Top 10 Địa điểm phượt xe đạp hấp dẫn quanh thủ đô Hà Nội

Thiên Thanh 10652 1 Báo lỗi

Bạn là nhân viên văn phòng hay còn đang là sinh viên? Bạn làm việc và học tập cả tuần đầy tất bật, hối hả theo nhịp sống thủ đô mà chỉ được nghỉ một ngày chủ ... xem thêm...

  1. Phố cổ Hà Nội là địa điểm gần nhất và cũng thích hợp nhất cho những ai thích "chạy trốn" ngày chủ nhật mà chưa quen với việc chạy xe đạp đường dài. Khu vực phố cổ Hà Nội hầu hết thuộc địa phận quận Hoàn kiếm, với tổng diện tích khoảng 100ha, gồm 76 tuyến phố thuộc 10 phường. Dạo xe quanh phố cổ, bạn sẽ được hòa mình vào những con phố nghề. Xưa kia, thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực làm theo nghề của mình mà hình thành nên phố nghề. Ngày nay, một số tuyến phố vẫn còn giữ được các sản phẩm truyền thống như Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc....


    Không chỉ có phố nghề đặc trưng, bạn còn được thăm thú chiêm ngưỡng những mái nhà cổ kính hiện diện khắp mọi nẻo phố. Và cả những con đường đầy thơ mộng với hàng cây xanh mướt nổi tiếng như phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng hay con đường Thanh Niên lộng gió. Tới Ô Quang Trưởng - cổng thành còn sót lại duy nhất của Hà Nội (Hàng Chiếu) - Đó là một trong năm minh chứng còn sót lại của một thời kỳ vàng son của dân tộc, cổng thành còn sót lại duy nhất của Hà Nội trụ vững với sự tàn phá của chiến tranh và sự tàn phá của thời gian. Đây cũng là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của dân tộc ta trong ngàn năm văn hiến. Tới đây, bạn đừng quên mang theo một chiếc máy ảnh để ghi lại những khung hình tuyệt vời về thủ đô ngàn năm văn hiến này nhé!

    Phố Hàng Mã với những món đồ thủ công mỹ nghệ mang đậm văn hóa Việt Nam
    Phố Hàng Mã với những món đồ thủ công mỹ nghệ mang đậm văn hóa Việt Nam
    Đường Phan Đình Phùng trải đầy lá vàng mùa thu
    Đường Phan Đình Phùng trải đầy lá vàng mùa thu

  2. Bát Tràng nổi tiếng với danh "Thiên đường gốm sứ", là một điểm đến gần mà thú vị cho bạn cùng chiếc xe đạp của mình. Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 15km, nằm ở bờ bên kia sông Hồng, bạn có thể dễ dàng đạp xe thong dong đến mà không chùn chân vì đường quá xa. Làng gốm Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Cái tên Bát Tràng có nghĩa là “cái sân lớn”, và làng có lịch sử hình thành từ thời Lê. Đây là làng gốm lâu đời nổi tiếng nhất ở Việt Nam, cũng như là địa điểm mà du khách trong và ngoài nước không thể không một lần ghé thăm. Làng gốm Bát Tràng chuyên sản xuất những loại gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng. Điều thú vị nhất khi đến Bát Tràng là các bạn có thể trực tiếp ngắm nhìn các nghệ nhân làm ra những sản phẩm gốm đầy tinh tế hay được tự tay nặn những sản phẩm theo ý thích.


    Đến với Bát Tràng Gia Lâm, bạn không thể không ghé qua làng cổ Bát Tràng với công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính. Bạn có cơ hội khám phá xung quanh làng cổ trên chiếc xe trâu dân giã để tận hưởng không khí mộc mạc, đậm chất. Những địa điểm tiêu biểu lưu lại dấu tích thời xa xưa ở đây có thể kể đến như nhà cổ Vạn Vân, đình Làng Bát Tràng. Là ngôi nhà gỗ có tuổi đời hơn 200 năm, nhà cổ Vạn Vân là tuyệt tác kiến trúc bao gồm các hoạ tiết gốm sứ, ấm men lam, lọ rồng, bộ khuôn bản dập làm gốm… từ trước thế kỷ 15. Đình làng Bát Tràng là nơi thờ Thành hoàng cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội quanh năm. Nếu đi làng cổ Bát Tràng đúng dịp lễ hội, bạn có thể khám phá nét văn hóa vô cùng độc đáo, náo nhiệt. Tại đây, bạn được thoải mái chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm sứ xinh xắn tại chợ lớn hay trong của tiệm của các hộ gia đình. Nói nhỏ với bạn, người dân ở đây vô cùng hiền hòa và hiếu khách, chỉ cần bạn nhẹ tay nâng niu những món đồ, bạn hoàn toàn được tự do thăm thú chúng. Không chỉ có vậy, các bạn còn có thể tự tay tạo ra các sản phẩm gốm sứ của chính mình và mang nó về nhà làm kỉ niệm cho chuyến đi.

    Những sản phẩm gốm sứ nhỏ xinh được bày bán trong các gian hàng ở Bát Tràng
    Những sản phẩm gốm sứ nhỏ xinh được bày bán trong các gian hàng ở Bát Tràng
    Bát Tràng - điểm đến hấp dẫn nhiều du khách
    Bát Tràng - điểm đến hấp dẫn nhiều du khách
  3. Núi Trầm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía nam, thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Đây là một điểm đến lý tưởng cho những "xế chiến" đường dài bằng xe đạp. Vì không chỉ được thử thách bởi quãng đường đi, tới đây bạn có thể thử sức với địa hình hiểm trở hơn đường bằng rất nhiều. Bạn cũng có thể dừng chân lại đâu đó nơi lưng chừng núi, để trải cho mình tấm thảm mỏng, bắc hòn gạch làm bếp nướng củ khoai, nhấp ngụm trà ấm mà thưởng trọn không gian bao la nơi "cao nguyên đá mini giữa lòng Hà Nội" này. Chùa Trầm là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, là nơi thu hút rất đông du khách tới tham quan và vãn cảnh dịp cuối tuần. Quần thể di tích chùa Trầm có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ 16 (1515). Hiện nay, khu di tích tâm linh này thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


    Khuôn viên chùa chính rộng rãi và thoáng mát, có tường gạch xây bao lơn xung quanh. Qua cổng vào sân, nhìn sang bên trái là Trầm Sơn Tử. Tổng thể ngôi chùa tọa lạc trên một khoảnh đất cao, từ dưới sân nhìn lên nền chùa cao quá đầu người. Chùa được xây lưng tựa núi Trầm, mặt hướng sông Đáy. Đây là lối xây dựng phong thủy quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt, có sông có núi, sông mang đến nguồn nước, mà nước được ví như đem đến phúc lành. Nếu bạn để ý trong tổng thể khuôn viên các đình, chùa, hoặc nơi thờ cúng tâm linh khác, người xưa đều chủ tâm bố trí một ao sen hoặc một hồ bán nguyệt chính trước cửa đình, chùa đó. Hồ nước được người xưa xem như điểm tụ thủy đem lại phúc lộc, đem lại cuộc sống đủ đầy, mùa màng thuận lợi cho nhân dân. Có thêm thế lưng tựa núi là trọn vẹn thế “núi ôm nước bọc”, đem lại cảm giác vững chắc, khí vượng, tụ sức sống.

    Một góc cảnh núi Trầm và những du khách tìm nơi khám phá
    Một góc cảnh núi Trầm và những du khách tìm nơi khám phá
    Quang cảnh xung quanh núi Trầm
    Quang cảnh xung quanh núi Trầm
  4. Thành Cổ Loa là di tích kinh thành của đất nước Âu Lạc từ thế kỷ 3 TCN và nhà nước của vua Ngô Quyền thế kỷ 10 SCN. Đây là quần thể thành cổ gần Hà Nội nhất của nước ta, một điểm đến lý thú cho những bạn đam mê di chuyển bằng xe đạp mà lại muốn tìm hiểu về cội nguồn lịch sử của đất nước. Cổ Loa thành cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, thành Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Khi đã vào trong nội thành, bạn có thể chọn cách đi bộ thăm quan, hoặc không, bạn vẫn có thể trung thành với chiếc xe đạp của mình để tìm hiểu nơi đây vì thành khá rộng. trong thành vẫn có các xóm nhỏ và khá đông các hộ gia đình sinh sống. Một số điểm tham quan trong thành như Ngự Triều Di Quy, đền thờ Am Mỵ Châu, chùa Bảo Sơn và đền Thờ Cao Lỗ.


    Thành Cổ Loa được xây dựng kiểu vòng ốc nên được gọi là Loa thành. Tương truyền rằng có 9 vòng thành xoáy trôn ốc, tuy nhiên đến hiện tại chỉ còn 3 vòng. Thành Nội chu vi 1600m, thành Ngoại chu vi 15km, hình dáng khúc khuỷu, bao gồm vô số những công trình kiến trúc độc đáo như Giếng Ngọc,tượng Cao Lỗ, am Mị Châu. Lễ hội Cổ Loa diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm, vì vậy nếu các bạn thích không khí lễ hội thì thời điểm này là thời điểm phù hợp nhất để ghé thăm Cổ Loa. Hội Cổ Loa diễn ra từ sáng sớm với các đám rước, nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian vô cùng thú vị và đặc sắc… Lễ hội kéo dài tới ngày 16 tháng Giêng với lễ tế tạ trời đất là kết thúc.

    Khung cảnh Ngự Triều Di Quy nhìn từ trên cao
    Khung cảnh Ngự Triều Di Quy nhìn từ trên cao
    Toàn cảnh Giếng Ngọc trước đền thờ An Dương Vương, nơi Trọng Thủy gieo mình tự vẫn
    Toàn cảnh Giếng Ngọc trước đền thờ An Dương Vương, nơi Trọng Thủy gieo mình tự vẫn
  5. Đền Gióng nằm ở núi Sóc, xã Vệ Linh, Sóc Sơn, là một quần thể di tích lịch sử gồm: đền Trình, chùa Non Nước, đền Thượng, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, hòn đá Chồng, nhà bia và đặc biệt là bức tượng đài Thánh Gióng được đúc bằng đồng nguyên chất. Quần thể di tích này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngay từ cổng đi vào là đền Trình (hay còn gọi là đền Hạ) là nơi đặt tượng thờ sơn thần. Bức tượng này được đúc hoàn toàn từ đồng, nặng 7 tấn với phong thái vô cùng uy nghi. Bên ngoài đền còn có gốc đa cổ thụ cùng hồ nước vô cùng xanh trong. Đi qua đền Trình là đến chùa Đại Bi, ngôi chùa cổ với những bức hoành phi, câu đối xưa được sơn son thếp vàng cùng lối kiến trúc cổ kính nhuốm màu rêu phong. Đối diện chùa Đại Bi là đền Mẫu, nơi đặt tượng thờ mẹ Thánh Gióng. Giếng nước bên ngoài đền cũng được gọi là giếng Mẫu.


    Từ đền Mẫu đi lên trên thêm một chút là đến đền Thượng, là ngôi đền cuối cùng trong quần thể 4 ngôi đền, chùa dưới chân núi Vệ Linh, là nơi thờ Đức Thánh Gióng. Trong đền có nhà Đại bái và Hậu cung. Nhà Đại Bái được trang trí bằng những câu đối, lọng, đôi hạc… đều là những nét đặc trưng của lối kiến trúc chùa cổ Việt Nam, còn Hậu cung thì đặt một bức tượng thờ Thánh Gióng được làm từ gỗ trầm hương. Từ cổng khu di tích đi lên, các bạn sẽ bắt gặp nhà bia được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến, là nơi đặt các bia đá đã tồn tại được hàng trăm năm. Điểm nổi bật nhất ở khu di tích này là bức tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng, được làm hoàn toàn từ đồng nguyên chất, cao 11,07m, nặng 85 tấn. Bức tượng này được khánh thành vào năm 2010, là một trong các công trình xây dựng nhằm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Bạn có thể chọn cách leo bộ theo các bậc thang từ chân núi lên, hoặc thuê xe đi thẳng lên đỉnh núi theo lối đi được xây dựng bên sườn núi.

    Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng
    Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng
    Đền Thượng là ngôi đền chính, cũng là nơi đặt tượng thờ Thánh Gióng
    Đền Thượng là ngôi đền chính, cũng là nơi đặt tượng thờ Thánh Gióng
  6. Với quãng đường 30km từ trung tâm thành phố Hà Nội, có một sự lựa chọn khác cho bạn về một điểm đến cũng rất lý tưởng và ý nghĩa, đó là Việt Phủ Thành Chương. Nằm tại dốc Dây Diều, đập Kèo Cà, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Việt Phủ Thành Chương được thiết kế như một làng quê Bắc Bộ thu nhỏ, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm nét đẹp văn hóa làng quê xưa kia. Việt Phủ Thành Chương ôm trọn 30 công trình kiến trúc mang dáng dấp lịch sử Việt Nam thế kỷ trước. Dạo quanh một vòng rộng lớn, du khách sẽ cảm nhận được không gian lịch sử như ùa về trong kí ức. Đầu tiên, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 13 ngôi nhà cổ với những tên gọi đặc biệt như lầu Tường Vân, nhà Thanh Tĩnh, cổng Hương, nhà Mạc Hương, quán Xuân Phong…


    Việt Phủ Thành Chương tập hợp tất cả kiến trúc nhỏ liên quan như tháp, bàn cờ, hồ sen, nhà hát, phòng tranh… Du khách có thể tha hồ ngắm nghía tham quan vẻ đẹp tái hiện lại một không gian lịch sử đầy sống động nhưng vô cùng thanh tao, quyến rũ. Đi sâu vào trong là ngôi nhà lợp bằng cói rối 200 tuổi của dân tộc Mường, ngôi nhà cung đình Huế có tuổi đời 300 năm hay ngôi nhà gỗ lim đậm chất đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt nhất, ngôi nhà tranh vách gắn liền với lịch sử hào hùng từ Nam ra Bắc của dân tộc Việt Nam hiện lên đầy nguy nga, tráng lệ, đắm say lòng người ngay từ phút giây đầu tiên. Lối xây dựng hiện đại kết hợp với lịch sử dân tộc từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê… Việt Phủ Thành Chương không chỉ gợi nhớ về một cội nguồn lịch sử dân tộc hào hùng mà còn mang trong mình vẻ đơn sơ, giản dị, mộc mạc đầy trầm tĩnh của người dân Việt Nam xưa.

    Một góc nhìn về Việt Phủ Thành Chương
    Một góc nhìn về Việt Phủ Thành Chương
    Một góc của Việt Phủ Thành Chương
    Một góc của Việt Phủ Thành Chương
  7. Việt Nam, đất nước con người với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại mang một nét văn hóa, truyền thống riêng. Nhằm mục đích bảo tồn các bản sắc cũng như tạo điều kiện cho du khách đến tìm hiểu, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là mái nhà chung để lưu giữ sự độc đáo trong đời sống, phong tục, tập quán của các dân tộc. Cách Hà Nội gần 50km, làng văn hóa các dân tộc là điểm đến thử thách hơn nhiều về sức dẻo của đôi chân bạn. Với quãng đường dài này, thích hợp hơn là những Phượt thủ xế điếc chính hiệu đã quen với đường trường. Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là nơi lưu giữ bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt nam. Với rất nhiều khu thăm quan, Đồng Mô còn thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa của mọi vùng miền. Vì vậy mà bất kỳ khi nào bạn tới làng văn hóa các dân tộc Việt Nam đều có cơ hội hòa mình vào những hoạt động văn hóa quanh đây.


    Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam được chia làm nhiều khu khác nhau gồm khu các làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên, khu dịch vụ tổng hợp, khu cây xanh và hồ Đồng Mô và cuối cùng là khu điều hành văn phòng. Khu các làng dân tộc là điểm đầu tiên mà các bạn nên tham qua khi tới đây. Với diện tích 198,61ha, khu các làng dân tộc chia làm 4 cụm làng tương ứng với từng vùng miền, được xây dựng thành quần thể tái hiện cấu trúc của làng, bản các dân tộc Việt Nam với kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, bảo tồn cũng như phát triển. Tại khu các làng dân tộc, những lễ hội văn hóa truyền thống như: chợ phiên Tây Bắc, lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam), lễ hội trỉa lúa của dân tộc B’râu (Kon Tum), lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)… được tái hiện, là dịp để du khách tận hưởng không khí hội hè sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền đất nước.

    Làng văn hoá các dân tộc với những nét văn hóa của mọi vùng miền trên tổ quốc Việt Nam
    Làng văn hoá các dân tộc với những nét văn hóa của mọi vùng miền trên tổ quốc Việt Nam
    Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam
    Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam
  8. Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Do vị trí gần Hà Nội nên du khách thường tới Đường Lâm và về luôn trong ngày. Tuy nhiên nếu bạn ở xa Đường Lâm hay muốn ở lại để tận hưởng không khí yên bình của làng quê thì những khách sạn và nhà nghỉ ở Sơn Tây sẽ là lựa chọn thích hợp cho bạn.


    Làng cổ Đường Lâm có Đình làng Mông Phụ được xây dựng cách gần 380 năm trên một khu đất trung tâm của làng, rộng khoảng 1800m2. Thiết kế của đình mang đậm nét kiến trúc Việt - Mường, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất. Đình gồm hai tòa đại bá và hậu cung. Nhà đại bái được dựng bởi 48 cột gỗ, phía trên mỗi cột đều có trạm khắc nhiều hoa văn hình rồng, hình phượng. Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi câu đối. Nổi bật nhất là bức hoành phi “lão long huấn tử” tức rồng già dạy con và bức hoành phi “dũng cảm cả tưởng” do vua Thành Thái ban tặng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc về kiến trúc và văn hóa, hấp dẫn du khách.

    Cổng làng Mông Phụ dẫn vào làng cổ Đường Lâm - hình ảnh cổng làng đặc trưng của làng quê Việt
    Cổng làng Mông Phụ dẫn vào làng cổ Đường Lâm - hình ảnh cổng làng đặc trưng của làng quê Việt
    Cổng một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm
    Cổng một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm
  9. Nằm trên ngọn núi Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) là ngôi chùa mang giá trị nghệ thuật điêu khắc độc đáo với nhiều pho tượng Phật có giá trị. Đặc biệt, mái chùa Tây Phương rất đặc biệt với những góc đao cong vút lên hút hồn du khách. Sử sách còn ghi lại, năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Đến năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là Tây Phương Cổ Tự và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba toà cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau gồm có các chùa: Chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Mỗi toà đều có kiến trúc riêng rẽ nhưng lại kết hợp thành một quần thể.


    Từ chân núi, phải trải qua 239 bậc lát đá ong thì mới đến đỉnh núi và cổng chùa. Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song: Bái đường, chính điện và hậu cung. Mỗi nếp có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần tạo thành một không khí rất thô sơ mộc mạc, điểm những cửa sổ tròn với biểu tượng sắc và không; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen. Mái chùa Tây Phương rất đặc biệt có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp, hình thành một không gian rộng và thoáng đãng. Mái lợp hai lớp ngói: Mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông vắn đều đặn. Xung quanh diềm mái của ba toà nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng giàu sức khái quát và khả năng truyền cảm.

    Cổng ba gian dẫn lên chùa Tây Phương
    Cổng ba gian dẫn lên chùa Tây Phương
    Chùa Tây Phương
    Chùa Tây Phương
  10. Chùa Thầy còn gọi là chùa Cả hay Thiên Phúc Tự, tọa lạc dưới chân núi Sài (núi Thầy) thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa từ lâu đã là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương bởi phong cảnh hữu tình, hòa hợp với thiên nhiên. Chùa Thầy được xây dựng từ thời nhà Lý, gắn liền với giai thoại cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lúc đầu chùa chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am. Sau đó, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại gồm 2 cụm chùa là chùa Cao trên núi (Đỉnh Sơn Tự) và chùa Dưới (Thiên Phúc Tự). Chùa Thầy là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh - người có những đóng góp to lớn cho nhân dân và ông tổ của bộ môn múa rối nước.


    Chùa Thầy nằm tựa vào núi, được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Chùa nằm trên khu đất hình hàm rồng. Phía trước là một sân rộng nhìn ra hồ Long Trì (ao rồng), tạo thành hàm trên, bờ hồ bên trái là hàm dưới. Giữa hồ Long Trì có thủy đình tựa như viên ngọc sáng nằm giữa miệng rồng. Từ sân có 2 cây cầu Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều nối sang 2 bên tạo thành 2 râu rồng, được xây dựng theo kiểu kiến trúc “thượng gia hạ kiểu”. Ngôi chùa cổ có kiến trúc “tiền Phật hậu Thánh” kiểu chữ Tam gồm ba tòa nằm song song với nhau: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Tòa ngoài là nhà tiền tế hay chùa Hạ, tòa giữa là trung điện hay chùa Trung, tòa trong cùng là Thượng điện. Chùa Hạ là nơi lễ bái của các tăng ni phật tử cũng là nơi giảng đạo của các nhà sư. Chùa Trung là nơi thờ Tam Bảo, bày bàn thờ Phật, 2 bên có 2 tượng Hộ pháp, tượng Thiên Vương. Chùa Thượng nằm ở vị trí cao nhất, tách biệt hẳn so với chùa Hạ và chùa Trung, là nơi đặt tượng Di Đà tam tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp (Tăng, Phật và Đế vương) của thiền sư Từ Đạo Hạnh.

    Quang cảnh chùa Thầy
    Quang cảnh chùa Thầy
    Thủy đình chùa Thầy
    Thủy đình chùa Thầy



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy