Top 10 Tản văn viết về nỗi nhớ hay nhất

Phương Kem 282 0 Báo lỗi

Nỗi nhớ là cách để con người găm lại ký ức và kỷ niệm. Để một quãng đời, một giai đoạn lịch sử, một vẻ đẹp đất nước dù trôi xa, thì vẫn hằn in ở ký ức. Nỗi nhớ ... xem thêm...

  1. Tháng ba qua đi, tháng tư chùng chình bước tới trong màu nắng mới trong veo như thuỷ tinh. Nắng sóng sánh mầu mật ngọt trên mái ngói thâm nâu, bạc phếch mầu trong những cơn mưa dầm dài lê thê ủ ê của mùa cũ. Bức tường rêu phong được hong khô, mầu sơn bừng sáng trong nắng non đầu mùa.


    Tháng tư về, ngoài ngõ vắng những chùm hoa giấy khoe sắc rực rỡ, rung rung trong nắng, cơn gió rì rào thổi qua, hoa rụng lã tã vương đầy trên ngõ như xác pháo. Ngoài vườn những nụ cà chúm chím nở những nụ cười tim tím xinh xinh. Những cánh bướm sặc sỡ đang dập dìu, cần mẫn chắt chiu mật ngọt ngoài vườn rau xanh. Những ngọn thiên lý non xanh mơn mởi đua nhau bám giàn. Những bông hoa như chiếc đèn lồng vàng ngại ngùng, e ấp nép mình trong giàn lá hình trái tim xanh tươi.


    Tháng tư về trong nỗi nhớ miên man, những ngày sống vô lo vô nghĩ bên cạnh mẹ cha nơi chốn quê nhà. Mẹ tần tảo sớm khuya trên cánh đồng lúa mênh mang, những gánh hàng rau nặng kẽo kẹt khiến mẹ oàn mình liêu xiêu trong một chiều rơi nắng. Cha chẳng quan tâm đến cái nắng gắt giữa trưa mùa hè oi ả, phơi mình trên những dây treo an toàn trên nóc nhà cao cao. Đấng sinh thành chỉ mong sao, những nhọc nhằn ấy sẽ đổi lại những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, chỉ mong những đứa con thơ sau này sẽ có tương lai tươi sáng hơn.


    Tháng tư bước tới nhưng chưa qua mùa giáp hạt, những bữa cơm gia đình giản đơn đến lạ, chỉ có rau luộc chấm mắm, vài quả cà thâm, trứng chiên độn thêm lá lốt, nhưng chan chứa tình thương gia đình. Bữa cơm tối dưới ánh trăng vàng rượi màu tơ lụa soi sáng bên hiên nhà ấm cúng, cả nhà cười giòn giã sau những câu truyện được thuật lại trong ngày.


    Tháng tư về dưới ánh trăng sóng sánh dưới sân gạch, lũ trẻ chúng tôi chơi dung dăng dung dẻ om sòm cả xóm, tiếng cười giòn giã tươi vui. Mẹ tranh thủ đãi đỗ để làm bánh khúc mai bán buổi sáng. Bố pha ấm trà thơm, tận hưởng những phút giây thư thái sau một ngày mệt nhọc. Chị gái ngồi ôn bài bên cửa sổ tư lự như ước mơ gì đó rất xa xôi.


    Tháng tư của thực tại kéo tôi vào nỗi lo cơm áo gạo tiền, trong những toan tính, cuốn mình vào trong những nhịp sống hiện đại nhiều rối ren. Đôi lần tôi thấy mình như cái cây bị quật qua quật lại trong dông bão, oằn mình chống đỡ trong mệt nhoài mưu sinh. Đến khi trong khoảnh khắc giao mùa chợt thấy lòng mình lắng đọng, trầm ngâm để nhìn lại khoảng thời gian đã qua.


    Đã có những tháng tư của một mùa cũ mèm, sáng mai thức giấc mở cánh cửa sổ ra hương hoa thơm ngát, chim chóc reo ca bên hiên nhà, ánh nắng tinh khôi soi mình vào cửa sổ, chợt thấy lòng thư thái dịu êm và con tim vẫn luôn phập phồng một tình yêu cuộc sống tha thiết.


    Tháng tư về thao thiết trong nỗi nhớ đầy vơi. Thầm ước mình có một tấm vé khứ hồi để quay lại những mùa hè sôi động ấy.


    Cô Thắm

    Tháng tư về trong nỗi nhớ
    Tháng tư về trong nỗi nhớ
    Tháng tư về trong nỗi nhớ
    Tháng tư về trong nỗi nhớ

  2. Tháng Hai, Hà Nội cho ta thời khắc cảm giác an tĩnh đến lạ thường. Đất trời được bao phủ một màn sương mờ ảo của mưa xuân. Mưa lung linh nơi cánh hoa, ngọn cỏ. Mưa tinh nghịch đậu trên mi mắt, trên mái tóc buông lơi của ai đó. Chỉ nhẹ nhàng thôi nhưng mưa vừa đủ để thấm vai áo mỏng người thương. Trong đêm, mưa thì thầm đánh thức bao nỗi nhớ trong ta.


    Có những ngày cuối tuần, phố Hà Nội thật thưa vắng, dường như vòng xoay cuộc sống đang chậm lại. Quán cà phê cũ, ta đếm giọt cà phê tí tách rơi hòa trong tiếng nhạc dìu dặt đưa ký ức lang thang đâu đó. Lời bài hát lãng đãng khi gần khi xa khiến ta chợt ngẫm về dấu chân của thời gian: “Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai/ Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời/ Xin cho tay em còn muốt dài/ Xin cho cô đơn vào tuổi này/ Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài”. Ừ nhỉ, ai rồi cũng có lúc phải đối mặt với năm tháng hằn sâu trên khóe mắt, làn môi, mái tóc.


    Thời gian không chờ một ai, mùa hoa này tàn sẽ lại có mùa hoa khác kế tiếp. Sau quãng rằm tháng Giêng, khi hoa đào đã phai, người Hà Nội thường chơi hoa lê như để kéo dài khí xuân trong nhà. Những cành hoa lê thân mốc, lộc biếc trổ san sát cùng hoa và nụ được mang từ vùng núi phía Bắc về Hà Nội. Theo kinh nghiệm, các gốc hoa càng già càng đẹp và rất bền, có thể chơi đến khoảng 2 tháng. Khác với vẻ tươi thắm của hoa đào, những cánh hoa lê trắng muốt, thanh khiết khoe sắc trong phòng khách người Hà thành mang nét đẹp riêng thật trang nhã. Ngẫm ra, cuộc sống có bao điều đổi thay với sự xoay vần của bốn mùa.

    Tháng Hai luôn có sự ghi dấu đặc biệt với những người có cùng tháng sinh vào cung Bảo Bình. Dường như, họ có điểm tương đồng rất riêng. Những người có ngày sinh vào tháng Hai thường thông minh, nhìn nhận mọi việc sâu sắc và toàn diện từ nhiều hướng. Có được người bạn sinh vào tháng Hai thật đáng quý vì họ luôn biết trân trọng các mối nhân duyên ân tình đi qua đời mình. Thêm một điều khá thú vị, những người sinh trong cung Bảo Bình của tháng Hai luôn có sức thu hút đặc biệt với người khác. Nhược điểm lớn nhất của người sinh tháng Hai là khó có thể quên những nỗi đau đã phải nhận nhưng lại cố che giấu cảm xúc. Vậy nên, đừng bao giờ khiến họ bị tổn thương. Nhân sinh vô thường cho ta đủ mọi cung bậc cảm xúc. Cũng có khi, tình đang đậm sâu, thốt nhiên trở nên phai nhạt. Vạn vật luôn biến đổi theo năm tháng.


    Thời gian trôi nhanh như gió thoảng, có những nhân duyên chỉ đến một lần trong đời. Đôi khi, ta vuột tay chẳng kịp níu giữ người tri kỷ, chỉ một phút xoay lưng mãi trở thành người dưng. Có lẽ, chỉ đến khi ta nếm trải đắng cay của cuộc đời, khi đó sẽ tự biết nâng niu vị ngọt đậm sâu của chân ái đời mình. Sự kỳ ảo của chữ duyên khiến ta không thể đoán định điều gì sẽ đến và đi. Thì thôi nhé, nếu không còn đủ duyên ở bên nhau, ta hãy nhẹ nhàng buông nỗi buồn theo nước chảy mây trôi. Học cách lãng quên ngày tháng cũ cũng là một cách để sống an nhiên.


    Tháng Hai, mưa xuân phơi phới, hoa xoan tim tím rụng vơi đầy, hương hoa bưởi lang thang trong gió khiến nỗi nhớ thốt nhiên lại tròng trành trong tim ta.


    Vy Anh

    Tròng trành nỗi nhớ tháng 2
    Tròng trành nỗi nhớ tháng 2
    Tròng trành nỗi nhớ tháng 2
    Tròng trành nỗi nhớ tháng 2
  3. Tháng ba về đủ mọi sắc hoa nhưng tôi mãi không quên sắc hoa màu tím biếc. Là sắc tím mênh mang vườn xoan trước ngõ, khẽ rung rinh rồi rơi vỡ tả tơi khi gió qua vườn. Cánh hoa li ti xoay theo chiều gió rồi thản nhiên rơi vào lòng đất mẹ. Là màu tím của chùm chua me đất, một loài hoa dại vẫn kiêu hãnh vươn những cánh mỏng manh nô đùa cùng chị gió...Chẳng hiểu sao khi nhìn những cánh hoa màu tím ấy lòng tôi lại rưng rưng nỗi nhớ.Một nỗi nhớ bền chặt, thủy chung về những ngày xưa với một trời kỉ niệm.


    Tháng Ba ơi!


    Tháng ba - Nhớ về tháng ba ngày tám! Gia đình tôi cũng như phần lớn các gia đình trong làng thuở ấy. Cái đói tháng ba là nỗi sợ dai dẳng. Khi hạt thóc cuối cùng trong bồ đã nghiêng hết từ những ngày sau tết. Ban đêm, lũ chuột chạy rậm rịch rồi thỉnh thoảng lại kêu chí chóe trong chiếc bồ rỗng. Mẹ là sinh viên của trường Đại học tận Hà Nội nhưng sau trận ốm phải về quê và từ đó gắn với thửa ruộng quê. Cha là thầy giáo cấp ba lương được tình bằng những cân gạo mậu dịch và mì và ngô nữa. Nhà thiếu gạo mẹ chạy vạy bằng cách gánh hàng đi bán chợ xa. Hàng của mẹ là mớ chanh, là những liền trầu...Gánh trầu của mẹ đã khiến tôi bao lần lo lắng.


    Khi cha bắc thang lên giàn trầu, giàn trầu lắc lư, lắc lư... là tôi lại hét lên: Cha ơi, cha cẩn thận đấy! Những lúc như thế bao giờ cha cũng nhẹ nhàng bảo: Con lo cho cha như thế là tốt nhưng cha chẳng việc gì đâu. Nỗi lo chỉ thực sự hết khi cha bước chân xuống từ bậc thang cuối cùng. Tôi lo khi mẹ đi chợ về muộn. Mẹ đi tận chợ Lường cách nhà chừng năm cây số. Chợ Lường ở đâu tôi đâu có biết, chỉ biết là chợ ở nơi xa lắm. Nơi mà tôi chưa bao giờ được đến. Mẹ đi chợ bán trầu và đổi lại là những hôm sau nhà có gạo để nấu cơm. Những ngày tháng ba như thế lấy đâu ra quà bánh. Gạo là quà đấy nhưng có được nhiều đâu. Nấu cơm phải dè sén để còn trừ phần gạo cho bữa cơm sau.


    Tháng ba ngày tám là tôi lại nhớ kỉ niệm cười ra nước mắt của gia đình đồng nghiệp của cha tôi, cũng là láng giềng của chúng tôi. Trong bữa cơm, tất cả các thành viên đều được chia đều lưng bát cơm. Người con út ăn xong vẫn thòm thèm đòi ăn tiếp. Người mẹ lúng túng nhưng nhẹ nhàng bảo: Giờ hết rồi, trưa mẹ cho con ăn nhé. Đứa con lăn ra vừa khóc vừa nói: Cơm vẫn đang còn mà. Người mẹ ngạc nhiên hỏi lại: Cơm hết rồi còn đâu con? Cu cậu chỉ vào bát cơm của bố: Đây, còn trong bát của bố đấy! Giờ nhớ lại khóe mắt tôi vẫn cay cay. Bây giờ cậu bé ấy đã có nhà lầu, xe hơi, công việc có thu nhập tốt nhưng đâu còn cơ hội để mời cha bữa tiệc đủ đầy...Thương lắm. Tháng Ba xưa!


    Tháng Ba...Tháng của tình mẫu tử thiêng liêng!


    Có một ngày tháng ba dành cho Mẹ nhưng thuở ấy tôi chưa bao giờ có món quà nào để tặng mẹ kính yêu. Và có lẽ mẹ cũng ít khi nhớ về ngày đó. Tôi nhớ một ngày tháng ba, khi tôi ngồi học bên chiếc đèn dầu, đàn muỗi vo ve thỉnh thoảng lại bất ngờ chích một phát vừa ngứa vừa đau...đó cũng là lúc mẹ đang ngồi nấu nồi cám lợn to đùng. Ánh lửa bập bùng, tiếng củi lép bép nổ.


    Khi bụng của tôi đang réo lên vì đói thì tôi chợt nghe tiếng mẹ gọi:

    - Này con, nghỉ học tí, xuống đây với mẹ!

    - Sao vậy mẹ.

    - Mẹ có cái này cho con. Quà đấy.


    Tôi ngạc nhiên xen lẫn tò mò bởi khi mẹ đi chợ về còn chẳng có quà, vả lại đêm khuya thế này quà gì nhỉ. Tôi vội vàng chạy xuống.


    - Ngồi xuống đây con.


    Tôi chờ đợi ...Quà đây. - Mẹ nói và đưa món quà cho tôi.


    Đến bây giờ tôi còn nhớ như in hình ảnh mẹ lúc đó. Nửa muốn con đỡ đói lòng, nửa lại lúng túng ngại ngần. Thì ra, món quà mẹ cho tôi là bột ngô được mẹ rây lấy phần bột nhỏ và mịn. Mẹ trộn với ít nước và muối sền sệt, cho vào lá chuối tươi và nướng lên. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món ăn “đặc biệt” này.


    Tôi không biết mùi thơm của ngô hay của tình mẫu tử? Vị ngọt ngon của món quà đêm ấy không có cao lương mĩ vị nào sánh bằng. Mẹ ơi, món quà ngày xưa theo con suốt cả cuộc đời.


    Con gọi món quà ấy là món quà Tình Mẹ thiêng liêng!


    Tháng ba lại về. Chỉ vài hôm nữa thôi sẽ đến ngày của mẹ. Con sẽ về bên mẹ, mẹ nhé. Tháng Ba, hoa xoan tím, hoa bưởi tinh khôi, hoa dẻ ngan ngát mùi hương dịu ngọt, đàn ong vẫn rù rì đi lấy mật ... và con lại hồi ức về tháng Ba xưa. Vạn vật đổi thay, con tạo xoay vần...nhưng những kỉ niệm về tháng Ba xưa vẫn còn nguyên vẹn.

    Tháng Ba về rưng rức nỗi nhớ thương!


    Xoan Vương

    Tháng ba về rưng rưng nỗi nhớ
    Tháng ba về rưng rưng nỗi nhớ
    Tháng ba về rưng rưng nỗi nhớ
    Tháng ba về rưng rưng nỗi nhớ
  4. Có những nỗi nhớ kéo rất dài và đậm rất sâu.

    Có những nỗi nhớ lại nhẹ nhàng đến và đi như những cơn mưa bất chợt

    Có những nỗi nhớ tan nhanh trong nhạt nhòa miền ký ức.

    Có những nỗi nhớ dù đi suốt đời cũng chẳng thể nào quên.

    Nhớ một người là cách trái tim nhắc nhở rằng bạn yêu người ấy! Đã có ai từng nhớ một người đến “điên đảo”, rằng trong lúc trái tim đang yếu đuối nhất, mệt mỏi nhất, chỉ cần một tin nhắn gửi đến từ số điện thoại của người ấy là dường như mọi nỗi buồn đều theo gió đến một nơi rất xa như chưa từng tồn tại, rằng những lúc cô đơn, tủi thân nhất dù có cách xa hàng trăm ki-lô-mét cũng chỉ muốn chạy thật nhanh đến mà ôm, mà nằm trọn trong vòng tay, mà thủ thỉ, mà nhận được sự vỗ về…. Nỗi nhớ chẳng chịu nằm yên!

    Khi mới yêu, ai mà lại không nhớ đến người yêu thương, dường như lúc nào hình bóng của người con gái ấy cũng ngập tràn trong suy nghĩ. Một ngày mới bắt đầu, đôi mi chưa kịp hé để đón nhận những tia nắng ban mai thì lý trí lại nhanh hơn một bước chẳng chịu để bóng hồng ấy ngoài suy nghĩ, trái tim cũng chẳng chịu nằm yên khi cứ đập loạn lên vì đôi môi, vì ánh mắt, vì nụ cười của ai…Lại có những lúc tủm tỉm cười một mình giữa phố xá đông người, là lúc anh nhớ về em, nhớ những lần mình nắm tay nhau, hồn nhiên, vui vẻ mà chẳng thể nào quên. Một ngày khép lại, chúng ta ở hai nơi khác nhau, làm những công việc khác nhau, suy nghĩ về những điều chẳng giống nhau, nhưng chúng ta luôn đi ngủ chung một giờ, luôn nghĩ về nhau trong những giấc mơ thật đẹp.


    Những năm tháng yêu nhau, chúng ta luôn dành cho nhau những vị trí quan trọng trong trái tim đối phương, chỉ có điều nỗi nhớ đã không còn được mãnh liệt, da diết như ngày mới bắt đầu. Bởi có lẽ, ta đã quen với suy nghĩ có một người đặc biệt trong cuộc sống của mình, bởi nỗi nhớ đã trở thành thói quen, một điều gì đó hiển nhiên mất rồi. Cho dù có bận rộn với công việc, với cuộc sống hối hả tất bật bên ngoài thì trong guồng quay đó chỉ cần hình bóng em vẫn nằm đâu đó trong suy nghĩ anh, chỉ cần trái tim em vẫn có lần rộn ràng vì nhớ đến anh, chỉ cần ta vẫn nhớ về nhau…

    Có những ngày nỗi nhớ thật lạ….

    Thế nhưng em biết không? Trải qua bao tháng ngày nỗi nhớ nằm yên hay đôi lúc ngủ quên trong suy nghĩ anh, thì lại có những ngày nỗi nhớ thật lạ. Bởi anh nhớ em rất nhiều!

    “Bao nhiêu nỗi nhớ để được gọi là yêu?” – Anh không biết nữa. Chỉ biết rằng bao nhiêu thứ trên đời chẳng thể đếm hết được nỗi nhớ trong lòng anh. Một năm có 4 mùa, chúng ta gặp nhau được mấy lần ít ỏi, mỗi lần cũng chỉ là thoáng qua trong chốc lát, chỉ kịp chạm ánh mắt, chạm đôi tay, chạm bờ môi…rồi lại phải rời xa trong nỗi nhớ nhung khôn tả. Dù là tiết trời xuân se lạnh cũng cảm thấy sao buốt giá trong lòng, dù là mùa thu mát mẻ với cơn gió luồn qua tóc em nhẹ nhàng mà sao thấy quạnh vắng, đìu hiu…Dường như mọi thứ ngoài kia đâu đâu cũng là hình bóng em, là ánh mắt, là nụ cười em. Những lúc chia xa ấy sao lòng anh buồn đến khó tả, nước mắt trực rơi, mọi thứ trong cách nhìn của anh đều nhuốm màu buồn vì thiếu vắng em. Em có biết?… Những lúc như thế chỉ mong sao thời gian ngừng trôi chảy, bánh xe ngừng chạy mãi, con đường đừng tiến về phía trước để lại em ở phía sau xa ấy. Những lúc như thế chỉ mong sao có được cỗ máy thời gian của Đoremon để bước qua cánh cửa diệu kỳ là có thể gặp được em, được nhìn thấy em, được ôm em trong lòng…Những ngày như thế, suy nghĩ anh chỉ có thể nghĩ về em mà chẳng thể nghĩ đến việc khác, những ước muốn, những “giá mà” lại bắt đầu xuất hiện trong đầu anh.


    Nhưng cuối cùng bao nhiêu nỗi nhớ trỗi dậy vào những ngày bất chợt ấy giúp anh hiểu được rằng anh nhớ em thật nhiều và yêu em biết bao nhiêu! Dù những ngày nỗi nhớ đến thật lạ ấy khiến anh buồn nhiều lắm, nhớ em nhiều lắm nhưng có lẽ sẽ chẳng thể quên được bởi qua những ngày ấy nỗi nhớ của anh lại nhiều lên một chút!


    Có những ngày nỗi nhớ thật lạ!

    Rằng một giờ bằng 60 phút, một phút bằng 60 giây nhưng anh không biết là một ngày xa em lại bằng một thế kỷ.

    Tâm Duyệt

    Có những ngày nỗi nhớ thật lạ!
    Có những ngày nỗi nhớ thật lạ!
    Có những ngày nỗi nhớ thật lạ!
    Có những ngày nỗi nhớ thật lạ!
  5. Lạnh của mùa đông đã dắt díu nhau về ngôi trường của tôi đôi đợt. Bận bịu quá nên tôi chẳng còn thời gian mà gian mà díu với từng cơn gió nhẹ, mà hẹn mà hò với từng cọng heo may len lén bên ô cửa nhỏ. Sáng nay lên trường, lại cảm nhận thêm đợt lạnh mới tràn về. Mưa bụi lất phất, lạnh la cà cả dọc hành lang dãy nhà hiệu bộ. Các cô cậu học trò đều đã khoác áo ấm, mấy bạn nữ đã choàng khăn…


    Bỗng nhiên, tôi bâng khuâng nhớ về những ngày đầu đông xa lắc xa lơ năm nào. Tháng mười hai ấu thơ, rét mướt theo mẹ ra đồng, bẻ cải ngồng ăn, miệng thút thít vì vị nồng cay mà vẫn thích. Nhớ khoảng không gian êm đềm, bình lặng nơi cánh đồng quê. Ở đó, màu xanh của ngô khoai… bị phủ lấp bởi sương giăng buổi sáng. Nhìn kỹ mới thấy những bông hoa cải vàng tô điểm bằng những hạt sương mai lóng lánh. Dường như chúng đang cố vén màn sương để khoe sắc. Những luống khoai bắt đầu xanh tốt, hai bên luống những người nông dân cần cù còn trồng thêm rau cải để tăng thêm đồng thu nhập. Vì thế, những luống khoai dường như đã được lấp đầy bởi một màu xanh tươi tốt.


    Cánh đồng quê muôn đời vẫn thế như bầu sữa mẹ nuôi nấng cả xóm làng trong những ngày giáp hạt. Mẹ xuống đồng tần tảo bòn từng bó rau đem ra chợ bán. Bà cũng ra đồng chọn những bẹ cải to xanh mướt, hái thành bó gánh về phơi qua vài nắng để muối dưa. Những đĩa dưa vàng óng cả tuổi thơ chúng tôi. Những đĩa dưa với khoai sắn là món thường nhật trong mỗi bữa ăn ở nông thôn ngày ấy. Buổi sáng ăn vội củ khoai với mấy quả cà muối, thế là lại vui vẻ đến trường. Những dưa cà, khoai sắn nuôi nấng chúng tôi dần lớn khôn…

    Tháng mười hai năm cuối cấp ba, bạn bè bắt đầu viết lưu bút cho nhau mà có trang giấy ướt nhòe vì nỗi niềm xa cách. Những nét chữ trao gửi bao nhiêu nỗi niềm yêu thương của năm tháng học trò. Có ai đó viết tặng cho ai mấy vần thơ vào quyển sổ lưu bút mà đêm về thao thức. Có ai đó viết kín cả mấy trang giấy mà chưa chia sẻ hết nỗi niềm muốn gửi trao. Cũng có người chưa trao gửi được điều gì thì giờ biệt ly đã đến. Những đêm đầu đông, khi đang mải mê ôn bài bỗng gió luồn vào ô cửa nhỏ rồi chạm đến đánh thức làm xao động những nhung nhớ tuổi học trò. Cái lạnh đầu đông khiến ai đó bạo dạn đan tặng ai chiếc khăn ấm. Và rồi, nó thành kỷ vật đi theo ai đó suốt cả cuộc đời…Tháng mười hai mịt mù sương khói của những buổi sáng mai ăn vội củ khoai để kịp đạp xe đến trường cùng mấy đứa bạn thân. Gió mùa thốc ngược vào chiếc áo khoác đã cũ. Lạnh đến tím cả chân tay. Vậy mà vẫn cứ vui đùa cùng nhau, cùng với những vòng quay của chiếc đạp cọc cạch bon bon đến trường đúng giờ. Nhớ cái lần nhờ cơn mưa phùn lất phất mà tôi có cơ hội chở người bạn ấy đến trường. Chả là đường trơn, bạn bị trượt ngã. Chiếc xe hỏng xích. Thế là có người tình nguyện nhiệt tình gửi giúp xe cho bạn và tủm tỉm cười với một ý nghĩ nào đó trong cái lạnh đầu đông. Đó có lẽ là cái cớ đẹp nhất trong quãng thời gian “ướp mộng học trò”. Và rồi, sau này có những phút giây nhớ lại, khoảnh khắc trong trẻo ấy lại đánh thức, khơi gợi bao kỉ niệm buồn vui của tuổi hồn nhiên áo trắng. Trong một phút giây nào đó, lòng chợt hỏi:


    Em còn nhớ hay em đã quên?

    Những tháng năm tuổi hồng vương lên lá

    Em với ai hẹn hò rất lạ

    Để rồi xa biền biệt phương nào?

    Em còn nhớ hay em đã quên?

    Tháng Mười Hai

    vừa về chớm lạnh

    Khăn em choàng

    lấm tấm những giọt sương


    Tháng mười hai trong vắt, tĩnh lặng, u buồn theo âm điệu bài thơ cô giảng “đưa người ta không đưa qua sông/ sao có tiếng sóng ở trong lòng/ bóng chiều không thắm không vàng vọt/ sao đầy hoàng hôn trong mắt trong….”. Tôi ngồi nghe những vần thơ ấy với những suy tưởng xa xôi.

    Cũng còn chỉ ít tháng nữa là chúng tôi – những bạn bè gắn bó ba năm dưới mái trường phổ thông sẽ chia xa nhau. Có thể trong số chúng tôi sẽ biền biệt phương trời chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. Cũng có thể phải mất nhiều năm sau chúng tôi mới có dịp hạnh ngộ với bạn bè, thầy cô. Chỉ nghĩ thế thôi mà lòng buồn mênh mang. Câu từ của những vần thơ bởi thế nó cứ vang vọng mãi trong lòng…Điện thoại tít tít, trò nhắn “Em nhớ trường, nhớ thầy, nhớ các cô nhiều lắm!”. Có lẽ mùa đông hồ dễ làm lòng người xao xuyến, nhớ nhung chăng? Đúng vậy, làm sao không nhớ không thương năm tháng học trò. Làm sao không nhớ không thương những buổi sáng tinh mơ, mấy đứa túm năm túm ba nơi cái ghế đá trước lớp học, ai ngang qua cũng nở một nụ cười chào nhau ấm áp cả sân trường. Nhớ cái dốc bao lần lên xuống nơi cổng trường. Con dốc ghi lại những lần muộn học bị các thầy cô Đoàn trường bắt phạt. Con dốc nhắc nhở bao lần ra chơi chạy ào xuống căng-tin ăn khao cái áo mới của nhỏ bạn. Con dốc bao lần lên xuống cho chúng tôi trưởng thành hơn…


    “Tùng! Tùng! Tùng….” cô văn thư đánh hồi trống vang bay.


    Tôi giật mình theo âm vang tiếng trống. Hình như thanh âm tiếng trống ấm áp hơn thường ngày. Hình như ai đó đang nhắc tên ai đó theo mùa, theo những ngón thon gầy nơi phố sá hay những con đường quăng quật nơi xa xôi. Tiếng trống thu vào lòng tôi và vỡ ra thành những thanh âm của hoài niệm xa ngái.


    Nỗi nhớ đầu đông da diết ùa về…


    Nguyễn Đình Ánh

    Nỗi nhớ đầu Đông
    Nỗi nhớ đầu Đông
    Nỗi nhớ đầu Đông
    Nỗi nhớ đầu Đông
  6. Buổi sáng mờ sương giăng lối nhỏ, tâm hồn tôi cũng mờ ảo như mặt Hồ Gươm. Nhớ về một thời tuổi trẻ cháy bỏng. Được sống trong lòng Hà Nội. Nơi những con phố dài đã không chỉ là phố mà là một trời kỷ niệm. Là khúc tự tình rủ rỉ trong lòng, có lúc chợt quên rồi chợt nhớ. Một Hà Nội chằng chịt vết sẹo trong tâm khảm, rất đau và cũng rất đỗi thương yêu.

    Ngày đầu tiên tôi biết đến Hà Nội là ngày bác tôi chở tôi từ quê ra Hà Nội thi đại học. Mùa hè nắng bỏng rát, xuyên qua lớp áo mỏng. Chiếc ba lô chất đầy sách vở, tôi vẫn lâng lâng tiếc nuối mùa hạ cuối cùng của thời học sinh. Hà Nội đón tôi bằng những nhộn nhịp nơi góc phố, những hàng quán chen chúc bên đường. Những cô bán hàng rong thênh thang trên đôi quang gánh. Bác tôi rẽ vào hàng kem Tràng Tiền, mua cho tôi những que kem mát lạnh. Kem Tràng Tiền có vị thanh mát, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi. Người ta thường nói “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Vì que kem ấy mà mùa hè bỏng rát bỗng trở nên mềm mại, tan chảy vào trong vị kem khiến tôi không thể nào quên.Sau mùa thi ấy, tôi chính thức là công dân đăng ký tạm trú tại Hà Nội 5 năm. Những ngày đầu nhập học. Bạn cũ, bạn mới chưa quen. Tôi tủi thân, nhớ nhà vô cùng. Xung quanh tôi những bạn khác cũng cùng tâm trạng. Thầy Kế dạy môn Triết Học cho phép bọn tôi viết một điều ước trong tờ giấy nhỏ giấu tên. Hà Nội với tôi lúc đó cũng thật lạ lẫm, chẳng bao dung một cô gái bé nhỏ như tôi. Tôi thấy cô đơn, lạc lõng và nặng trĩu một màu buồn. Tôi nắn nót viết những dòng chữ nhỏ vào tờ giấy: “Em muốn mọi người ai cũng được sống chan hòa trong tình yêu thương và không phải đau khổ vì nỗi nhớ”. Khi đọc điều ước của tôi lên, thầy giáo đã bật cười. Đôi khi sự trong trắng ngây thơ của tuổi mười tám chảy trôi đến thuần khiết. Có ai trưởng thành rồi mà không có trải qua những đau khổ, nhớ nhung? Buổi chiều đi học về, tôi men theo con đường Láng Hạ rồi rẽ trái ra đường Láng trên chiếc xe đạp màu mận tím. Con đường ngập tràn bóng râm bởi những cây xà cừ cổ thụ. Vài tán lá vàng rụng xuống bay bay trong gió. Điều đó chỉ làm cho một cô bé như tôi thêm nhớ quê hương đến bồi hồi.


    Khu nhà trọ phường Định Công dành cho những bạn sinh viên nghèo từ khắp miền quê đổ về đây trọ và học. Bọn tôi nương náu vào nhau tìm niềm vui tuổi trẻ mà xua tan đi nỗi nhớ nhà. Chúng tôi đạp xe rong ruổi khắp con phố Hà Nội vào buổi tối. Chẳng có tiền vào những hàng quán xa xỉ, lấp lánh ánh đèn bên đường. Chúng tôi chỉ đi qua và ngắm nghía chúng. Những ánh sáng của nơi phố thị là đây, một cô bé ngày xưa chỉ biết làm bạn với đồng, với sông rồi với bể. Nơi tuổi thơ tôi chỉ biết tước những cô bèo tây làm búp bê và quấn cỏ quanh mình làm chăn ấm. Khi nào bác tôi đi công tác từ Hà Nội về sẽ mua cho tôi một bộ quần áo mới, mấy gói kẹo ngon ngọt. Như vậy thôi cũng đủ chỗ tôi thổn thức, mong ngóng cả tháng trời, mong đến ngày nghỉ phép cuối tuần được về của bác. Bác mang chút dư vị từ nơi hoa lệ đẹp đẽ ấy. Hà Nội trong ký ức của tôi bấy giờ là những tòa ánh sáng.


    Những năm học sau tôi đã trưởng thành hơn. Biết đi làm gia sư kiếm tiền. Ngày lĩnh tháng lương đầu tiên, tôi tự thưởng cho mình một chiếc áo khoác mùa đông màu đỏ ấm sực nức. Trên con phố Chùa Bộc chất đầy những gian hàng thời trang lộng lẫy và hợp mốt. Noel năm ấy trời thật lạnh! Khắp các phố phường, những chiếc áo phao đỏ như một xu hướng màu thời trang thịnh hành đi qua trên phố. Người ấy cũng chở tôi trên chiếc xe máy đến nhà thờ Lớn. Đêm Noel, Hà Nội không thấy tiếng chuông nhà thờ điểm, nhưng lòng tôi ngân vang hạnh phúc trong dự vị ngọt ngào của mối tình đầu.

    Những đêm Hà Nội thật êm. Cuộc sống Hà Nội, những người không bao giờ ngủ. Tản bộ một đêm dưới những con đường Hà Nội, vẫn hàng quán tấp nập, vẫn lung linh ánh đèn, vẫn lao xao tiếng rao đêm, vẫn tiếng động cơ xe máy chạy vội vã trên đường. Tôi thao thức cùng Hà Nội. Nghe lách khẽ khúc giao mùa. Thời khắc giao mùa ở Hà Nội có gì đó mênh mang lắm. Nó cứ khẽ len lỏi vào trong tôi những tình cảm rất duyên mà cũng rất thấm. Cái duyên khiến người ta yêu và quện trong trí nhớ mãi mãi chẳng bao giờ có thể thôi lãng đãng nhớ nhung.


    Nhớ những buổi chiều sau cơn mưa rào vội vã. Phố phường dường như được gột rửa. Tôi cùng anh rẽ vào quán cà phê Xe Đạp Ơi ven đường. Quán có trang trí một chiếc xe đạp cũ, tượng trưng cho ký ức tình yêu tuổi trẻ. Nghe nhạc Trịnh du dương tan chảy, chỉ để nhâm nhi tách cà phê nâu đá có đường, cà phê nhỏ giọt như cuộc sống chậm rãi chảy trôi.


    Nhớ những khi bụng đói cồn cào, rẽ vào hàng bánh mì nằm giữa con phố nhỏ mang tên Thái Thịnh. Những bạn nhân viên tuổi đời rất trẻ, niềm nở nụ cười tiếp khách. Sau này khi về quê, tôi không thể nào tìm lại được quán bánh mì vừa ngon lại vừa rẻ như thế. Điều đó càng làm tôi thêm chống chếnh nhớ Hà Nội đến quay quắt.


    Nhớ cơn mưa rào không ngớt đầu đông năm 2008. Mưa rả rích, nặng hạt kéo dài lê thê từ ngày này sang ngày khác. Hà Nội ngập tràn nước như sông chảy từng dòng trên đường phố. Bọn tôi chạy ra đường, từng dòng xe nối nhau đi qua để lại lớp sóng tung tóe lên như sóng biển. Cả bọn sinh viên chúng tôi reo hò ầm ĩ. Với tôi, đó là kỷ niệm rất thú vị và cũng rất đáng yêu. Mỗi khi nhớ về, tôi lại mỉm cười như rúc rích muốn hòa tan vào "dòng sông Thủ Đô" năm ấy.


    Hà Nội sâu thẳm và bao dung. Chẳng một ai đi qua Hà Nội mà không nhớ. Ai cũng có những lúc ngây thơ rồi trưởng thành, nhớ rồi quên, yêu rồi xa. Tôi cũng chếnh choáng đi qua bao cung bậc cảm xúc những ngày tháng tuổi trẻ được sống ở Hà Nội. Tôi không bao giờ quên những gì tôi đặt dấu chân qua nơi đây. Dù buồn hay vui tựu chung lại đều là nhớ. Một Hà Nội rất riêng những nỗi niềm trong tôi.


    Nguyễn Thanh Nga

    Nhớ Hà Nội
    Nhớ Hà Nội
    Nhớ Hà Nội
    Nhớ Hà Nội
  7. Cuối tháng tư nhớ thương mùa hoa sấu. Loài hoa bé li ti kết chùm trắng sữa thơm ngòn ngọt trên cành mênh mang tan trong gió lành lạnh cuối mùa. Nàng Bân cứ bần thần tiếc nuối, níu giữ tháng tư cho mùa xuân thêm sắc màu hoa sấu?


    Hoa sấu tháng tư cứ giản dị mà dịu dàng như thiếu nữ mới lớn bởi những chùm hoa cứ e ấp, lấp ló trong vòm lá xanh bóng mỡ. Phải để ý kĩ ta mới thấy sắc hoa, phải nhắm mắt mới cảm nhận hết hương thơm thanh nhẹ của hoa sấu. Không mong manh như hoa bằng lăng, không rực rỡ như hoa phượng nhưng vẻ đẹp chùm hoa sấu cứ đi sâu vào tiềm thức những ai đã và đang sinh sống ở Hà Nội - mảnh đất đi đâu cũng có thể bắt gặp cây sấu xanh mát.


    Tháng tư về gọi sấu nở hoa, giục cây thay áo mới. Những hàng sấu quanh năm xanh bóng mướt đồng loạt đổ vàng khiến ta ngỡ mình đang lạc bước sang thu. Hà Nội tháng tư! Hà Nội đẹp đến mơ màng khi ta được đi dưới hai hàng cây trên đường Phan Đình Phùng, đường Trần Hưng Đạo hay đường Trần Phú...


    Ai đem rải lá thu vàng
    Giữa trời Hà Nội bước ngang sang hè?


    Hà Nội vào hè đẹp nhẹ nhàng pha sắc thu dìu dịu. Những thảm lá vàng phủ kín lối đi xen kẽ bông hoa sấu trắng nhỏ như chiếc chuông tí xíu khiến bước chân ta bỗng ngập ngừng, xao xuyến. Đó là cảm giác chộn rộn lòng khi mùa nối mùa, là cảm giác phấn chấn khi hè trở lại gọi nắng, gió và các sắc màu rực rỡ quay về. Niềm tin và hi vọng lại bừng lên mạnh mẽ.


    Hà Nội sắp sang hè! Chỉ mấy bữa thôi trên những chùm hoa lặng lẽ ấy đậu quả tròn xinh xắn như những con mắt của mùa. Mùa hoa sấu nhanh lắm! Chỉ qua vài ngày là cây thay áo mới- chiếc áo xanh non bóng bẩy đón hè. Chẳng thế nhà thơ Xuân Diệu mới viết:


    Mấy hôm trước còn hoa
    Mới thơm đây ngào ngạt,
    Thoáng như một nghi ngờ.
    Trái đã liền có thật.
    (trích: Quả sấu non trên cao)


    Chỉ bận rộn chút thôi ta sẽ thấy in trên nền trời xanh ngắt là những chùm sấu non quả lúc lỉu đu đưa theo gió. Khi ấy hè về, những cơn mưa rào đầu mùa bất chợt xối xả đến rồi đi. Mẹ ra chợ mua mớ rau muống non mềm như bún về luộc. Nước rau muống dầm sấu xanh tốn cơm phải biết. Chẳng mơ về sơn hào hải vị cao sang, ta nhớ về bát canh sấu dầm của mẹ. Nước canh chua chua, thanh thanh không gắt như chanh mà đậm đà và đục màu đặc trưng của sấu đưa đẩy mấy bát cơm với cà. Hè về chứ nhớ thương như thế!

    Mùa hoa sấu tháng tư, mùa thu hoạch tháng chín. Ấy cũng lại là thời khắc giao mùa. Đầu mùa sấu nhuộm vàng ươm màu lá. Cuối mùa sấu quả chín hòa cùng sắc nắng vẫy gọi mùa thu. Giữa cái nắng “rám trái bòng”, cốc nước sấu thơm lừng vị gừng, ngọt ngào của đường và chua dịu của sấu đánh tan mọi cơn khát. Lang thang phố phường Hà Nội quán trà đá nào cũng kèm bán nước sấu như một thức quà quen thuộc của người dân nơi đây.


    Thu về sấu chín vàng. Những quả sấu tươi tròn núc thịt sẽ được chị em nội trợ chọn mua về cạo vỏ, dùng dao sắc khoanh xoáy trôn ốc quanh quả rồi dầm đường, muối, ớt. Món ăn vặt hấp dẫn này đánh thức được thị giác, vị giác và cả thính giác những ai trót nhìn, trót ăn và trót nhớ. Quả sấu vỏ vàng, thịt trắng trong trộn với màu của đỏ của ớt bột thêm vị chua giòn tan trong khoang miệng. Ta cứ từ từ cảm nhận đủ cung bậc cuộc đời qua từng miếng sấu chín.


    Mùa sấu lại về! Lòng người con xa nhà lại diết nhớ: nhớ món ăn dân dã canh chua dầm sấu, nhớ thức quà vặt hấp dẫn tuổi thơ, nhớ bước chân qua con đường quen trải lá vàng với bao kỉ niệm một thời đã qua. Chao ôi là nhớ!


    Trần Thanh Nhàn

    Nhớ thương mùa sấu
    Nhớ thương mùa sấu
    Nhớ thương mùa sấu
    Nhớ thương mùa sấu
  8. “Anh biết không, trời đã chuyển heo may/Giọt nắng nhỏ buông vệt dài trên phố/Xâu nỗi nhớ gửi về miền bão tố/Để lòng em xao xuyến, bâng khuâng…”. Sáng vừa ngủ dậy, nhận được câu thơ của bà xã nhắn tin qua điện thoại làm tôi cảm thấy vui và thầm cảm ơn cô ấy đã báo cho tôi một thông điệp mang đầy hoài niệm từ phương xa: heo may đã về!


    Khi nói về những cơn gió heo may, người ta hay nhắc về Hà Nội, nơi có mùi hương hoa sữa đặc trưng của thủ đô, những tà áo dài thướt tha hay những con ngõ nhỏ, phố nhỏ gắn với cái khoảng giao mùa đậm chất trữ tình giữa Thu và Đông. Heo may Hà Nội đã in sâu trong tiềm thức người dân và đi vào biết bao tác phẩm thơ ca, nhạc, họa để làm đẹp cho đời.


    Nhưng, heo may đâu phải của riêng Hà Nội. Heo may là tiết trời của cả miền Bắc - nơi có khí hậu đặc trưng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông rõ rệt. Cho nên, cứ vào độ tháng Mười, khi mùa Thu đã đi quá nửa chặng đường, ánh nắng không còn gay gắt nữa và mùa mưa bão cũng vừa qua đi, ta lại được đón những cơn gió heo may tràn về mang theo chút se se lạnh rất riêng.


    Heo may về, nhịp sống dường như cũng chậm lại và ngập tràn yêu thương nhiều hơn. Gió heo may hiền hòa, nhè nhẹ thổi làm vơi đi cái oi bức của mùa hè nóng bỏng vừa đi qua nhưng cũng không làm cho ta cảm thấy lạnh lẽo như mùa Đông. Cơn gió heo may cứ thầm thì, rủ rỉ, mơn man như một nốt lặng trong bản giao hưởng giao mùa làm cho lòng người an nhiên, tĩnh tại, mặc ngoài kia sóng gió ầm ào.


    Nhớ thuở ấu thơ, mỗi khi tiết heo may về, mẹ tôi đã rục rịch mở rương, mở tủ để tìm những chiếc áo bông, áo khoác cất từ năm ngoái, đem ra chuẩn bị cho cả nhà mặc để đón mùa Đông trở về. Hình ảnh mẹ tôi cùng gánh hàng rong kĩu cà kĩu kịt rảo bước trên con đường thị trấn quê nhà trong chiều đầy gió heo may làm tôi không thể nào quên được. Gánh hàng của mẹ nào chè gừng gạo nếp, nào ngô, sắn luộc, bánh đa kê… đã nuôi anh em tôi ăn học và trang trải cuộc sống gia đình. Cha vẫn cần mẫn cuốc đất, làm vườn, trồng rau. Tiết heo may về cũng là lúc cha bắt đầu vót nan chuẩn bị nguyên liệu để làm hương Tết. Cuộc sống cứ bình dị trôi đi. Tôi cứ thế lớn lên bằng gạo, ngô, khoai, sắn, bằng tình yêu thương của mẹ, của cha, của thầy cô và cả những cơn gió heo may đã nuôi dưỡng tâm hồn để tôi biết nhớ, biết yêu thương và biết cảm ơn cuộc đời này.


    Ngoài này chẳng có heo may, chỉ có nắng và những cơn gió luôn phóng túng vây quanh. Hòn đảo nơi tôi ở nằm ở nơi mênh mang xa thẳm giữa ngàn khơi. Tôi và anh em quê miền Bắc đều ước ao được hít hà, được mơn trớn một chút gió heo may cho thỏa nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Biển vẫn ầm ào tung vỗ ngày đêm, những con sóng lạ vẫn muốn ào lên để phá nát không gian yên bình vốn có. Anh em chúng tôi luôn phải căng mình để giữ biển, giữ đảo quê hương. Khi màn đêm buông xuống, mấy anh em cùng phòng lại tổ chức đón gió heo may qua những ký ức, hoài niệm, những câu chuyện kể của mình cho nhau nghe. Thế cũng cảm thấy đỡ nhớ mẹ, nhớ quê hơn nhiều.


    Năm nay tôi lại lỗi hẹn với gió heo may. Hai năm trước tôi được về phép đúng thời điểm cuối tháng Mười. Trước khi vào đơn vị trả phép để trực Tết, vợ chồng tôi từ thành phố tranh thủ về quê. Cha tôi đã đi xa được năm năm rồi. Mẹ cũng đã già yếu hơn trước nhiều. Trong tiết trời se se gió, bên bát chè gừng mẹ nẫu đãi vợ chồng tôi, cái cảm xúc ngày xưa lại ùa về trong ký ức khiến tôi cay cay khóe mắt mà không thể diễn tả thành lời.


    Thương nhớ về những cơn gió heo may đã thổi suốt tuổi thơ, tôi càng cảm thấy yêu hơn cuộc đời và vững tin hơn ở chặng đường phía trước, dù có gian nan, vất vả, hiểm nguy…


    Lam Giang

    Thương nhớ heo may
    Thương nhớ heo may
    Thương nhớ heo may
    Thương nhớ heo may
  9. Đứng lặng dưới gốc cây, cô ngước mắt nhìn lên. Bắt gặp bung biêng những chùm bưởi trắng. Hoa trắng như nỗi nhớ. Trắng như mây trời. Trắng như chiêm bao. Cô khẽ chạm tay vào. Luênh loang thương nhớ...


    Đó là cây bưởi sau vườn nhà cô. Cây bưởi cha trồng cho mẹ chỉ giản đơn vì mẹ thích gội đầu lá bưởi, thích mùi hương nồng nàn mỗi độ giêng hai. Mẹ đã kể cô nghe một chiều xưa như thế. Mẹ nói, cha trồng cây này năm mẹ về đây làm vợ, làm dâu, chỉ mấy hôm sau ngày cưới. Nên cây bưởi bao nhiêu tuổi, là cha mẹ cưới nhau ngần ấy năm trời.


    Câu chuyện mẹ kể, cô ngỡ ngàng phút chốc rồi quên. Vô tâm, con trẻ, và nếu có lớn, cô cũng chẳng thể quen những chuyện ngôn tình trong cuộc sống vốn dĩ quá nhọc nhằn của mẹ. Hoặc, cô sẽ cho đó là thứ lãng mạn viển vông, xa xỉ, là thanh âm trong trẻo chợt đến rồi đi, loãng tan, tắt lịm trong cuộc sống bận rộn, chất đống những ưu phiền của mẹ.


    Cô đánh rơi câu chuyện ấy như đánh rơi ngày hôm qua rất đỗi vô tình.


    Ngày nhỏ, cô hay thẩn thơ dưới gốc cây, nhặt những cánh bưởi trắng ngần rồi bỏ vào chiếc túi vải xinh xinh để ở ô cửa bên bàn học. Lắm khi thèm, cô mở túi ra, nhắm mắt hít căng mùi hương ấy...


    Ấu thơ, cô hay khắc khoải ngóng chờ Tết đến. Với cô cây bưởi là thiên sứ mùa xuân. Bởi đào, mai đài các đâu có chịu dừng chân bên cửa nhà nghèo như nhà cô thuở ấy.


    Cô ngóng Tết, thắc thỏm từng ngày. Cô nhìn lên, hồi hộp đợi chờ: Tết sắp về chưa? Bởi người lớn bận lắm, đâu có ai trả lời. Thơ thẩn, cô hỏi những mầm xanh, mà mầm xanh đâu đã nhú.


    Rồi một ngày cô nhóc thốt lên ngỡ ngàng khi nheo mắt kiếm tìm qua ô cửa. A, chồi non kìa. Cô thích thú, ngây ra ngắm những mầm lá bé bé xinh xinh xanh non như ngọc. Và chỉ ngày một ngày hai hớp những giọt mưa xuân, những bạn chồi biếc ấy bung ra, khoe chiếc áo xanh non mỡ màng.


    Rồi cô nhóc lại thắt lòng chờ đợi. Một. Hai. Ba. Bốn. A, những chùm nụ đã lấp ló đầu cành. Những viên bi bé xíu xinh ơi là xinh. Những viên bi màu xanh lục cứ lớn dần lên. Chỉ vài hôm sau chúng hiện ra long lanh hệt như những viên ngọc trai muôn muốt trắng. Rồi vài hôm sau nữa, nó e ấp mở cánh, hệt như cô công chúa tí hon, khẽ vén tấm voan che mặt, mỉm cười thẹn thùng nhìn chàng hoàng tử. Rồi những cánh hoa xòe hẳn. Những cô công chúa tí hon phô trọn vẻ đẹp ngọc ngà, xòe chiếc váy lộng lẫy, khoe mùi hương mê đắm, ngất ngây.


    Cô nhóc nhắm mắt lại, để mùi hương dẫn lối. Bồng bềnh. Bồng bềnh. Hương bưởi đưa cô đi. Lao xao trong vòm lá. Nghe nắng, nghe gió, nghe sương thầm thì. Ôi cái mùi hương bưởi, mùi hương nồng nàn theo cô vào những giấc mơ, đưa cô đi qua những ngày tháng ba thơ ấu...


    Tuổi trăng tròn. Lần đầu tiên trong đời cô bé thổn thức khi cậu bạn cuối xóm tặng chùm hoa đúng hôm cô trở lại trường tỉnh học. Chùm hoa bưởi trắng ngần tỏa hương ngào ngạt, vụng về gói trong tờ giấy trắng để trong giỏ xe tự lúc nào, chỉ với dòng viết vội: “Tặng bạn, mình hái trộm mẹ đó!”. Đọc xong cô nhóc phì cười, nhưng rồi tự nhiên nghĩ miên man.


    Lên đại học. Mùa hoa bưởi đầu tiên xa nhà cô đã không còn xao xuyến nữa. Mười một bức thư cô đã gửi, mà chàng trai năm ấy chẳng trả lời. Đó là mùa xuân đầu tiên trong đời, cô không còn thấy hương bưởi níu chân mình về với tháng ba. Tháng ba xưa cứ thế mà xa, xa mãi.


    Cô lấy chồng xa. Một ngày cuối tuần, cô trở về đúng dịp mùa xuân. Hương lá bưởi thơm ngào ngạt quyện vào hương bồ kết, hương nhu tỏa khắp hiên nhà. Cha gội đầu cho mẹ bên thềm. Mái tóc mẹ đã vòn đi sau bao năm tháng. Mái tóc xanh chấm gót thuở xưa hớp hồn cha buổi ban đầu đã bạc đi quá nửa, đã rụng rơi cùng với gió sương. Cô mỉm cười. Rồi nhanh chóng ngậm ngùi.


    Bước vào buồng, cô sững lại giây lát khi cánh mũi chạm vào hương bưởi. Ôi cái hương hoa thắt lòng thương nhớ. Nó nhấc bổng cô về ngày xưa.

    Thơ ấu...
    Hoa niên...
    Thời sinh viên năm nhất...


    Cô chờn vờn giữa thực và mơ. Bấy nhiêu năm, sao phải đến hôm nay cô mới nhận ra hương bưởi đâu hề có lỗi...

    Như một phản xạ tự nhiên. Cô kiếm tìm. Những bông bưởi trắng ngần cắm trên chiếc cốc thủy tinh trong suốt trên ô cửa ngay đầu giường mẹ. Cô chợt hiểu. Hình dung ra cảnh người đàn ông lưng đã còng đi, rạc gầy, cố với tay ngắt chùm hoa tặng vợ, cô hạnh phúc mà xa xót.


    Cây bưởi sau nhà mỗi ngày một cao lên. Chỉ có tấm lưng mẹ cha là còng xuống... Trong tích tắc, cô nhận ra những cuốn tiểu thuyết ngôn tình cô đã tôn thờ trở nên vô nghĩa quá. Cô ngậm ngùi nghĩ đến quãng đời dằng dặc mà anh em cô vắt kiệt mồ hôi, nước mắt mẹ cha. Để khi mỗi đứa con tung cánh bay xa, họ mới có thể ngồi lại chải tóc cho nhau, ngắt tặng nhau chùm hoa bưởi như cái ngày xa xưa ấy. Nhưng thời gian đâu có đợi chờ, họ mắt đã mờ, chân đã chậm, tay trao tay mà lắm run run...


    Rồi mẹ bệnh. Thương cha vất vả, cô mang về những chai dầu gội Enchenter thơm ngát nước hoa. Nhưng nó vẫn nằm nguyên ở đó. Cha cần mẫn kiếm lá, đun và gội đầu cho mẹ. Cô hiểu, cha cố níu những sợi tóc ngày xưa, những sợi tóc xanh ngát mùi hương bưởi đã khiến trái tim chàng trai tuổi hai mươi thổn thức. Nhưng ...Cô không dám nghĩ thêm gì nữa.


    Một lần về quê, sắp quần áo cho mẹ để vào nằm viện, cô thấy trong tủ đồ của mẹ một chiếc hộp gỗ đỏ như son mà mẹ vẫn để mấy thứ “bí mật” riêng mình như những lá thư tình của cha, những tấm thiệp cha gửi về từ Liên Xô khi ông du học. Tò mò, cô rối rít mở ra. Cả một mớ tóc dài nằm cuộn gọn gàng, sợi đen sợi bạc đan nhau. Cô sững lại. Bàng hoàng. Giờ thì cô đã hiểu. Tại sao trong nhà tắm, trên gối, cô không thấy những sợi tóc nào của mẹ. Cha đã âm thầm nhặt từng sợi tóc bấy lâu có phải chỉ vì tiếc nhớ? Có phải chỉ vì muốn níu lấy ngày xưa? Hay vì sợ mẹ phát hiện ra điều đau khổ nhất? Hay sợ mẹ muộn phiền nhìn những sợi tóc đi?


    Và rồi ngày đó vẫn đến dù ai nấy đều biết trước. Sợi tóc cuối cùng cũng đã bỏ cha đi. Cô mua cho mẹ chiếc mũ vải để chụp lên đầu, không quên ôm lấy mẹ, rồi giơ điện thoại ra soi: "Đấy, mẹ đội chiếc mũ này xinh lắm!". Mẹ cười mà nước mắt ậng lên. Cô hiểu, điều cả nhà cố giấu mẹ bấy lâu đã chẳng thể giấu được nữa rồi...


    Nhưng cha không đành đoạn. Ông vẫn ngồi bên giường mẹ, tay khẽ chà những vỏ bưởi vàng hươm lên mái đầu đã chẳng còn lấy một sợi thương sợi nhớ. Cô tính ngăn cha mà không thể mở lời. Ông vẫn làm việc đó như một thói quen cố hữu - cần mẫn, miệt mài. Cô chỉ biết nhìn cha, nhói buốt.


    Và cô đã sai. Chỉ độ tháng sau. Những sợi đen, sợi trắng đã mọc ra trên mái đầu trống trơn của mẹ. Chúng cứ dài thêm trong sự ngỡ ngàng của anh em cô, trong niềm hạnh phúc không sao giấu nổi của cha. Cô hiểu, cha vui đến nhường nào, khi cô tưởng ra cảnh người đàn ông trầm mặc gom nhặt từng sợi tóc vương vãi khắp nơi, trên sàn nhà, ngoài bậu cửa. Cô hiểu, khi biết cha đã cẩn thận cột lại bằng dây nịt, chải nó mượt mà mỗi ngày trước khi cuộn gọn gàng trong hộp gỗ - chiếc hộp cha tặng riêng cho mẹ trước khi sang Liên Xô học, chỉ để đựng những kỉ vật thiêng liêng giữa hai người.


    Mùa xuân năm đó, hoa bưởi vẫn đưa hương ngạt ngào nơi đầu giường mẹ, thầm thì bên gối, bên chiếc cốc thủy tinh trong suốt tựa pha lê. Cô nhắm mắt hít hà hương mẹ, thắt lòng nghĩ đến những mùa sau...

    Tháng Ba.


    Dương Châu Giang

    Mùa hoa thương nhớ
    Mùa hoa thương nhớ
    Mùa hoa thương nhớ
    Mùa hoa thương nhớ
  10. Không biết từ bao giờ tôi lại yêu mùi hoa sữa đến thế. Cái mùi mà đa số người Hà Nội đều bảo thoang thoảng còn thấy thích chứ ở gần thì cảm giác nồng nặc vô cùng khó chịu.


    Nhà tôi ở một huyện nhỏ cách Hà Nội hơn 2 tiếng đi xe ôtô. Từ bé đến lớn tôi đã được ra thăm Hà Nội nhiều lần nhưng chỉ vào mỗi dịp nghỉ hè nên chưa từng biết đến một mùa thu Hà Nội.

    Những năm đầu sinh viên tôi học trên thành phố và cũng thường hay ngân nga bài hát "Hoa Sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng nhưng cũng chưa từng biết mùi hoa ấy ra sao.


    Năm học thứ 3 tôi nhận làm gia sư cho một gia đình nọ. Nhà họ có 2 cậu con trai học cấp 2. Những tối đến nhà học trò dạy tôi đều được nghe một mùi hương rất thơm mà không biết hoa gì. Mấy ngày sau hỏi cô chủ nhà thì mới biết đó là cây hoa sữa trồng ngay trước cổng. Tôi nhìn ra thấy một cây to xum xuê lá, cây có những chùm hoa màu trắng nhỏ như màu giọt sữa. Tôi chợt nghĩ "à hoá ra đây là hương thơm của hoa sữa, thảo nào mà có cả một bài hát nổi tiếng viết về nó"


    Cũng chính mùa thu năm ấy tôi bắt đầu quen anh. Anh là anh họ của cô bạn cùng lớp nhưng anh lại làm việc trên Hà Nội.

    Thời ấy anh đang theo đuổi tôi nên rất hay về quê dịp cuối tuần. Tối thứ 7 anh thường đón tôi sau các buổi dạy . Anh ngồi trên chiếc xe máy cũ chờ tôi ngay dưới gốc cây hoa sữa. Chúng tôi thường chạy xe trò chuyện song song trên con đường đưa tôi về khu trọ vì lúc ấy cũng không còn sớm mà đi loanh quanh nữa. Trên đường về cũng nghe thoang thoảng trong gió mùi hương hoa sữa.


    Sinh nhật tôi lần đó anh hỏi:

    - Em thích nhất hoa gì?


    Tôi buộc miệng trả lời luôn:

    - Em thích nhất là hoa sữa


    Anh ngạc nhiên nhìn tôi:

    - Nhưng chẳng ai lại tặng hoa sữa dịp sinh nhật cả.


    Tôi cũng đáp lại:

    - Em thích nhất là hoa sữa chứ em có bảo anh mua hoa sữa tặng sinh nhật đâu cơ chứ.


    Thế là sinh nhật tôi năm đó anh tặng tôi một bó hoa hồng.


    Ngày ra trường tôi khăn gói lên Hà Nội xin việc. Năm đó là năm đầu tiên tôi được đón một mùa thu Hà Nội và thưởng thức "đặc sản" hoa sữa ở Hà Nội.

    Tôi ở nhờ nhà người bác họ. Đầu ngõ nhà bác có một cây hoa sữa rất to. Tôi còn nhớ lúc chuyển lên là cuối tháng 9. Hoa sữa mới là những bông bé li ti mùi hương mới nghe thoang thoảng. Buổi tối tôi thường mở cửa sổ tầng 2 để hít hà hương thơm ấy. Những ngày tiết trời heo may se lạnh thì hương hoa sữa mới bắt đầu ngát thơm hơn. Quả thật là cũng hơi nồng nàn nếu mùi hương toả ra nhiều quá. Bác tôi bảo hoa sữa nghe thoáng qua mới thích còn nồng nặc quá thì cảm thấy hăng hắc rất khó chịu.


    Những năm đầu sống ở Hà Nội, hoa sữa vẫn còn rất nhiều trên các phố Nguyễn Chí Thanh, Quán Thánh, Quang Trung nên những tối cuối tuần anh vẫn thường đón tôi ra đó. Anh còn trêu tôi: "Sau này có con gái nhớ đặt tên con là Hoa Sữa đấy nhé"


    Nhưng rồi mối tình của chúng tôi không trọn vẹn vì anh phải chuyển công tác vào miền trung. Sau đó vì khoảng cách quá xa nên dần dần chúng tôi cũng không còn liên lạc với nhau nữa.


    Đến giờ hoa sữa không còn trồng nhiều trên các con phố của Hà Nội. Thi thoảng mới bắt gặp mùi hương hoa sữa thoảng qua. Tôi vẫn yêu hoa sữa như ngày nào nên thi thoảng buổi tối mùa thu tôi vẫn thích lang thang ra con đường có hương hoa sữa toả. Bao kỉ niệm của một thời còn sinh viên cứ thế lại ùa về. Lâu rồi tôi không gặp anh, chẳng biết anh có còn nhớ người con gái năm xưa rất yêu mùi hương hoa sữa hay không nữa?


    Mộc An Nhiên

    Nhớ những mùa hoa sữa
    Nhớ những mùa hoa sữa
    Nhớ những mùa hoa sữa
    Nhớ những mùa hoa sữa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy