Âm nhạc
Nếu như hội họa là bộ môn nghệ thuật thị giác thì âm nhạc là bộ môn nghệ thuật thính giác. Âm nhạc là nghệ thuật lấy âm thanh làm phương tiện biểu hiện, khắc họa cuộc sống và thể hiện tư tưởng tình cảm con người. Âm nhạc có tính trừu tượng nó không thể hiện đầy đủ các chi tiết thực chỉ mô tả chung nhưng tạo cho ta cảm giác, hứng thú mạnh mẽ và sự liên tưởng phong phú. Tính trừu tượng của âm nhạc gắn với trí tưởng tượng của con người. Âm nhạc là tiếng nói tình cảm sâu sắc, nó đi thẳng trực tiếp vào trái tim con người và không thể diễn tả bằng lời. Nghệ thuật âm nhạc có khả năng lớn tác động đến vần đề giáo dục tình cảm. Thể hiện được những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Nó góp phần tích cực thúc đẩy xã hội phát triển.
Nghệ thuật âm nhạc là nghệ thuật biểu hiện cảm xúc của con người với con người và cuộc sống bằng âm thanh, là nghệ thuật diễn ra trong thời gian , nghệ thuật động, nghệ thuật của thình giác. Nó luôn gắn bó với con người và đòi hỏi hoạt động biểu hiện trực tiếp của con người. Những đặc trưng cơ bản này khác biệt nếu so sánh với nghệ thuật văn chương, nghệ thuật tạo hình… Nghệ thuật âm nhạc xuất hiện từ thời sơ khai của con người. Các nhân tố như: âm điệu, tiếng nói, nhịp điệu lao động, nhịp sinh lý… tạo nên hai chất liệu quan trọng nhất của âm nhạc đó là tuyến độ cao (cao độ) và tuyến độ ngân (tiết tấu).
Mỗi quốc gia lại có một văn hóa âm nhạc truyền thống khác nhau và cho đến ngày nay, âm nhạc đã trở thành bộ môn nghệ thuật đại chúng toàn cầu, với kỷ nguyên của nhạc Pop, Rock, Rap, R&B, Jazz, Rock n Roll, EDM... Âm nhạc có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cảm xúc con người và trong nhiều trường hợp, âm nhạc còn được xem như là có thể "điều khiển" được tâm trạng, suy nghĩ và hành động của con người.