Không nắm được cách viết bài nghị luận xã hội theo dàn ý có sẵn
Khi đọc đề nghị luận xã hội, bạn hốt hoảng vì vấn đề này mình chưa gặp hay chẳng nghĩ đến bao giờ. Không nên quá lo lắng, nếu đã nắm được cơ bản về dàn ý then chốt của bài nghị luận xã hội, bạn có thể dễ dàng dành được mấy điểm rồi. Nên nhớ rằng phần thân bài của một bài văn nghị luận xã hội gồm ba phần chính: giải thích, bàn luận và bài học, giải pháp. Ở phần giải thích, bạn ghi cách hiểu của mình về vấn đề, chú ý có thể dùng những từ đồng nghĩa hay gần nghĩa để giải thích khái niệm (ví dụ bạn có thể giải thích "hạnh phúc" bằng những từ như "sung sướng", "thỏa mãn", "vui vẻ"; giải thích "khiêm tốn" là "không tự cao", giải thích "danh dự" là "tự trọng", "sống ảo" có nghĩa là "sống không thực tế", ...). Ở phần bàn luận, bạn trả lời vấn đề là đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực và lý giải vì sao. Theo xu hướng hiện nay, đề ra về hiện tượng đời sống thường là các vấn đề tiêu cực (ô nhiễm môi trường, sống ảo, tai nạn giao thông, ...) ; còn về tư tưởng đạo lý là tích cực (tình yêu thương, ý thức về nhân cách, lý tưởng sống, ...). Phần bài học, giải pháp là dễ lấy điểm hơn cả. Bạn nêu được cá nhân và cộng đồng, xã hội cần có nhận thức và hành động gì cho đúng đắn. Và nhớ rằng hãy liên hệ bản thân nhé.