Bài tham khảo số 1

Bài thơ Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung có nội dung giống như một truyện ngắn. Có nhân vật, có cốt truyện mạch lạc và có cả tính cách nhân vật, anh chồng là một chàng trai bẽn lẽn (Sắp tới chỗ người đông/ Anh bảo em ngoái lại) và chị vợ là người tần tảo, đảm đang, thuỷ chung, nồng nàn. Vậy thì bài thơ sống được chính là vì cái “chất truyện” thấm đẫm trong hồn cốt và nhờ cái giọng thơ mộc mạc, chân chất, cái điệu thơ như một bài ví dặm của xứ Nghệ quê hương nhà thơ!


Nhân vật và tâm trạng của các nhân vật trong cuộc đưa tiễn trong thơ Trần Hữu Thung gần gũi với chúng ta, và nhất là tình người trong cảnh chia ly:


Cái sắc mây anh mang

Em nách mo cơm nếp…

Xa xa nghe tiếng hát

Anh thấy rộn trong lòng…


Chia tay người vợ để ra trận, đi chiến đấu cho một lý tưởng tốt đẹp là giải phóng đất nước, thì cái “mo cơm nếp” của người vợ và đôi dép cao su của người chồng (lúa níu anh trật dép) của Trần Hữu Thung, những chi tiết ấy cũng chỉ là cái hiện đại bên ngoài, cái vẻ ngoài của vợ chồng người chiến sỹ mà thôi. Cái hiện đại đích thực nằm bên trong, nghĩa là trong tâm hồn và bản lĩnh của con người hiện đại. Ra đi rồi, người lính dặn vợ ở lại điều gì. Thì đây, điều quan thiết nhất của anh là:


“Ruộng mình quên cày xáo

Nên lúa chín không đều

Nhớ lấy để mùa sau

Nhà cố làm cho tốt!”


Nếu có một lỗi lo âu còn vướng bận trong lòng người chiến sỹ nông dân ấy thì đó là nỗi lo cho ruộng đồng, cho mùa màng mà thôi! Bản chất tính cách và tâm hồn nhân vật thơ được thể hiện rõ ràng, được khắc hoạ rất điển hình trong lời đối thoại kia. Không những thế, để thể hiện bản chất của người đàn ông “ra đi không vướng thê nhi”, nhà thơ chỉ biết hai câu rất nhẹ nhàng, giản dị:


Sắp đến chỗ người đông

Anh bảo em ngoái lại


Viết hai câu thơ trên, tôi cứ nghĩ nhà thơ sẽ mỉm cười hóm hỉnh và tự chiêu một ngụm nước chè, nếu không phải là một ly rượu!


Nửa bài thơ còn lại, nhà thơ giành để mô tả người vợ nơi quê nhà, thể hiện tâm trạng, tình cảm của một “nàng vọng phu” mới. Nàng vọng phu hiện đại đếm tháng ngày xa chồng bằng mùa vụ cây trồng, hơn thế, nàng còn đếm những tháng năm xa bằng những “mùa chiến dịch”.


Cam ba lần có trái

Bưởi ba lần ra hoa

Anh bước chân ra đi

Từ ngày đầu phòng ngự

Bước qua kỳ cầm cự…


Thật là một cách đếm tháng ngày vô chừng độc đáo, có một không hai, mà có lẽ duy chỉ có những người phụ nữ xa chồng (người xứ Nghệ) mới đếm được! Đợi mãi rồi cũng nhận được một lá thư từ chiến trường gửi về, niềm vui vô hạn ấy được thể hiện lặng lẽ và kín đáo làm sao: Cầm thư anh mân mê /Bụng em giừ phấp phới. Trong niềm vui ấy, người phụ nữ hậu phương liền ngầm nảy ra ý định thi đua với chồng nơi tiền tuyến:


Anh đang mùa thắng lợi

Lúa em cũng chín rồi

Lúa tốt lắm anh ơi

Giải thi đua em giật


Thế rồi, một năm nữa lại trôi đi, nỗi nhớ thương trong lòng người thiếu phụ nơi quê nhà càng thêm cháy bỏng. Chị lại bắt đầu đếm từng ngày, từng ngày trôi qua trên những đốt ngón tay:


Xòe bàn tay bấm đốt

Tính đã bốn năm ròng

Người ta bảo không trông

Ai cũng nhủ đừng mong

Riêng em thì em nhớ


Trong những câu thơ trên, Trần Hữu Thung tỏ ra rất lão luyện và tinh diệu trong xử lý ngôn ngữ. Ba tiếng trông, mong, nhớ được nhà thơ sử dụng với ba màu sắc tình cảm khác nhau. Nếu như trông và mong có quan hệ tương tác giữa hai đầu thương nhớ, có thể làm cho người ở nơi xa kia nóng ruột, thì người phụ nữ thương chồng này chỉ chọn chữ “nhớ” thôi. Nhớ nghĩa là chỉ từ một phía, phía chủ thể, phía chủ quan, phía hi sinh hứng chịu, phía đợi chờ…


Nỗi nhớ sẽ không ảnh hưởng gì đến người được nhớ, để người ấy yên tâm mà đánh giặc, không máy mắt, không nóng ruột, sốt lòng. Rõ ràng biện pháp tu từ ở đây là hết sức tự giác, thể hiện một bản lĩnh rất cao cường. Sự phân trần tiếp sau đó của người thiếu phụ mới chân thành và cảm động lòng người làm sao:


Chuối đầu vườn đã lổ

Cam đầu ngõ đã vàng

Em nhớ ruộng, nhớ vườn

Không nhớ anh răng được?!


Bài thơ khép lại bằng khổ thơ cuối thanh thản hơn, tự tin và cũng tin tưởng hơn vào ngày thắng lợi. Dường như chịu đựng mãi rồi cũng quen, người phụ nữ không đếm từng ngày nữa. Nhìn vào mùa màng bội thu, biết công sức của mình đã được đền đáp, chị chỉ còn trông chờ vào ngày chiến thắng anh sẽ về.


Mùa sau kề mùa trước

Em vác cuốc thăm đồng

Lúa sây hạt nặng bông

Thấy vui vẻ trong lòng

Em trông ngày chiến thắng!


Giống như các nhà thơ cùng thời, trong bài thơ Thăm lúa, nhà thơ Trần Hữu Thung cũng sử dụng rất nhiều từ địa phương (vùng Nghệ Tĩnh). Nào là: Sáng mai ni, đến bờ ni, nào là: bụng em chừ, ai cũng nhủ, chuối … đã lổ, răng được… Những từ ngữ địa phương ấy không những không làm “địa phương hoá” bài thơ mà còn tạo được một nét duyên thầm cho phong cách thơ, tạo nên sự chân thực của cảm xúc, màu sắc riêng tư của tác giả để bài thơ trở nên đặc sắc, riêng biệt, không thể trộn lẫn.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy