên phải sầu, lá vàng cũng rơi cùng với những hạt mưa phùn lất phất. Tất cả tạo nên một khung cảnh vạn vật như cùng buồn thương với chính Ông Đồ…


    Năm nay đào lại nở

    Không thấy ông đồ xưa

    Những người muôn năm cũ

    Hồn ở đâu bây giờ?


    Thời gian lại dần trôi qua. Vẫn là lúc năm mới quen thuộc, vẫn con phố cũ đấy, người ta cũng dần không còn nhìn thấy hình ảnh Ông Đồ đáng thương, bị quên lãng.Đau đớn thay, Cảnh vật vẫn vậy, hoàn cảnh vẫn thế nhưng con người nay đã đi đâu. Câu hỏi tu từ vang lên ở kết thúc của bài thơ như một câu chất vấn, trách móc đầy đau thương của tác giả ’’Hồn ở đâu bây giờ?’’. Những con người từng tấm tắc ngợi khen, từng chen chúc thuê viết nay ở đâu, những linh hồn dân tộc, những con người Việt Nam nay lại quên đi chính những nét truyền thống quen thuộc sao ?. Tóm lại, ông đồ là người nghệ sĩ nhưng cũng là một người nghệ sĩ đáng thương, một ông lão tội nghiệp bị quên lãng dần với thời gian.


    Có thể nói, bằng thể thơ 5 chữ hiện đại, bằng những hình ảnh vừa quen thuộc lại mới lạ, ngôn ngữ mộc mạc giản dị, Vũ Đình Liên đã vẽ nên hình ảnh người nghệ sĩ Ông Đồ đầy tài hoa và tội nghiệp. Đồng thời, nhà thơ cũng thể hiện niềm xót thương, và tình yêu với những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Top 4

    Bài tham khảo số 4

    Nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ tiên phong cho phong trào thơ Mới. Tác phẩm của Vũ Đình Liên có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật vô cùng sâu sắc, để lại tiếng vang cho tới ngày nay. Bài thơ “ông đò” là một trong những bài thơ thể hiện sự thành công đó của Vũ Đình Liên.


    Nội dung của bài thơ thể hiện sự hoài cổ của tác giả Vũ Đình Liên với một truyền thống tốt đẹp mang nét văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam nhưng bị mai một dần.


    Bài thơ “ông đồ” được tác giả sáng tác khi mà nền nho giáo ngày càng bị công chúng quên lãng, những tinh hoa xưa chỉ còn lại chút tro tàn. Ông đồ và chữ Nho cũng không còn tồn tài nhiều nữa. trong hai khổ thơ đầu tiên tác giả Vũ Đình Liên đã nhắc lại thời kì hoàng kim của nho giáo khi mà chữ viết của các ông đồ luôn được trân trọng:


    “Mỗi năm hoa đào nở

    Lại thấy ông đồ già

    Bày mực tàu giấy đỏ

    Bên phố đông người qua


    Bao nhiêu người thuê viết

    Tấm tắc ngợi khen tài

    Hoa tay thảo những nét

    Như phượng múa rồng bay”


    Trong hai khổ thơ này đã nói lên thời gian và địa điểm mà ông đồ thường làm việc. đó chính là những khi năm hết tết đến vào dịp mùa xuân khi có hoa đào nở, ông đồ thường viết chữ cho những người dân hi vọng vào một năm mới ăn khang, thịnh vượng, bình an, sức khỏe.


    Trong khổ thơ có hoa đào vô vùng thắm tươi, lại có màu đỏ của giấy và mực tàu làm cho mọi nét trong bức tranh tả hình ảnh ông đồ thời kì hoàng kim trở nên vô cùng tươi vui, sống động, tràn ngập sức sống. Thời gian được viết với hai từ “mỗi năm” thể hiện sự lặp đi lặp lạ như một việc vô cùng quen thuộc.


    Công việc viết chữ của ông đồ thường xuyên diễn ra trong những năm mà phong trào nho giáo phát triển mạnh mẽ nhất, nên năm nào cũng có những ông đồ ngồi viết chữ, ở những nơi có đông người qua lại, nơi mà mọi người tới xin chữ một cách dễ dàng nhất.


    Tác giả Vũ Đình Liên thể hiện nghệ thuật viết chữ của ông đồ như rồng bay phượng múa, một nghệ thuật so sánh độc đáo phần nào làm tôn lên thú xin chữ viết chữ, nhấn mạnh cái tài nghệ, vẻ đẹp thanh cao đáng trân trọng của một nét đẹp thời xưa. Đồng thời thể hiện sự cao quý qua những lời khen ngợi của những người qua đường. thông qua cách miêu tả cách sử dụng từ ngữ cho thấy sự tôn trọng của tác giả với những người lưu trữ truyền thống văn hóa của dân tộc.


    Trong hai khổ thơ tiếp theo tác giả khắc họa một hình ảnh bức tranh ông đồ thời kì lạc long, khi nho giáo thất sủng, dòng đời mà chữ Nho đã trở thành một quá khứ của thời kỳ hoàng kim, chỉ còn lại tàn tích.


    “Nhưng mỗi năm mỗi vắng

    Người thuê viết nay đâu

    Giấy đỏ buồn không thắm

    Mực đọng trong nghiên sầu


    Ông đồ vẫn ngồi đó

    Qua đường không ai hay

    Lá vàng rơi trên giấy

    Ngoài trời mưa bụi bay”


    Câu thơ được nhắc lại thời gian và địa điểm thể hiện một mùa xuân nữa lại tới, cảnh vật hoa đào vãn tươi thắm nhưng chỉ có hình ảnh ông đồ già quen thuộc không thấy nữa. Những con người không quan tâm tới văn hóa nho giáo ngày càng nhiều. Người dân đã quên đi dần nét văn hóa quen thuộc, đáng trân trọng, những câu thơ này thể hiện cảnh tàn lụi của một nét đẹp văn hóa nho giáo, với những tờ giấy buồn đỏ thắm, mực đọng trong nghiên sầu, thể hiện sự hững hờ của người đời trong thời kì hiện đại. Nhân hóa giấy và bút cũng có cảm xúc như con người cũng thấy buồn khi mình bị bỏ rơi và quên lãng. Những câu thơ vô cùng xúc động thể hiện sự đa tài của tác giả.


    Trong khổ thơ cuối tác giả đã dùng những từ ngữ rất thành kính trân trọng để bày tỏ nỗi lòng của tác giả với nét văn hóa truyền thống của dân tộc.


    “Năm nay hoa đào nở

    Không thấy ông đồ xưa

    Những người muôn năm cũ

    Hồn ở đâu bây giờ”


    Mở đầu bài thơ tác giả Vũ Đình Liên đều viết “mỗi năm hoa đào nở” cong trong khổ thơ kết thúc câu thơ có chút thay đổi nhưng kết cấu không hề thay đổi. năm nay đào vẫn nở, một màu xuân mới lại đến nhưng hình ảnh ông đồ thì không còn. Âm điệu câu thơ và toàn bài bỗng trầm xuống. Hoa đào vẫn cứ nở đều khoe sắc thắm, sinh động mỗi độ tết đến xuân về nhưng hình ảnh ông đồ nay còn đâu? Biến mất một giá trị văn hóa của nước ta. Trong câu thơ cuối có câu hỏi tu từ “ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đây bây giờ?” thể hiện phần nào sự tiếc thương của tác giả với một nét đẹp văn hóa của dân tộc.


    Qua bài thơ “ông đồ” của Vũ Đình Liên đã khắc họa nhân vật ông đồ với nghệ thuật vô cùng tinh tế, giản dị nhưng thấm đẫm niềm xót xa của tác giả đối với một giá trị văn hóa của dân tộc.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Top 5

    Bài tham khảo số 5

    Bắt đầu từ đầu thế kỉ XX, khi văn hóa tư tưởng phương Tây có dịp du nhập vào Việt Nam thì nền Hán học và chữ Nho đã dần dần mất đi vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc. Các nhà nho, từ chỗ là trung tâm của đời sống văn hóa, được cả xã hội tôn vinh, ngợi ca thì nay đã dần trở nên lạc lõng, bơ vơ trong thời hiện đại, dần chìm vào quên lãng. Nhận thức được điều đó, Vũ Đình Liên đã viết lên bài thơ "Ông đồ", kí thác tâm tư, chia sẻ nỗi buồn, bộc lộ sự thương cảm chân thành với một lớp người nhà nho khi đó và thể hiện sự tiếc nuối trong cảnh cũ người xưa về giá trị văn hóa đẹp đẽ của một thời vang bóng.


    Có thể nói, bài thơ giống như một câu chuyện về một cuộc đời, một số phận hẩm hiu bị đầy vào nghịch cảnh. Đó là cuộc đời của một ông đồ làm nghề viết câu đối trong mỗi độ tết đến, xuân về. Cuộc đời ấy chia làm hai giai đoạn gắn liền với hai thời kì thịnh - suy của nền văn hóa Hán học.


    Trước hết, đó là thời đắc ý, vàng son lên ngôi của ông đồ:


    Mỗi năm hoa đào nở
    Lại thấy ông đồ già
    Bày mực tàu giấy đỏ
    Bên phố đông người qua.


    "Mỗi năm ... lại thấy" có nghĩa là năm nào cũng thế, cứ mỗi độ hoa đào nở rộ - báo hiệu thời khắc của ngày hội xuân đã tới là ông đồ với bút nghiên, giấy đỏ lại xuất hiện. Và vì thế, ông đồ cùng với hoa đào - sứ giả của mùa xuân đã trở thành một trong các tín hiệu không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến. Khi đó, mọi người dân đều náo nức, tươi vui xuống phố xếp hàng, người qua kẻ lại tấp nập đợi xem ông đồ viết chữ:


    Bao nhiêu người thuê viết
    Tấm tắc ngợi khen tài
    "Hoa tay thảo những nét
    Như phượng múa rồng bay.


    Và ông đồ hiện lên như một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp. Những nét chữ vuông tươi tắn lần lượt được in trên tờ giấy đỏ như một tuyệt tác "phượng múa rồng bay". Dẫu không còn chỗ đứng trang trọng như các bậc tiền bối ngày xưa, vì phải làm nghề "bán chữ" nhưng ông đồ vẫn được an ủi phần nào vì ít nhiều ông đã và đang làm đẹp cho đời, đem lại không khí tết, niềm vui hân hoan cho mọi người xung quanh.


    Thế nhưng, thời hoàng kim ấy của ông đồ đã dần dần khép lại, ông đồ rời vào tình cảnh ế khách rồi thất thế:


    Nhưng mỗi năm mỗi vắng
    Người thuê viết nơi đâu?
    Giấy đỏ buồn không thắm
    Mực đọng trong nghiên sầu.


    Từ "nhưng" được đặt ngay đầu khổ thơ, giống như một cánh cửa của hai thời kì trước và sau, thinh và suy, hoàng kim – thất thế. Hoa đào thì vẫn nở, đường phố vẫn nhộn nhịp người qua và ông đồ thì vẫn ngồi đó nhưng "người thuê viết nơi đâu?". Mọi người đã thờ ơ, lạnh nhạt và không còn quan tâm tới ông đồ. Câu hỏi tu từ được gieo giữa khổ thơ, thể hiện niềm tiếc nuối ngậm ngùi đến xót xa. Vì thế, ông đồ hiện lên thật tiều tụy, đáng thương: "giấy đỏ buồn không thắm", "mực đọng trong nghiên sầu" ngồi nhìn "lá vàng rơi" và "mưa bụi bay" giăng đầy kín lối, chán chường, vô vọng. Nghệ thuật nhân hóa khiến cho giấy mực vốn vô tri nay cũng thấm thía tâm trạng giống như con người: giấy chẳng còn thắm đỏ, mực thì khô đọng lại thành cục sầu. Câu thơ vang lên rồi reo vào lòng người đọc một nỗi buồn trống trải. Bút pháp tả cảnh ngụ tình được tác giả sử dụng điêu luyện, thể hiện nỗi đau buồn xót xa trong tâm hồn ông đồ thất thế.


    Khép lại bài thơ là một lời tâm tư, chứa đầy sự suy ngẫm, day dứt của nhà thơ:


    Năm nay đào lại nở
    Không thấy ông đồ xưa
    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ?


    Kết cấu đầu cuối tương ứng, với sự đối sánh giữa hai hình ảnh: hoa đào nở và sự hiện diện – vắng bóng của ông đồ ở khổ một và hai, tác giả đã làm nổi bật lên cấu tứ của toàn bài "cảnh cũ người đâu". Hoa đào thì vẫn nở nhưng ông đồ và các khách hàng giờ đã trôi dạt về phương nào?. Câu hỏi tu từ cuối bài dâng lên một niềm hụt hẫng, trống trải đến ngơ ngẩn, tiếc nuối, khắc khoải trong lòng nhà thơ về ông đồ hay chính là sự phai tàn mai một của nét đẹp văn hóa dân tộc đã đi vào dĩ vãng. Cho nên giá trị bài thơ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa nhân đạo mà còn thể hiện ý nghĩa nhân văn và một tinh thần dân tộc rất đáng trân trọng.


    Xét về nghệ thuật bài thơ, tác phẩm được viết theo thể năm chữ có sự đan xen bằng trắc tuần tự, đều đặn tạo nên âm hưởng trầm lắng, u buồn, phù hợp với nội dung mà tác giả muốn nói tới. Trong bài, chúng ta thấy tác giả sử dụng rất thành công nghệ thuật tả cảnh ngụ tình rất độc đáo, diễn tả những thời điểm khác nhau lên xuống của thời thế ông đồ. Khi ông đồ đang được trọng dụng lên ngôi thì khung cảnh rộn rã, màu sắc tươi vui, không khí náo nhiệt (khổ 1, 2); nhưng khi ông đồ thất thế thì tâm trạng ông đồ buồn tủi xót xa đã thấm sang cảnh vật, khiến cảnh vật như mang nặng tâm hồn con người (khổ 3, 4). Bên cạnh đó nhà thơ còn sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ nghệ thuật như: nhân hóa, câu hỏi tu từ, so sánh tương phản kết hợp với ngôn ngữ giàu hình ảnh đã góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc cho bài thơ. Và nhịp điệu trong bài cũng có sự biến đổi rất linh hoạt theo từng hoàn cảnh thời thế, tâm trạng ông đồ: khi thì nhanh, dồn dập, náo nức (khổ 1, 2); khi thì chậm rãi, nặng nề (khổ 3); khi lại trầm tư, suy ngẫm (khổ cuối)... Tất cả đã làm nên thành công tuyệt bút của tác phẩm.


    Tóm lại, bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên là một tác phẩm hay, độc đáo có sức ám ảnh thật lớn đối với người đọc về giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam qua bao đời nay. Vượt qua khuôn khổ nội dung câu chữ trong tác phẩm, câu hỏi tu từ cuối bài thơ như một lời nhắc nhở khéo léo của thi nhân về việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong hôm nay và mãi mãi mai sau!.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Top 6

    Bài tham khảo số 6

    Nếu thơ Xuân Diệu có giọng điệu say đắm, rạo rực, thơ Hàn Mặc Tử có chút điên loạn, thơ Huy Cận có nỗi buồn ảo não thì thơ Vũ Đình Liên lại mang một giọng điệu hoài cổ. Mỗi người nghệ sĩ có phong cách thơ khác nhau, đây là nét riêng biệt để họ được phân biệt với các tác giả khác và cũng là ấn tượng riêng để bạn đọc nhớ đến họ. Tuy sáng tác không nhiều nhưng Vũ Đình Liên đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm giá trị, tiêu biểu là bài thơ “Ông đồ”.Bài thơ được sáng tác năm 1936 và được đăng trên tạp chí “Tinh hoa”. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nền Hán học đang mất dần vị thế của mình do sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây. Đây cũng là lúc các ông đồ không còn được trọng vọng do thời thế đã thay đổi. Nhan đề bài thơ gợi nhớ một nét đẹp đã lùi sâu vào dĩ vãng cùng sự tiếc thương vô cùng.Nhắc đến ông đồ là nhắc đến những thầy dạy chữ Nho ngày xưa, mỗi dịp Tết đến xuân về ông thường xuất hiện bên đường phố để viết những câu đối đỏ:


    “Mỗi năm hoa đào nởLại thấy ông đồ giàBày mực tàu giấy đỏBên phố đông người qua”.


    Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc bởi Tết nào ông đồ già cũng xuất hiện cùng với mực tàu và giấy đỏ. Đó là thời đắc ý, thời vàng son của ông. Như một sự tuần hoàn của chu kì thời gian, mỗi dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi những cánh đào hồng tươi khoe sắc thắm thì đó cũng là lúc ông đồ xuất hiện. Không gian làm việc của ông là bên phố. Ta hãy hình dung dưới những bông hoa đào cùng tiết trời se lạnh có một ông đồ già đang vẽ những nét chữ điêu luyện và sự nhộn nhịp của bước chân người qua lại tạo nên một bức tranh thật tươi vui. Từ “mỗi”, “lại” đã phần nào thể hiện nhịp điệu đều đặn ấy. Hoa đào và ông đồ đã song hành, sóng đôi cùng nhau để tôn thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Màu hồng của hoa đào, màu đen của thỏi mực, màu đỏ của giấy đã làm bức tranh thật sinh động.


    Tài năng viết chữ của ông đồ được mọi người ngợi khen, thán phục:


    “Bao nhiêu người thuê viết

    Tấm tắc ngợi khen tài

    Hoa tay thảo những nét

    Như phượng múa rồng bay”.


    Rất nhiều người thuê ông viết chữ, họ không chỉ quý trọng những nét chữ của ông mà họ còn dành cho ông một lòng kính trọng. Ông đã phô diễn tài năng của mình qua các câu đối đỏ, qua những nét chữ rồng bay phượng múa. Phải là một người am hiểu về Hán học, chữ Nho thì ông đồ mới có thể viết những nét chữ tài hoa đến như vậy. Phép tu từ so sánh “như phượng múa rồng bay” đã thể hiện được lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng của Vũ Đình Liên cũng như của nhân dân ta dành cho ông đồ. Đây cũng là sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chơi chữ là một thú vui thể hiện cốt cách thanh cao của người thường thức nó. Đồng thời, người viết chữ cũng được xem như một nghệ sĩ tài ba bởi nét chữ thể hiện được cái tâm, cái chí của người sáng tạo. Không những viết đẹp mà ông còn viết nhanh, điều này thật đáng khâm phục. Những nét chữ uốn lượn một cách tài tình dưới đôi tay của một người có học thức khiến ai cũng muốn thuê ông viết cho câu đối đỏ. Có thể nói, thời đắc ý ông đồ vô cùng đông khách, người ta đến với ông vì sự thán phục những nét chữ phóng khoáng. Cả người viết chữ và người chơi chữ như có mối đồng cảm sâu sắc vì họ đều là người biết yêu và thường thức cái đẹp.


    Nhưng khi thời thế thay đổi cũng là lúc ông đồ không còn được trọng vọng, ngưỡng mộ:


    “Nhưng mỗi năm mỗi vắng

    Người thuê viết nay đâu?

    Giấy đỏ buồn không thắm

    Mực đọng trong nghiên sầu…”


    Trước đây, người thuê ông đồ viết chữ nhiều là thế nhưng nay họ đã đi đâu hết? Họ vẫn ở đó, vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật nhưng sự xâm nhập của văn hóa phương Tây đã làm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một. Tác giả đã miêu tả một khung cảnh quạnh hiu,vắng vẻ đến thê lương. Thời gian đã cuốn trôi đi những gì tươi đẹp của quá khứ khiến con người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Câu hỏi tu từ: “Người thuê viết nay đâu?” vang lên với bao đau đớn. Thực tại thú chơi chữ đã không còn được ưa chuộng, người chơi chữ, mua chữ cũng ít dần đi theo năm tháng. Nỗi buồn đã nhuốm sang cả cảnh vật, sang cả những gì vô tri vô giác. Giấy đỏ cũng biết buồn nên đã chẳng còn thắm, màu giấy đã phôi phai đi rồi nhạt dần, thỏi mực đã mài nhưng không được dùng đến nay cũng đọng lại trong nghiên. Biện pháp nhân hóa đã thể hiện tâm trạng u uất của ông đồ và cũng là sự xót xa, thương cảm của nhà thơ.

    Nền Hán học đã suy tàn nhưng với mong muốn lưu giữ lại những giá trị văn hóa mà ông đồ già vẫn kiên trì ngồi bên hè phố như bao năm trước:


    “Ông đồ vẫn ngồi đấy

    Qua đường không ai hay

    Lá vàng rơi trên giấy

    Ngoài giời mưa bụi bay”


    Nhưng sự xuất hiện của ông không được mọi người chú ý, quan tâm như thời vàng son. Bóng dáng ông cứ lặng lẽ qua đường, lặng lẽ bên phố mà không một ai hay biết. Hình ảnh ông đồ đã rơi vào quên lãng. Hình ảnh ấy chỉ là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên). Sự tàn phai, úa rụng được thể hiện qua hình ảnh chiếc lá vàng cùng không khí lạnh lẽo của làn mưa bụi lất phất đã bao trùm lên toàn bộ khung cảnh khiến cảnh vật nhuốm màu sắc tâm trạng. Mọi người đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức, họ coi ông như người vô hình trong xã hội đương thời.


    Vũ Đình Liên đã bộc lộ nỗi xót xa, niềm hoài cổ của mình qua khổ thơ cuối:


    “Năm nay hoa đào nở

    Không thấy ông đồ xưa

    Những người muôn năm cũ

    Hồn ở đâu bây giờ?”


    Ông đồ đã thực sự vắng bóng, đào vẫn khoe sắc hương, cảnh vật vẫn tuần hoàn theo quy luật tự nhiên nhưng ta không còn thấy sự xuất hiện của ông đồ nữa. Sự vắng bóng của ông khiến chúng ta không khỏi thương tiếc cho một giá trị tinh thần đã không còn tồn tại. Những con người trước đây từng thuê ông đồ viết câu đối, những người từng tôn trọng ông đồ nay đã hoàn toàn thay đổi. Họ bận thích nghi với nền văn hóa mới từ Tây phương nên tâm hồn họ cũng không còn chỗ cho những tinh túy của văn hóa truyền thống. Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối bài đọng lại bao sự cảm thương, hối tiếc cho những gì đã mất.


    Bằng việc sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh trái ngược của ông đồ ở thời kì vàng son và ông đồ khi thất thế. Thể thơ năm chữ đã giúp nhà thơ bày tỏ cảm xúc một cách dễ dàng. “Ông đồ” là sự hoài niệm về những giá trị xưa cũ, bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc của tác giả Vũ Đình Liên.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy