Ngày sum họp, đoàn viên
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri…
Tết Nguyên Đán là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm của người Việt Nam. Đây là dịp mọi người có thời gian tạm gác công việc chính, về quê thăm gia đình, cùng sum họp, đoàn viên bên nhau sau một năm dài xa cách bôn ba vì miếng cơm manh áo. Những khoảnh khắc sum vầy, đoàn tụ thành viên trong gia đình thật quý báu và hạnh phúc làm cho ngày Tết Nguyên Đán càng thêm ý nghĩa biết dường nào. Trong kỳ nghỉ Tết kéo dài nhiều ngày, người Việt Nam thường dành bữa cơm tất niên ấm cúng nhất bên gia đình và những người thân yêu nhất của mình. Các cụ ta từ xưa đã có câu: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy", đây chính là thời gian để mỗi người có thời gian vui vẻ, thăm hỏi những người thân của mình, không chỉ là bậc sinh thành mà còn là những người có công dạy giỗ.