Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Người đi tìm hình của nước (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Bài tham khảo số 6

Năm 1960 Bác Hồ 70 tuổi, sinh nhật Đảng tuổi 30, kỉ niệm 15 năm ngày thành lập nước. Miền Bắc bừng lên không khí sôi nổi đầy hứng khởi thi đua lập công dâng Bác, dâng Đảng. Chế Lan Viên viết bài thơ trong dịp chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm ấy. Thi phẩm được đưa vào tập Ánh sáng và phù sa (1960), sau đó tuyển vào tập Hoa trước lăng Người (1977). Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu (1963) đánh giá đâylà “bài ca thành tựu nhất trong tập Ánh sáng và phù sa”. Cho đến nay, qua sự thử thách của thời gian bài thơ càng phát ra những ánh sáng thẩm mỹ mới, xứng đáng không chỉ là viên ngọc trong di sản thơ ca quý giá của Chế Lan Viên mà còn của cả thơ ca Việt Nam hiện đại.


Bài thơ dựa vào cái tứ vững chãi: nước mất nên không còn hình bóng trên bản đồ thế giới nên Bác là người đi tìm lại. Không chỉ tìm lại trên bản đồ thế giới mà còn tìm lại trong trí nhớ, trong ý thức của nhiều người. Thế nên có những câu rất đắt như “Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê”. Vua Lê tạo ra tên Hồ Gươm mà không ai nhớ, không ai bàn đến tức là đã lãng quên lịch sử thật đáng trách. Tên bài thơ có thể “diễn nôm” là “Bác Hồ đi tìm đường cứu nước”. Thế là cách nói thông thường, không phải thơ vốn có nghệ thuật chủ đạo là kiến tạo hình tượng thẩm mỹ giàu có ý nghĩa cảm xúc, tư tưởng. Có người nói cái tứ này độc đáo nhưng không phải vậy. Chúng ta đã có một bộ sử thi lớn là Đẻ đất đẻ nước mang cảm hứng vĩ đại khai sinh ra đất nước. Nên nói Chế Lan Viên kế thừa, phát triển tinh hoa vốn cổ thì có lẽ đúng hơn. Chính nhà thơ sau này trong tùy bút nổi tiếng về Bác Hồ có tên Sen của loài người cũng nói: “Có những vĩ nhân đẻ ra sách. Có những vĩ nhân đẻ ra đời. Có những thời kỳ trước hết phải tạo ra núm ruột, chùm rau...”(1). Ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa bao trùm của bài thơ: Bác là người khai sinh ra đất nước này! Cũng cần thấy thêm một nét phong cách Chế Lan Viên là thường hấp dẫn đến mê say về sự sinh nở. Thơ ông có nhiều những hình tượng nói về sự sinh nở như “bào thai”, “núm ruột”, “bọc hồng đất nước”, “chùm rau”, “cái trứng non sông”...Ông từng triết lý cách mạng là một cuộc sinh nở lớn...Bài thơ này cũng là một sự sinh nở, một sự sinh nở vĩ đại với sự ra đời một đất nước. Với ý nghĩa ấy dân gian gọi Bác là “Cha già dân tộc”, Chế Lan Viên nói khác đi, bằng thơ: Người đi tìm hình của nước! Cũng là một sự “đẻ đất đẻ nước” đó thôi!


Thường có mấy khuynh hướng viết về Bác Hồ: sự hài hòa tuyệt vời cái bình thường, giản dị, truyền thống mà vĩ đại, cao cả, cổ điển (Tố Hữu với Bác ơi, Theo chân Bác...); cái rất mực ấm áp đời thường (Minh Huệ với Đêm nay Bác không ngủ...); sự vĩ đại lớn lao, cao cả, tuyệt đối (Người đi tìm hình của nước...). Chế Lan Viên không theo xu hướng khái quát toàn bộ cuộc đời Bác như Tố Hữu (Theo chân Bác) mà tập trung khai thác tâm trạng, những gian nan Bác gặp nên hình tượng thơ (Bác) được cụ thể hóa ở mức triệt để nhất: “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc”. Người đọc cứ như hình dung ra một con người thật trước mắt: “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ...”. Cụ thể hóa để đạt đến độ khái quát hóa cao nhất: “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”. Chính trị học sẽ phải diễn giải ý này bằng hàng trang luận thuyết mới có thể tường minh được sự thống nhất, sự gặp gỡ mục đích, quyền lợi, vai trò...của Đảng và dân tộc, nhân dân, đất nước. Câu thơ này tiêu biểu cho định nghĩa thơ là sự cô đọng, hàm súc, nói được nhiều ý nghĩa nhất trong vốn từ vựng ít nhất. Bài thơ cũng thể hiện tập trung phong cách Chế Lan Viên thiên về trí tuệ, triết lý, sắc sảo, câu chữ được tinh luyện như vàng như ngọc, nhìn ở góc độ nào cũng thấy phát sáng.


Bài thơ dài 20 khổ, mỗi khổ thường 4 dòng, mỗi dòng thường 8 chữ phác họa những tâm tư tình cảm, suy nghĩ và những gian nan mà Bác đã gặp trên hành trình cứu nước. Đại để có thể chia bố cục bài thơ thành ba phần, phần 1 là cảm nghĩ của tác giả về con đường Bác đi, phần 2 là cảm nghĩ về sự vất vả gian nan Bác đã trải qua và nỗi vui mừng khi Bác tìm thấy đường đi, phần 3 cảm nghĩ khi Bác đọc Luận cương và trên đường về nước. Như vậy bài thơ tổ chức theo trật tự thời gian trên cơ sở cả một hệ thống hình ảnh tương phản.


Có lẽ chủ ý của tác giả gây ấn tượng về các cặp đối lập ở ngay câu thơ mở đầu 10 chữ được ngắt đoạn: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”. Nhờ sự đối lập này mới nói lên được cái hoàn cảnh bức bối mất nước và tâm trạng quyến luyến của nhân vật trữ tình là Bác. Câu tiếp theo vẫn nằm trong hệ thống đối lập ấy nhưng có gì đấy đột ngột, vội vã: “Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”. Nhưng nhờ vậy mới thể hiện được cái tâm trạng vội vàng (của “tôi”) như muốn theo Bác ngay để phần nào chia sẻ những gian nan sắp tới...


Xét về thời gian nghệ thuật thì các sự kiện trôi theo dòng lịch sử dài đúng 30 năm. Ngày 28-1-1941 lịch sử Bác về nước. Bước qua cột cây số 108 là Tổ quốc mình, cảm động Người cầm hòn đất lên hôn. Hòn đất ấy trở thành biểu tượng cho giang sơn đất nước Việt Nam này. Bác trở về để tạo hình Đất Nước! Cảm ơn Chế Lan Viên đã nói rất hay sự kiện này bằng thơ: “Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”.Phải là “lắng nghe” (thính giác) mới đúng là Chế Lan Viên. Vì trong sự “lắng nghe” ấy có cái âm thanh xôn xao cựa mình của hình hài đất nước, có cả cái rạo rực bồi hồi của con tim mình! Nên hiểu câu thơ theo nghĩa biểu tượng: Bác Hồ trở về thì “hình đất nước phôi thai. “Màu hồng” ở đây là màu của đất. Câu thơ cho thêm một nghĩa mới, Bác là con người của thiên nhiên, đất đai, cây cỏ. Sau này là Chủ tịch Nước Bác vẫn sắn quần lội ruộng, cùng bà con tát nước, gặt lúa. Ngày thường Bác vẫn làm vườn “Việc quân việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”!


Ngày nay người ta quan niệm tác phẩm nghệ thuật là một mô hình. Nếu là tác phẩm lớn thì có thể ví như một mô hình tòa lâu đài do tác giả vừa thiết kế,vừa thi công. Thi phẩm này là vậy với hai cánh cửa bằng vàng mở ra mới thấy hết cả một thế giới nghệ thuật có thời gian dài 30 năm và không gian rộng “khắp châu Mĩ châu Phi”, cả “những đất tự do, những trời nô lệ”...Đó là hai câu thơ không chỉ đi vào lịch sử thơ ca mà còn đi vào lịch sử dân tộc: “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” và “Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. Vượt lên trên câu chữ, đó là tâm trạng không chỉ một người mà là tâm trạng của cả thời đại. Đó là lịch sử. Không chỉ là lịch dân tộc này mà còn là lịch sử nhân loại sẽ sang hẳn một trang mới.


Đấy là những câu thơ không có đáy. Có thể hiểu đó là chủ nghĩa yêu nước bắt gặp chủ nghĩa Lê nin. Có thể hiểu đó là nỗi mừng vui, lo âu, hồi hộp của Bác vừa tượng hình ra đất nước giống như người Mẹ tạo hóa vĩ đại tượng hình ra tạo vật!


Nguồn: N.T (http://vannghequandoi.com.vn/)

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Người đi tìm hình của nước (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy